Ban Biên Tập: H K Châu, L N Hui, Ng L Hương, C Ng Cường, Ng C Lâm, Ng Đ Thắng, NTHương

Monday, September 24, 2018

Những Bài Ca Hướng Ðạo



Trích Hồi ký của Phạm Duy

Chúng ta đã thấy rõ sự chuẩn bị và thành hình của nhạc cải cách với xu hướng nhạc tình trong những nhạc phẩm vừa được đem ra để thử thách và có thể nói là đã thành công một phần nào trên cả hai lĩnh vực nội dung và hình thức. Nhưng vì nhạc cải cách Việt Nam được sinh sôi nẩy nở trong một bối cảnh lịch sử rất sinh động cho nên nó cũng mang ngay vết tích của thời đại. Thời đại của những năm cuối cùng của những thập niên 30 bước qua thập niên 40 còn là cái thời mà cuộc Ðại Chiến Thứ Hai đã khởi sự, một mặt thực dân Pháp muốn o bế dân thuộc địa khi chính quốc bị Ðức chiếm đóng, một mặt người Việt Nam muốn lợi dụng cơ hội này để lật đổ chế độ thực dân. Tinh thần ái quốc được nung nấu từ lâu, bây giờ lại được nâng lên rất cao. Tân Nhạc đã đóng góp vào việc đề cao lòng yêu nước của người Việt Nam trong thời đại, bằng một xu hướng khác với xu hướng nhạc tình. Ðó là xu hướng nhạc hùng.

Trải qua gần 100 năm sống dưới ách thực dân, dường như không lúc nào không có những bài thơ, bài ca nung nấu lòng yêu nước và chí quật khởi của người mình trước cảnh bị đô hộ. Tôi có thể nói rằng lòng yêu nước của tôi sau này đã bùng nổ ra khi gặp cuộc Cách Mạng năm 1945, cũng chỉ vì suốt thời thơ ấu, lòng tôi đã được nung nấu bằng bài thơTiễn Chân Anh Khóa của Cụ Á Nam Trần Tuấn Khải. Bài thơ được phổ biến mạnh mẽ trong dân chúng Việt Nam vì nó được truyền tụng qua một điệu "ngâm" mà người ta đặt hẳn cho cái tên là điệu anh Khóa.

Trong lĩnh vực âm nhạc, ngoài những bài thơ ngâm như điệu anh Khóa hoặc câu hò Huế sau đây của Thúc Giạ Thị Ưng Bình :

Chiều chiều trước bến Vân Lâu
Ai ngồi ai câu? Ai sầu ai thảm?
Ai thương ai cảm? Ai nhớ ai mong?
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Ðưa câu mái đẩy động lòng nước non. . .

... cũng đã có những cuộc mai phục đây đó để nung nấu tình yêu nước của chúng tôi rồi. Chẳng hạn việc các nhà giáo dùng các điệu hát cổ truyền để kể chuyện lịch sử Việt Nam và dùng điệu Frères Jacques để thức tỉnh người dân bị trị mà tôi đã đề cập trong phần đầu của loạt bài này...

Trong tiến trình của nhạc cải cách, cái mầm mống của xu hướng nhạc hùng là những bài hát hướng đạo (chants scouts). Các huynh trưởng trong Phong Trào Hướng Ðạo Việt Nam như Hoàng Ðạo Thúy, Ngô Bích San... đã lợi dụng sự có mặt hợp pháp của tổ chức hướng đạo để phổ biến những bài ca yêu nước.

Trước tiên, cũng như cái lối soạn bài Ta theo điệu Tây của Huỳnh Thủ Trung tức Tư Chơi, các huynh trưởng nhờ các thi sĩ làm lời ca tiếng Việt cho những bài có sẵn của Pháp. Ví dụ bài La Joie Scoute đã có lời ca tiếng Việt soạn bởi nhà thơ Thế Lữ với nhan đề Trên Ðường Vui :

Anh em ơi cùng nhau bước lên đường
Ta hát bài ca thiên nhiên
Dù mưa gió bão bùng ta cứ tới
Cùng hát lên cho đời sáng tươi
Dù khó nguy chúng ta đừng lui...

Bài Joyeux Aurevoir, bài hát tạm biệt của hướng đạo sinh cũng có lời ca của Thế Lữ, khởi đầu bằng câu :

Vì đâu anh em chúng ta
Giờ đây sắp cùng bùi ngùi xa cách
Cớ sao ta không cầu mong
Rồi đây có ngày còn hòng gặp nhau
Cách xa nhưng ta hằng vui
Vì nay ta biết còn ngày sung sướng
Cách xa nhưng ta hằng mong
Có ngày mình còn gặp nhau.

