Ban Biên Tập: H K Châu, L N Hui, Ng L Hương, C Ng Cường, Ng C Lâm, Ng Đ Thắng, NTHương

Monday, April 15, 2019

Bài thơ “Biển Bạch Đằng” của Nguyễn Trãi qua phân tích của Khương Hữu Dụng



Nguyễn Trãi (1380-1442) là người anh hùng dân tộc, văn võ song toàn "viết thư thảo hịch tài giỏi hơn hết một thời", là tác giả áng thiên cổ hùng văn “Bình Ngô Đại Cáo “Ức Trai thi tập” và "Quốc âm thi tập " là hai tập thơ của Nguyền Trãi làm rạng rỡ nền thi ca Đại Việt.

Bài thơ "Cửa Biển Bạch Đằng” rút trong "Ức Trai thi tập", một trong những bài thơ kiệt tác ca ngợi đất nước và nhân tài Việt Nam. Bài thơ như một thiên bút kí trữ tình về một cuộc du ngoạn tuyệt đẹp của thi nhân:

Biển lùa gió bấc thổi băng băng,
Nhẹ kéo buồm thơ vượt Bạch Đằng.
Ngạc chặt kình băm non lởm chởm,
Giáo chìm gươm gãy bãi dăng dăng.
Quan hà hiểm trở, Trời kia dựng,
Hào kiệt công danh đất ấy từng.
Chuyện cũ ngoảnh đầu, ôi đã dứt,
Dòng trôi tìm bóng dạ bâng khuâng

