Ban Biên Tập: H K Châu, L N Hui, Ng L Hương, C Ng Cường, Ng C Lâm, Ng Đ Thắng, NTHương

Wednesday, September 2, 2020

Câu chuyện chiếc cầu Choluteca

 


Câu chuyện chiếc cầu Choluteca

 (Choluteca Bridge)

 

Cầu Choluteca hay còn gọi là Puente Sol Naciente ( Cây cầu mặt trời mọc), ở Choluteca, Honduras là một cây cầu có một số phận đặc biệt và kỳ lạ. 

Đặc biệt vì nó là một cây cầu lớn nhất kiên cố nhất  do một công ty Nhật thiết kế và xây dựng năm 1996 bắt qua sông Choluteca ở miền đất Choluteca, Honduras - một quốc gia Trung Mỹ. Một miền đất khắc nghiệt nổi tiếng với những cơn bão lốc tàn bạo, khốc liệt thường xuyên xảy ra. 

 

Được khánh thành vào năm 1998, cây cầu Choluteca hiện đại kiên cố dài 1,587.92 ft (484 m) trở thành một thành tựu về kỹ thuật xây dựng cầu đường thời đó, là niềm tự hào của Honduras. Nhưng nó cũng là cây cầu có một số phận hết sức kỳ lạ, vì chỉ một thời gian ngắn sử dụng thì cơn bão Mitch kinh khiếp ập đến đã trút lượng mưa 75 inch trong vòng chưa đầy 4 ngày cướp đi sinh mạng của 7000 người. Tất cả đều bị cơn lũ cuốn trôi: nhà cửa, của cải, làng mạc, ngay cả đường xá, cầu cống ở Honduras đều bị cuồng phong hủy hoại nhưng cây cầu Choluteca kiên cường vẫn đứng vững. Sau cơn bão kinh khủng ấy cầu Choluteca đã thành một “cây cầu vô dụng” vì bão đã phá hủy con đường nối hai bên mố cầu. Chỉ còn một mình nó trơ trọi nhô cao trên vùng đất hoang tàn. Lý do chính yếu làm cầu Choluteca trở thành vô dụng vì cơn bão đi qua khủng khiếp đến độ đã tác động làm thay đổi dòng chảy của của con sông Choluteca rộng vài trăm feet bên dưới. Dòng sông bị chệch hướng cũ và chảy sang một hướng khác, kế bên cây cầu. Từ đó cây cầu bị cô lập, chơ vơ trên vùng đất khô, không có đường đến, và cũng không có đường đi không bắc qua được con sông cần bắc, cây cầu đã trở nên vô dụng nằm “trêu ngươi” trơ gan cùng tuế nguyệt, bên cạnh dòng sông đã từng chảy qua dưới thân nó. 

⚜️

Chiếc cầu Choluteca kỳ lạ này thường được nhắc đến như là ẩn dụ kinh điển cho nhiều bài học trải nghiệm trong cuộc sống khi chúng ta phải  đối mặt với những  vấn đề không thể đoán trước được. Bão tố là tác nhân gây xáo trộn. Con sông đã tạo ra một dòng chảy mới thay thế cho chính dòng chảy cũ của nó để có thể  thích ứng với trật tự mới của thiên nhiên.

Kiên cố như cây cầu kia tưởng là hữu dụng bền lâu nhưng phút chốc lại trở thành vô dụng bởi biến đổi “nhỏ” của thiên nhiên. 

Con người có thể chống chọi lại những khắc nghiệt của thiên nhiên nhưng không thể chống chọi lại ý định của Thượng Đế.

Một mặt khác trong ý niệm siêu hình qua câu chuyện là lẽ vô thường của cuộc đời mà chúng ta ít khi nhận ra. 

⚜️

Đại dịch Covid đã tác động lớn và thay đổi nhịp sống của cả thế giới và ngay cả cuộc sống của chúng ta cũng đã phải thay đổi.

Thay đổi là phương thức duy nhất trong cuộc sống muôn mặt . Giống như dòng sông, chúng ta có thể phải thay đổi hướng đi trong cuộc đời mình để vượt trở ngại trước mắt mà vẫn đạt đến mục đích. Như dòng sông kia đổi hướng nhưng vẫn chảy ra biển lớn. Khả năng thích ứng vẫn là chìa khóa để tồn tại và phục hưng. 

 Tối hôm qua nhân nói chuyện với người bạn hữu tay trái của tôi về những vấn đề xáo trộn trong nội tình anh em hướng đạo VN tại Hoa Kỳ cũng như tại quê nhà trong thời gian gần đây dẫn đến nhiều thay đổi đầy kịch tính, tôi lại liên tưởng đến câu chuyện chiếc cầu Choluteca và chỉ muốn khéo léo nhắc với bạn tôi rằng chớ nên để những biến động đó ảnh hưởng đến sinh hoạt và tinh thần hướng đạo của mình. 

⚜️

Những công việc chúng ta làm tưởng như hữu dụng trường tồn thì cũng trở nên tưởng như vô dụng vì một tác động “nhỏ” của ai đó như câu chuyện chiếc cầu Choluteca.

Nhưng sự vô dụng đó vẫn trở nên hữu dụng theo thời gian và không gian nếu chúng ta biết thích nghi và thay đổi.

Nếu chúng ta không thể thay đổi người khác thì tốt hơn hết là chúng ta nên thay đổi chính mình. 

⚜️

Điều gì đã xảy ra với “cây cầu vô dụng” ở Choluteca (Bridge to Nowhere ) sau đó ?

Người ta đã không phá bỏ nó dù nó đã trở thành cây cầu “vô dụng”

Năm 2003, chính phủ Honduras đã nối cây cầu Choluteca “vô dụng”này trở lại với đường cao tốc trong vùng. 

Cây cầu “vô dụng” vẫn luôn luôn “hữu dụng” trong cách thế của nó. 

 

ĐĐSN

9/2020

 



No comments:

Post a Comment