Nhạc sĩ Cung Tiến đã sáng tác "Bài Ca Chính Thức" của Tráng Đoàn Bạch Đằng 1960.
Châu
Trong ý nghĩ tình cờ nào đó của một ai đề xướng, Nhóm Sinh Viên Văn Hóa đứng ra thành lập Quán Văn (ông Đỗ Tăng Bí xác nhận qua điện thư ý kiến cho ra đời Quán Văn là của ông). Quán Văn, cái tên trở thành rất thân thuộc về sau là một trong những tụ điểm sinh hoạt văn nghệ tiên phong của thanh niên sinh viên học sinh rất có khí thế, có sức lôi cuốn mãnh liệt và tạo được nhiều tiếng vang trong những năm dài biến động. Có thể nói không ngoa: Chính Quán Văn đã đưa tên tuổi nhiều nghệ sĩ sáng tác, trình diễn đi sâu vào lòng thưởng ngoạn của giới trẻ và người mộ điệu. Từ Thanh Lan / Từ Công Phụng đến Khánh Ly / Trịnh Công Sơnv.v. và nhiều ca nhạc sĩ, thi sĩ khác nữa. Sinh hoạt văn nghệ từ Quán Văn như một bàn đạp, dần đi sâu vào các khuôn viên đại học, đoàn thể và ngay cả tư nhân về sau. Quán Văn là tiền thân của Thằng Bờm, Hầm Gió, Hội Quán Cây Tre . . .
Tưởng cũng nên nhắc lại, bọn tôi dù có tham gia các bang, nhóm riêng nhưng vẫn luôn luôn là thành viên của CPS (CPS là chữ viết tắt của Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạt Thanh Niên Học Đường).Cơ quan này đã hỗ trợ đắc lực cho các sinh hoạt mang tính chất văn học nghệ thuật.
Cuối năm 1966, đầu 67, anh em CPS tham gia công tác cứu trợ nạn nhân chiến tranh vùng giới tuyến Gio Linh / Cam lộ / Đông Hà. Chiến dịch được mang tên Công Trường Thanh Niên Vùng Giới Tuyến gồm nhiều anh chị nhiệt tình hăng hái không nề súng đạn hiểm nguy mang vật liệu, phẩm vật đổ xô ra miền địa đầu dựng lại người dựng lại nhà cho đồng bào cật ruột. Một ngôi nhà mẫu bằng vật liệu thật nhẹ trong tinh thần cứu trợ khẩn cấp được tạm dựng trên khu đất trống trước thềm tam cấp, nơi Khám Lớn cũ hồi xưa đặt cỗ máy chém hành xử tội nhân, thoai thoải bước xuống sân cỏ rộng phía bên dưới. Lúc anh chị em sinh viên học sinh về lại Sài Gòn sau gần một tháng trời công tác, ngôi nhà mẫu cứu trợ vẫn còn đó.
Nhận thấy ngôi nhà tuy có vẻ sơ sài nhưng tọa lạc ở một địa điểm khá thơ mộng, anh em bàn thảo và nảy ra ý kiến dựng một quán cà phê văn nghệ làm nơi tụ họp thường xuyên cho giới trẻ, với vật liệu đơn sơ thô thiển, tự chế lấy bàn ghế, quày hàng v.v. Thế là phe ta hăng hái bắt tay vào việc. Mọi người đều đồng ý với tên đặt: Quán Văn. Vốn liếng sơ khởi là do đóng góp tài chánh của các thành viên Nhóm Sinh Viên Văn Hóa dưới hình thức đầu tư cổ phần. Nói nghe có vẻ to tát thế nhưng sự thật đa số anh em là sinh viên nghèo, còn đang theo đuổi việc học, còn ngửa tay nhận trợ cấp gia đình, nên tài khoản đóng góp cũng chỉ đủ chi dùng hàng họ cà phê nước ngọt lúc ban đầu.
Nguyên tắc của Quán Văn là tự quản. Anh em luân phiên quản lý, coi sóc hàng quán mỗi tuần một lần. Đặc biệt chương trình văn nghệ chính thức được tổ chức mỗi tối thứ sáu hàng tuần, nhằm giới thiệu một tác giả hoặc một ban, nhóm đã, đang hoặc sẽ có những hoạt động mang tính văn nghệ. Tối thứ bảy, chủ nhật là văn nghệ tự do, bỏ túi, cây nhà lá vườn. Ngô Vương Toại và tôi Hoàng Xuân Sơn lo trang trí mỹ thuật, kẽ bảng hiệu, sắp xếp, bố trí bàn ghế, hàng họ.Trước mặt quán, hai chiếc dù nhà binh phế thải được căng ra làm nơi che mưa nắng.Dưới mái dù có khoảng mươi bộ bàn ghế chính thấp lè tè. Và phía dưới tam cấp, dốc đồi, trên thảm cỏ … rải rác những ghế ngồi đủ kiểu đủ loại: thân cây cưa ngắn, ghế xe hơi cũ, thùng gỗ tạp, và thậm chí những két vỏ chai la de. Quán mang một dáng vẻ thô sơ, nghệ sĩ và rất là “sinh viên bụi“.
