Buổi tập hát với tráng sinh trường Bonnal thật sôi nổi. Không ngờ cái giai điệu về vua Đinh ở Hoa Lư được Hoàng Quý viết ra trong cái xuất thần chớp mắt khi lẩm nhẩm bài “Anh hùng xưa” của Huynh trưởng Hổ sứt Hoàng Đạo Thúy (*) cũng về đề tài này, lại khiến mọi người tiếp nhận hoan hỉ.
Phải nói rằng bài “Anh hùng xưa” với nét nhạc rất dân gian, hào sảng và hồn nhiên đã là một sức hút thanh niên đi theo “Hướng đạo”, là mẫu mực cho những người thích sáng tác bài hát như Hoàng Quý suy ngẫm về sự giản dị và hồn nhiên của nó:
Anh hùng xưa
nhớ hồi là hồi niên thiếu
Dấy binh lấy lau làm cờ
quên mình là mình giúp nước
Dấn thân khắp nơi nguy nan
ngàn thu lừng danh đất nước
Sứ quân khắp nơi kinh hoàng
tiếng hùng nước Nam.
nhớ hồi là hồi niên thiếu
Dấy binh lấy lau làm cờ
quên mình là mình giúp nước
Dấn thân khắp nơi nguy nan
ngàn thu lừng danh đất nước
Sứ quân khắp nơi kinh hoàng
tiếng hùng nước Nam.
Dường như bài hát không còn của riêng Hướng đạo nữa mà là bản hùng ca đầu tiên của Tân nhạc Việt Nam vì trước đó, Hướng đạo toàn hát “bài Ta theo điệu Tây”. Bây giờ, nhờ nghe nhạc cải lương qua gánh hát Trần Phềnh, Huynh trưởng đã hát lên được rắn rỏi như thế thật là nể trọng vô cùng.
Song Hoàng Quý thích một cái gì trẻ con, tươi tắn hơn, hồn hậu hơn. Và thế là “Bóng cờ lau” ra đời:
Ta cùng nhau đi thăm nơi hùng xưa
Oai linh đứng muôn đời giữa nơi sông cùng núi
Và sân đá tưởng rêu giãi gan sương cùng nứa
Ngàn bông lau đưa theo chiều gió phấp phới
Bao bóng cờ năm xưa còn đâu đây
Kia bao tiếng trâu xa còn vọng trong khói mơ
Dè chừng như tiếng loa trong rừng cây
Hoa Lư ơi! Non lau còn trong sương gió…
Oai linh đứng muôn đời giữa nơi sông cùng núi
Và sân đá tưởng rêu giãi gan sương cùng nứa
Ngàn bông lau đưa theo chiều gió phấp phới
Bao bóng cờ năm xưa còn đâu đây
Kia bao tiếng trâu xa còn vọng trong khói mơ
Dè chừng như tiếng loa trong rừng cây
Hoa Lư ơi! Non lau còn trong sương gió…
Không là bốn nốt đen liền nhau mang một ý chí đĩnh đạc: “Anh-Hùng-xưa-nhớ” mà là xen kẽ giữa nốt đen và nốt trắng hai nốt móc đơn được nhắc lại thêm một lần: “Ta-cùng-nhau-đi /thăm-nơi-hùng-xưa…” cái động lực nhịp điệu này còn được nhắc ở đuôi câu thứ hai nếu đầu câu mang ảnh hưởng của “Anh hùng xưa”: “Hồi-là-hồi-niên-thiếu-dấy…” thì ở “Bóng cờ lau”, Hoàng Quý sử dụng nhịp điệu ấy vào: “oai-linh-đứng-muôn-đời-giữa”. Ở “Anh hùng xưa” thì nhịp này được nhắc lại “binh-dấy-binh-làm-cờ-quên…”. Còn ở “Bóng cờ lau”, cái nhịp đầu được Hoàng Quý ghép vào đuôi câu hai: “Nơi-sông-cùng-núi”. Có lẽ tự nhiên vậy mà “Bóng cờ lau” như được phát triển, mở rộng và trẻ hóa từ “Anh hùng xưa”. Nghĩ thế, Hoàng Quý cảm thấy phấn chấn hẳn.