Mới đầu còn nhờ thi sĩ có cảm tình với Phong Trào Hướng Ðạo soạn lời ca, sau rồi các huynh trưởng tự soạn lấy, chẳng hạn một bài hát kêu gọi đoàn kết của Ngô Bích San, dùng điệu dân ca của Hoa Kỳ là bài Clementine :

Một cây tiêu điều
Hai cây tiêu điều
Trời mưa cuốn, ắt tan tiêu!
Cùng chung góp sức
Trong cuộc sống hùng
Lập chiến công dài với nước non...

quang boyscout
Duy Quang, cũng được là sói con đấy !

Những điệu hát hướng đạo của Pháp hay của Anh, Mỹ đâu có chứa đựng tinh thần yêu nước, đâu có phải là những bài xưng tụng các vị anh hùng lập chiến công cùng nước non? Nhưng các huynh trưởng trong tổ chức hướng đạo Việt Nam đã không ngần ngại trong việc làm có tính chất mai phục đó. Một bài hát nhỏ cho sói con mà cũng đã chứa đựng tinh thần yêu nước chống xâm lăng rồi :

Bài Hát Cho Sói Con

Hãy vui tươi cười
Hãy vui múa ca
Hãy vui nghe lời
Hãy vui tiến xa
Và cùng theo gót
Bao dấng anh hùng
Mong sao cho toàn danh sói
Xứng với đất nước Tiên Rồng...

Bài hát khuyên các sói con vui tươi cười, vui múa ca, vui nghe lời, vui tiến xa, nhưng mục đích là phải theo gót bao đấng anh hùng để xứng danh cháu con Tiên Rồng. Ðây là bài ca hướng đạo nhưng cũng là bài ca ái quốc nữa.


Ngay trong năm 1938, khi phong trào Nhạc Cải Cách đang rầm rộ với hàng loạt nhạc phẩm xu hướng tình cảm được ra đời, hai tập nhạc hướng đạo ca cũng đã được phát hành. Ðó là tập Ðời Vui Sướng của Phạm Văn Xung và Tiếng Chim Ca của Lưu Ngọc Văn và Ðào Văn Thiệt, cả hai tập đều là những bài hát ngoại quốc với lời ca tiếng Việt, xưng tụng sự vui sống và cũng đã có sự mai phục tình yêu nước yêu nòi của người Việt Nam ở trong các bài ca hướng đạo đó rồi.

Giống như tiến trình của loại nhạc tình trong những năm thử thách, nhạc hướng đạo sẽ không vay mượn các điệu Tây phương nữa, và sẽ là những bài rút âm hưởng từ các bài hát cải lương của gánh Trần Phềnh, như bài Vui Ca Lên do Linh Mục Thích soạn :

Vui ca lên nào anh em ơi
Hát cho đời thắm tươi
Dầu thấy khó đừng mau chân lui
Ta cứ tiến lên đường.
Dầu sương mưa rơi lòng ta thêm tươi
Chớ bao giờ có quên
Cùng cất tiếng cười vang trong mây
Cho bao người đều vui.
Vui ca lên nào anh em ơi
Chớ đau buồn khóc than
Ðời tươi thắm vì trong sương mai
Vui ca hát vang lừng
Kìa chim trên cây
Kìa ong trên hoa
Bướm tung trời thiết tha
Cùng ham sống và vui quanh năm
Tô thắm tươi đời hoa...

Từ chủ đề vui sống, những bài hát hướng đạo sẽ xoáy vào chủ đề yêu nước với những bài hát xưng tụng các Anh Hùng Xưa :

Anh hùng xưa nhớ hồi là hồi niên thiếu
Dấy binh lấy lau làm cờ
Quên mình là mình giúp nước
Dấn thân khắp nơi nguy nàn
Ngàn thu lừng danh đất nước
Sứ quân khắp nơi kinh hoàng
Tiếng lừng nước Nam...

Bài hát hướng đạo trên đây -- mà có người cho rằng đã do Hoàng Ðạo Thúy soạn (1) -- sẽ vượt ra khỏi lĩnh vực hướng đạo để trở thành một trong những anh hùng ca đầu tiên của Tân nhạc Việt Nam. Bài hát xưng tụng Ðinh Bộ Lĩnh này sẽ kéo theo một số lớn những bài tôi gọi là thanh niên lịch sử ca để từ đó sẽ tiến tới Nhạc Cách Mạng, Nhạc Kháng Chiến.

Nhạc hướng đạo khởi sự từ những bài tương tự như bài Ta theo điệu Tây do Tư Chơi Huỳnh Thủ Trung khởi xướng, hay khởi từ những âm hưởng của điệu cải lương dùng trên sân khấu của gán hát Trần Phềnh Hà Nội, qua tới năm 1939 thì đã có những bài hát hoàn toàn Việt Nam mới.

