Ban Biên Tập: H K Châu, L N Hui, Ng L Hương, C Ng Cường, Ng C Lâm, Ng Đ Thắng, NTHương

Sunday, September 9, 2018

Một đời Hướng Đạo


Phong trào Hướng Đạo là một tổ chức giáo dục phi chính trị, tự nguyện, dành cho giới trẻ, mở ra cho tất cả mọi người không phân biệt giới tính, nguồn gốc, chủng tộc hay tín ngưỡng… để rèn luyện thanh thiếu nhi từ 6 tuổi trở lên có được những đức tính tốt cho bản thân, giúp đỡ mọi người, linh hoạt tháo vát trong mọi hoàn cảnh… để trở thành một công dân hữu ích cho xã hội. Hướng Đạo Việt Nam hình thành từ đầu thập niên 1930 cho đến nay. PV Trẻ có dịp gặp gỡ và trò chuyện với Trưởng Hoàng Kim Châu tại Houston, một người cả đời gắn bó với Phong Trào Hướng Đạo.

Dự họp bạn Hướng Đạo thế giới kỷ niệm 100 năm thành lập Phong Trào Hướng Đạo (1907-2007) tại Luân Đôn

Logo-HĐVN

PV Trẻ: Nghe nói anh tham gia Phong Trào Hướng Đạo từ trước 75. Anh có thể nói sơ lược về việc hình thành Hướng Đạo Việt Nam khi nào và tổ chức của Hướng Đạo ra sao.
A. Châu: Nói chuyện về Hướng đạo thì cả ngày cũng không hết. Các bạn có quan tâm thì vào các trang mạng Hướng Ðạo để tìm hiểu nhiều hơn, tôi có thể nói vắn tắt như thế này: Phong Trào Hướng Ðạo thế giới được thành lập năm 1907 tại Anh quốc do Huân tước Baden Powell. Tại Việt Nam, Trưởng Trần Văn Khắc thành lập đơn vị Hướng Ðạo đầu tiên mang tên Thiếu đoàn Lê Lợi ở Hà Nội. Năm 1932 Trưởng Khắc vào làm việc ở Sài Gòn và cùng Trưởng Huỳnh Văn Diệp và một số Trưởng khác xây dựng và phát triển Phong Trào Hướng Ðạo trong Nam và cả miền Trung. Phong Trào Hướng Ðạo Việt Nam được tổ chức Hướng Ðạo Thế Giới công nhận ngày 5 tháng 7, 1957 và hoạt động trên toàn cõi Miền Nam Việt Nam cho đến tháng Tư, 1975. Công cuộc giáo dục của Hướng Ðạo nhằm vào lớp trẻ, tuỳ theo tuổi tác mà phân ra các ngành: Ấu, Thiếu, Kha, Tráng. Tôi tham gia Hướng Ðạo hồi năm 11 tuổi ở Ðà Lạt cho đến hiện nay ở hải ngoại. Tôi về hưu nhiều năm rồi, có nhiều thời gian dành cho sinh hoạt và góp sức xây dựng thêm các đoàn Hướng Ðạo ở Houston.
Một đội Hướng Đạo đi thám du, 1955 tại Đà Lạt (chính giữa trên cùng là nhân vật, bên phải ngoài cùng là Nguyễn Đức Quang)