Để tăng cường thêm nét duyên dáng cho Quán Văn, Ngô Vương Toại đã mời được một cô bạn gái ở cùng xóm trường đua Phú Thọ làm thâu ngân viên. Đó là Nhuệ Giang, vóc người nhỏ nhắn, xinh xắn với nụ cười duyên răng khễnh rất ư là thu hút, ưa nhìn. Nhuệ Giang tính tình vui vẻ, bặt thiệp và dễ mến, sẵn sàng làm vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi. Nhuệ Giang đã hóa thân làm Bông Hồng Quán Văn. Một cái tên tiền định. Mỗi tối đều có một chàng tình si đến cắm một đóa hồng rực thắm trên quày hàng Nhuệ Giang. Tất cả bọn tôi Ngô Vương Toại, Hoàng Xuân Giang Trịnh Công Sơn, Hoàng Ngọc Tuấn, Hoàng Xuân Sơn đều trở nên vô cùng thân thiết với Nhuệ Giang. Như anh em một nhà. Chỉ có chàng Trần Hiếu Lai công tử là lọt được vào mắt xanh của cô em gái. Được nhận làm gạc-đờ-co thường trực.
Bao năm trời thất tán, bọn tôi không còn nghe tin tức Nhuệ Giang. Chẳng biết con sông Nhuệ giờ trôi chẩy về đâu? Và Bông Hồng Quán Văn (hiện Nhuệ Giang đang cư ngụ ở Úc Đại Lợi với gia đình) lưu lạc ở phương trời miên viễn nào? Hay đã cằn khô nơi đáy thẳm quê nhà?!
Ngồi quán nhâm nhi ly cà phê, nghe nhạc là mode cực thịnh của thanh niên sinh viên học sinh thời bấy giờ. Ngồi cho qua ngày đoạn tháng. Ngồi cho quên nỗi ám ảnh ghê sợ chiến tranh và đường tương lai mù mịt. Quán Cái Chùa (La Pagode), Givral, Brodard, Impérial . . . dưới phố. Cà phê Hân, Duyên Anh, Thái Chi . . . ở Đa Kao. Thu Hương ở Tân Định. Gió Bấc, Năm Dưỡng . . . ở Phan Đình Phùng / Nguyễn Thiện Thuật. Quán nào cũng đông cứng và nườm nượp khách.
Quán Văn cũng không ra ngoài tiền lệ, có phần đông đảo khách hàng hơn, có sức thu hút đặc biệt hơn nhờ những chương trình văn nghệ sống động. Nhạc nền thường trực của Quán Văn là nhạc chọn lọc của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Cung Tiến . . . cùng nhạc tiền chiến, cổ điển, phát ra từ một máy magnétophone gắn tape nhạc lớn do Trần Đại Lộc cung cấp. Thức uống của Quán Văn cũng đơn giản, chỉ vài ba món: cà phê (dĩ nhiên!) – nước ngọt, thường là nước cam chua nhãn Birley, có khi là Xá Xị Con Cọp. Đặc biệt rất đắt hàng là nước đá chanh đường pha rượu Rhum, gọi tắt là Chanh Rum. Trà nóng trà đá miễn phí. Tới phiên ai quản lý, người đó phải mua sắm dự trữ thức uống đủ cho cả tuần. Bọn tôi chọn cà phê Pháp thơm ngon loại Jean Martin ở quày hàng kế restaurant Thanh Bạchđường Lê Lợi. Nước ngọt mua sĩ tận Chợ Lớn (Tấn Mốc lo việc này). Chanh, đá, đường . . . mua quanh khu vực chợ Bến Thành. Ẩm khách mua ticket tại quày thu ngân Nhuệ Giang và tự động ra phía sau chọn món hàng thích hợp. Có những hôm quá đông khách phe ta phải cật lực làm việc “rụp rụp”, nói theo ngôn từ Võ Phiến, kiểu dây chuyền mới bắt kịp lưu lượng khách vào ra. Nào liền tay rửa phin, ly tách, pha cà phê, quậy chanh rum, chặt nước đá v. v . Có những tay pha cà phê rành nghề như Hoàng Xuân Giang, Ngô VănTính . . . thì cũng có những hảo thủ với ngón “hàn băng miên chưởng” múa tay chặt nước đá bay bướm nhậm lẹ cỡ Tấn Mốc, Hồ Tự, Nguyễn Khả Lộc . . . Lắm khi làm không kịp, khách phải nhào vào giúp một tay. Không khí thiệt là nhộn nhịp, thân thiện. Đông, vui không thể tả.
Quán Văn ra quân những sinh hoạt văn nghệ tiên khởi bằng lực lượng trừ bị: phe nhà tung quả bóng dò đường trước.