Mở đầu bài thơ là hình ảnh "cánh buồm thơ" căng gió lướt nhẹ vượt Bạch Đằng Giang. Một không gian mênh mông, bao la biển Trời sông nước. Gió biển lùa thổi mạnh, con thuyền lướt "băng băng" trên mặt biển. Cảnh quan bao la ấy của biển Trời đã khơi dậy một tứ thơ khoáng đạt dâng lên dào dạt trong tâm hồn phơi phới của thi nhân. Du khách cùng với con thuyền và cánh buồm thơ đang sống trong tâm thơ vô cùng ung dung, thư thái:
"Biển lùa gió bấc thổi băng băng,
Nhẹ kéo buồm thơ vượt Bạch Đằng"
Ức Trai đến với dòng sông, cửa biển không chỉ để thưởng ngoạn vẻ đẹp kì thế của thiên nhiên mà còn muốn tìm lại một thời đã qua, một thời oanh liệt về dòng sông lịch sử này. Hai câu thực là bức tranh hoành tráng về dòng sông, cửa biển Bạch Đằng:
"Ngạc chặt kình băm non lỏm chởm,
Giáo chìm gươm gãy bãi dăng dăng"
Núi, sông, bờ bãi hiện lên qua vần thơ và các hình ảnh ẩn dụ: “Ngạc ”, "kình " "gươm giáo " mang ý nghĩa tượng trưng. Trên cửa biển Bạch Đằng, núi chập chùng như bức trường thành chẳng khác nào đàn cá ngạc, cá kình - lũ giặc phương Bắc bị nhân dân ta căm giận băm vằm và chặt thành từng khúc. Bờ bãi nhấp nhô “dăng dăng " kéo dài vô tận như giáo gươm của lũ giặc ngoại xâm bị nhân dân ta đánh chìm, bẻ gãy chất đống mà thành.
Phép đối thần tình tạo nên vần thơ cân xứng hài hòa, cảnh vật cao thấp, xa gần đầy ấn tượng. Chất thơ dạt dào cảm hứng lịch sử đã đem đến cho người đọc những liên tưởng đầy tự hào về dòng sông và chiến công oai hùng của tổ tiên. Người đọc như cùng nhà thơ sống lại những năm tháng hào hùng thuở trước. Chính trên dòng sông Bạch Đằng này năm 938, Ngô Quyền đại thắng giặc Nam Hán chém chết thái tử Hoàng Thao; Năm 1288, Trần Quốc Tuấn tiêu diệt 3 vạn quân Mông - Nguyên, bắt sống Ô Mã Nhi. Phải có một tấm lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc mãnh liệt, Ức Trai mới viết nên những vần thơ tráng lệ như vậy.
Tiếp theo phần luận phép đối vẫn được sử dụng sáng tạo, cảm hứng lịch sử của thi nhân bừng sáng, ý thơ càng trở nên thâm trầm sâu sắc. Bài học giữ nước về địa lợi, về nhân hòa, về hào kiệt được nhà thơ nói lên rất thấm thía:
Quan hà hiểm trở Trời kia dựng,
Hào kiệt công danh Đất ấy từng
Địa thế Bạch Đằng hiểm yếu, là tử địa đối với lũ giặc phương Bắc, cửa biển lòng sông hiểm yếu ấy là quà tặng của thiên nhiên ban cho nhân dân ta để bảo vệ xã tắc “vững bền muôn thuở". Đất nước ta, dân tộc ta, anh hùng hào kiệt thời nào cũng có. Họ đã đem tài thao lược bài binh bố trận để lập nên những chiến công bất tử trên dòng sông Bạch Đằng. Quan hà với hào kiệt, Trời với Đất, được đặt trong thế đăng đối, Ức Trai muốn khắc sâu tư tưởng yêu nước chống xâm lăng. Cuộc chiến đấu chống ngoại xâm để bảo vệ Tổ Quốc Đại Việt từng diễn ra trên Bạch Đằng là chính nghĩa, lòng dân hợp lẽ Trời nên dã chiến thắng vẻ vang.
Hai câu kết, giọng thơ sâu lắng với bao cảm xúc mênh mang. Niềm cảm hoài dào dạt. Tâm hồn thi nhân như chan hòa với sông núi, mây Trời, sông nước. Tâm trí người anh hùng "Bình Ngô" sống lại một thời quá khứ oanh liệt của tiền nhân, suy tư trước những "việc cũ", tìm lại "bóng" những anh hùng thuở trước mà lòng bâng khuâng. Câu thơ cảm thán vang lên bồi hồi, luyến tiếc, gợi lên bao nỗi nhớ thương man mác:
"Việc cũ ngoảnh đầu ôi đã dứt,
Dòng trôi tìm bóng dạ bâng khuâng"
Nguyễn Trãi là nhà thơ viết nhiều, viết hay về cảnh trí thiên nhiên với một tình yêu tha thiết đối với tạo vật, với một cảm hứng lịch sử tràn đầy tình yêu nước và niềm tự hào dân tộc:
"Núi Dục Thúy mưa tan, non tựa ngọc,
Cửa Đại An triều dậy, nước ngang Trời"
"Côn Sơn suối chảy rì rầm,
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai"
Đằng sau những cảnh núi sông tráng lệ là hình ảnh nhân dân anh hùng được nhà thơ ca ngợi với tất cả niềm tự hào về sức mạnh nhân nghĩa Việt Nam.
Đọc bài thơ "Cửa Biển Bạch Đằng", ta cảm nhận sâu sắc thêm vế đối của người xưa: "Đằng Giang tự cổ huyết do hồng " - Ta thêm yêu đất nước và con người Việt Nam, tự hào về những trang sử chống xâm lăng của nhân dân ta. Tâm hồn Ức Trai đã hóa núi sông ta.