Cứ đạp xe lững thững một mình trong dư vang “Bóng cờ lau” mà tráng sinh trường Bonnal hào hứng như thế, Hoàng Quý tới bãi cỏ trước chùa Dư Hàng lúc nào không hay. Ngôi chùa cổ từ thời Lê Chân đắm chìm trong tịnh mịch chiều dần buông. Tiếng mõ, tiếng kệ thanh trầm đâu đây. Hoàng Quý từ từ ngả xe xuống cỏ và cả mình cũng ngửa nằm trên cỏ luôn. Sự thư dãn lan chuyển vào tấm thân trai tráng đôi mươi khiến chàng thấy tràn trề hy vọng. Hoàng Quý nhắm nghiền mắt… theo lời cha, ngày chàng sinh ra là ngày bắt đầu có rươi như các cụ đã nói: “tháng chín đôi mươi-tháng mười mồng năm”. Song tra ra dương lịch thì lại là ngày cuối cùng tháng 10 năm Canh Thân. Cha bảo Quý là “khỉ vàng” cũng quý hóa ra phết. Đã sẵn họ Hoàng từ tổ tiên ở Phủ Quốc Oai-Sơn Tây, cha cùng mẹ từ nơi sông Đáy chậm nguồn mang nghề thuốc về sinh nhai ở miền cửa bể rộng lớn này, bởi vậy mới khai sinh Quý là Hoàng Kim Hải. Sau vì thấy quý tử “khỉ vàng” nên mới đặt lại là Hoàng Kim Quý. Cái tên Hải, cha lại đem đặt cho em gái sau em trai Hoàng Phú sinh ra năm cha mẹ lên Bắc Giang được ít tháng. Khi ấy Hoàng Quý mới lên ba. Bây giờ, sau em Hải lại còn có thêm em Hà nữa rồi. Phú đã mười bảy và học ngang Quý bởi Quý bị học chậm mấy năm do cha mẹ lên Bắc Giang ít năm rồi lại về Hải Phòng định cư ở Phố Trại Cau.
Còn Hải đã mười bốn và Hà đã mười tròn. Ông lang Khang vốn mê đàn bầu đã được rảnh rang khá lâu, chỉ còn biết bốc thuốc và lảy lót độc huyền. Cùng Phú học đồng niên tới 6 năm sơ học Pháp tuy Quý học ở trường công Jean Duipuis còn Phú học ở trường Bonnal, sau khi đỗ sơ học Pháp Việt Certificat d'études primairé, Quý và Phú vào cùng lớp cao đẳng tiểu học (Diplôme d'études primairé supérieuré) tại trường tư thục Lê Lợi. Thế là may rồi. Cả Hải Phòng chỉ có hai trường là Lê Lợi và Michelét. Nhưng cái may hơn là ở Lê Lợi, Quý và Phú có thêm bạn đồng niên với Quý và ưa ca hát như Phú-Quý là Phạm Ngữ và Canh Thân. Hợp nhau như thế rồi lại còn được thày Hộ mà khi sáng tác bài hát, thày ký là Lê Thương-dạy nhạc cho mặc dù thày là giáo viên dạy Văn học Pháp.
Thày Hộ cũng xuất thân từ một gia đình công giáo như nhà Quý nhưng ở Nam Định. Thày họ Ngô tên Đình Hộ chơi được Piano, hát rất hay, giỏi nhạc lý. Thày thích hoạt động ca nhạc cùng học sinh trong trường. Thày dạy cả bọn hát “Những người kéo thuyền trên sông Vonga”, “Missisipi”… và tập hợp quanh thày bọn Quý có thêm hai bạn nữ nữa là Thư Nhàn và hoa khôi Nguyễn Cúc Phương mà bọn Quý hay gọi đùa là “Nàng Thư Nhàn” và “Nàng Cúc Phương”. Thày Hộ gọi nhóm Quý là “Nhóm Híp-pi-tiền chiến” và thường tổ chức đi dã ngoại cùng thày ở Kiến An, Thủy Nguyên, Chí Linh… bằng xe đạp.
Thày đã tự trình bày “Tiếng đàn âm thầm” của mình cùng sự phụ họa của Quý và Canh Thân ở Nhà hát lớn Hải Phòng.