PV Trẻ: Vậy là anh cả đời làm người Hướng Đạo rồi. Huy hiệu Hướng đạo là một bông Hoa Bách Hợp (Lily), ý nghĩa của nó ra sao. Có phải mỗi tổ chức Hướng Đạo các nước trên thế giới đều dùng chung mẫu huy hiệu này.
A. Châu: Hoa Bách Hợp, tiếng Pháp là fleur-de-lis, tiếng Anh là Lily là biểu tượng của các Hiệp sĩ thời Trung cổ bên châu Âu với ý nghĩa cao đẹp là trong sáng và hào hiệp. Tổ chức Hướng Ðạo dùng hình tượng Hoa Bách Hợp với ý nghĩa của chiếc la-bàn chỉ phương hướng, ngày xưa trên các la-bàn người ta thường vẽ hình Hoa Bách Hợp chỉ về hướng Bắc, ý nói người Hướng Ðạo phải chọn hướng đi đúng như tôn chỉ đã đưa ra. Huy hiệu Hoa Bách Hợp có ba nhánh tượng trưng cho ba Lời Hứa của Hướng Ðạo mà suốt đời một người Hướng Ðạo cố gắng thực hiện. Sợi dây vòng tròn quanh đóa hoa chỉ sự đoàn kết, bên dưới có nút thắt có ý nghĩa nhắc đoàn sinh mỗi ngày làm một việc thiện. Bên dưới cánh hoa có hai chữ “Sắp Sẵn” (Be Prepared/Toujours Pret) là châm ngôn của Hướng Ðạo. Nói chung các tổ chức Hướng Ðạo các nước đều dùng mẫu Hoa Bách Hợp làm huy hiệu cho tổ chức Hướng Dạo của nước mình. Hướng  Ðạo Việt Nam có cánh hoa màu đỏ trên nền xanh lá cây. Còn Hoa Bách Hợp của Hướng Ðạo Thế Giới  là màu trắng trên nền màu tím.
PV Trẻ: Trước đây ở Việt Nam còn có Hướng Đạo quân đội. Vậy thì mục đích của tổ chức này có khác tôn chỉ Hướng Đạo Việt Nam không?
A. Châu: Tôi nhớ Hướng Ðạo Quân Ðội thành lập mùa hè năm 1967 với thí điểm là trường Võ Bị Thủ Ðức. Mục đích của tổ chức này không khác gì Hướng Ðạo Việt Nam. Việc thành lập Hướng Ðạo Quân Ðội là do Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị muốn các con em sĩ quan, binh lính VNCH có điều kiện sinh hoạt rèn luyện về thể lý và tinh thần cùng các phương cách sống ngoài trời, thiết lập tinh thần tương thân, đoàn kết và giúp ích. Các thủ bản huấn luyện và phương pháp sinh hoạt đều theo tinh thần nội dung của Hướng Ðạo Việt Nam; một số các Trưởng Hướng Ðạo Việt Nam đang phục vụ trong quân đội được điều động để thành lập các đơn vị Hướng Ðạo Quân Ðội. Hội Hướng Ðạo Việt Nam cũng thường xuyên gửi các Trưởng huấn luyện để giúp huấn luyện đào tạo Huynh Trưởng.