Ngày về của Hoa Anh Đào









Mùa Xuân Trên Đỉnh Langbian


Một trong những tập tục của Thiếu đoàn Lê Lợi là vào sáng mồng hai tết nguyên đán hằng năm, các đội trưởng tập trung tại nhà của đội trưởng nhất để cùng nhau đến chúc tết các Trưởng trong Thiếu đoàn. Sau đó cùng kéo nhau đi chúc tết từng đoàn sinh cho đến tối. Sang ngày mồng ba tết là trại đoàn được tổ chức để mở đầu cho một năm hoạt động của Thiếu đoàn.
Tết Canh Tý năm 1960 , chúng tôi được các Trưởng cho biết trại năm nay sẽ chinh phục đỉnh núi Langbian mà người dân Đà Lạt thường gọi là Núi Bà, cao 2169 mét. Núi nằm về phía Bắc thành phố khoảng 30 cây số. Chung quanh núi là rải rác các buôn làng của đồng bào sắc tộc người K’Ho – nơi mà chúng tôi mong có cơ hội đặt chân đến sau rất nhiều lần đã từng cắm trại mạo hiểm đến những địa danh như Cam Ly Thượng (không phải thác Cam Ly, thắng cảnh du lịch), Suối Tía, Suối Tiên, Núi Voi, Lapbé Nord, Lapbé Sud, Suối Vàng, Suối Bạc, Thác Gougar, thác Pongour, thác Prenn…
Vào thời điểm đó, chung quanh thành phố Đà Lạt vẫn còn khung cảnh thiên nhiên một trăm phần trăm với đồi núi, thác ghềnh và những khu rừng già bí hiểm gây sự tò mò và  đánh thức óc mạo hiểm của các Thiếu sinh như chúng tôi. Buổi sáng đứng từ trung tâm thành phố nhìn về hướng Bắc, thấy sương mù bao phủ đỉnh núi, chỉ thấy được hai đỉnh núi xanh biếc vào những ngày trời nắng ráo. Vào mùa khô, từ tháng mười  cho đến tháng tư, dân Đà Lạt thường thấy cảnh cháy rừng trên Núi Bà kéo dài có khi hơn cả tháng. Rừng cháy tạo ra những vòng lửa sáng rực cả một vùng trời, đứng ở bất cứ vị trí nào trong thành phố cũng thấy được cảnh cháy núi này. Những đám cháy như thế sẽ bị dập tắt khi có những trận mưa lớn nhiều ngày chứ sức người thì không tài nào trị nổi mặc dù có các toán bảo vệ rừng do  những người dân sắc tộc thuộc Ty Lâm sản thành phố đảm trách.
Bọn thiếu sinh chúng tôi ở Đà Lạt thường nghe những câu chuyện có tính cách huyền thoại liên quan đến núi Langbian nhưng không mấy ai trong chúng tôi quan tâm ngoài việc ao ước có một ngày được leo lên tận đỉnh núi để nhìn về thành phố.