Những bài này không còn do các hướng đạo sinh soạn ra nữa. Nó là của những người tiên phong trong phong trào âm nhạc cải cách, ngoài những bài có xu hướng nhạc tình cảm thường thường là những bài hát buồn, còn muốn đưa ra những bài hát vui, vô hình trung tạo cho Tân nhạc một xu hướng mới gọi là xu hướng nhạc hùng.

Trước hết, năm 1939 là 1úc Pháp bị thất trận ngay lúc khởi đầu cuộc Thế Chiến Hai. Nước Ðức Quốc xã của Hitler chiếm một phần lớn của nước Pháp, chính phủ bù nhìn của Thống chế Pétain vẫn còn nắm được các nước thuộc địa, bèn đưa ra một phong trào gọi là Phục Hưng, vận động các thanh niên nam nữ ở các thuộc địa tham gia các tổ chức thể thao, hướng đạo... với hi vọng có thể dùng họ để có ngày sẽ giải phóng "mẫu quốc". Một số bài hát của Pháp được tung ra để suy tôn thống chế Pétain như Maréchal, Nous Voilà, hay kêu gọi thanh niên như Debout Jeunesse, Relèvement...

Nhưng tại Việt Nam, giữa lúc tân nhạc đang được thành lập, sự phản ứng của thanh niên đối với thái độ của nhà cầm quyền Pháp là đưa ra những bài hát không phải để xưng tụng ''mẫu quốc'' đang thất trận, mà là để nung nấu lòng yêu nước và chí quật khởi của tuổi trẻ.

Trong giới sinh viên có Hoàng Gia Linh viết bài Việt Nam Bất Diệt, có Lưu Hữu Phước với Tiếng Gọi Sinh Viên... Trong giới nhạc sĩ tài tử có Hoàng Quý viết những bài hát cho các cuộc lửa trại của hướng đạo như Ðêm Trong Rừng, Trên Sông Bạch Ðằng...

Thế là trong tổ chức hướng đạo cũng như trong giới sinh viên học sinh bỗng nổi dậy phong trào hát những bài tân nhạc vui tươi hùng mạnh, và loại nhạc thanh niên, lịch sử ca đã ra dời, vô cùng phong phú, đóng góp rất nhiều vào cuộc Cách Mạng xẩy ra vào mùa Thu năm 1945.


Phạm Duy

-----------------------------------------
(1) Gần đây (mùa Xuân năm 2001) tôi mới biết rõ rằng lời ca bài ANH HÙNG XƯA này là do Lưu Quang Thuận soạn.

Sunday, September 23, 2018

Hoàng Quý - Ngọn lửa đồng vọng




Buổi tập hát với tráng sinh trường Bonnal thật sôi nổi. Không ngờ cái giai điệu về vua Đinh ở Hoa Lư được Hoàng Quý viết ra trong cái xuất thần chớp mắt khi lẩm nhẩm bài “Anh hùng xưa” của Huynh trưởng Hổ sứt Hoàng Đạo Thúy (*) cũng về đề tài này, lại khiến mọi người tiếp nhận hoan hỉ.
Phải nói rằng bài “Anh hùng xưa” với nét nhạc rất dân gian, hào sảng và hồn nhiên đã là một sức hút thanh niên đi theo “Hướng đạo”, là mẫu mực cho những người thích sáng tác bài hát như Hoàng Quý suy ngẫm về sự giản dị và hồn nhiên của nó:
Anh hùng xưa 
nhớ hồi là hồi niên thiếu
Dấy binh lấy lau làm cờ 
quên mình là mình giúp nước
Dấn thân khắp nơi nguy nan 
ngàn thu lừng danh đất nước
Sứ quân khắp nơi kinh hoàng 
tiếng hùng nước Nam.
Dường như bài hát không còn của riêng Hướng đạo nữa mà là bản hùng ca đầu tiên của Tân nhạc Việt Nam vì trước đó, Hướng đạo toàn hát “bài Ta theo điệu Tây”. Bây giờ, nhờ nghe nhạc cải lương qua gánh hát Trần Phềnh, Huynh trưởng đã hát lên được rắn rỏi như thế thật là nể trọng vô cùng.
Song Hoàng Quý thích một cái gì trẻ con, tươi tắn hơn, hồn hậu hơn. Và thế là “Bóng cờ lau” ra đời:
Ta cùng nhau đi thăm nơi hùng xưa
Oai linh đứng muôn đời giữa nơi sông cùng núi
Và sân đá tưởng rêu giãi gan sương cùng nứa
Ngàn bông lau đưa theo chiều gió phấp phới
Bao bóng cờ năm xưa còn đâu đây
Kia bao tiếng trâu xa còn vọng trong khói mơ
Dè chừng như tiếng loa trong rừng cây
Hoa Lư ơi! Non lau còn trong sương gió…
Không là bốn nốt đen liền nhau mang một ý chí đĩnh đạc: “Anh-Hùng-xưa-nhớ” mà là xen kẽ giữa nốt đen và nốt trắng hai nốt móc đơn được nhắc lại thêm một lần: “Ta-cùng-nhau-đi /thăm-nơi-hùng-xưa…” cái động lực nhịp điệu này còn được nhắc ở đuôi câu thứ hai nếu đầu câu mang ảnh hưởng của “Anh hùng xưa”: “Hồi-là-hồi-niên-thiếu-dấy…” thì ở “Bóng cờ lau”, Hoàng Quý sử dụng nhịp điệu ấy vào: “oai-linh-đứng-muôn-đời-giữa”. Ở “Anh hùng xưa” thì nhịp này được nhắc lại “binh-dấy-binh-làm-cờ-quên…”. Còn ở “Bóng cờ lau”, cái nhịp đầu được Hoàng Quý ghép vào đuôi câu hai: “Nơi-sông-cùng-núi”. Có lẽ tự nhiên vậy mà “Bóng cờ lau” như được phát triển, mở rộng và trẻ hóa từ “Anh hùng xưa”. Nghĩ thế, Hoàng Quý cảm thấy phấn chấn hẳn.



