Ban Biên Tập: H K Châu, L N Hui, Ng L Hương, C Ng Cường, Ng C Lâm, Ng Đ Thắng, NTHương

Friday, November 30, 2018

TẠ ƠN







"Thiên Chúa luôn đến với con người bằng một trái tim yêu thương cho dù chúng ta đang ở trong bất cứ tình trạng nào !"

  Tôi đã đọc câu trên của ai đó, đã lâu, từ nhiều mùa lễ Tạ Ơn trên xứ sở tự do này 
  Và trong không khí ấm áp sáng nay một buổi sáng Thanksgiving lần thứ 27 của tôi trên đất nước Hoa Kỳ chan hoà nắng đẹp. 
  Tôi đã phóng tác một bài viết ( có lẽ là một phụ nữ) trên internet để 
  Tạ Ơn Chúa; Tạ ơn Thượng Đế nhân ngày Thanksgiving năm nay. 

    Happy Thanksgiving Day 
       22 tháng 11 năm 2018
 


TẠ ƠN 

Tạ ơn Chúa vì những lời than vãn, 
mà chồng tôi thường ca cẩm trước bữa cơm. 
chàng vẫn bên tôi, tôi còn muốn gì hơn, 
vì đã chẳng la cà nơi đâu cùng ai đó

Tạ ơn Chúa vì thằng con cau có,
đứng kề bên phụ rửa chén cùng tôi, 
vẫn còn hơn nó cứ chạy đi chơi, 
thật ngoan ngoãn tôi chẳng mong gì hơn thế

Tạ ơn Chúa vì bao nhiêu thứ thuế, 
phải đóng hàng năm tôi chẳng thể càm ràm 
vì rất may tôi còn có việc làm, 
vẫn hơn biết bao người đang thất nghiệp 

Tạ ơn Chúa vì những lần dọn dẹp, 
bàn ăn sau bữa tiệc với bạn bè, 
vì mến tôi đã cùng đến hội hè. 
Tôi đã may còn biết bao bằng hữu.

Tạ ơn Chúa với bao công việc nhà cần lo liệu
đi làm  về phải cắt cỏ dọn gara 
bởi như thế tôi có được một mái nhà,
còn hơn bao người vô gia cư vất vưởng 

Tạ ơn Chúa mọi điều mà tôi hưởng 
trong cuộc sống này với tất cả tự do, 
cho tôi cùng mọi người đủ áo cơm no. 
và Hồng ân Chúa từ trời tuôn xuống 

Tạ ơn Chúa đã cho tôi nhiều hơn tôi mong muốn  
Thiên Chúa hằng quan tâm đến con cái người 
bất cứ lúc nào và bất cứ mọi nơi 
Tạ ơn Chúa muôn vàn lời cảm tạ 

22/11
Cao Ngọc Cường (phóng tác)





CÁCH DÙNG DẤU HỎI , NGÃ TRONG VĂN PHẠM CHÍNH TẢ TIẾNG VIỆT



DÙNG DẤU HỎI – NGàTRONG VĂN PHẠM TIẾNG VIỆT, CÁCH ĐÁNH DẤU HỎI (?) NGà (~) RẤT KHÓ ĐỂ VIẾT ĐÚNG CHÍNH TẢ 


Sau đây là vài ý niệm cơ bản dễ nhớ để viết chính tả tương đối đúng và hạn chế lỗi "hỏi - ngã "ở mức thấp nhất .

1 . DÙNG TỪ LÁY THEO QUI ƯỚC :
- Dấu Hỏi đi với Sắc ( ' ) và Ngang ( không dấu).
- Dấu Ngã đi với Huyền (  ` ) và Nặng ( . ).

HỎI + SẮC :
- Gởi gắm , thổn thức , rải rác , khoảnh khắc , rẻ rúng , tử tế , cảnh cáo , sửng sốt , hảo hán , phản phúc , phản kháng , rửa ráy , quả quyết , khủng khiếp , khỏe khoắn , nhảm nhí , lở loét , lảnh lót , bảo bối , thưởng thức , thẳng thắn , thảng thốt , hiển hách , nhỏ nhắn , chải chuốt , rả rích , phảng phất , lả lướt , bổ báng , sản xuất .