Nguyễn Thạc bắn phát pháo đầu với đêm trình diễn độc tấu tây ban cầm. Thạc là một guitariste nhạc cổ điển có hạng. Khán thính giả chọn lọc, hạn chế. Đêm tĩnh lặng. Từng giọt đàn thánh thót lóng lánh trong mắt người. Tí tách những giọt cà phê trầm tưởng, sóng sánh. Và bóng đêm chan hòa trên sân cỏ ru người vào cơn mộng êm đềm. Dù ít khách nhưng đêm văn nghệ thành công mỹ mãn bởi tấm lòng của người trình tấu và kẻ thưởng thức.
Tiếp nối không khí trầm lắng, Quán Văn sôi động hẳn lên với Đêm Trầm CaNguyễn Đức Quang/Hoàng Kim Châu/ Trần Trọng Thảo. Ở đây không có tiếng hát nhà nghề. Ở đây chỉ có ca khúc bùng cháy ra trên đầu mỗi nhiệt huyết. Quang- Châu-Thảo hát say sưa những bài ca khai phá. Những thanh khúc hùng tráng khơi động lòng hăng say tuổi trẻ. Khí thế bừng bừng. Anh hát. Tôi hát. Mọi người cùng hát trong tiếng vỗ tay đều nhịp dậy trời.
Anh em tôi – hơn trăm năm – nằm nếm gai uống chai mật đắng – chê bước anh – nhưng trông đến em lòng đầy lo lắng
Anh em tôi – hơn trăm năm – mang chiếc gông đi trong lao tù – cho đến nay cờ tự do cắm trên nấm mồ…
(Anh Em Tôi – Nguyễn Đức Quang )
Đường Việt Nam ôi vô cùng vô tận – đường ngang tàng ngoài biển Nam giữa Trường Sơn – đường ngày qua đầy vết kinh hoàng, mỗi xóm làng một dở dang . . .
Ai từng đi trên đường Việt nam – bước âm thầm và tim nát tan…
Đi dựng lấy quê hương nhà – giống da vàng này là vua đấu tranh…
(Đường Việt Nam – Nguyễn Đức Quang )
Người bạn láng giềng – Ca Đoàn Nguồn Sống – tham gia trình diễn tại Quán Vănmột chương trình đặc sắc phong phú gồm đủ các thể loại ca – vũ – nhạc – kịch, dân ca, hát chèo, nhạc cổ truyền… làm sống lại truyền thống văn hóa dân tộc, rất đáng trân quý, gìn giữ.
Rồi Đêm Tâm Ca Phạm Duy/Steve Addiss. Hai nhân dáng. Hai dòng máu. Khoác áo màu đen thôn dã. Song tấu tây ban cầm. Cùng hòa chung tiếng hát, đổ xuống như những giọt mưa, chan hòa trong mắt, trên môi mẹ:
Giọt mưa trên lá – nước mắt mẹ già lả chả đầm đìa trên xác con lạnh giá
Giọt mưa trên lá – nước mắt mặn mà – thiếu nữ mừng vì tan chiến tranh chồng về…
Steve (Stephen) Addiss cũng có chuyển sang Anh ngữ ca khúc này của Phạm Duy: The Rain On The Leaves
The rain on the leaves is the tears of joy – of the girl whose boy – return from the war.
The rain on the leaves is the bitter tears when the mother hears her son is no more…
Đó là những hình ảnh khó phai mờ trong tâm trí. Như những bài tâm ca lắng đọng lâu dài trong hồn người.
Sinh hoạt văn nghệ Quán Văn thay đổi không ngừng.
Tiếp nối là những đêm: Từ Công Phụng hát tình ca Trên Vùng Tuổi Mây với Thanh Lan (ca sĩ / diễn viên điện ảnh) – Vũ Thành An/Hồng Vân/Thế Dung và Những Bài Không Tên – Miên Đức Thắng vạm vỡ, mạnh bạo với Hát Từ Đồng Hoang. Và rồi Phương Oanh với dân ca. Ban Tam Ca Đông Phương. Các nhạc sĩ Du Ca như Ngô Mạnh Thu/Diễm Chi, Giang Châu, Nguyễn Quyết Thắng, Nguyễn Hữu Nghĩa cũng ra quân trình làng. Có những đêm thơ như đêm ra mắt thi phẩm Đêm Việt Namcủa Đỗ Qúy Toàn. Nhà thơ Lê Văn Ngăn từ ngoài trung vào diễn ngâm thơ của mình và bằng hữu qua chủ đề Ánh Sáng Đời Lao Động. Trịnh Công Sơn cũng đã thực hiện xuất hát một mình trước khi có Khánh Ly. Anh hát những ca khúc trong Thần Thoại, Quê Hương và Thân Phận. Như đã có lần nhắc đến, đây là những ca khúc mang tính triết lý sâu đậm về con người và cuộc sống. Có nhìn thấy cái nhân dáng gầy gò của TCS ôm đàn hát những ca khúc mình với giọng kêu gào thống thiết mới thấm cảm qua từng câu từng chữ, cái thân phận nhỏ nhoi, mong manh của kiếp người vô lượng.