Cứ đạp xe lững thững một mình trong dư vang “Bóng cờ lau” mà tráng sinh trường Bonnal hào hứng như thế, Hoàng Quý tới bãi cỏ trước chùa Dư Hàng lúc nào không hay. Ngôi chùa cổ từ thời Lê Chân đắm chìm trong tịnh mịch chiều dần buông. Tiếng mõ, tiếng kệ thanh trầm đâu đây. Hoàng Quý từ từ ngả xe xuống cỏ và cả mình cũng ngửa nằm trên cỏ luôn. Sự thư dãn lan chuyển vào tấm thân trai tráng đôi mươi khiến chàng thấy tràn trề hy vọng. Hoàng Quý nhắm nghiền mắt… theo lời cha, ngày chàng sinh ra là ngày bắt đầu có rươi như các cụ đã nói: “tháng chín đôi mươi-tháng mười mồng năm”. Song tra ra dương lịch thì lại là ngày cuối cùng tháng 10 năm Canh Thân. Cha bảo Quý là “khỉ vàng” cũng quý hóa ra phết. Đã sẵn họ Hoàng từ tổ tiên ở Phủ Quốc Oai-Sơn Tây, cha cùng mẹ từ nơi sông Đáy chậm nguồn mang nghề thuốc về sinh nhai ở miền cửa bể rộng lớn này, bởi vậy mới khai sinh Quý là Hoàng Kim Hải. Sau vì thấy quý tử “khỉ vàng” nên mới đặt lại là Hoàng Kim Quý. Cái tên Hải, cha lại đem đặt cho em gái sau em trai Hoàng Phú sinh ra năm cha mẹ lên Bắc Giang được ít tháng. Khi ấy Hoàng Quý mới lên ba. Bây giờ, sau em Hải lại còn có thêm em Hà nữa rồi. Phú đã mười bảy và học ngang Quý bởi Quý bị học chậm mấy năm do cha mẹ lên Bắc Giang ít năm rồi lại về Hải Phòng định cư ở Phố Trại Cau.
Còn Hải đã mười bốn và Hà đã mười tròn. Ông lang Khang vốn mê đàn bầu đã được rảnh rang khá lâu, chỉ còn biết bốc thuốc và lảy lót độc huyền. Cùng Phú học đồng niên tới 6 năm sơ học Pháp tuy Quý học ở trường công Jean Duipuis còn Phú học ở trường Bonnal, sau khi đỗ sơ học Pháp Việt Certificat d'études primairé, Quý và Phú vào cùng lớp cao đẳng tiểu học (Diplôme d'études primairé supérieuré) tại trường tư thục Lê Lợi. Thế là may rồi. Cả Hải Phòng chỉ có hai trường là Lê Lợi và Michelét. Nhưng cái may hơn là ở Lê Lợi, Quý và Phú có thêm bạn đồng niên với Quý và ưa ca hát như Phú-Quý là Phạm Ngữ và Canh Thân. Hợp nhau như thế rồi lại còn được thày Hộ mà khi sáng tác bài hát, thày ký là Lê Thương-dạy nhạc cho mặc dù thày là giáo viên dạy Văn học Pháp.
Thày Hộ cũng xuất thân từ một gia đình công giáo như nhà Quý nhưng ở Nam Định. Thày họ Ngô tên Đình Hộ chơi được Piano, hát rất hay, giỏi nhạc lý. Thày thích hoạt động ca nhạc cùng học sinh trong trường. Thày dạy cả bọn hát “Những người kéo thuyền trên sông Vonga”, “Missisipi”… và tập hợp quanh thày bọn Quý có thêm hai bạn nữ nữa là Thư Nhàn và hoa khôi Nguyễn Cúc Phương mà bọn Quý hay gọi đùa là “Nàng Thư Nhàn” và “Nàng Cúc Phương”. Thày Hộ gọi nhóm Quý là “Nhóm Híp-pi-tiền chiến” và thường tổ chức đi dã ngoại cùng thày ở Kiến An, Thủy Nguyên, Chí Linh… bằng xe đạp.
Thày đã tự trình bày “Tiếng đàn âm thầm” của mình cùng sự phụ họa của Quý và Canh Thân ở Nhà hát lớn Hải Phòng.
