Ban Biên Tập: H K Châu, L N Hui, Ng L Hương, C Ng Cường, Ng C Lâm, Ng Đ Thắng, NTHương

Monday, October 3, 2022

SƠ NGUYỆT

 



SƠ NGUYỆT

Rằm tháng Tám Trung thu đã qua hơn hai tuần, mau thật. Đầu tháng Chín (Âm lịch) mới chiều tối đã thấy ánh trăng thượng huyền treo trên ngọn hàng cây sau vườn, chợt nhớ câu thơ


Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung

Bán tự ngân câu bán tự cung

( Mồng ba, mồng bốn, trăng mờ ảo

Nửa như móc câu bạc, nửa như cánh cung)

Hai câu thơ này thầy Trần Trọng San có ghi lại trong quyển Đường Thi về một truyền thuyết khá lãng mạn có liên quan đến bài thơ Đường nổi tiếng Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế.

Truyền thuyết kể rằng vào một đêm sư cụ trụ trì chùa Hàn San, nhìn vầng trăng thượng tuần chợt cảm hứng nghĩ ra hai câu thơ:

“Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung

Bán tự ngân câu bán tự cung”

Thao thức mãi trong phòng mà sư cụ không nghĩ ra hai câu tiếp. Tự nhiên có tiếng gõ cửa. Thì ra là chú tiểu cũng trằn trọc vì 2 câu mà chú mới nghĩ ra:

“Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn

Bán trầm thuỷ để bán phù không”

nhưng cũng không làm tiếp được và xin thầy giúp. Nghe xong, sư cụ mừng quá, quỳ xuống tạ Phật. Vì quả thật 2 câu thơ của chú tiểu ăn khớp với 2 câu của sư cụ, thành bài tứ tuyệt mà Trần Trọng San đã dịch như sau:

Mồng ba, mồng bốn, trăng mờ

Nửa dường móc bạc nửa như cung trời

Một bình ngọc trắng chia hai

Nửa chìm đáy nước nửa cài từng không

Làm xong bài thơ này lúc nửa đêm, sư cụ bảo chú tiểu đánh chuông tạ ơn Phật. Tình cờ đêm hôm đó trên thuyền, thi sĩ Trương Kế cũng không ngủ được vì không nghĩ được câu tiếp cho hai câu “Nguyệt lạc ô đề...” Tự nhiên chuông chùa Hàn San đổ đến, gợi hứng cho thi nhân hoàn tất bài Phong kiều dạ bạc “...Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền...”

Chùa Hàn San là một ngôi chùa hẻo lánh ngoài thành Ngô Huyện thuộc tỉnh Giang Tô. Xung quanh bát ngát rừng mai, phía sau dòng sông xanh ngắt lững lờ uốn khúc, giữa hai dãy núi sừng sững vươn mình trong làn mây trắng xoá. Chùa ở bên cầu có cây phong nên gọi là Phong Kiều. Trên sông đêm có ánh lửa chài. Bài thơ của Tần Thục đời Tống có câu: “Ô đề nguyệt lạc kiều biên tự” (Quạ kêu trăng xế chùa bên cầu) và thơ Khang Hữu Vi đời Thanh, có câu “Lãnh tận Hàn San cố tự phong” (Lạnh đến cả cây phong bên chùa cổ Hàn San) đều nói rõ chùa Hàn San bên cầu có cây phong.”

Trương Kế, một nhà thơ thời Trung Đường đã viết bài Phong Kiều dạ bạc (Đêm đậu thuyền trên bến Phong Kiều) vào năm 756 cách nay gần 7 thế kỷ

Bài thơ như sau


Phong Kiều dạ bạc

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,

Giang phong ngư hoả đối sầu miên.

Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

Dịch nghĩa

Đêm đậu thuyền trên bến Phong Kiều

Trăng lặn, quạ kêu, sương phủ đầy trời.

Hàng phong bên sông, ngọn đèn thuyền chài ở trước người đang ngủ, vẻ buồn sầu.

Ngoài thành Cô Tô là chùa Hàn San,

Tiếng chuông lúc nửa đêm vẳng đến thuyền khách.

Tản Đà dịch thơ

Trăng tà, tiếng quạ kêu sương,

Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ.