Thời tiết vào những ngày tết nguyên đán rất lạnh. Từ 6 giờ sáng, các đội đã có mặt đông đủ tại nhà tôi vì lúc đó tôi là Đội trưởng nhất và nhà tôi nằm trên đường dẫn đến Núi Bà. Các Trưởng Nguyễn Văn Võ, Lê Thuần, Nguyễn Minh Hoàng cũng có mặt đúng giờ. Tất cả đều đi bằng xe đạp, ba lô trên vai và dây gậy, trại cụ đầy đủ. Sau hơn một tiếng đồng hồ phi ngựa sắt, chúng tôi đã có mặt dưới chân núi Langbian gồm 28 đoàn sinh và ba Trưởng. Chúng tôi vào làng thượng Mang Linh để gửi xe đạp ở phía dưới nhà sàn của một gia đình người K’Ho và không quên biếu gia đình này một bịch muối và năm ổ bánh mì do Trưởng Nguyễn Minh Hoàng đem theo.
Chúng tôi được chia ra làm hai toán. Toán thứ nhất gồm đội Sóc và đội Báo. Toán thứ hai có đội Voi và đội Hổ. Nguyễn Đức Quang đội trưởng đội Voi, Trần Hữu Tân đội trưởng đội Hổ, đội Sóc do Lê Công Mừng và đội Báo là Cao Duy Tuấn. Tôi được các Trưởng chỉ định cùng đi với toán thứ hai.
Toán Voi – Hổ đi sau toán Sóc – Báo 15 phút và trực chỉ lên đỉnh Langbian. Rời làng lúc 9 giờ sáng với bản đồ và la bàn để chấm tọa độ đỉnh núi. Lấy khởi điểm từ làng Mang Linh thì chúng tôi sẽ phải leo lên núi bằng hướng đông bắc mười lăm độ. Ra khỏi làng độ nửa cây số, chúng tôi gặp gặp một cánh rừng thưa đầy những hoa anh đào trắng đang nở rộ.  Người Đà Lạt gọi hoa này là hoa anh đào xá lị, hoa đẹp và có màu trắng. Ai đến Đa Lạt vào thời trước bảy lăm sẽ thấy cây đào xá lị được trồng dọc hai bên đường Nguyễn Tri Phương, từ cây xăng Kim Cúc chạy xuống đến Câu lạc bộ thể thao (cercle sportif) đối diện nhà Thủy Tạ và còn chạy thẳng lên đến giáp đường Trần Hưng Đạo, bên dưới khách sạn Palace. Mặc dù rất thích nhưng chúng tôi không một ai dám chặt hay bẻ hoa. Đây là rừng hoa thiên nhiên ít ai biết đến trừ những người dân K’Ho ở gần đó nhưng chúng trôi không thấy dấu vết gì chứng tỏ họ đụng đến rừng hoa anh đào này. Chúng tôi băng qua một con suối nước trong vắt, bề ngang khoảng chừng 20 thước, chảy len qua những tảng đá nâu đen tạo thành tiếng kêu róc rách. Sương mai vẫn chưa tan. Mặt trời vẫn chưa thấy ở hướng đông. Đội trưởng Nguyễn Đức Quang đi đầu chốc chốc dừng lại để nhìn vào la bàn. Tôi là người đi sau cùng của toán. Vừa ra khỏi khu rừng thưa thì chúng tôi thấy Trưởng Nguyễn Minh Hoàng đang đứng chờ chúng tôi trên một tảng đá lớn. Chúng tôi nhận được bản tin bằng Semaphore do Trưởng Hoàng gửi với nội dung: “Trình diện thiếu trưởng và thiếu phó ở đỉnh núi mười hai giờ ba mươi với ba cành phong lan”.