Dự trại họp bạn Hướng Đạo Việt Nam tại Trảng Bom tháng 12 – 1959

PV Trẻ: Sau năm 1975, nhiều anh em Trưởng và đoàn sinh Hướng Đạo ra định cư ở nước ngoài. Làm cách nào để kêu gọi tập hợp lại thành một tổ chức như hiện nay. Tổ chức Hướng Đạo ở hải ngoại như thế nào?
A. Châu: Khi di tản hay vượt biên đến các đảo trong vùng Ðông Nam Á, các Trưởng và những em Hướng Ðạo Sinh đã tự tổ chức các nhóm Hướng Ðạo phục vụ trong các trại tị nạn như giúp dựng nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc y tế, dạy học, tổ chức sinh hoạt cho trẻ em trong trại vân vân…và khi đến định cư tại các nước tự do, một số Trưởng nòng cốt của Phong Trào trước đây ở Việt Nam như Trưởng Trần Văn Khắc, Nguyễn Văn Thơ, Mai Ngọc Liệu, Nghiêm Văn Thạch, Nguyễn Trung Thoại, Bùi Nhật Tiến, Trương Trọng Trác, Mai Xuân Tý, Ðoàn Văn Thiệp, Trần Bạch Bích (Nữ Hướng Ðạo)… tổng cộng có 58 Trưởng đến từ các nơi như Pháp, Úc, Canada, Nhật, Hoa Kỳ… đã tổ chức một cuộc hội nghị tại thành phố Costa Mesa, California tháng 7, 1983 nhằm phục hoạt Phong Trào Hướng Ðạo Việt Nam tại hải ngoại. Kết quả là một Hội Ðồng Trung Ương Hướng  Ðạo Việt Nam được thành lập để điều phối các hoạt động của Hướng Ðạo Việt Nam tại hải ngoại. Theo khu vực địa lý, hiện tại có các Miền như sau: Tây Nam Hoa Kỳ, Tây Bắc Hoa Kỳ, Miền Trung Hoa Kỳ và Miền Ðông Hoa Kỳ. Thêm vào đó còn có các Chi nhánh như Pháp, Úc, Ðức, Canada… Riêng tại Miền Trung Hoa Kỳ có các đơn vị tại Texas như các liên đoàn La Vang, Pháp Luân, Lạc Việt, Ðất Việt, Biển Ðông, La San, Mân Côi, Tráng đoàn Nguyễn Trãi, Làng Bách Hợp Trưởng Niên (các Hướng Ðạo Sinh lớn tuổi không còn phụ trách đơn vị) ở thành phố Houston. Tại Dallas – Fort Worth trước đây cũng có nhiều liên đoàn nhưng vì tình trạng thiếu Trưởng nên hiện nay chỉ có liên đoàn Minh Ðức, Phê Rô và một đơn vị Hướng Ðạo Trưởng Niên.
PV Trẻ: Sinh hoạt Hướng Đạo mang tính chất giáo dục. Theo anh thì nó có ý nghĩa như thế nào. Tổ chức Hướng Đạo Việt Nam tại hải ngoại vài ba năm mới tổ chức trại “Thẳng Tiến”, sao không tổ chức hằng năm để sinh hoạt Hướng Đạo mạnh mẽ hơn.
A. Châu: Ý nghĩa của tính giáo dục thể hiện bằng Ba Lời Hứa và Mười Ðiều Luật của Hướng Ðạo. Mỗi Hướng Ðạo Sinh dù nhỏ hay lớn tuổi, lúc mặc đồng phục cũng như lúc mặc thường phục và bất cứ đang ở trong môi trường sinh hoạt nào cũng đều cố gắng thực hiện Ba Lời Hứa và Mười Ðiều Luật. Cách chào của Hướng Ðạo cũng nói lên điều đó qua dấu hiệu ba ngón tay đưa lên tượng trưng cho Ba Lời Hứa là: Làm bổn phận đối với tín ngưỡng tâm linh, tổ quốc và quốc gia, giúp ích mọi người bất cứ lúc nào và tuân theo luật Hướng đạo. Ðể tổ chức trại họp bạn không đơn giản chút nào. Ban tổ chức cần có thời gian chuẩn bị các sinh hoạt cho cả vài ngàn đoàn sinh trên khắp thế giới hội tụ về, các chương trình sinh hoạt, vấn đề an ninh, di chuyển, ẩm thực, y tế… Nó không đơn thuần như sinh hoạt của một đoàn hướng đạo có thể sinh hoạt nơi công viên hay một cơ sở trường học, tôn giáo trong vài tiếng đồng hồ. Họp bạn thường kéo dài trong vòng một tuần lễ. Theo quy định thì cứ bốn năm lại có một kỳ họp bạn. Tính đến nay Hướng Ðạo Việt Nam ở hải ngoại đã tổ chức thành công các trại Thẳng Tiến tại Pháp, Canada, Úc và Hoa Kỳ. Thẳng Tiến XI hồi tháng 7 vừa qua tại Virginia, và lần tới sẽ tổ chức tại Úc Châu.
(Thực ra Phong Trào Hướng Ðạo có nhiều loại trại tùy theo kế hoạch sinh hoạt: trại Ðội, trại Ðoàn, trại Liên Ðoàn, trại Ðạo…Các loại trại Huấn Luyện, trại Họp Bạn. Thẳng Tiến là trại Họp Bạn).
Dự trại huấn luyện Tùng Nguyên ở Đà Lạt 1964