Ảnh hưởng thày, bọn Quý rất tích cực học nhạc. Khởi đầu, hai anh em học đàn nguyệt của một nghệ nhân. Sau chính ông này lại gợi ý bọn Quý-Phú nên học violon. Quý và Phú cùng hai người bạn khác đến học violon của bà “đầm” Leprêtre – một góa phụ người Pháp là chủ cửa hàng “Orphéce”, cơ sở duy nhất ở đất Cảng này bán các nhạc khí, bản nhạc và sách nhạc phương Tây mà chủ yếu là của Pháp. Học hết tập Mazas e'lesmeentaire cơ bản, do học phí đắt quá, bọn Quý đành… “chuồn chuồn có cánh thì bay”. Không học nhạc thì lại mò đến Bar “Mèo đen” và lúc chiều tối trèo lên tường ngồi, “học lỏm” các nhạc công Philippines biểu diễn guitare Espagnone, guitare Hawai, Banjio alto, kèn saxophone, đàn contre-basse. Và Quý đã chơi được cả hai loại guitare này – tuy không bằng Phạm Ngữ và Canh Thân-cùng violon và Banjio alto. Quý khoái sáng tác và khuyến khích cả bọn nên tự học. Tự học có cái hay của nó. Mỗi ngày cứ sang ra qua từng trang lý luận. Quý còn kiếm được cả cuốn Opera Mignon của Amtroise Thomas và nhiều bản Valse của J.Strauss. Những bài hát của Tino Rossi, ca sĩ mà Canh Thân rất mê và hát rất giống nên anh em hay gọi là Thân Tino, Maurice Chevalier, Rina Ketty, Jeanne Aubert, Charle Trenet, Vincent Scotto…
Năm 1939, luồng gió Tân nhạc do nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên đem tới từ chuyến công du xuyên Việt từ Sài Gòn 1938, Quý và Phạm Ngữ đã được nhà xuất bản “Tricea” của nhạc sĩ Văn Chung ấn hành bài hát “Nhớ quê hương” mà Quý cùng Ngữ làm lời. Lúc ấy, vẫn còn học cao đẳng tiểu học. Nhờ hoạt động dàn nhạc cùng Phú, Ngữ, Châu và Thọ, Quý quen với Văn Cao – một chàng trai trẻ hơn Quý và bằng tuổi Phú nhưng rất có tài. Văn Cao vừa có tài phóng dao hai tay và tài bơi lội, lại viết truyện ngắn và làm thơ. Thu năm 1939, Văn Cao cho Quý xem “Buồn tàn thu”. Hay. Quý có góp ý chút ít. Văn Cao khoái quá vì đang là tráng sinh Hướng đạo trường Bonnal, lại viết tiếp “Anh em khá tầm tay” và “Gió núi”. Từ đó, Văn Cao thường xuyên lui tới với Quý, trao đổi sáng tác cùng Quý. Phạm Ngữ ngay từ 1937 đã viết “Đời vui” rồi sau đó là mấy bài hát lời bằng tiếng Pháp “La Java des anannas”, “Sons lé Paliniers verts” và “Nắng sớm”, thời gian này lại viết một bản slow – fox mang tên “Bên suối vắng” mà Quý làm lời. Còn Quý, ngay khi Tân nhạc mới khai sinh, Quý đã sốt sắng tham gia “Chùa Hương” với lời lẽ dung dịp cùng nhịp 3/4:
Chùa Hương lướt trên nước xanh với bao êm đềm
Con thuyền đưa tôi đến nơi thần tiên 
Chùa Hương với đồi núi cao biết bao êm đềm 
Phút mơ màng quên hết ưu phiền…
Song có lẽ Quý không hợp với thứ nhạc tĩnh mịch này lắm. Chàng ưa hoạt động. Và Hướng đạo đã cho chàng sinh khí ấy. Những sang tác cho tập thể, cho cộng đồng đã được Quý tâm đắc. Âm nhạc không phải là để diễn nữa mà là để hát chung với nhau.
(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam)
(*)Theo nhạc sĩ Phạm Duy bài “Anh hùng xưa” của Lưu Quang Thuận , thân phụ nhà thơ, kịch tác gia Lưu Quang Vũ 

