Nghe một bản nhạc, đọc một bài thơ và nhớ lại một truyện ngắn .
Một ngày như mọi ngày, thức dậy sớm, tự pha một ly cà phê, một bình trà, ngồi như một thói quen trước màn hình nhỏ nghe một bản nhạc tình cờ như một bắt đầu cho ngày mới. Một ngày bắt đầu từ một sợi tóc em còn vương đêm qua trên vai áo tôi..
Tiếng hát Bằng Kiều ray rứt, nhẹ nhàng, sâu lắng ... rơi trong không gian yên tĩnh với một bài hát của Ngô Thụy Miên viết năm 2014 phổ thơ Dương Văn Thiệt. Bài “Tóc Xưa” nghe nhiều lần mà vẫn muốn nghe lại thêm lần nữa. Một tuyệt phẩm cả về thơ lẫn nhạc. Một tuyệt phẩm. Đó là tiếng lòng rung cảm tha thiết và chơn chất (như tên tác giả) của một người chồng vừa mất đi người bạn tao khang yêu quý sau hơn 40 năm chung sống. Khi nhìn những sợi tóc xưa, kỷ vật của người vợ đã không còn nữa và nhớ lại “Ngày nào nhặt tóc quanh đây. Sợi nằm bên gối sợi bay ra vườn” . Những sợi tóc của người vợ trong lúc đau yếu rụng rơi đâu đó trong nhà mà người chồng đã gom nhặt giữ gìn làm kỷ vật, sợ đến lúc phải lìa xa nhau. Những sợi tóc ân tình vương vấn trong lời thơ tha thiết dành cho người vợ tao khang đã không còn. Những sợi tóc yêu thương một thời đó đã là “tóc xưa” ray rứt lòng, của người chồng giữ riêng cho người vợ. Những sợi “Tóc xưa” bên gối may có cơ duyên được nét nhạc tuyệt vời của Ngô Thụy Miên cùng tiếng hát Đoàn Thanh Tuyền, Bằng Kiều chắp cánh bay xa. Khi phổ giai điệu vào bài thơ này, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã tự sự:
“Có phải "Xưa" đó luôn là những kỷ niệm đẹp không hề phai tàn qua năm tháng, là những nỗi nhớ nhung chẳng hề quên lãng qua bao thăng trầm, đổi thay của cuộc sống?
Có lẽ trong trái tim của tất cả chúng ta , "Xưa" cũng chính là nỗi mất mát, niềm tuyệt vọng nào đó đã thoáng qua nhưng mãi ở lại vĩnh viễn trong ký ức sâu thẳm nhất của đời mình.” (Ngô Thụy Miên)
Đọc lời thơ Dương Văn Thiệt
TÓC XƯA
Ngày nào nhặt tóc quanh đây
Sợi nằm bên gối sợi bay ra vườn
Sợi dài buộc mối yêu thương
Sợi ngắn cột lấy nỗi buồn xa quê
Mượt mà một thuở tóc thề
Gió lùa qua tóc mân mê vai mềm
Sợi nào đánh rớt bên thềm
Nhặt về chờ tối ru đêm giấc nồng
Sợi nào sáng gội chiều hong
Gió đưa hương tóc qua song cửa mành
Lạc vào ngõ vắng nhà anh
Quen người quen cảnh không đành rời xa
Tóc nào đen óng hôm qua
Gởi vào trang sách bên ta mỗi ngày
Sợi nào là sợi tóc mai
Loà xoà bên trán làm ai phải lòng
Để mà sáng đợi chiều trông
Sợi kề bên má sợi hôn môi người
Sợi nào từ thuở đôi mươi
Tóc tơ se kết tiếng cười nỗi đau
Sợi nhìn ngày tháng qua mau
Tóc xanh hôm trước bạc màu hôm nay
Tóc xưa giờ đã xa bay
Sợi buồn ở lại ngắn dài xót xa
(Thơ Dương Văn Thiệt – 2013)
Qua nét nhạc Ngô Thụy Miên với
- Tiếng hát Bằng Kiều
https://www.youtube.com/watch?v=iARV3ZYj6rw