Như thế, Quán Văn lúc nào cũng đông vui. Nhưng phải đợi đến sự kết hợp lạ thường diệu vợi giữa Trịnh Công Sơn và Khánh Ly, Quán Văn mới trở nên một hiện tượng và mang dấu ấn rõ rệt về các sinh hoạt văn nghệ thời thượng. Từ khởi điểm này, đã có sự cảm thông tuyệt vời giữa nghệ sĩ và quần chúng. Hát và Lắng Nghe đã trở thành một nhu cầu cần thiết cho tuổi trẻ hôm nay giữa vùng đạn bom tủi nhục. Hát và Lắng Nghe đã bước đi từ Quán Văn, lan dần vào các đại học; lớn dậy một phong trào sinh hoạt đầy nhiệt huyết.
Một buổi tối chống gậy lò dò từ hậu liêu CPS ra sân Quán Văn ( sự tích chống gậy vì ăn đạn pháo kích của VC này sẽ được nhắc lại sau ), tôi bất chợt nghe được một tiếng hát lạ kỳ: nửa như quyện từ lòng đất âm u, nửa như tự trời thanh cao rót xuống. Một tiếng hát có ma lực cuốn hút người nghe tự buổi đầu hội ngộ (Ngõ ban sơ hạnh ngân dài – Cổng xô còn vọng điệu tài tử qua – Bùi Giáng ).
Trời ươm nắng cho mây hồng
Mây qua mau em nghiêng sầu
Còn mưa xuống như hôm nào
Em đến thăm, mây âm thầm mang gió lên
Người ngồi đó trông mưa nguồn
Ôi yêu thương nghe đã buồn
Ngoài kia lá như vẫn xanh
Ngoài sông vắng, nước dâng lên hồn muôn trùng
Này em đã khóc chiều mưa đỉnh cao
Còn gì nữa đâu sương mù đã lâu
Những chữ Khóc, Đỉnh Cao như làn hơi vút hắt ra. Như dòng sống chợt kích ngất. Rồi bàng hoàng ngậm lắng lời ru êm vào hơi thở nhè nhẹ. Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ. Chao ơi sao lại có giọng hát liêu trai đến giữa cuộc đời như một tặng phẩm bất ngờ thế nhỉ? Sao lại có đường thanh lột tả hết những lời ca nhiệm mầu Trịnh Công Sơn? Nàng là ai… LÀ AI? Ngồi ở đâu đó. Thu mình trong góc tối. Mà tiếng ca như dòng nhựa chảy trào cả đêm mênh mông? Và tôi, và em. Mơ hồ giữa một vùng khói sương lãng đãng.
Những chiếc ghế xích lại gần. Vòng tròn nhỏ vây quanh. Chuỗi vòng lớn lấp lánh sáng lân tinh trên những bực thềm. Trên cỏ. Và nàng tiếp tục hát:
Chiều nay còn mưa sao em không lại
Nhỡ mai trong cơn đau vùi
Làm sao có nhau – Hằn lên nỗi đau
Bước chân em xin về mau
Mưa bay về những hàng cây thủy tinh muộn thắp nắng chiều. Giọt nắng. Giọt nến. Ngàn cây thắp nến lên hai hàng – để nắng bây giờ trong mắt em.
Rồi nàng đứng lên Gọi Tên Bốn Mùa. Gọi đêm liêu trai dài tóc thần thoại. Gọi cuộc tình dấu chim bay và kiếp người mang nặng từ trẻ thơ mới lọt lòng…
Khánh Ly! Một cái tên xa lạ chưa từng nghe đến. Có phải là tiếng phong linh mang về thành đô cơn gió miền cao Đà Lạt?
Trịnh Công Sơn nồng nàn giới thiệu: “Đây là Mai, mới từ Đà Lạt xuống, sẽ sinh hoạt với anh em mình lâu dài!“
Vâng, Lệ Mai đã đến. Khánh Ly đã ở lại. Với chúng ta, thật dài lâu.
Việc gì phải đến, đã đến: KhánhLy/Trịnh Công Sơn chính thức xuất hiện trước công chúng tại Quán Văn vào một tối thứ Sáu mùa hè đẹp trời. Dù phương tiện thông tin phổ biến hạn chế, dù tất cả sự kiện hoàn toàn mới mẻ. Số lượng khán thính giả đêm Khánh Ly /Trịnh Công Sơn đông đảo chưa từng thấy. Các bạn trẻ ngồi kín sân cỏ. Tràn ra bên hông và ngay cả đàng sau Quán Văn. Tất cả nín lặng chờ nghe KL/TCS hát. Thức uống làm không kịp! Nhưng có hề gì. Tuổi trẻ đến đây là để chia sẻ những giá trị tinh thần. Chia sẻ nỗi khát khao và niềm mất mát. Trong từng lời ca tiếng hát. Trong từng hơi thở mớm ru nhau.