- Mát mẻ , sắc sảo , mắng mỏ , vất vả , hối hả , hớn hở , xối xả , bóng bẩy , nóng nảy , sắp sửa , sắm sửa , hớt hải , lấp lửng , khúc khuỷu , tá lả , rác rưởi , trống trải , cứng cỏi , sáng sủa , sến sẩm , xấp xỉ , lém lỉnh , láu lỉnh , ngắn ngủi , chống chỏi , hốt hoảng , rắn rỏi , tức tưởi , chúi nhủi , nhắc nhở , nức nở , sấn sổ , ngất ngưởng , thắc thỏm , thấp thỏm , trắc trở , tráo trở , béo bở , ngái ngủ , gắt gỏng , kém cỏi , khấp khểnh , cáu kỉnh , kháu khỉnh , thất thểu , khốn khổ , tán tỉnh , ngúng nguẩy .

HỎI + NGANG :
- Nhỏ nhen , nhởn nhơ , ngẩn ngơ , vẩn vơ , lẳng lơ , lẻ loi , hỏi han , nở nang , nể nang , ngổn ngang , dở dang , giỏi giang , sửa sang , thở than , mỏng manh , chỉn chu , dửng dưng , trả treo , tả tơi , bỏ bê , mải mê , chở che , bảnh bao , hẩm hiu , phẳng phiu , khẳng khiu , rủi ro , mỉa mai , trẻ trung , nghỉ ngơi , ngủ nghê , tỉ tê , xỏ xiên , ngả nghiêng , đảo điên , hiển nhiên , lẻ loi , thảnh thơi , sản sinh .

- Dư dả , chăm chỉ , năn nỉ , thư thả , thon thả , thoang thoảng , trong trẻo , trăn trở , vui vẻ , thơ thẩn , thanh thản , mơn mởn , xăm xỉa , lêu lổng , hư hỏng , căng thẳng , dai dẳng , xây xẩm , san sẻ , xoay sở , hăm hở , xa xỉ , ngoe nguẩy , phe phẩy , đông đủ , tanh tưởi , chưng hửng , tiu nghỉu , sang sảng , nham nhở , chao đảo , gây gổ , sơ hở , cơ sở , tin tưởng , năng nổ , cưa cẩm , thăm thẳm , đưa đẩy , tưng tửng , say xỉn



NGÃ + HUYỀN :
- Bẽ bàng , vẫy vùng , nõn nà , vững vàng , đẫy đà , phũ phàng , bão bùng , sỗ sàng , vỗ về , rõ ràng , vẽ vời , sững sờ , ngỡ ngàng , hỗn hào , hãi hùng , sẵn sàng , kỹ càng , não nề , khẽ khàng , mỡ màng , lỡ làng .

- Gần gũi , liều lĩnh , lầm lỗi , gìn giữ , buồn bã , tầm tã , suồng sã , rầu rĩ , thờ thẫn , hờ hững , sàm sỡ , xoàng xĩnh , phè phỡn , bừa bãi , thừa thãi , nghề ngỗng , lừng lẫy , ruồng rẫy , lờ lững , đằng đẵng , mò mẫm , lầm lũi , nhàn nhã, bằng hữu.

NGÃ + NẶNG :
- Lãng mạn , lũ lụt , hãm hại , nhẫn nhịn , lễ lộc , lỗi lạc , rũ rượi , lưỡng lự , chễm chệ , nhã nhặn , mẫu mực , chững chạc , dõng dạc , dữ dội , cãi cọ , nhão nhoẹt , kẽo kẹt , kĩu kịt , nhễ nhại , rõ rệt , lẫn lộn

- Gọn ghẽ , ngạo nghễ , vạm vỡ , lặng lẽ , lạnh lẽo , bạc bẽo , sặc sỡ , rực rỡ , rộn rã , vội vã , nghiệt ngã , hậu hĩ , hậu hĩnh , ngộ nghĩnh , gạt gẫm , hụt hẫng , dựa dẫm , nhẹ nhõm , bập bõm , chập chững , mạnh mẽ , chặt chẽ , sạch sẽ , ngặt nghẽo , khập khiễng , đục đẽo , ruộng rẫy , giặc giã , giặt giũ , giận dỗi , bụ bẫm , dạy dỗ , gặp gỡ , dụ dỗ , lạ lẫm , rộng rãi , tục tĩu , nhục nhã , dạn dĩ , rạng rỡ , rệu rã .



