THÁNG BẢY MƯA NGÂU
Mấy tháng hè, trời không mưa. Nóng tăng dần lên 3 con số. Hầm hập, hanh hao cháy cỏ cháy cây, cháy cả lòng người. Vẫn không một giọt mưa. Đã qua 4 ngày đầu tuần tháng 8. Xế chiều trời vẫn còn nắng, vẫn còn sáng, vẫn còn nóng… nhưng mây từ đông nam kéo tới tiết trời dịu hẳn đi. Và mưa. Ôi! Đã có những giọt nước từ trời rơi trên vuông cỏ cháy sau vườn chiều nay.
“Giọt mưa mưa ngâu mưa ngâu
Búp non trên cành cành lá biếc
Giọt mưa mưa ngâu mưa ngâu
Tròn xoe chiếc ô trên đầu …
Từng giọt mưa ngâu rớt bên thềm…”
Những giọt reo vui rơi rơi trong chiều như ca khúc Mưa Ngâu của Thanh Tùng bật lên trong đầu tôi! Ừ! Mưa thật và mưa ngâu thật rồi. Những giọt mưa đầu tiên rơi xuống vườn tôi chiều nay đúng ngày thất tịch, ngày 7 tháng 7 âm lịch mỗi năm là ngày Ngưu lang-Chức nữ gặp nhau sau một năm dài xa cách như trong truyền thuyết
Tục truyền tháng bảy mưa ngâu,
Con trời lấy chú chăn trâu cũng phiền.
Nhà thơ Trần Tế Xương lấy hai câu ca dao tháng bảy mưa ngâu để viết thành bài thơ
Vợ Chồng Ngâu
“Tục truyền tháng bảy mưa Ngâu,
Con trời lấy chú chăn trâu cũng phiền.
Một là duyên, hai thời là nợ,
Sợi xích thằng ai gỡ cho ra?
Vụng về cũng thể cung nga,
Trăm khôn nghìn khéo chẳng qua mục đồng.
Hay là sợ muộn chồng chăng tá?
Hơi đâu mà kén cá chọn canh!
Lấy ai, ai lấy cũng đành,
Rể trời đâu cả đến anh áo buồm.”
Vợ chồng Ngâu là Ngưu Lang, Chức Nữ trong câu chuyện cổ tích Trung Hoa liên quan đến bầy quạ bắc cầu Ô Thước cho đôi tình nhân bất hạnh gặp trong đêm thất tịch tháng Bảy mưa ngâu. Câu chuyện cổ theo dòng văn hoá lan qua nước ta từ thời xa xưa nên Việt Nam ta cũng có cổ tích Chàng Ngưu Ả Chức
Chàng Ngưu hay Ngưu Lang là vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng, vì say mê Chức Nữ, một tiên nữ phụ trách việc dệt vải trên Thiên Đình, nên bỏ bê việc chăn trâu, để trâu đi nghênh ngang vào điện Ngọc Hư. Chức Nữ cũng vì mê tiếng tiêu của Ngưu Lang nên trễ nải việc dệt vải. Ngọc Hoàng giận dữ, bắt cả hai phải ở cách xa nhau, người đầu sông Ngân, kẻ cuối sông.
Quân tại Tương giang đầu
Thiếp tại Tương giang vĩ
Tương tư bất tương kiến
Đồng ẩm Tương giang thủy 
Chàng ở đầu sông Tương
Thiếp ở cuối sông Tương
Nhớ nhau mà không gặp
Cùng uống nước sông Tương
Đôi tình nhân xa cách nhau bên hai đầu sông Tương trong thơ Lương Ý Nương có khác gì Chàng Ngưu Ả Chức và dòng Ngân Hà ngăn đôi bờ thương nhớ
Chuyện kể về sau Ngọc Hoàng thương tình nên gia ơn cho hai người mỗi năm được gặp nhau một lần vào đêm Thất tịch - ngày 7 tháng 7 âm lịch trên nhịp cầu Ô Thước do bầy quạ liên thành bắc nhịp trên sông Ngân. Và chỉ một đêm. Khi tiễn biệt nhau, Ngưu Lang và Chức Nữ khóc sướt mướt.
Nước mắt của họ rơi xuống trần hóa thành cơn mưa và được người dưới trần gian đặt tên là mưa ngâu.
Giọt mưa mưa ngâu mưa ngâu  …(Nhớ ơi ! Ngưu Lang và Chức Nữ)
Giọt mưa ngâu hay là nước mắt ai nhớ nhau
Chuyện tình yêu như là những cơn mưa trong đời đầy nắng gió
Để trên mi ai bây giờ ướt đẫm mưa ngâu
“Nhớ ai như vợ chồng Ngâu
Một năm mới gặp mặt nhau một lần"
Cơn mưa ngâu thoáng qua trong chiều thất tịch chưa đủ thấm lớp đất hạn nhưng lòng tôi như cây cỏ chợt vui.
Lại lần thẩn nghĩ nếu tháng Bảy không mưa vào đêm Thất tịch thì sao nhỉ ?!
Nắng mưa là việc của trời. Trời mà không làm mưa đúng hôm nay là trời còn giận vợ chồng Ngâu. Dù suốt năm nóng lòng chờ đợi ngày này để gặp lại nhau cho thỏa thương nhớ, chúng nó vẫn phải chịu cách xa. Chỉ biết nhìn nhau mà lòng đau. Nếu trời không mưa đêm nay thì đôi lứa yêu nhau ấy vẫn phải chịu cảnh đôi đứa đôi nơi. Không mưa, không có Ô Thước bắc cầu thời
Vợ chồng Ngâu vẫn không thể gặp được nhau nên không có nước mắt đoàn tụ, nước mắt chia ly thành mưa rơi xuống trần gian trong đêm thất tịch . Đêm thất tịch không mưa thành đêm thất tình !? Thế là buồn.
Nhưng trời đã mưa chiều nay
Trời cho tháng bảy mưa ngâu
Để cho ả Chức chàng Ngưu xum vầy
Vui thay !
Không biết đôi tình nhân bất hạnh trong cổ tích ấy có vui có buồn trong cơn mưa chiều nay không nhưng có lẽ đám cây cỏ trong vườn tôi cũng tươi mát thêm một tí chờ qua cơn nắng hạn.
mnc
Thất Tịch
4/8/2022