Đi hết khoảng dốc núi thoai thoải, chúng tôi bắt đầu vất vả để trèo lên những đoạn có dốc đứng với cây cối chằng chịt và to cao. Chúng tôi dùng gậy gạt những lùm bụi um tùm để mở  lối đi. Cứ độ mười lăm phút chúng tôi dừng lại để chờ nhau và định hướng rồi leo tiếp. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp vài lối mòn do những người K’Ho tạo thành để đi nhưng những lối này không cùng hướng đông bắc với chúng tôi. Càng leo lên chúng tôi càng cảm thấy khí lạnh vây bủa, nhìn lên chỉ thấy những ngọn cây xanh che khuất cả bầu trời bên trên. Những bụi cây và lá rừng hình như chẳng bao giờ được sưởi ánh nắng mặt trời. Mùi ẩm ướt xông lên từ những lớp lá rả mục. Những chiếc ba lô trên vai chúng tôi hình như mỗi lúc một gia tăng trọng lượng khi chúng tôi phải cố vượt qua những tảng đá phía trước để tiến lên. Chúng tôi kéo nhau băng qua những tảng đá hoặc phải đi vòng nếu gặp những tảng đá quá lớn bám đầy rêu phong. Chúng tôi phải hết sức cẩn thận khi leo lên những tảng đá để tránh trường hợp đá lăn xuống gây tai nạn nguy hiểm. Vô số dây leo chằng chịt trước mặt to bằng cánh tay nhưng chúng tôi không có cơ hội bám vào để đu như tarzan, điều mà chúng tôi đã làm nhiều lần khi cắm trại ở thác Prenn hay thác Pongour. Chúng tôi quan sát những thân cây cổ thụ để tìm kiếm phong lan nhưng vẫn chưa thấy. Khoảng hơn mười giớ chúng tôi ngồi túm tụ lại trên một tảng đá lớn để lấy bánh tét và kẹo mứt ra ăn. Khi cả toán ngồi lại thì thấy thiếu Nguyễn Hữu Tuệ, đội phó đội Hổ. Tôi lấy còi ra thổi một tiếng dài, sau đó liền nghe có tiếng còi đáp lại. Tôi liền thổi hai tiếng còi liên tục nữa  và cũng được đáp lại hai tiếng và chỉ trong chưa đầy năm phút chúng tôi thấy Tuệ ôm một mớ phong lan trước ngực và miệng cười toe toét. Thì ra anh chàng thấy phong lan trên cây nên âm thầm một mình dừng lại để leo lên “thu hoạch” trọn ổ. Chúng tôi đếm được bảy giò phong lan. Thế là toán chúng tôi đã có thừa “chiến lợi phẩm” của trời để trình diện cho thiếu trưởng và thiếu phó. Có một điều hơi lạ khi đi trong rừng rậm và leo núi, không một ai trong chúng tôi nghĩ đến sự nguy hiểm như gặp thú dữ. Chúng tôi cũng không thấy rắn rết gì cả. Chỉ thỉnh thoảng mới nghe tiếng đập cánh của những con chim khi chúng nghe tiếng động từ phía chúng tôi. Còn một điều nữa, đó là loài vắt mà chúng tôi được biết hễ cứ sau một trận mưa là chúng ở đâu dưới những đám lá khô mục hay lùm bụi chui ra cả bầy và bám vào chân, vào tay gỡ không ra. May là chúng tôi đi vào mùa khô. Nghe nói khi bị vắt bám vào thì dùng vôi bôi vào chúng mới chịu nhả ra hay khi chúng hút máu bụng no tròn mới hết bám.
Mười hai giờ chúng tôi dừng lại nghỉ năm phút. Chúng tôi còn 30 phút nữa để có mặt ở đỉnh núi. Hai chân để bước và leo, còn hai tay dùng để bám vào các rể cây hay vin vào những mõm đá hoặc bấu vào ngay mặt đất để trườn mình lên. Chúng tôi bảo nhau tăng tốc độ. Lúc này đội trưởng Tân đi giữa và tất cả sát nhau tiến lên, vượt qua những cây ngả nằm chắn ngang lối đi. Vài phút sau chúng tôi phát hiện sự hiện diện của toán thứ nhất do Lê Công Mừng và Cao Duy Tuấn hướng dẫn. Tôi dùng còi liên lạc và được đáp lại. Sau đó hai toán nhập lại để cùng bò lên đỉnh núi sau cuộc hội ý giữa tôi và bốn đội trưởng. Trên ba lô của Mừng và Tuấn lủng lẳng nhiều cành phong lan tuyệt đẹp. Càng lúc chúng tôi càng thấy rõ phía trên những ngọn cây là những mảng trời xanh, không còn những cây cổ thụ và đã thấy những lối mòn ngang dọc. Chúng tôi biết sắp lên tới đỉnh. Đúng như dự đoán, chúng tôi đặt chân lên đỉnh Langbian lúc 12 giờ 45 phút. Trễ mất 15 phút. Chúng tôi vừa vui vừa ngạc nhiên khi thấy các Trưởng Nguyễn Văn Võ, Lê Thuần và Nguyễn Minh Hoàng đang đứng giữa đỉnh núi cười đón chúng tôi.