* TỪ KÉP LÀ TỪ THƯỜNG ĐI MỘT CẶP DẤU HỎI HOẶC NGÃ .
- Lã chã , bỗ bã , bẽn lẽn , bỡ ngỡ , mỹ mãn , dễ dãi , cũn cỡn , lững thững , ngẫm nghĩ , lỗ lã , lẽo đẽo , nhõng nhẽo , mũm mĩm , mẫu mã , vĩnh viễn , nhễu nhão .

- Thỏ thẻ , đỏng đảnh , lẻ tẻ , của cải , lẩm bẩm , lẩm cẩm , lảm nhảm , hể hả , kể lể , nhỏng nhảnh , lủng củng , thỉnh thoảng , lảo đảo , tỉ mỉ , thủ thỉ , lảng vảng , rủng rỉnh , loảng xoảng , hổn hển , lủng lẳng , lỏng lẻo , lải nhải , tủm tỉm , bủn rủn , xởi lởi , tẩn mẩn , lẩn quẩn , thỏn mỏn , chỏn lỏn , giả lả , bải hoải , bổi hổi , lẩn thẩn , lởm chởm , rỉ rả , thủng thẳng , bỏm bẻm , nhỏm nhẻm , xiểng niểng , lẩy bẩy

2 . TỪ NGUYÊN ÂM : DẤU HỎI
Ủa , ổi , ổng , ẩu , ủng , ỷ , ổn , ửng , ổ , ủy , ỏn ẻn , ong ỏng , im ỉm , âm ỉ , ấp ủ , ảo ảnh , ăn ở , êm ả , oi ả , yên ả , óng ả , ẩn ý , an ủi , ỉ ôi , ẩm ướt , ủ ê , uể oải , ít ỏi , ủn ỉn , oan uổng , ăng ẳng , ư ử , oẳn tù tì , ẻo lả , ủ rũ , yểu điệu , ỉu xìu , ảm đạm , uyển chuyển , quan ải , oản xôi , yểm trợ ( trừ : ễnh , ưỡn , ẵm , ỡm )

3 . TỪ HÁN VIỆT BẮT ĐẦU LÀ M , N , NH , L , V , D , NG THÌ DẤU NGÃ , CÁC CHỮ KHÁC DẤU HỎI .
Ghi nhớ 7 chữ này bằng câu “ Mình Nên Nhớ Là Viết Dấu Ngã “
- M : Mỹ nhân , Mẫu giáo , Mã đáo , Mãn nguyện , Mãng xà , Mãnh lực , Mẫn cán , Miễn nhiệm , Mão mũ
- N : Não bộ , Nữ nhi , Noãn hoa , Nỗ lực , Nã ( truy nã )
- NH : Nhẫn tâm , Nhãn tiền , Nhiễu loạn , Nhũ mẫu , Nhã nhạc , Nhã nhặn , Nhuyễn thể , Nhĩ ( mộc nhĩ ) , Nhưỡng ( thổ nhưỡng)
- L : Lão gia , Lễ nghi , Lĩnh hội , Lỗi lạc , Lữ khách , Lãng tử , Lưỡng tính , Lãnh địa , Luỹ thành , Lãm nguyệt , Lẫm liệt
- V : Vãn hồi , Viễn xứ , Vĩ đại , Võ sư , Vũ trang , Vĩnh hằng , Vững chãi
- D : Diễm phúc , Dũng khí , Dưỡng dục , Dĩ nhiên , Dõng dạc , Diễu hành , Dã ngoại , Dã tâm , Diễn thuyết
- NG : Nghĩa hiệp , Ngũ cốc , Ngữ hệ , Ngẫu nhiên , Nghiễm nhiên , Ngưỡng mộ , Ngã ( bản ngã )