PV Trẻ: Khi tham gia Đoàn Sinh Hướng Đạo có phải đóng niên liễm không?
A. Châu: Tất nhiên là có. Ðóng niên liễm mới có tiền chi phí cho các sinh hoạt của mỗi đơn vị. Số tiền niên liễm tuỳ theo mỗi liên đoàn. Ngoài ra vì có ghi danh với Hội Nam và Nữ Hướng Ðạo Hoa Kỳ nên mỗi năm đoàn sinh đóng niên liễm. Số tiền này là một phần bảo hiểm rủi ro cho đoàn sinh khi đi sinh hoạt chính thức. Tham gia Hướng Ðạo tốn tiền đủ thứ hết, mình phải tự trang bị quần áo đồng phục, các dụng cụ khác như lều trại. Tốn tiền nhưng vui và có ích.
PV Trẻ: Cả đời đi Hướng Đạo, nghe nói mấy năm trước anh viết cuốn Sinh Hoạt Hướng Đạo và hiện nay anh vừa in xong tập thơ cũng viết về Hướng Đạo với bút danh Phong Châu?
A. Châu: Ðó là những tâm tình, cảm xúc kể từ khi thành lập Tráng đoàn Nguyễn Trãi từ hồi năm 2002 đến nay. Lúc đó tôi soạn cuốn “Ðố Vui Ðể Học” nhằm phổ biến đến các em đoàn sinh những hiểu biết về lịch sử, văn hóa, truyền thống tập tục cùng những truyện cổ tích Việt Nam. Nhân trại Thẳng Tiến XI vừa rồi tôi cho ra mắt tập thơ “Nguồn Thật”, ghi lại những cảm xúc và kỷ niệm cuộc đời của người Hướng Ðạo của mình.

Dự họp bạn Hướng Đạo Thế Giới 2007 tại Anh Quốc, kỷ niệm 100 năm thành lập Hướng Đạo Thế Giới

PV Trẻ: Anh có thể kể cho độc giả nghe một kỷ niệm sinh hoạt Hướng Đạo mà anh khó quên.
A. Châu: Kỷ niệm Hướng Ðạo nhiều vô số. Trong tập thơ Nguồn Thật, tôi ghi lại câu chuyện “Mười Ba Ðội Sinh”. Ðó là khoảng tháng 3 năm 1959, 13 đội sinh do đội trưởng Quang và Tuấn phụ trách dẫn đội sinh đi cắm trại ở thác Prenn. Chương trình sáng đi chiều về. Ðến chiều, rồi tối mà vẫn không thấy bóng dáng các đội sinh trở về. Phụ huynh và các Trưởng lo sốt vó. Các anh em đi báo Cảnh sát và An ninh quân đội chia nhau đi tìm quanh thác. Ðến khuya, tin tức vẫn bặt tăm, phải đợi sáng mai tìm tiếp. Tôi đành đạp xe về nhà thì quá hai giờ sáng. Vừa lên giường thì nghe lao xao ngoài cửa. Thì ra 13 đội sinh mặt mày hốc hác vác mấy chiếc xe, chiếc thì gãy phuộc, chiếc thì gãy sườn, chiếc thì gãy tay lái. Tôi vui mừng hết sức vì các em không có ai bị thương tích. Hôm sau Quang (tức nhạc sĩ Nguyễn Ðức Quang “Du Ca”) mới kể chi tiết cuộc phiêu lưu của 13 đội sinh hứng chí thay đổi lộ trình như đã định. Nghe xong tôi nói với Quang: “Chỉ có một lần trong đời Hướng Ðạo, có một cuộc mạo hiểm, như thế đã là một Hướng Ðạo Sinh giỏi”.
PV Trẻ: Cám ơn Trưởng “lão” Châu, cả đời làm người Hướng Đạo, tiếp bước các vị huynh trưởng đi trước để xây dựng và phát triển phong trào Hướng đạo Việt Nam tại hải ngoại.
 Tráng Đoàn Nguyễn Trãi, thành lập tháng 7 – 2002

No comments:

Post a Comment