Ban Biên Tập: H K Châu, L N Hui, Ng L Hương, C Ng Cường, Ng C Lâm, Ng Đ Thắng, NTHương

Wednesday, December 30, 2020

Chèo Thuyền Qua Đảo Hoang

 

Khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ của Đàlạt kích thích óc mạo hiểm của chúng tôi.Trong nhiều chuyến thám du vào tận những nơi mà dân thành thị không bao giờ dám đặt chân đến, nhiều khi hai ba đứa rủ nhau đi riêng lẻ chứ không phải đi cắm trại với Hướng Đạo. Đối với ngọn núi Langbian mà dân Đàlạt thường gọi là núi Bà thì chúng tôi đã từng lên tận đỉnh của ngọn núi cao năm bảy lần, không đi theo đường mòn hoặc đường bậc cấp có từ năm 1956 do ty công chánh Đàlạt làm để cho tổng thống Ngô Đình Diệm lên thăm đỉnh Langbian. Mùa hè năm 1963 không hiểu do tin từ đâu mà làn sóng người từ Sàigòn, Miền Trung, Miến Tây ùn ùn kéo về Đàlạt rồi lên tận Núi Bà lấy “nước” về chữa bệnh. Người ta kéo nhau đi bất kể ngày đêm leo lên tận đỉnh rồi xuống phía bên kia núi lấy nước, sau đó leo lên lại đỉnh rồi xuống núi trở về. Thấy vậy một số anh em Hướng Đạo chúng tôi cắm trại ở giữa Núi Bà để giúp đưa người lên núi xuống núi. Chúng tôi chia nhiều nhóm giúp bà con lên xuống núi, tháng năm tháng sáu ở Đàlạt là mùa mưa nên chúng tôi cũng khá vất vả nhưng hết sức vui. Không biết “nước thánh nước thần” có chữa bệnh được cho ai không chứ thấy thiên hạ bỏ công bỏ tiền để lặn lội mang về những chai nước đỏ ngầu cáu bẩn chúng tôi cũng ái ngại ra mặt. Những địa danh như Suối Tía, Núi Voi, Cam Ly Thượng, Mang Linh, Số Chín, Suối Vàng, Suối Bạc, Ankroet, Đơn Dương, Di Linh, Bảo Lộc, Krong pha…không nơi nào không có dấu chân chúng tôi.                                             Có một lần vào sáng sớm chủ nhật, Nguyễn Đức Quang đạp chiếc xe “court” đến nhà tôi và rủ tôi cùng đạp xe lên  hướng núi Bà để vào buôn Thượng cưởi ngựa. Tôi đồng ý. Chúng tôi ghé quán mua mấy ổ bánh mì và mấy bịch muối đem theo. Tôi cũng có một chiếc xe đạp “court”, hai đứa phóng lên ngựa sắt hướng về chân núi Langbian. Chúng tôi đến buôn Mang Linh và thấy hai người đàn ông đang phác cỏ xén bờ nương với những chiếc “xà gạc”, chúng tôi chào hỏi nói chuyện và cho biết chúng tôi muốn thuê ngựa để cưởi. Chúng tôi đưa mỗi người hai ổ bánh mì và hai bịch muối. Hai người đàn ông đi ra phía bìa rừng dắt hai con ngựa, buộc khớp và dây vào mồm rồi vẫy tay gọi chúng tôi đến giao hai con ngựa. Họ dắt hai chiếc xe đạp vào dựng ở dưới nhà sàn. Những con ngựa của người Thượng không to cao và đẹp như những con ngựa của Trường Võ Bị Đàlạt mà chúng tôi thường thấy nên chúng tôi nắm bờm leo lên lưng chúng khá dễ dàng. Không có yên ngựa, không có vòng để chân nên chúng tôi chỉ dám để cho ngựa đi lửng thửng, muốn ngựa chạy nhanh hơn cũng chẳng biết phải làm sao, cương ngựa là một đoạn dây thừng, nắm dây giật giật cũng chỉ làm cho chúng ngoẹo cổ qua bên trái rồi ngoẹo qua phải mà thôi, nếu giật hai bên dây cùng một lúc thì chúng dừng lại. Dùng chân thúc mạnh vào bụng cũng vô ích. Chúng tôi đành buông cương chịu trận để chúng đi cứ đi tà tà băng qua mấy ngọn đồi cỏ xanh, hết đồi này sang đồi khác. Đi khoảng gần một tiếng đồng hồ, từ trên đồi nhìn xuống chúng tôi thấy một hồ nước rộng mênh mông. Thì ra đó là hồ Suối