4 . HỌ VÀ TRẠNG TỪ : DẤU NGÃ
- Họ Nguyễn , Võ , Vũ , Đỗ , Doãn , Lữ , Lã , Mã , Liễu , Nhữ
- Cũng , vẫn , sẽ , mãi , đã , những , hỡi , hễ , lẽ ra , mỗi , nữa , dẫu ...

5 . DÙNG DẤU BẰNG CÁCH SUY LUẬN THEO NGHĨA .
Ví dụ 1 : NỔI - NỖI :
- Chỉ sự trổi lên hơn mức bình thường thì dấu hỏi ( nổi trội , nổi bật , nổi danh , nổi tiếng , nổi mụn , nổi gân , nổi điên , nổi giận , nổi xung , nổi hứng , nổi sóng , nổi bọt , nổi dậy , chợ nổi , nông nổi , làm nổi , trôi nổi , hết nói nổi , chịu hết nổi , gánh không nổi )

- Cái nào mang tính biểu cảm thì dấu ngã ( khổ nỗi , đến nỗi nào , làm gì nên nỗi , nỗi lòng , nỗi niềm , nỗi ước ao , nỗi nhục , nỗi oan , nỗi hận , nỗi nhớ )

Ví dụ 2: NGHỈ - NGHĨ :
- Liên quan đến sự dừng lại một hoạt động thì dấu hỏi ( nghỉ ngơi , nghỉ học , nghỉ việc , nghỉ hè , nghỉ lễ , nghỉ mệt , nghỉ dưỡng , nghỉ chơi , nghỉ mát , nghỉ thở , nghiêm nghỉ , nhà nghỉ , an nghỉ )

- Thể hiện cảm xúc suy nghĩ thì dấu ngã ( nghĩ ngợi , suy nghĩ , ngẫm nghĩ , nghĩ cách , thầm nghĩ , nghĩ quẫn , nghĩ bậy , cạn nghĩ )

Ví dụ 3 :  MẢNH - MÃNH :
- Cái nào gợi hình dáng thì dấu hỏi ( mảnh trăng , mảnh ruộng , mảnh vườn , mảnh đất , mảnh xương , mảnh sành , mảnh vỡ , mảnh khảnh , mảnh mai , mảnh khăn , mảnh áo , mảnh vá , mảnh tình , mỏng mảnh )

- Thể hiện tính chất thì dấu ngã ( dũng mãnh , mãnh liệt , ranh mãnh , ma mãnh , mãnh hổ , mãnh thú , mãnh lực ..)

Ví dụ 4 :  KỶ - KỸ :
- Gắn với bản thân con người thì dấu hỏi ( kỷ vật , kỷ niệm , kỷ luật , kỷ lục , kỷ yếu , ích kỷ , tự kỷ , vị kỷ , tri kỷ , thế kỷ , thập kỷ )

- Gắn với kỹ thuật , trình độ thao tác thì dấu ngã ( Kỹ nghệ , kỹ năng , kỹ xảo , kỹ thuật , kỹ sư , kỹ nữ , kỹ lưỡng , kỹ càng , kỹ tính , nghĩ kỹ , giấu kỹ , tuyệt kỹ )



CHÚ Ý :
Qui ước cơ bản chứ không tuyệt đối , vẫn có một số từ ngoại lệ không theo qui ước trên như :
HỎI + NẶNG : - Hủ tục, hủ bại.

