Ban Biên Tập: H K Châu, L N Hui, Ng L Hương, C Ng Cường, Ng C Lâm, Ng Đ Thắng, NTHương

Tuesday, February 5, 2019

Tranh Đông Hồ, Tranh Kim Hoàng với Đàn Lợn



Nhắc đến tranh dân gian, người Việt luôn nhớ tới tranh Đông Hồ mộc mạc trên giấy điệp sáng trong, óng ánh những đường vân như mây trời. Nhưng ít ai biết rằng trong tranh ẩn chứa thông điệp giúp gia đình bình an, thịnh vượng. Điển hình trong dòng tranh Tết Đông Hồ là bức ‘Đàn lợn’ với những xoáy âm dương trên mình.
Nội hàm trong tranh ‘Đàn lợn âm dương Đông Hồ’

Trong dân gian có rất nhiều những sự vật, hiện tượng mang tính biểu tượng, và con heo là một hình ảnh của sự sinh sôi, nảy nở, ấm no, phát triển. Chẳng vậy mà ông bà xưa có câu: “Giàu nuôi chó, khó nuôi heo”, hay: “Đàn bà thì phải nuôi heo/ Thời vận đang nghèo nuôi chẳng đặng trâu”. Hình ảnh người phụ nữ với tính âm như Đất, đại diện cho sự sinh sôi, nuôi nấng vạn vật, thì phải biết nuôi heo để tăng gia cho gia đình, giúp đức lang quân chăm lo cho gia đình sung túc, đầm ấm.
Thế nên tranh dân gian có vẽ con heo hay được mua về treo trong nhà ngày Tết để cầu mong điềm may mắn, phúc lộc, thịnh vượng sẽ đến với gia chủ trong năm mới. 

 Tranh Đông Hồ không những thể hiện hình tượng phồn thực thông qua đàn heo đông đúc, mà còn giải thích lý do dẫn tới sự sinh sôi, tăng trưởng này. Thông qua đó nhắn nhủ con người phải biết thuận theo quy luật đó để đạt được cuộc sống an nhiên, hanh thuận.

Ai cũng biết những xoáy âm dương trên mình heo mẹ và heo con là thể hiện của sự vận động không ngừng và chuyển hóa qua lại giữa Âm và Dương. Theo thuyết Âm Dương vốn là nền tảng trong văn hóa phương Đông hay dịch nòng nọc của người Việt cổ đại, thì vũ trụ vốn bắt đầu từ hư vô, sau đó sinh ra hai yếu tố đối ngược mà lúc đó vẫn còn đang quện vào nhau như trong vỏ trứng gọi là Thái Cực. Rồi Thái Cực phân ra thành hai cực âm dương hay nòng nọc tách biệt gọi là Lưỡng Nghi. Từ đó dưới sự tác động qua lại, hai khái niệm, vật chất hay nhân tố này sinh ra những nhân tố mới giúp tạo nên sự đa dạng của sự sống.

Vì thế, trong kiến thức cổ đại, hai nhân tố đối lập mà cân bằng này là nguồn gốc của sự sinh sôi, phát triển đa dạng của mọi sinh mệnh trong vũ trụ bao la. Vì thế trên lưng heo mẹ và heo con mới có các xoáy âm dương đại diện cho Lưỡng Nghi.
Trên thân mỗi con heo đều có hai xoáy, nhưng vì sao ở heo mẹ thì hai xoáy cùng chiều, trong khi heo con có chú có hai xoáy cùng chiều, có chú lại là hai xoáy ngược chiều nhau?



Ở heo mẹ, có thể thấy mỗi xoáy đều được cấu tạo từ một màu nóng và một màu lạnh, như vậy xoáy màu lạnh đại diện cho tính âm, xoáy theo chiều kim đồng hồ, hay quay phần lồi sang bên phải. Xoáy màu nóng đại diện cho dương, xoáy ngược chiều kim đồng hồ, hay quay phần lồi sang bên trái. Theo câu “nam tả nữ hữu” từ thuyết âm dương thì cũng có nghĩa bên phải đại diện cho tính âm, bên trái là dương. Như vậy màu sắc và chiều quay của hai nửa xoáy đều cho ra kết quả rằng nửa xoáy màu xanh là âm và nửa xoáy màu đỏ hay vàng là dương.
Xoáy trên thân heo mẹ quay theo chiều kim đồng hồ tương đương với biểu tượng “)” (trăng lưỡi liềm lồi bên phải trong dịch nòng nọc), nên có thể nói là đang ở trạng thái thiên về âm. Hơn nữa, xoáy ở dưới mông heo mẹ cũng bị che bớt mất phần nửa dương, nên âm trội hơn dương. Thế nên, tất nhiên heo mẹ là tính âm, giống cái.
Ở năm chú heo con, các xoáy lại không giống nhau, có chú có hai xoáy xoay cùng chiều nhau, lại có chú hai xoáy quay ngược chiều nhau, có cái thiên âm, có cái thiên dương… Như vậy, xoáy cũng có tính “di truyền” như nhiễm sắc thể X, Y trên ADN vậy, thế nên nó sẽ lấy một phần từ mẹ, một phần từ bố. Đó là lý do những chú heo có hai xoáy thuận và ngược chiều nhau.
Trong tranh Đông Hồ, bức về đàn lợn âm dương này có hai phiên bản. Và hai phiên bản này là đối ngược, cân xứng với nhau. Thế nên ở phiên bản khác, heo mẹ sẽ mang trên mình hai xoáy thiên về dương, hoặc có thể hiểu đó là heo bố chăng?
Dù ý nghĩa thật sự đằng sau sự phức tạp thể hiện ở chiều xoay, màu sắc và sự kết hợp của các xoáy âm dương này là gì, thì về mặt nông cạn nhất, có thể hiểu là ông cha ta muốn khẳng định về một nền tảng văn hóa cơ bản của rất nhiều nền văn minh. Rằng trong mỗi một sinh mệnh, sự vật đều có tồn tại âm dương, nhưng sẽ có sự thiên về đặc tính nào đó để hình thành nên sự khác biệt về hình thức, bản chất cũng như thiên chức của nó trong vũ trụ này. Sự vận động của âm dương phải tiến tới cân bằng và uyển chuyển thì mới sinh ra sự sống thuận theo đạo của Đất Trời. Âm dương giao cảo, hóa sinh vạn vật, vạn vật sinh sôi biến hóa vô cùng.
(theo internet)