Bạc, tức là hồ lớn cách đập Suối Vàng khoảng hơn một cây số. Chúng tôi quyết định xuống ngựa cho và bắt đầu một trò khác: chèo thuyền. Thấy một chiếc thuyền con bềnh bồng ở mạn hồ, quan sát không thấy có ai gần đó, chúng tôi bước xuống chiếc thuyền dài khoảng hơn hai mét, rộng hơn một mét với một chiếc dầm chèo ở trong lòng thuyền. Bẻ thêm một nhánh cây làm dầm chèo, chúng tôi nhắm hướng bên kia hồ để chèo tới. Chúng tôi lấy bánh mì ra ăn  rồi tiếp tục chèo gần cả tiếng đồng hồ mới bước lên bờ bên kia. Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên và thích thú vì đi thêm một khoảng xa vài trăm thước thì thấy xác bốn năm chiếc xe jeep nhà binh đã sét rỉ nằm ngổn ngang dưới đám cỏ cao. Lấy làm lạ, chúng tôi đến gần để nhìn thì thấy bên hông xe có ghi mấy hàng chữ mà chúng tôi đoán là chữ Nhật. Điều này được xác nhận là đúng khi trở về hỏi những người lớn tuổi, họ cho biết đó là một trong những căn cứ của Nhật, nơi đây, một mặt quân đội Nhật dùng để dấu vũ khí, một mặt chúng đi tìm vàng. Không hiểu có ai từng đến đảo này chưa sau khi quân đội Nhật rút lui nhưng khi hai đứa tôi tình cờ mạo hiểm đến đó thì nơi này hoàn toàn hoang vắng, không một dấu tích gì cho biết là có người thường đến. Về sau chúng tôi cũng nghe được một số câu chuyện về những địa điểm bí mật mà quân đội Nhật đã xây dựng những cơ sở quân sự nhiều nơi ở Đàlạt để yểm trợ cho việc tìm kiếm mỏ vàng. Tôi và Quang cứ thế tò mò đi hết khu này sang khu khác và thấy rất nhiều dụng cụ bằng kim loại hư sét, những đống đồ vụn khắp nơi không định hình được thứ gì ra thứ gì cả. Gió ở hồ lùa vào đảo khiến chúng tôi cảm thấy lạnh nên quyết định rời đảo. Nhắm hướng cũ chèo thuyền trở lại nhưng chúng tôi không ngờ là khi chèo về bị ngược gió, mãi lay hoay với một chiếc dầm và một khúc cây, chiếc thuyền bé xíu không di chuyển được bao nhiêu trên hồ ngược gió. Hai đứa càng chèo càng thấm mệt và bắt đầu lo sợ. Nếu không về được bên kia trước khi trời tối thì rất nguy, có thể gió mạnh làm thuyền dạt lui vào đảo. Trời tối làm sao trở lại Mang Linh để lấy xe đạp! Còn một điều nữa là hai con ngựa, không hiểu còn trên bờ hay không? Chúng tôi bảo nhau là phải liên tục chèo mới mong trở về được. Bụng đói, gió lạnh nhưng cũng toát mồ hôi vì sợ! Cuối cùng thì chúng tôi cũng lên được bến cũ, tìm hoài chẳng thấy hai con ngựa đâu cả nên vội nhắm hướng chạy về chân Núi Bà về buôn Mang Linh khi trời đã ngả về chiều.Thấy hai con ngựa đứng ở bãi cỏ trước mấy ngôi nhà sàn, chúng tôi yên tâm nhìn nhau cười mừng ra mặt. Mấy người Thượng thấy chúng tôi về và thấy cả hai con ngựa nên họ đều cười vui vẻ. Leo lên xe đạp thì mới thấy đói lả, muốn dừng lại hái vài trái dưa leo bên bờ nương để ăn nhưng không dám vì chúng tôi từng nghe rằng nếu ăn cắp bất cứ thứ gì của người Thượng sẽ bị “thư”. Cũng may dọc đường sau đó nhặt được mấy củ cà rốt nhỏ do xe ngựa chở rau cải từ các nhà vườn đánh rơi. Chúng tôi phủi sạch đất và nhai một cách ngon lành. Đạp về đến Dòng Chúa Cứu Thế thấy dưới phố Đalạt đã lên đèn.

 

          
                   
         

                            

                          Nguyễn Đức Quang & Hoàng Kim Châu

 

No comments:

Post a Comment