Chữ "nữa" viết dấu ngã trong đa số trường hợp, chỉ khi nói về số lượng chia hai như " phân nửa", "một nửa", thì viết dấu hỏi.
Bài viết có thể hữu ích (有益) cho những ai thường phạm lỗi chính tả "hỏi ngã". 
Tuy nhiên, phải nên nói rõ hơn là luật "trắc, bằng" thường đi kèm theo với dấu "hỏi" và "nặng huyền" thì thường đi kèm với dấu "ngã" thì chỉ nên áp dụng với chữ kép "thuần" Việt mà thôi. 
Còn nếu là những từ kép Hán Việt thì "quy luật" đó không có được hiệu nghiệm cho lắm. 
Thí dụ như chữ "sản xuất" (產出) ở trên là tiếng Hán Việt và "tình cờ" nó đi theo cái luật "bằng, trắc". Tuy nhiên, nếu là "cộng sản" (共產) hay "tài sản" (財產) thì nó lại không có hợp với luật "huyền nặng"!

Lý do là vì chữ Hán Việt không hề thay đổi từ "hỏi" sang "ngã" hay ngược lại, khi cái chữ đó đi kẹp với những chữ có những dấu khác nhau.

Một khi chữ "sản" đã được viết với dấu "hỏi" rồi thì cho dù nó có đi kẹp với dấu gì đi nữa thì nó vẫn phải viết với dấu hỏi mà thôi.
Giống như chữ "phản ứng" (反應) thì là đúng với quy luật, dấu "hỏi" đi kèm với dấu "sắc", nhưng "phản hồi" (反囘) thì không theo quy luật vì viết với dấu hỏi, nhưng lại đi kèm theo với dấu "huyền" !

(ST)

Chị Huyền mang Nặng Ngã đau
Hỏi Không Sắc thuốc lấy đâu mà lành

LUẬT DÙNG DẤU HỎI - NGÃ

Vì luật dùng dấu hỏi ngã có khác nhau giữa các loại từ tiếng Việt nên trước hết, ta phải biết phân biệt hai loại từ: từ Hán Việt và từ thuần Việt. Từ Hán Việt là những từ vay mượn trong tiếng Hán nhưng đọc theo giọng Việt. Từ thuần Việt hay còn gọi là từ Nôm tức là những từ thuần túy của người Việt Nam hoặc do người Việt Nam tạo nên với những tiếng mượn của nước ngoài nhưng đã Việt hóa.

Phân biệt tiếng Nôm và tiếng Hán Việt
– Từ Nôm là những từ nói sao hiểu vậy. Ví dụ: con dao, tờ giấy… Còn từ Hán Việt thường phải dịch ra bằng một từ thông dụng (tiếng Nôm) cho dễ hiểu hơn. Ví dụ: học đường (trường học), phi cơ (máy bay), bệnh nhân (người bịnh), v.v… Tuy nhiên, cũng có một số từ Hán Việt không dịch ra từ thông thường được nhưng vẫn có thể hiểu được. Ví dụ: thành công, hạnh phúc, kết quả, v.v… Có những tiếng đơn Hán Việt được dùng làm tiếng Nôm gọi là tiếng Nôm gốc Hán Việt. Ví dụ: lãnh, danh, đạo, pháp, lý, huyết, v.v…
– Nhìn ngữ pháp, ta có thể dễ dàng phân biệt được từ Nôm hay từ Hán Việt. Nếu từ đứng trước là hình dung từ làm rõ nghĩa cho danh từ đứng sau thì đó là từ Hán Việt (ngữ pháp giống tiếng Tàu). Ví dụ: thắng cảnh (cảnh đẹp), yếu điểm (điểm trọng yếu), tiểu quốc (nước nhỏ), v.v… Nếu hình dung từ đứng sau làm rõ nghĩa danh từ đứng trước thì đó là từ thuần Việt (từ Nôm). Ví dụ: cảnh đẹp, điểm yếu (nói theo tiếng Hán Việt thì là nhược điểm – chú ý: yếu điểm và điểm yếu không cùng nghĩa).
– Nhìn từ ghép để phân biệt: tiếng Nôm ghép với tiếng Nôm, ví dụ: tươi tốt, mỏi mệt, v.v… và tiếng Hán Việt ghép với tiếng Hán Việt, ví dụ: họa sĩ, học sinh, giáo sư, v.v… Do đó, nếu biết chắc một từ là Nôm hay Hán Việt thì có thể quả quyết từ kia là Nôm hay Hán Việt. Ví dụ: biết ‘tốt’ là từ Nôm thì quả quyết từ “tươi” cũng là từ Nôm. Như vậy, “hóa” là từ Hán Việt thì chỉ có thể ghép với từ Hán Việt như “nông thôn hóa,” “xích hóa” v.v… chứ không thể ghép với từ Nôm như “mặn hóa,” “sạch hóa” v.v… (“mặn” và “sạch” là từ thuần Việt thì không thể ghép với “hóa” là từ Hán Việt). Cũng vậy, từ “siêu” là từ Hán Việt thì chỉ có thể ghép với từ Hán Việt như “siêu đẳng”, “siêu cường” v.v… chứ không thể ghép với từ Nôm như “siêu mỏng,” “siêu đẹp”…. (“mỏng”, “đẹp”… là từ Nôm)
– Nhìn thấy một từ có nghĩa nhưng không thể đứng một mình mà phải ghép với một từ khác mới có nghĩa đầy đủ thì đó là từ Hán Việt. Ví dụ: quốc gia, sơn hà, quan sát v.v… Khi gặp một từ ghép mà cả 2 tiếng đều mơ hồ về nghĩa, nhất là đối với những người có trình độ Hán học hạn chế, thì đó là từ Hán Việt. Ví dụ: cảnh giác, hy sinh v.v…
– Ðặc biệt trong từ thuần Việt có dạng tiếng đôi lấp láy là một cặp từ gồm một tiếng có nghĩa ghép với một tiếng không có nghĩa hoặc do hai tiếng không có nghĩa ghép lại nhưng giọng nghe hài hòa, thuận tai, dễ đọc. Ví dụ: mát mẻ, dễ dãi, đẹp đẽ v.v… (một tiếng không có nghĩa) – châu chấu, lải nhải, rù rì v.v… (hai tiếng không có nghĩa).