Thuyền ai đậu bến Cô Tô,

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.

Cái câu “Dạ bán chung thanh” (Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa) đã gây tranh cãi trong thơ vì có chùa nào lại gióng chuông lúc nửa đêm để nhà thi sĩ thao thức trong thuyền nghe chuông khuya mà cảm tác thành thi. Thế nên mới có truyền thuyết “Sơ tam, sơ tứ…”

Ôi! , nguyệt lạc ô đề, trăng tà tiếng quạ… náo động hồn ta trong đêm sơ nguyệt

Lại liên ý đến Tô Đông Pha

“ Khuyết nguyệt quải sơ đồng,

Lậu tận nhân sơ tĩnh.

Thuỳ kiến u nhân độc vãng lai,

Phiêu diểu cô hồng ảnh.

(Trăng sơ huyền treo trên ngọn ngô đồng thưa lá.

Trời khuya, người bắt đầu vắng, chỉ nghe tiếng tí tách của đồng hồ

canh chừng giờ đêm

Chỉ thấy ẩn sĩ một mình đi lui đi tới

Thấp thoáng như bóng chim hồng lẻ loi)

Trăng khuyết vương nhánh ngô đồng

Trời khuya người vắng đêm dần dần vơi

Một mình ẩn sĩ tới lui

Như chim hồng bóng lẻ loi in mờ

mnc


Trăng sơ huyền, khuyết nguyệt, nguyệt lạc ô đề đến nguyệt ca … là hết một đêm lang thang trong thơ nhạc

“Từ khi trăng là nguyệt tôi nghe đời gõ nhịp ca

Từ em thôi là nguyệt coi như phút đó tình cờ “

3/10

Mai Ngoc Cuong

Có rất nhiều từ ngữ đi với chữ Nguyệt. Chép lại để nhớ

• ánh nguyệt độc thư 映月讀書: Đọc sách dưới ánh trăng. Chỉ sự hiếu học

• bạch nguyệt 白月: ánh trăng trắng ngà, màu nguyệt bạch

• bán nguyệt 半月: nửa vầng trăng

• bát nguyệt 八月: tháng tám

• bế nguyệt tu hoa 閉月羞花: ý đẹp đến nỗi trăng phải lặn hoa phải xấu hổ = hoa nhường nguyệt thẹn

• bích nguyệt 璧月: trăng tròn đẹp như ngọc bích

• bộ nguyệt 步月: đi dạo dưới trăng

• bồ nguyệt 蒲月: chỉ tháng Năm ÂL

• cao nguyệt 皋月: như bồ nguyệt

• chánh (chính)nguyệt 正月: chỉ tháng Giêng ÂL

• cô nguyệt 辜月: tháng 11 ÂL

• cúc nguyệt 菊月: chỉ tháng Chín ÂL

• cửu nguyệt 九月như cúc nguyệt

• dần nguyệt 寅月như chính nguyệt

• di nguyệt 彌月: đầy tháng trẻ con

• dư nguyệt 余月: tháng tư ÂL

• dư nguyệt 餘月: tháng nhuần

• dương nguyệt 陽月: tháng 10 ÂL

• đại nguyệt 大月: Tháng âm lịch đủ, có 30 ngày. Trái với Tiểu nguyệt là tháng thiếu, chỉ có 29 ngày.

• đạp nguyệt 踏月: đạp trăng ý nói đi chơi đêm

• đề nguyệt 提月 ngày cuối tháng

• đoan nguyệt 端月: như chính nguyệt

• đồ nguyệt 涂月 : chỉ tháng Chạp ÂL

• hạ cá nguyệt 下個月 tháng sau, tháng tới

• hoa nguyệt 花月 chỉ việc trai gái không đứng đắn

• huyền nguyệt : tháng 9 AL

• kiệm nguyệt 儉月: tháng đói kém

• kinh nguyệt 經月: vòng kinh phụ nữ

• lạc nguyệt 落月: trăng tàn

• lãnh nguyệt 冷月: trăng lạnh

• lạp nguyệt 臘月 chỉ tháng Chạp ÂL

• lâm nguyệt 臨月: tháng sẽ lâm bồn, tháng đẻ

• lộng nguyệt 弄月: vui chơi dưới trăng

• lục nguyệt 六月 : tháng 6 ÂL

• lương nguyệt 良月 Một tên chỉ tháng 10 âm lịch.