- Tiếng hát Đoàn Thanh Tuyền
https://www.youtube.com/watch?v=LjkqWTnPmhA&feature=youtu.be
Tâm viên ý mã. Từ tóc xưa tôi lại nhớ lan man về những sợi tóc mây” Ôi tóc mây bay ru lên điệu buồn Sợi tình theo gió vỗ cánh bay xa”, những sợi tóc mai “tóc mai sợi vắn sợi dài, lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm”, những sợi “tóc gió thôi bay” ...những sợi “ tóc em từng sợi nhỏ rớt xuống đời làm sóng lênh đênh” . Ừ mà phải là những sợi tóc của phụ nữ, tóc của em....mới để lại nhiều kỷ niệm cho các ông thi sĩ, nhạc sĩ nhớ “em ngồi đây tóc ngắn mà mùa thu dài lắm ở chung quanh”. Nhớ những chiều “... lang thang thành phố tóc mây cài “ mang “đóa hoa hồng cài lên tóc mây” em. Đêm về vẫn còn mơ “Ôi! Tóc em dài đêm thần thoại...”.... Đó, chỉ vài sợi tóc nhỏ của em đã làm anh điêu đứng anh hoang mang qua biết bao mùa mưa nắng vì những món tóc nhỏ đó thôi. Nếu cả “Suối tóc” thì anh còn chết đến bao lâu, nhưng dù thế nào
“Anh (vẫn) muốn đưa em qua miền rừng núi xanh
Chúng ta cùng thăm con suối dịu êm
Nhưng thiên nhiên không êm như tóc huyền
Nhưng thu qua không trong như đôi mắt em
Lòng anh muốn viết lên đôi vần thơ
Hay cung đàn cùng nét bút tranh hoa
Xin em biết nhé cho tình hai chúng ta
Trong ý thơ cung đàn và suối tóc mơ”
Lan man tôi lại nhớ Thạch Lam ( là em của Nhất Linh và là anh của Hoàng Đạo) nhà văn trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn, một bậc thầy về truyện ngắn của Văn Học Việt Nam đã diễn tả phân tích tâm lý sâu sắc vả tuyệt vời trong đoản văn, tuy có nhan đề là “Sợi Tóc” nhưng chẳng hề có một sợi tóc dù ngắn dù dài trong 10 trang giấy in truyện ngắn hay nhất của Thạch Lam. Phải đọc đến cuối truyện mới thấy có 2 chữ “sợi tóc”; nhưng đó chỉ là hình tượng mỏng manh như sợi tóc giữa thiện và ác, giữa đúng và sai, giữa tốt và xấu, giữa lương thiện và tội lỗi . Tôi đã đọc Sợi Tóc Thạch Lam hơn 50 năm xưa khi còn ngồi ghế Trung học và nay lan man về sợi “tóc xưa” lại nhớ “Sợi Tóc của Thạch Lam”, một đoản thiên tâm lý sâu sắc trong văn học Việt Nam và có lẽ, rất xứng đáng được xếp ngang hàng với những truyện hay trên văn đàn thế giới.
Đọc ở đây:
https://vietmessenger.com/books/?title=soi%20toc&page=5
Đầu tháng Ba
2021
Tôi hiểu thấu nỗi đau này . Khi mẹ tôi mất, tôi nhặt được rất nhiều sợi tóc dài vương lại của mẹ trên gối, trong áo, trên lược, trong chăn mền. Tôi vuốt từng sợi tóc bạc dài mà lệ cũng tuôn ra không thể ngưng lại được. Mái tóc ấy, một đời người, trong tay tôi run rẩy...Tôi thấy một con bé vừa chào đời khóc trong vòng tay mẹ, được thương yêu bảo bọc bởi mẹ hiền cho đến khi khôn lớn trưởng thành. Giờ đây tôi còn giữ được một vài sợi tóc quý giâ của mẹ, là kết nối mong manh giữa tôi và mẹ rất thương yêu.
Thu Thủy Ngô
No comments:
Post a Comment