Dấu hỏi ngã trong từ Hán Việt
Như đã nói ở trên, nhận biết một từ Hán Việt thì sẽ rất có lợi vì phân biêt được một phần khá lớn những từ mang dấu hỏi ngã trong nhóm từ Hán Việt. Ta có thể tóm tắt luật hỏi ngã trong từ Hán Việt như sau:
1) Những từ Hán Việt bắt đầu bằng các phụ âm d, l, m, n, nh, ng, v thường viết dấu ngã (trừ một ngoại lệ duy nhất là ‘ngải cứu’). Ðể cho dễ nhớ 7 phụ âm đầu của các chữ viết dấu ngã thì nên học thuộc lòng câu sau đây:“Mình Nên NHớ Vũ Là Dấu NGã”
Tuy nhiên, xin đừng nhầm lẫn từ Hán Việt với những từ Nôm sau đây: Lả (lả lơi, ẻo lả) – Lảng (lảng vảng) – Lảnh (lảnh lót) – Lảo (lảo đảo) – Lẩm (lẩm rẩm) – Lể (lể ốc) – Lưởng (lưởng thưởng) – Mả (mồ mả) – Mải (mải miết) – Mảnh (mảnh mai) – Mẩn (mê mẩn) – Mẫu (mẩu chuyện) – Ngả (ngả quỵ) – Ngủ (đi ngủ) – Nhả (nhả mồi, nhả tơ) – Nhãn (nhan nhản) – Nhỉ (vui nhỉ?) – Nhủ (khuyên nhủ) – Dẩn (dớ dẫn) – Dỉ (dỉ hơi) – Vãng (lảng vảng) – Vỉ (vỉ lò, vỉ bánh) – Viển (viển vông) – Vỏ (vỏ ốc, vỏ sò).
2) Ngoài các trường hợp kể trên, những từ Hán Việt bắt đầu bằng nguyên âm hoặc các phụ âm khác thì viết dấu hỏi, trừ những trường hợp ngoại lệ cần nhớ thuộc lòng:
b: bãi (bãi thị, bãi công, bãi nại) – bão (bão hòa, hoài bão) – bĩ (bĩ vận)
c: cữu (linh cữu) – cưỡng (cưỡng bách, cưỡng đoạt)
đ: đãi (bạc đãi, đãi bôi) – đãng (khoáng đãng, đãng tử) – đễ (hiếu đễ) – điễn (điễn khí) – đỗ (chim đỗ quyên, họ Ðỗ)