Trịnh Công Sơn mở màn với Gia Tài Của Mẹ:
Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ để lại cho con
Gia tài của mẹ: một nước Việt buồn
Ở đoạn điệp khúc, anh hát lại nhiều lần và tất cả cùng hát theo nhịp vỗ tay vang dội:
Dạy cho con tiếng nói thật thà
Dạy cho con chớ quên mầu da
Con chớ quên mầu da nước Việt xưa
Đêm trường lồng lộng tiếng đồng ca. Trịnh Công Sơn tiếp tục kể lể nỗi khổ đau chiến tranh mà quê hương Việt Nam hằng cưu mang: Một ngày dài trên quê hương – Ngày Việt Nam hoang tàn quá – Một ruộng đồng trơ đất đỏ – Một đàn bò không luống cỏ…
Và Khánh Ly bước lên bục gỗ theo tiếng vỗ tay sóng biển rạt rào. Giọng hát ma túy cất lên…
Trích từ Cũng Cần Có Nhau – phóng bút của Hoàng Xuân Sơn, Nhân Ảnh xuất bản (Tháng Mười 2013)
Hướng đạo là một phong trào giáo dục theo phương pháp Hàng đội, mọi hoạt động đều xuất phát từ các buổi họp.
Bởi thế, khi đọc cuốn “Chuẩn bị, điều khiển và lượng giá buổi họp” (Konferenzen erfolgreich vorbereiten, leiten, auswerten) của Tiến sĩ Karlfried Hans, tôi thấy cần phải ghi lại những kinh nghiệm quý giá này cho các bạn.
Cuốn sách được viết cho các nhà Quản trị, Giám đốc, Chủ sự, Trưởng phòng … những người trực tiếp liên hệ tới việc tổ chức hội nghị, hội họp, thảo luận. Nhưng nó cũng được viết cho Bạn và tôi, những người thường xuyên tổ chức các buổi họp đội, họp đoàn. Bởi vì “hội họp”, “hội nghị”,“hội ý” hay “đại hội”, “nghị hội” … thì nội dung cũng chỉ là một. Trao đổi tin tức, đóng góp ý kiến, để tìm ra kết luận chung.
Kinh nghiệm của Tiến sĩ K. Hans, hiện là Giám đốc Viện đào tạo Quản trị gia, sẽ được tóm lược trong bốn đề mục: Chuẩn bị – Điều khiển – Lượng giá và Hướng dẫn thêm … dưới tiêu đề “Hướng Đạo và hội họp”. Để những người đang sinh hoạt trong Phong trào có thể tham khảo.
Hội họp trên mọi cấp độ: quốc tế, quốc gia hay đoàn thể (và thuộc bất kỳ lãnh vực nào) thì nội dung và phương thức điều hợp cũng đều giống nhau. Những kinh nghiệm thiết thực và cụ thể của Tiến sĩ K. Hans, người đã nhiều năm hoạt động và giảng dạy trong ngành quản trị, sẽ cho chúng ta những đề nghị, chỉ dẫn và lời khuyên đã từng được thử nghiệm nhiều lần qua các hội nghị, và đã thành công.
A. Chuẩn bị buổi họp
Chuẩn bị chu đáo là yếu tố quan trọng đem lại thành công cho một buổi họp. Thiếu chuẩn bị thì kết quả chẳng ra gì. Trái lại, nếu được chuẩn bị chu đáo, buổi họp chắc chắn sẽ thành công. Bởi thế, bạn hãy nâng cao tầm quan trọng của việc sửa soạn. Tôi đề nghị với bạn một bản hướng dẫn thứ tự cho công việc này.
1. Chủ tọa
Một nguyên tắc từ xưa: khi có từ ba người trở lên ngồi họp bàn chuyện gì với nhau, thì một trong ba người ấy phải nắm giữ vai trò điều khiển. Người điều khiển hay còn gọi là chủ tọa thường được đề cử khi bắt đầu buổi họp, như vậy người ấy sẽ không thể nắm vững nội dung, theo dõi tiến trình thảo luận và các giải pháp sẽ được áp dụng.
Người được đề cử điều khiển buổi họp (hay Đội trưởng, Đoàn trưởng làm chủ tọa) cần phải chuẩn bị nội dung buổi họp,địa điểm và giờ giấc, tiến trình thảo luận và giải pháp cho các vấn đề đưa ra thảo luận. Do vậy mà việc đề cử càng sớm càng tốt. Trong Hướng đạo có một thói quen không nhất thiết Đội trưởng hay Đoàn trưởng luôn luôn chủ tọa các buổi họp, mà có thể Đội phó họp đội, Phụ tá hay Đội trưởng nhất họp đoàn … Giao trách nhiệm là cách giáo dục và học việc hay nhất.
2. Thông báo
Bạn muốn mọi việc phải được chuẩn bị kỹ càng và các tham dự viên cũng muốn biết họ sẽ bàn gì? Bởi thế chương trình buổi họp gồm các đề mục và thời gian thảo luận, phải được viết trên “giấy trắng mực đen” và gởi tới các tham dự viên trước ngày họp càng sớm càng tốt cho họ có thì giờ suy nghĩ, chuẩn bị để khỏi mất thì giờ trong buổi họp.