Ảnh hưởng thày, bọn Quý rất tích cực học nhạc. Khởi đầu, hai anh em học đàn nguyệt của một nghệ nhân. Sau chính ông này lại gợi ý bọn Quý-Phú nên học violon. Quý và Phú cùng hai người bạn khác đến học violon của bà “đầm” Leprêtre – một góa phụ người Pháp là chủ cửa hàng “Orphéce”, cơ sở duy nhất ở đất Cảng này bán các nhạc khí, bản nhạc và sách nhạc phương Tây mà chủ yếu là của Pháp. Học hết tập Mazas e'lesmeentaire cơ bản, do học phí đắt quá, bọn Quý đành… “chuồn chuồn có cánh thì bay”. Không học nhạc thì lại mò đến Bar “Mèo đen” và lúc chiều tối trèo lên tường ngồi, “học lỏm” các nhạc công Philippines biểu diễn guitare Espagnone, guitare Hawai, Banjio alto, kèn saxophone, đàn contre-basse. Và Quý đã chơi được cả hai loại guitare này – tuy không bằng Phạm Ngữ và Canh Thân-cùng violon và Banjio alto. Quý khoái sáng tác và khuyến khích cả bọn nên tự học. Tự học có cái hay của nó. Mỗi ngày cứ sang ra qua từng trang lý luận. Quý còn kiếm được cả cuốn Opera Mignon của Amtroise Thomas và nhiều bản Valse của J.Strauss. Những bài hát của Tino Rossi, ca sĩ mà Canh Thân rất mê và hát rất giống nên anh em hay gọi là Thân Tino, Maurice Chevalier, Rina Ketty, Jeanne Aubert, Charle Trenet, Vincent Scotto…
Năm 1939, luồng gió Tân nhạc do nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên đem tới từ chuyến công du xuyên Việt từ Sài Gòn 1938, Quý và Phạm Ngữ đã được nhà xuất bản “Tricea” của nhạc sĩ Văn Chung ấn hành bài hát “Nhớ quê hương” mà Quý cùng Ngữ làm lời. Lúc ấy, vẫn còn học cao đẳng tiểu học. Nhờ hoạt động dàn nhạc cùng Phú, Ngữ, Châu và Thọ, Quý quen với Văn Cao – một chàng trai trẻ hơn Quý và bằng tuổi Phú nhưng rất có tài. Văn Cao vừa có tài phóng dao hai tay và tài bơi lội, lại viết truyện ngắn và làm thơ. Thu năm 1939, Văn Cao cho Quý xem “Buồn tàn thu”. Hay. Quý có góp ý chút ít. Văn Cao khoái quá vì đang là tráng sinh Hướng đạo trường Bonnal, lại viết tiếp “Anh em khá tầm tay” và “Gió núi”. Từ đó, Văn Cao thường xuyên lui tới với Quý, trao đổi sáng tác cùng Quý. Phạm Ngữ ngay từ 1937 đã viết “Đời vui” rồi sau đó là mấy bài hát lời bằng tiếng Pháp “La Java des anannas”, “Sons lé Paliniers verts” và “Nắng sớm”, thời gian này lại viết một bản slow – fox mang tên “Bên suối vắng” mà Quý làm lời. Còn Quý, ngay khi Tân nhạc mới khai sinh, Quý đã sốt sắng tham gia “Chùa Hương” với lời lẽ dung dịp cùng nhịp 3/4:
Chùa Hương lướt trên nước xanh với bao êm đềm
Con thuyền đưa tôi đến nơi thần tiên
Chùa Hương với đồi núi cao biết bao êm đềm
Phút mơ màng quên hết ưu phiền…
Con thuyền đưa tôi đến nơi thần tiên
Chùa Hương với đồi núi cao biết bao êm đềm
Phút mơ màng quên hết ưu phiền…
Song có lẽ Quý không hợp với thứ nhạc tĩnh mịch này lắm. Chàng ưa hoạt động. Và Hướng đạo đã cho chàng sinh khí ấy. Những sang tác cho tập thể, cho cộng đồng đã được Quý tâm đắc. Âm nhạc không phải là để diễn nữa mà là để hát chung với nhau.
(Nguồn: Tạp chí Âm nhạc Việt Nam)
(*)Theo nhạc sĩ Phạm Duy bài “Anh hùng xưa” của Lưu Quang Thuận , thân phụ nhà thơ, kịch tác gia Lưu Quang Vũ
Các tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Quý (1920-1946)
|
|
No comments:
Post a Comment