h: hãi (kinh hãi) – hãm (hãm hại) – hãn (hãn hữu) – hãnh (hãnh diện, kiêu hãnh) – hoãn (hoãn binh, hoãn đãi) – hỗ (hỗ trợ) – hỗn (hỗn tạp, hỗn mang) – huyễn (huyễn hoặc, huyễn mộng) – hữu (bằng hữu, hữu hảo, hữu lý)
k: kĩ (ca kĩ, kĩ sư, kĩ thuật, kĩ xảo)
ph: phẫn (phẫn nộ) – phẫu (phẫu thuật)
q: quẫn (quẫn bách) – quỹ (quỹ đạo, quỹ tích, ngân quỹ)
s: sĩ (bác sĩ, viện sĩ) – suyễn (suyễn tức)
t: tễ (dược tễ, dịch tễ) – tiễn (tiễn biệt) – tiễu (tiễu trừ, tuần tiễu) – tĩnh (tĩnh mịch, tĩnh dưỡng) – tuẫn (tuẫn tiết)
th: thuẫn ( mâu thuẫn) – thũng (phù thũng)
tr: trãi (tên một loài thú hoang đường, Nguyễn Trãi) – trẫm (tiếng vua tự xưng, trẫm triệu) – trĩ (ấu trĩ, trĩ nội, trĩ ngoại) – trữ (dự trữ, lưu trữ, tích trữ)
x: xã (xã hội, xã tắc)

Dấu hỏi ngã trong từ thuần Việt
Tiếng thuần Việt được chia thành 2 nhóm giọng (thanh):
– giọng Bổng gồm các giọng Không (dấu), Sắc và Hỏi.
– giọng Trầm gồm các giọng Huyền, Nặng và Ngã.
Dựa vào các bậc trầm bổng mà ta có thể rút ra luật hỏi ngã của từ thuần Việt như sau:
1) Khi hai tiếng Nôm có thể lấp láy với nhau thì hễ một tiếng không dấu hoặc có dấu sắc thì tiếng kia phải mang dấu hỏi và ngược lại, hễ một tiếng mang dấu huyền hoặc dấu nặng thì tiếng kia phải mang dấu ngã. Ví dụ: đẹp đẽ, mới mẻ, vui vẻ, vội vàng, vẻ vang, lạnh lùng, lững lờ, ngất ngưởng, thỉnh thoảng, đo đỏ, lở lói, vắng vẻ, nhão nhoẹt, lạnh lẽo, não nùng, ỡm ờ, v.v… Trừ ngoại lệ: bền bỉ, chàng hảng, hoài hủy, niềm nở, ngoan ngoãn, phỉnh phờ, sành sỏi, trễ nải, vỏn vẹn, ẻo ẹo, se sẽ, luồn lỏi, sửng sờ, v.v…
2) Khi một từ có thể chuyển thanh điệu sang từ không dấu hoặc có dấu sắc nhưng không thay đổi ý thì chắc chắn mang dấu hỏi; ví dụ: tan, tán, tản – len, lén, lẻn – can, cản – không, khổng – quăng, quẳng v.v… Ngược lại, khi một từ có thể chuyển sang thanh huyền hoặc thanh nặng thì chắc chắn mang dấu ngã; ví dụ: lời, lãi lợi – ngờ, ngỡ, ngợ – dầu, dẫu – cùng, cũng – chưa, chửa – đà, đã – đậu, đỗ – giẵm, giậm – trĩu, trịu – chõi, chọi – ngẫm, gẫm v.v…
Cũng tương tự, tiếng Nôm chuyển gốc từ tiếng Hán Việt thì phải theo dấu giọng của tiếng gốc. Ví dụ: hô (hấp) > thở – tu > sửa – giá (thú) > gả – giả (độc giả) > kẻ – hàng (hóa) > hãng (buôn) – dĩ (vãng) > đã – kỵ (mã) > cỡi v.v… Tuy nhiên, phải trừ những ngoại lệ: gõ/khỏ – hõm/hóm – kẻ/gã – rải/vãi – mặn/mẳn – làu/ lảu (thuộc) – lử/luỗi (mệt) – phồng/phổng – ngõ/ngả – quãng/khoảng – rõ/tỏ – trội/trổi – lõm/lóm.
3) Khi hai tiếng đứng gần nhau mà mỗi tiếng có nghĩa riêng thì giữ dấu riêng. Ví dụ: lú lẫn, mồ mả, mòn mỏi, trồng tỉa, ủ rũ, v.v…
4) Các tiếng nói gộp âm đều mang dấu hỏi. Tiếng nói gộp âm là tiếng gộp hai âm tiết thành một như: bà ấy > bả – ông ấy > ổng – bên ấy > bển – trong ấy > trỏng – hồi ấy > hổi – năm ấy > nẳm v.v…
5) Những từ bắt đầu bằng nguyên âm a, ă, â, e, ê, i, y, o, ô, ơ, u, ư đều mang dấu hỏi. Ví dụ: ả đào, ẳng ặc, ẻo lả, im ỉm, ỉa, ấp ủ, ỷ v.v… Trừ ngoại lệ: ẵm, ẽo ẹt, ễ, ĩnh, õng, ỡm, ĩ, ũi, ưỡn.
6) Các tiếng vay mượn từ tiếng nước ngoài và đã chuyển sang giọng tiếng Việt thì thường viết với dấu hỏi. Ví dụ: mỏa (moi = tôi), lủy (lui = nó), đi rỏn (ronde = đi tuần quanh), sở cẩm (commissaire de police = sở cảnh sát), làm cỏ vê (corvée = làm tạp dịch) v.v…