Trong nhiều buổi họp người ta thường tránh các mục “linh tinh” hay “các đề mục khác” … những mục này chiếm mất nhiều thì giờ mà không cần thiết. Dĩ nhiên đôi lúc cũng có những sự việc bất ngờ cần thảo luận, thì ngay lúc khai mạc bạn đưa ra biểu quyết, xem có cần thiết đưa vào chương trình họp hay không và sẽ phải bỏ đề mục nào thay thế. Tóm lại, bạn hãy gạch bỏ trên căn bản các mục “linh tinh” trong chương trình họp.
Nội dung Chương trình: Thu – Xếp – Ước – Ghi
Thu thập đề mục cần thảo luận
Xếp đặt ưu tiên các đề mục
Ước tính thời gian cần cho từng đề mục
Ghi rõ tất cả chương trình nghị sự
3. Địa điểm
Địa điểm họp cần yên tĩnh, tắt điện thoại và những người không phận sự miễn vào … Một tiếng gõ cửa, một điện thoại reo có thể làm cho suy nghĩ bị đứt đoạn và tư tưởng ngắt quãng, phải vất vả lắm mới mang lại không khí buổi họp trở lại bình thường. Để những người bên ngoài khỏi quấy rầy, bạn nên gắn ở cửa phòng câu này: “Đang họp – Cấm vào”
Ngoài các dụng cụ cần thiết cho buổi họp như giấy bút và hình ảnh … bạn đừng quên đồng hồ, nó sẽ giúp cho bạn – người chủ tọa – và tất cả tham dự viên có thể tự kiểm soát và kiềm chế mình, không cần ai nhắc nhở, vì ai cũng thấy được “thời giờ đang trôi đến đâu rồi!”. Đồng hồ có “tác dụng tốt” nên cần đủ lớn cho mọi người cùng thấy.
4.Thời điểm
Thời gian lý tưởng cho các buổi họp từ 9-11 giờ và từ 14-16 giờ. Đó chính là thời gian người ta tập trung tốt nhất và đạt năng suất cao nhất. Buổi họp ít thành công khi được tổ chức ngay trước hoặc sau bữa ăn, vì đó là thời gian cái đầu nhường chỗ cho cái bụng làm việc.
Sau mỗi giờ họp cần phải có thời gian giải lao, bởi không ai có thể tập trung làm việc liên tục quá một giờ, vậy hãy nghỉ giải lao trước khi người ta mệt mỏi. Thời gian giải lao khoảng 10 phút, quá 10 phút thì không còn tương xứng với chữ giải lao nữa, vì sau đó khó tìm lại được những mấu chốt đã bàn qua.
5. Biên bản
Kết quả của buổi họp phải được ghi rõ trong một biên bản, do đó bạn phải đề cử người ghi chép trước khi khai mạc. Biên bản không phải là một bản tường thuật, nên chỉ cần ghi những điểm chính và những quyết định cho từng đề mục được thông qua.
Trong những kỳ họp nhiều ngày, bạn nên đề cử tham dự viên tuần tự thay phiên làm biên bản, tránh trường hợp một người phải làm việc đó liên tục một mình. Sau mỗi ngày họp, nên tóm lược lại những điểm chính. Biên bản cuối cùng nên đọc lại trước khi bế mạc kỳ họp.
Chuẩn bị tốt là đã THÀNH CÔNG một nửa …
B. Điều khiển Buổi họp
Trong phần 1 (Chuẩn bị một buổi họp) tôi đã nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của người Chủ tọa. Phần này ta sẽ đi sâu vào chi tiết những nguyên tắc mà người điều khiển cần phải tuân thủ.
1. Khai mạc
Trước hết, với cương vị chủ tọa, bạn hãy khai mạc buổi họp đúng giờ, bất kể có bao nhiêu người hiện diện. Vì nếu để những người đúng giờ bị phạt ngồi đợi người không đúng giờ, thì những kẻ đến trễ này sẽ tiếp tục đến trễ vào những buổi họp tới. Đúng là vòng luẩn quẩn khó chịu. Những kẻ đến trễ thường vì lơ là không quan tâm hay cố tình đến trễ cho ra vẻ mình lúc nào cũng bận rộn.
Bởi thế, bằng bất cứ giá nào, bạn cũng phải khai mạc đúng giờ. Trường hợp các tham dự viên chưa đầy đủ, bạn có thể mở đầu bằng một câu chuyện thời sự, một tin tức mới nhất trong nội bộ khoảng chừng 5 phút, câu chuyện hoàn toàn không dính líu gì đến những đề mục trong cuộc họp, và trong suốt buổi họp cũng không nhắc lại những chuyện ấy. Đây là thời gian lấy trớn, gián tiếp chờ đợi và cũng là một cách cảnh cáo những người đến trễ.