• mãn nguyệt 滿月: Tròn một tháng, Mặt trăng tròn , đủ ngày đủ tháng sinh con: mãn nguyệt khai hoa

• mạnh nguyệt 孟月: Tháng đầu tiên của một mùa, tức là các tháng giêng, tư, bảy và mười âm lịch.

• mật nguyệt 蜜月: tháng sau ngày cưới, tháng trăng mật

• mi nguyệt 眉月 : Trăng lưỡi liềm, cong như lông mày

• minh nguyệt 明月: trăng sáng; sáng trăng

• nguyệt tận 月盡 cuối tháng

• nguyệt thố 月兔 thỏ ngọc trong trăng, chỉ mặt trăng

• nguyệt thu 月秋 trăng thu

• nguyệt thực hiện tượng nguyệt thực (Mặt Trăng bị Trái Đất che khuất)

• nguyệt tịch 月夕 đêm rằm tháng tám ÂL

• nguyệt tín 月信 như nguyệt kinh, kinh nguyệt

• nguyệt tức 月息 tiền lời mỗi tháng

• nguyệt vĩ 月尾 cuối tháng

• nguyệt vọng 月望 ngày rằm

• nhập nguyệt 入月 tháng phụ nữ hành kinh

• nhật cư nguyệt chư 日居月諸:

Thi Kinh 詩經: “Nhật cư nguyệt chư, Chiếu lâm hạ thổ” 日居月諸, 照臨下土 (Bội phong 邶風, Nhật nguyệt 日月) Mặt trời và mặt trăng, Chiếu xuống mặt đất

• nhất nguyệt 一月 tháng Một

nhật nguyệt 日月: ngày tháng chỉ thời gian

• nhị nguyệt 二月 tháng Hai ÂL

• nhuận nguyệt 閏月tháng nhuần

• nông nguyệt 農月 Tháng bận rộn nhất trong việc làm ruộng, tức thời gặt hái. Ngày mùa.

• phạp nguyệt 乏月 chỉ tháng Tư ÂL

• phong nguyệt 風月: trăng gió

• quế nguyệt 桂月 rằm tháng 8

• quý nguyệt 季月

• sóc nguyệt 朔月 Ngày mồng một âm lịch. Ngày đầu tháng âm lịch

• sơ nguyệt 初月 trăng non, trăng thượng tuần, thượng huyền

• sương nguyệt 霜月 tháng Bảy ÂL

• tà nguyệt 斜月 trăng tà gần sáng

• tam cá nguyệt 三個月. Mỗi 3 tháng 1 lần. Kỳ 3 tháng

• tam nguyệt 三月 tháng Ba

• tàn nguyệt 殘月 trăng lặn gần sáng

• tân nguyệt 新月 trăng mới, trăng non, trăng thượng tuần, thượng huyền

• thập nguyệt 十月 tháng 10

• thất nguyệt 七月 tháng 7

• thượng nguyệt 上月

• thưởng nguyệt 賞月 ngắm trăng

• tiểu nguyệt 小月 tháng thiếu 29 ngày

•trọng nguyệt 仲月 Tháng thứ nhì, tháng giữa của một mùa.

• tuế nguyệt 岁月 • tuế nguyệt 歲月 năm tháng chỉ thời gian

• tứ nguyệt 四月 tháng Tư ÂL

• viên nguyệt 圓月 Trăng tròn — Chỉ người thiếu nữ vừa tới thời kì đẹp đẽ nhất

• vịnh nguyệt 詠月 Chỉ việc làm thơ ca tụng cảnh đẹp thiên nhiên

• vọng nguyệt 望月 ngắm trăng

• vượng nguyệt 旺月 tháng buôn bán (tháng có sức mua lớn nhất trong năm)

• yêm nguyệt 淹月 ở lại thêm 1 tháng

• yển nguyệt 偃月 trăng khuyết hình lưỡi liềm

• yển nguyệt đao 偃月刀 cây đao hình trăng khuyết hình lưỡi liềm

 

 

 

No comments:

Post a Comment