Các tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Quý (1920-1946)

  • Bóng cờ lau
  • Cảm tử quân
  • Chiều quê
  • Chiều xuân
  • Chùa Hương
  • Cô lái đò
  • Cô láng giềng
  • Đêm trăng trên vịnh Hạ Long
  • Đêm trong rừng
  • Đợi chờ
  • Dưới bóng thông xanh
  • Gọi bạn lên đường
  • Hương quê
  • Lời vọng ngàn xưa
  • Nắng tươi
  • Nước non Lam Sơn
  • Tiếng chim gọi đàn
  • Trên sông Bạch Đằng
  • Tú Uyên
  • Xuân về

Friday, September 21, 2018

GIỮ VỮNG TRẠI TRUYỀN THỐNG HĐVN MIỀN TRUNG HOA KỲ












 


Trại GIỮ VỮNG là niềm tự hào của Hướng Đạo Việt Nam Miền Trung Hoa Kỳ là trại họp bạn truyền thống thường niên của các Liên Đoàn Hướng Đạo VN thuộc miền Trung Hoa Kỳ lấy theo tên nguyên thủy củaTrại Họp Bạn Quốc Gia Giữ Vững tại Suối Tiên, Thủ Đức (Biên Hoà), tháng 12 năm 1970.

Tại sao lại có tên trại ngày đó là Giữ Vững 
Nhìn lại lịch sử phong trào HĐVN từ khởi thủy 1930 đến nay đã có tuổi đời 88 năm, gần một thế kỷ. Một phong trào gắn liền với định mệnh của dân tộc trải qua chiến tranh đau thương, mất mát, chia cắt và ly tán.
Năm 1954, khi vào Nam cùng đồng bào di cư lánh nạn Cọng Sản, phong trào HĐVN cũng phải nỗ lực hơn bao giờ hết để được VP HĐ Thế giới chính thức công nhận vào năm 1956.

Trại Họp Bạn HĐVN toàn quốc đầu tiên trong miền Nam là trại HB Phục Hưng năm 1959 tại Trảng Bom, với ý nghĩa phục hưng phong trào sau khi đất nước bị chiến tranh chia cắt.

Sau đó, cả một thập niên, không có một Trại HB toàn quốc nào nữa được tổ chức vì chiến tranh quốc cộng càng ngày càng leo thang khốc liệt và phong trào HĐVN cũng bị ảnh hưởng trầm trọng. Phong trào có phát triển trên toàn miền Nam nhưng phần đông các Trưởng và Tráng sinh phải nhập ngũ phục vụ trong quân đội nhất là sau biến cố Tết Mậu Thân 1968.

Các Trưởng thời đó như Tr Trần Văn Khắc, Trần Văn Lược, Trương Trọng Trác , Trần Trung Hợp ... quyết định mở trại Họp Bạn toàn quốc Giữ Vững năm 1970 tại Suối Tiên - Thủ Đức với ý nghĩa Giữ Vững tay chèo con thuyền Hướng Đạo VN tại miền đất tự do còn lại của quê hương sau nhiều thăng trầm do thời cuộc.

 


Tấm bích chương quảng bá Trại Giữ Vững 1970 này do Họa sĩ ViVi Võ Hùng Kiệt vẽ với hình ảnh một HĐS đang cầm tay lái Giữ Vững con tàu HĐVN gắn huy hiệu Trại trên nền biểu tượng một tráng sĩ đã nói lên ý nghiã Trại.

Cũng cần biết thêm là Trại Họp Bạn toàn quốc sau cùng ở miền Nam là trại Tự Lực 1974 tại Tam Bình Thủ Đức là cố gắng cuối cùng của HĐVN phải tự lực cánh sinh…
Nhưng một năm sau đó thì ....

Sau tháng Tư 1975 Hội Hướng Đạo Việt Nam không còn nữa nhưng Phong trào Hướng Đạo Việt Nam vẫn tiếp tục theo bước chân tha hương của người Việt Tự Do nơi hải ngoại đi khắp bốn phương làm lại từ đầu, bằng Liên Đoàn Lạc Việt tại trại Tỵ nạn Camp Pendleton do Tr Trương Trọng Trác thành lập để sinh hoạt và giúp ích đồng bào tỵ nạn ở trại, ngay sau tháng 4/75 và LĐ hoạt động cho đến khi trại Tỵ nạn Camp Pendleton đóng cửa. Về sau các Trưởng trong Liên Đoàn Lạc Việt như Tr Nguyễn Đoàn, Lê Minh Lý, Nguyễn Thế Thanh … kết hợp cùng các trưởng khác tiếp tục phát triển phong trào HĐVN mở thêm các LĐ tại California …Đồng thời tại các Trại Tỵ Nạn Thuyền nhân và Đường bộ của người Việt vượt biên khắp nơi như Phi Luật Tân, Mã Lai, Thái Lan …. đều có các đơn vị HĐVN thành lập tự phát hoạt động và giúp ích đồng bào tỵ nạn tại các Trại…và từ đó phong trào HĐVN phát triển mạnh mẽ theo bước chân đoàn người Việt tỵ nạn đi định cư tại các quốc gia tự do Mỹ, Pháp, Đức, Úc, Canada ...