Đỉnh núi là một khoảnh đất  tròn bằng phẳng,  đường kính độ mười thước. Như đã giao ước, hai toán cùng sắp hàng ngang và trình diện một lúc. Các Trưởng bắt tay trái từng thiếu sinh và ngỏ lời khen ngợi tất cả chúng tôi mặc dầu lên trễ 15 phút. Phong lan được giao cho các Trưởng trước khi được lệnh nghỉ ngơi để chuẩn bị bữa ăn trưa bằng thức ăn có sẵn là bánh tét, bánh chưng, bánh mì và mứt kẹo…
Ăn uống xong chúng tôi đứng tụ lại với nhau để nhìn xuống núi về hướng nam để thấy thành phố Đà Lạt mờ mờ ảo ảo dưới những đám mây. Chúng tôi có cảm giác như đang bồng bềnh trên mây. Thật vậy! Chung quanh đỉnh núi toàn là mây màu trắng chồng chất lên nhau  bồng bềnh lơ lửng. Những bản làng dưới chân núi cũng bị mây che khuất. Chung quanh chúng tôi toàn là mây với mây. Lúc đó tuy chưa nhận thức được sự thiêng liêng của tạo hóa như thế nào nhưng chúng tôi cũng cảm nhận được sự hùng vĩ của thiên nhiên, của đất trời chung quanh chúng tôi. Con người đứng giữa đỉnh núi và lơ lửng giữa trời và mây, nghĩ lại thấy chẳng khác nào chuyện trong cổ tích.
Vào lúc ba giờ chiều chúng tôi đươc lệnh rời đỉnh núi. Các Trưởng đi trước và đoàn sinh theo sau. Chúng tôi phải dùng gậy để việc đi xuống dốc được dễ dàng, nếu không sẽ bị trượt do không kiềm giữ được tốc độ xuống dốc. Nửa giờ sau các Trưởng dừng lại trên một khoảng đất bằng . Chúng tôi thấy ba chiếc lều cá nhân của các Trưởng đã dựng tự bao giờ.
Sinh hoạt buổi chiều là những trò chơi nhỏ và ca hát. Đặc biệt có trò chơi nút dây và cứu thương như cấp cứu khi bị rắn hay bò cạp cắn trong rừng. Chúng tôi được lệnh không được đi xa khỏi đất trại hai trăm mét ngoại trừ đi về  hướng một khe nước trong chảy xuống  từ một vách núi cách đất trại khoảng ba trăm mét. Những cụm khói bay lên khi chúng tôi nhóm lửa nấu nướng cho bữa cơm chiều với các món ăn cố hữu trong các kỳ trại là các món canh bắp cải nấu với tôm khô, su su xào thịt heo và trứng vịt chiên. Có chuyện vui xảy ra khi đầu bếp của đội Báo làm món trứng chiên. Chàng ta làm món trứng xong thì thấy trên mặt còn ướt nên treo cái chảo trên một nhánh cây gần đấy, khi bày biện các món đã nấu xong để chuẩn bị “đứng trước cơm canh giờ này…” thì chàng ta đi lấy chảo trứng. Đến gốc cây, chàng chỉ thấy cái chảo còn trên nhánh cây, còn trứng thì đã bị một bầy kiến đỏ bu ngập trên mặt đất. Hôm đó đội Báo chỉ có hai món ăn…
Màn đêm buông xuống. Ánh sáng từ những chiếc đèn bão lập lòe trong màn sương đêm lạnh lẽo. Rồi cuộc vui bên lửa với những bài ca, vỡ kịch, điệu múa, trò chơi của các đội luân phiên trình diễn. Những tiến a…a…a sau mỗi màn trình diễn vang vọng vào núi rừng thâm u. Những ánh mắt  rạng rỡ, những  nụ cười hồn nhiên, trong sáng của chúng tôi và những lời dặn dò của các Trưởng tưởng chừng như đang thị hiện đâu đây khi ngồi viết những dòng chữ này.
Sau bữa ăn khuya bằng món chè đậu ngay bên vòng lửa, chúng tôi hát bài “chúc ngủ” và lặng lẽ trở về lều. Các đội trưởng chia phiên gác cho các em. Lúc mười giờ, tôi và các đội trưởng đội phó đi theo các Trưởng để họp trên đỉnh núi. Phiên họp chỉ kéo dài trong ba mươi phút để kiểm điểm sinh hoạt một ngày qua và chuẩn bị cho chương trình ngày mai. Chúng tôi lạnh dúm cả người, co ro trong những chiếc áo ấm với bao tay và khăn quấn cổ nhưng hai hàm răng vẫn cứ đánh bò cạp, da mặt se thắt lại, miệng thở ra đầy khói và bụng thì thót lại vì cái lạnh đã đi vào thấu tới tim gan. Nếu đứng xa quá một thước thì chẳng ai thấy ai…
 