Giải pháp cứng rắn hơn, kẻ nào đến trễ vào lúc một đề mục đang được thảo luận, người đó bị cấm phát biểu, không được có ý kiến và cũng không được tham gia biểu quyết vấn đề đó. Tại nhiều cơ sở có các buổi họp định kỳ, người ta áp dụng cả đến phương pháp “phạt tiền”. Người đến trễ phải nộp phạt 5 hay 10 đồng, số tiền phạt thu được sẽ do toàn thể tùy ý sử dụng. Nhiều nơi thành công đến nỗi cả năm chẳng thu được đồng nào.
2. Mở đầu
Là chủ tọa, bạn không nên đi ngay vào đề tài, mà nên dùng ít phút đầu để khởi động không khí buổi họp. Ai cũng cần có thời gian … lấy trớn. Cũng như khi nhảy xa nếu bạn đứng tại chỗ mà nhảy thì chẳng xa được bao nhiêu. Khoảng lấy trớn này cốt để các tham dự viên làm quen với nhau,
Trong phần khai mạc, bạn cần xác định rõ là buổi họp chỉ thảo luận quanh các ý kiến và đề nghị liên quan đến đề tài mà thôi, hay phải biểu quyết đưa ra quyết định chung cho từng đề mục. Nhờ vậy các tham dự viên mới biết mình sẽ phải đi con đường nào và đi tớiđâu?
3. Điều hợp
Khi một buổi họp không đạt được kết quả tốt đẹp hay không thành công, lỗi hầu hết là do người chủ tọa. Hoặc người đó không chuẩn bị kỹ, hoặc ông ta không đủ khả năng điều hợp. Vậy, nếu bạn là người chủ tọa, nên tuân thủ năm nguyên tắc và những gợi ý dưới đây, để cho buổi họp có được kết quả tốt nhất trong thời gian ngắn nhất.
a) Lắng nghe người khác
Chăm chú nghe người khác nói, thích thú với những ý kiến của họ, chính là phương cách tạo thiện cảm, và là nghệ thuật“ chiếm lòng người không cần lời nói”. Đối với bạn là người chủ tọa, thì sự chú ý lắng nghe người khác lại càng quan trọng hơn nhiều.
Dĩ nhiên là chủ tọa thì bạn cũng cùng thảo luận với các tham dự viên, bạn cũng phát biểu những ý kiến riêng. Nhưng bạn không bao giờ phát biểu ý kiến đầu tiên, và không ý kiến quá 20% so với các tham dự viên khác, nếu không thì bạn đang cố tình lôi kéo các tham dự viên đi theo ý mình.
Thí dụ dễ hiểu hơn: bạn là một nhạc trưởng của ban nhạc đại hòa tấu, bạn có quyển quyết định cho một nhạc công chơi lúc nào và bao lâu. Nhưng, bỗng nhiên bạn nhảy đại xuống sàn chơi, chớp lấy cây đàn rồi mặc sức gảy.
b) Đặt câu hỏi đúng cách
Với tư cách chủ tọa, khi bạn đặt câu hỏi mà các tham dự viên nín thinh, thì chắc chắn là bạn đã đặt câu hỏi không đúng chỗ,đúng lúc … Theo triết gia Socrates: câu hỏi chính là phương thức tao nhã để hướng dẫn toàn bộ một cuộc nói chuyện. Bạn có thể dùng câu hỏi để lái câu chuyện theo ý mình một cách nhẹ nhàng, thoải mái.
Kỹ thuật đặt câu hỏi là “dụng cụ” của nhiều lãnh vực khác nhau: khoa sư phạm, tâm lý, thương thuyết, buôn bán và cả y tế nữa. Vậy nhất định bạn phải học cách đặt câu hỏi. Tôi đề nghị với bạn bốn loại câu hỏi được dùng trong các buổi họp:
– Câu hỏi mở: chủ tọa thường dùng để mở đầu cuộc thảo luận hay khi chuyển sang đề tài mới. Thí dụ: Xin quý vị cho biết ý kiến … hoặc: Liệu chúng ta còn giải pháp nào nữa không ? Những câu hỏi mở cần được sử dụng càng nhiều càng tốt, tạo dịp cho các tham dự viên nhập cuộc thảo luận. giúp bạn nhanh chóng giải quyết được nhiều vấn đề. Và đặc biệt với loại câu hỏi này, bạn có thể lôi kéo được các thành viên ít phát biểu hay ngại đưa ra ý kiến riêng.
– Câu hỏi đóng: người được hỏi thường chỉ có thể trả lời “Có” hay “Không” hoặc chỉ có thể trả lời được một câu ngắn rồi chấm dứt. Thí dụ: Anh cũng nghĩ như vậy chứ ? hoặc: Đây có phải ý kiến cuối cùng của anh không ? Tuy nhiên, không nên xử dụng nhiều vì nó giống như một cuộc tra vấn, gây bất mãn cho các tham dự viên và làm tê liệt cuộc thảo luận. Bạn chỉ nên sử dụng khi cần làm sáng tỏ một vấn đề hoặc lấy biểu quyết cho một chuyện gì đó.