Riêng tại miền Trung Hoa Kỳ, trong những năm đầu tỵ nạn Trưởng Đỗ Phát Hai là người nhóm lại ngọn lửa Hướng Đạo Việt Nam với việc thành lập Tráng Đoàn Trường Sơn ( Explorer Post 2006) ở Houston từ những năm cuối thập niên 70 với những tráng sinh rất trẻ ngày đó , nguyên là những hđs đã sinh hoạt từ quê nhà như: Nguyễn Phước Hoàn,Nguyễn Phước Khải, Nguyễn Quốc Trung, Lê Hòa Bình...Rồi càng phát triển vào đầu thập niên 80 với những tráng sinh trẻ như Lương Hoàng Nam, Nguyễn Cao Bình, Lê Cảnh Bằng, Hoàng Anh Tuấn, Đàm Quang Bảo, Nguyễn Phước Nguyên, Hoàng Tiến Đạt, Phạm Trọng Hạnh, Nguyễn Đức Khôi …đã là những nhân tố đầu tiên để khơi dậy phong trào HĐVN lớn mạnh về sau này tại miền Trung HK từ Liên Đoàn đầu tiên từ Houston là LĐ Trường Sơn – BSA Troop 494 (1981), sau đó là LĐ La Vang (1984) LĐ Pháp Luân

Cùng lúc tại Port Athur có LĐ Bửu Môn (2004-2007) tại Dallas - Fort Worth trong các thập niên 1990-2000 đã có các đơn vị HĐVN như các LĐ Diên Hồng, Trà Kiệu, Lạc Long, Trường Sơn, Hồng Bàng, Bạch Đằng, Thanh đoàn 163, Minh Đức …hoạt động đến năm 2011
Hiện nay chỉ còn LĐ Diên Hồng (1998)LĐ Minh Đức(2000) và LĐ Phê Rô (2014) còn sinh hoạt mà thôi.
Ngoài ra cũng phải kể thêm các Liên đoàn HĐVN các tiểu bang lân cận TX cũng thuộc miền Trung Hoa Kỳ đã được thành lập sau Thẳng Tiến VI như LĐ Lam Sơn (Michigan) LĐ Thăng Long, LĐ Rạng Đông ( Minnessota ) LĐ Ngàn Khơi ( Nashville) … hầu hết các LĐ này chỉ hoạt động một thời gian ngắn rồi ngưng.

Trở lại GIỮ VỮNG Trại Họp Bạn HĐVN Miền Trung Hoa Kỳ 


Trại Giữ Vững đầu tiên của HĐVN miền Trung HK năm 1997 lấy theo tên trại Giữ Vững 1970 cũng có lý do là vì những năm cuối thập niên 90 phong trào HĐVN tại đây mới tái lập với các LĐ vùng Houston là LĐ Trường Sơn (1981) La Vang (1984) thời ấy ở Oklahoma có LĐ Hùng Vương của Tr Thịnh Nguyễn, ở Atlanta có 1 LĐ của Tr Bùi Bá Thạnh, Louissiana có LĐ Tây Sơn của Tr Nguyễn Xuân Lưu ...các đơn vị này có tuổi thọ không lâu .Nhưng nói chung vào thời điểm đó phong trào HĐVN tại miền Trung HK còn rất yếu kém nên các Trưởng thời đó quyết định tổ chức một chung trong vùng vào tuần áp lễ Thanksgiving năm 1997 tại Lake Houston chỉ có 2 LĐ còn sinh hoạt lúc bấy giờ là LĐ La Vang và LĐ Trường Sơn tham dự mà thôi với mục đích Giữ Vững phong trào HĐVN tại miền Trung HK.   

Và với ý chí đó, các trưởng đã dần dà đưa phong trào HĐVN lớn mạnh thêm lên vào những năm kế tiếp Trại GV ll 1998 có thêm LĐ Pháp Luân rồi LĐ Lạc Việt và các LĐ vùng Dallas – Fort Worth đông thêm, vui thêm và số trại(1998) LĐ Lạc Việt (1999) và tiếp theo những năm đầu thế kỷ XXl :LĐ Biển Đông (2004-2009) LĐ Đất Việt (2006) LĐ LaSan (2012) LĐ Mân Côi (2016) LĐ Biển Đông (tái xuất 2017) trại sinh đã tăng trưởng dần có trại đến cả nghìn nhân số.

Chúng ta tự hào với trại Giữ Vững của HĐTƯ/HĐVN Miền Trung Hoa Kỳ đã được tổ chức liên tục trong hơn 20 năm qua đến nay đã là GV lần thứ 22 sẽ vào tháng 11 sắp tới đây.