Khi trở lại đất trại, các Trưởng và tôi đi một vòng để kiểm soát việc canh gác của các em. Tay cầm gậy đứng co ro dưới gốc cây bên chiếc đèn bão để quan sát chung quanh là hình ảnh của các Thiếu sinh Việt Nam gương mẫu của hơn nửa thế kỷ trước.
Tôi vào lều nằm nghe sương rơi. Lá cây khua xào xạc bên ngoài hòa cùng với tiếng gió rít từng cơn, tiếng côn trùng rả rích trong các lùm cây hòa thành một tấu khúc rừng khuya kỳ diệu. Hơi đất lạnh và mùi lá cây ẩm mục không cản được giấc ngủ của tôi sau một ngày làm việc cật lực.
Tiếng tù và từ lều các Trưởng đánh thức bình minh. Chúng tôi bước ra khỏi lều trong màn sương dày đặc. Sau bài thể dục vận động do Trưởng Lê Thuần hướng dẫn, chúng tôi vẫn còn thấy cái lạnh bám sát quanh mình. Sau khi ăn sáng xong chúng tôi được lệnh nhổ lều để xuống núi theo con đường bậc cấp cách đất trại không xa. Mỗi bậc cấp đều có đặt một khúc gỗ dài khoảng một thước. Các Trưởng cho chúng tôi biết đây là con đường từ chân núi lên đến đỉnh Langbian có 1200 bậc cấp do Ty Công chánh Đàlạt thực hiện nhân chuyến viếng thăm Đà Lạt và lên đỉnh núi Langbian của Tổng thống Ngô Đình Diệm vào mùa hè 1957. Theo con đường bậc cấp này, chúng tôi xuống núi dễ dàng và nhanh. Chúng tôi về đến gần làng Mang Linh vào lúc 10 giờ rưởi sáng. Mười một giờ bốn đội có một cuộc thi. Đó là thi nấu cơm, không nấu thức ăn. Nấu cơm nhanh và ngon và tiêu chuẩn của cuộc thi. Các Trưởng phát cho mỗi đội hai ký gạo và một hộp diêm trong đó chỉ có một que diêm. Các đội chia nhau mỗi người một việc để “công cuộc” nấu cơm được tiến hành ngay. Hoạt cảnh nấu cơm thật là vui. Các em chạy đi nhặt củi khô đem về nhóm lửa. Trời gió và không khí ẩm ướt có thể làm cho việc nhóm bếp bị trở ngại. Các đội dùng các tấm tent để che quanh các bếp dã chiến. Khi các em bê nồi gạo xuống suối để vo và lấy nước thì các bếp lửa đã bùng cháy. May mà trời không có mưa, nếu không, vừa gió vừa mưa thì một que diêm cũng khó mà có được bếp lửa. Các em vừa dùng những nhánh củi khô  vừa cho thêm vào mớ lá khô còn ẩm nên các bếp bốc khói lên mù mịt. Nhiều em đứng quanh bếp sụt sịt với nước mắt nước mũi. Gần cả tiếng đồng hồ sau bốn nồi cơm được mang đến trình diện các Trưởng. Kết quả là cả bốn đội đều có nồi cơm cháy khét vì các em đun quá nhiều lá sau khi cơm vừa mới cạn. Cả bốn đội đồng điểm thi đua hạng chót. Các Trưởng yêu cầu cả đoàn ăn cơm chung thì các em nhìn nhau ngơ ngác cười vì không có thức ăn. Tuy nhiên, khi các em và Trưởng đã đứng chung quanh bốn nồi cơm khét thì Trưởng Nguyễn Minh Hoàng lấy từ ba lô của Trưởng ra hai chai xì dầu hiệu “Con Mèo.” Mọi người đều ngạc nhiên và cười ầm lên. Chưa bao giờ chúng tôi ăn một bữa cơm ngon và vui vẻ đến thế. Và như thông lệ, dưới các đáy nồi không còn một mảng cơm cháy khét nào. Hai chai xì dầu cũng không còn một giọt.
Đến hai giờ chiều chúng tôi họp đoàn gần ở mé làng Mang Linh. Các Trưởng nhận xét về kỳ trại với những lời khen và không quên khuyên nhủ đoàn sinh học hành cho giỏi, giúp đỡ cha mẹ và làm việc thiện mỗi ngày. Bài hát chia tay vang cả một góc trời trước khi vào căn nhà sàn để lấy xe đạp rồi theo đường cũ trở về thành phố vào chiều mồng bốn tết.
 