Trình tự in tranh Đông H ồ


Con lợn trong tranh Đông Hồ là một trong những con lợn tạo hình đẹp nhất, có lẽ vì Đông Hồ là làng tranh giữa một vùng quê, nên đã có cái nhìn đẹp như vậy về một con vật nuôi tượng trưng cho ấm no, sung túc. Tranh Đông Hồ vẽ lợn có 2 bức: “Lợn ăn cây dáy” và “Lợn nái”, hai tranh đều có cái nhìn mang tính trang trí cao, hình tượng được chắt lọc và điển hình hóa. Hình các con vật được viền bởi những nét khắc chắc khoẻ mà mềm mại, không chỉ đẹp mà còn đúng về đặc điểm hình thể.
 Con lợn nào cũng có xoáy âm dương được trang trí trên mình để  thể hiện sự sinh sôi, phát triển. Tranh lợn Đông Hồ được in bằng nhiều bản ván, mỗi ván một màu. Tranh “Lợn ăn cây dáy” in ba bản màu một bản nét, tranh “Lợn nái” nhiều màu hơn, có đến bốn bản màu.
Màu của tranh Đông Hồ là màu truyền thống làm bằng các chất liệu có sẵn trong tự nhiên và được gọi là “thuốc cái”. Màu trắng là màu đặc trưng nhất của tranh Đông Hồ được làm từ vỏ điệp, sắc trắng có ánh lấp lánh rất quý. Màu vàng từ hoa hoè hay hạt dành dành, màu đỏ vang từ gỗ cây vang, đỏ son từ đất son, xanh lá cây là gỉ đồng, xanh chàm từ lá chàm và đen là than rơm nếp.








Lợn trong Tranh Kim Hoàng


Tranh Kim Hoàng là tên thường gọi của một dòng tranh dân gian phát triển khá mạnh từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 19 của làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ, nay là Hà Nội


Thế kỷ 19, tranh Kim Hoàng phát triển mạnh, nhưng rồi bắt đầu bị thất truyền từ trận lụt năm 1915, khi làng mạc từ Phùng đến Cầu Giấy bị ngập trắng, nhiều ván in tranh của làng bị cuốn trôi. Đến năm 1945 thì tranh hoàn toàn không còn được sản xuất nữa. Ngày nay, chỉ còn một vài ván in của dòng tranh này được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.


Tranh Kim Hoàng cũng tương tự như tranh Đông Hồ. Đó là những gì quen thuộc của cuộc sống mộc mạc đơn sơ của người nông dân như trâu, , , lợn, đời sống làng quê, cảnh ngày Tết, ông Công, ông Táo. Ngoài ra, tranh Kim Hoàng có một điểm đặc biệt mà các dòng tranh dân gian khác không có. Đó là những câu thơ chữ Hán được viết theo lối chữ thảo trên góc trái bức tranh. Cả thơ và hình vẽ tạo nên một chỉnh thể hài hoà, chặt chẽ cho tranh.


Cách in ấn và vẽ

Tranh Kim Hoàng có nét khắc thanh mảnh, tỉ mỉ hơn tranh Đông Hồ; màu sắc tươi như tranh Hàng Trống. Tranh Kim Hoàng không sử dụng giấy điệp như tranh Đông Hồ hay giấy dó như tranh Hàng Trống mà in trên nền giấy đỏ, giấy hồng điều, hoặc giấy vàng tàu. Trong tranh Đông Hồ, một bức tranh có rất nhiều bản khắc gỗ, mỗi bản khắc tương ứng với một màu và một lượt in. Nhưng ở tranh Kim Hoàng, các nghệ nhân chỉ sử dụng một bản khắc để in nét đen lên giấy rồi dựa vào đó mà tự do chấm phá màu sắc theo cảm xúc riêng của mỗi người. Vì thế, mỗi bức tranh có một sự phóng khoáng và diện mạo riêng, dù cùng được in ra từ một bản khắc. Đây là điểm được ưa chuộng nhất ở tranh Kim Hoàng.

Màu sắc và cách tạo màu

Tranh Kim Hoàng dùng mực tàu và các màu có nguồn gốc tự nhiên. Màu trắng tạo từ thạch cao, phấn; chàm, xanh chàm từ mực tàu hoà với nước chàm. Màu đỏ lấy từ son, màu đen từ tro rơm rạ, màu xanh từ gỉ đồng, màu vàng từ hoa dành dành. 
(theo Vikipedia)

VKYD sưu tầm 

No comments:

Post a Comment