  

         Chúng ta có nghĩa vụ chung tay chèo   chống giữ vững con thuyền HĐVN ở nơi đất khách quê người . Bằng cả tấm lòng của người Hướng Đạo Việt tha hương và bằng mục đích & phương pháp hướng đạo, chúng ta cố gắng giữ gìn văn hoá VN & truyền thống HĐVN cho các thế hệ đoàn sinh của chúng ta. 


đđsn
tháng 9/2-18



Monday, September 10, 2018

Trò chơi dân gian: Chi Chi Chành Chành



Trong kỳ trại Kết Thân , Leaders retreat, của LD Đất Việt, một trò chơi dân gian được đưa ra: “Chi chi chành chành” cho các Trưởng. Đây là một trò chơi Việt Nam với bài Đồng Dao lưu truyền trong đám con nít:

Chi chi chành chành
Cái đanh thổi lữa
Con ngựa chết chuong
Ba vương ngũ đế
Chấp chế đi tìm
Ù à ù ập

Khi đưa ra trò chơi này thi trong đoàn có một Trưởng lớn tuổi, 84, đứng ra cho biết rằng bài hát đồng dao này bắt nguồn từ một bài hát có tính cách phát hoạ một thời kỳ lịch sử của triều đình Huế nhưng không hiểu vì e ngại gì mà biến thể thành một bài vè con nít vô nghĩa như vậy.
Xin cám ơn Trưởng Phạm K Thiện đã chỉ dẫn xuất xứ và giải nghĩa bài đồng dao này
 Bài hát đúng là: 

Chu tri rành rành
Cái đanh nổ lửa
Con ngựa đứt cương
Ba vương tập đế
Cấp kế đi tìm
Hú tim bắt ập


Người viết đi sưu tầm tìm kiếm và thấy bài viết này trên Kinh Thi VN như sau:

Câu đầu: Chu tri rành rành có nghĩa là bố cáo cho thiên hạ được biết

Câu thứ 2: Cái đanh nổ lửa nói về tiếng súng đại bác đầu tiên của chiến hạm Catinat bắn vào Đà Nẵng năm Bính Thìn 1856 trong chủ trương gây hấn của người Pháp.

Câu thứ 3: Con ngựa đứt cương diễn tả sự rối loạn của triều đình Huế sau khi vua Tự Đức băng hà vào năm Quí Mùi 1883. Lúc đó, ngoài Bắc đang đánh nhau với quân Pháp, trong triều thì quyền thần chuyên chế không còn trật tự, kỷ cương gì nữa.

Câu thứ 4: Ba vương tập đế chỉ vào việc Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường chuyên quyền làm bậy, giết hại công thần. Tháng 9 năm 1884 Tường và Thuyết đổi di chiếu của vua Tự Đức, đem Dục Đức giam vào nhà tối, không cho ăn uống để chết đói, đổ cho tội thông mưu với Pháp, lập Hiệp Hòa lên làm vua. Hơn 4 tháng sau, Tường và Thuyết đầu độc vua Hiệp Hòa, đưa Kiến Phúc, lúc đó mới 15 tuổi lên ngôi. Được hơn 6 tháng, Kiến Phúc ngộ độc chết, Tường và Thuyết lập Hàm Nghi mới 12 tuổi lên ngôi báu. Chỉ trong vòng chưa đầy một năm mà có tới 3 ông vua thay nhau lên ngôi, câu “ba vương tập đế” chỉ vào những biến cố này.

Câu thứ 5: Cấp kế đi tìm nói về việc Tôn Thất Thuyết vì bị Thống Chế De Coursy xử ép nên đêm 22 tháng 5, 1885 liều đánh úp dinh Khâm Sứ và đồn Mang Cá ở Huế. Việc thất bại, Thuyết đem vua đi trốn rồi truyền hịch Cần Vương đi khắp nơi. Quân Pháp một mặt lo dẹp loạn, một mặt cấp tốc cho người đi tìm vua Hàm Nghi về để yên lòng dân.

Câu cuối: Hú tim bắt ập chỉ vào việc tên Trương Quang Ngọc làm phản, cùng với suất đội hầu cận vua Hàm Nghi là Nguyễn Đình Tình, nửa đêm 26 tháng 9, 1888 cùng 20 thủ hạ xông vào chỗ vua tạm trú ở làng Tả Bảo, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, bắt sống và đem nộp nhà vua cho Pháp lãnh thưởng (sau đó vua Hàm Nghi bị đày đi Algérie, Pháp thưởng cho Ngọc hàm lãnh binh, Tình được thưởng hàm quan võ, còn tất cả thủ hạ kẻ được thưởng hàm suất đội, người được thưởng tiền).
(Trương Tửu / Kinh Thi Việt Nam)