Hai tuần sau kỳ trại chúng tôi họp đoàn đầu năm, các Trưởng cho biết là kỳ trại tết vừa qua không giống như những lần cắm trại khác như chúng tôi đã được dặn là không làm thủ công trại như cổng chào, bàn ghế, bếp núc…Về ẩm thực thì được yêu cầu mang theo thức ăn sẵn có như bánh tét, bánh chưng, kẹo, bánh mứt…và chỉ mang gạo và thức ăn tươi cho một bữa ăn mà thôi.Trong buổi họp đầu năm này cũng có mặt Trưởng Lê Xuân Đằng là Đạo trưởng với những lời chúc tết và khen ngợi chúng tôi vì Thiếu đoàn Lê Lợi là đơn vị Hướng Đạo đầu tiên chinh phục đỉnh Langbian.
Thiếu sinh là lứa tuổi hạnh phúc nhất trong sinh hoạt Hướng Đạo mà tôi đã trải qua. Sau này khi được một số Trưởng và anh chị em Tráng sinh hỏi tôi là kỳ trại nào là kỳ trại tôi có nhiều kỳ niệm nhất. Tôi đã đề cập đến kỳ trại tết năm Canh Tý cũng là một trong những kỳ trại tôi không bao giờ quên. Kể về kỳ trại này cũng để tưởng nhớ đến các Trưởng đáng kính của tôi là Trưởng Nguyễn Văn Võ và Trưởng Lê Thuần. Trưởng Nguyễn Minh Hoàng hiện nay vẫn còn ở Đà Lạt. Trương Lê Xuân Đằng cũng đã lìa rừng năm 2013 tại San Jose.
Về các Thiếu sinh Lê Lợi: Nguyễn Đức Quang đội Voi, sau là nhạc sĩ Du ca, đã lìa rừng ngày 27 tháng 3 – 2011 tại California. Trần Hữu Tân và Lê Công Mừng hiện ở California. Cao Duy Tuấn ở Việt Nam. Sau bảy lăm không còn biết các bạn lưu lạc đâu!
Hôm 30 tháng 10- 2018 nhân ra mắt tập thơ Nguồn Thật tại San Jose (26 tháng 10) tôi có ghé viếng mộ Trưởng Lê Xuân Đằng, sau đó ghé nhà thăm bề trên của Trưởng. Chị đã 92 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh và minh mẫn như ngày nào. Tôi rất mừng! Hôm đó cũng gặp hầu như gần hết các người con của anh Đằng, tôi cũng gặp em Nguyễn Hữu Tuệ là đoàn sinh cũ. Cũng cần nhắc lại là tất cả các con của Trưởng Lê Xuân Đằng đều là Hướng Đạo, trong đó có em Lê Xuân Ái và Lê Xuân Cường là đoàn sinh của tôi, em Ái đã lìa rừng.
Hạnh phúc biết bao được gặp lại người xưa và nhắc lại chuyện cũ…
 



Viếng mộ phần Trưởng Lê Xuân Đằng. Trưởng Lê Quang Tuấn (con thứ của Trưởng Lê Xuân Đằng) đứng bên phải.


         Chị Lê Xuân Đằng (92 tuổi). Vợ chồng em Nguyễn Hữu Tuệ

Phong Châu 
Tháng tư - 2019