– Câu hỏi dẫn dụ: là câu hỏi lôi kéo người khác đi theo mình, cố tình dẫn người khác tới câu trả lời mà mình muốn. Thí dụ: Hẳn qúy vị cũng đồng ý với tôi là … hoặc: Chúng ta có thể chấm dứt đề mục này được chứ ? Những câu hỏi loại này là hành vi áp đặt trá hình. Bởi thế, bạn nên sử dụng nó một cách hết sức thận trọng, chỉ khi nào thực sự cần thiết như cần cắt đứt những ý kiến dông dài hay chấm dứt buổi họp.
– Câu hỏi dây chuyền: là câu hỏi được lồng vào một chuỗi những câu hỏi, và các tham dự viên sẽ chỉ quan tâm đến câu hỏi mà chủ tọa muốn bàn. Thí dụ: Giờ thì chúng ta đi sâu vào từng vấn đề, bắt đầu từ câu hỏi thứ nhất, yêu cầu quý vị cho ý kiến … hoặc: Liệu chúng ta có thể bắt đầu thảo luận từ điểm cuối cùng là vấn đề … Trái với câu hỏi dẫn dụ là áp đặt câu trả lời mình muốn, câu hỏi dây chuyền dồn tham dự viên vào việc trả lời câu hỏi mình muốn.
c) Gạt bỏ những gì ngoài đề tài
Là một người chủ tọa, bạn phải biết gạt bỏ ngay những gì không nằm trong đề mục thảo luận, nếu không muốn cuộc thảo luận kéo dài và không đi đến một quyết định nào cả. Mỗi đề mục thảo luận hoặc một câu hỏi đặt ra cần phải có câu trả lời rốt ráo.
Một ý kiến ra ngoài đề, bạn cần chấm dứt khéo léo như: Đây là một ý kiến hay và chúng ta sẽ bàn đến trong một dịp khác … hoặc: Chúng ta hãy tạm gác đề tài này qua một bên, vì hôm nay chúng ta không có nhiều thì giờ. Đó là cách gạt bỏ những gì không nằm trong đề mục thảo luận, mà người có ý kiến lạc đề cũng hài lòng vì được chủ tọa quan tâm.
Nhiệm vụ của chủ tọa là phải giữ cho buổi họp đi sát chương trình và đạt được kết quả. Chính vì thế nên bạn có quyền và có nhiệm vụ quyết định mọi việc trong khuôn khổ một buổi họp.
d) Tóm tắt những gì đã thảo luận
Buổi họp cũng giống như một bài luận văn, gồm Nhập đề, Thân bài và Kết luận. Trên căn bản, kết là phần tóm tắt những gì đãđược nhắc đến trong phần trước. Phần kết của buổi họp người ta gọi là biên bản. Nhưng trong suốt buổi họp thỉnh thoảng người chủ tọa nên tóm tắt những gì đã thảo luận, để các tham dự viên nắm vững và không lặp lại.
Trong những buổi họp có nhiều đề mục, bạn nên tóm tắt khi một vấn đề được thảo luận xong, để mọi người bước sang đề mục mới, hoặc tóm tắt sau một thời gian thảo luận nhất định. Điều này giúp cho các tham dự viên dễ tập trung vào từng đề tài thảo luận, theo dõi được tiến trình buổi họp và đặc biệt giúp cho người ghi biên bản được dễ dàng.
e) Nhắc lại những điều đã đúc kết
Trong buổi họp, chủ tọa nên nhắc lại những điều đã được đúc kết, giúp cho các tham dự viên có cái nhìn bao quát về buổi họp và những giai đoạn đã đi qua. Giống như xây dựng một cây cầu, ta cần kiểm tra lại những cột trụ giữa dòng sau mỗi nhịp.
Bạn cũng có thể nhắc lại những điều đã đúc kết khi cuộc thảo luận trượt ra khỏi vấn đề chính, khi cuộc tranh cãi kéo dài hay không khí của buổi họp bắt đầu ngột ngạt … Nhờ việc nhắc lại này, các tham dự viên nắm được kết quả đã đạt được, lấy lại cảm hứng cho buổi họp và trở lại những điểm chính yếu của cuộc thảo luận.
Tóm lại:
Là người chủ tọa, bạn phải tuân thủ năm nguyên tắc căn bản nêu trên, các nguyên tắc này áp dụng cho mọi cuộc hội họp, hội thảo hay thảo luận và trong mọi lãnh vực. Điều cốt yếu là bạn cố gắng áp dụng chúng thường xuyên, chắc chắn bạn sẽ thấy kết quả cho nỗ lực của mình.
Trưởng Trần Điền có tật nói lắp và hơi dè dặt, nhưng nhờ thường xuyên điều khiển các buổi họp, nên đã trở thành một Thượng nghị sĩ nổi tiếng hùng biện. Tên rừng của Trưởng là Gà Hùng Biện.
⚜️
Năm nguyên tắc căn bản
Lắng nghe người khác
Đặt câu hỏi đúng cách
Gạt bỏ những gì ngoài đề tài
Tóm tắt những gì đã thảo luận
Nhắc lại những điều đã đúc kết
Bùi Năng Phán , Cáo Lãng Tử