 Vài quy tắc khác
– Các chữ là trạng từ đều mang dấu ngã. Ví dụ: cũng, đã, nữa v.v…
– Các chữ là tên quốc gia hoặc họ cá nhân đều mang dấu ngã. Ví dụ: A Phú Hãn, Bão Gia Lợi, Mỹ, v.v… (ngoại lệ: Bỉ) – Ðỗ ngọc Hà, Nguyễn văn Dũng, Lữ Văn Thiện, Sữ Duy Nhân, Giãn Thành Chung, Quãng Trọng Vịnh, Mã Giám Sinh, Vũ Ðại Phu v.v…
Tóm lại, viết sai dấu hỏi ngã sẽ làm sai lạc cả câu văn, có thể đưa đến sự hiểu lầm tai hại và làm mất giá trị của câu văn. Ðọc một đoạn văn viết sai dấu hỏi ngã cũng khó chịu như ăn miếng cơm mà gặp hạt sạn. Xin đơn cử một vài trường hợp viết sai dấu hỏi ngã làm thay đổi ý nghĩa câu văn như sau:
– Viết ‘mở mặt mở mày’ có nghĩa là được sống đàng hoàng, hãnh diện và tự hào với xung quanh nhưng nếu viết ‘mỡ mặt mỡ mày’ thì có thể hiểu là mặt mày có mỡ (mập).
– ‘Nhân sĩ’ (chữ sĩ với dấu ngã) có nghĩa là người trí thức có danh vọng trong xã hội nhưng nếu vô tình viết ‘nhân sỉ’ (chữ sỉ với dấu hỏi, có nghĩa là sỉ nhục) thì ý nghĩa sẽ bị đảo ngược.
– ‘Sửa chữa’ (sửa với dấu hỏi và chữa với dấu ngã) có nghĩa là sửa sang cái gì bị hư hỏng nhưng nếu viết ngược lại là ‘sữa chửa’ (sữa dấu ngã và chửa dấu hỏi) thì có thể hiểu là sữa của người đàn bà đang mang bầu.

Vì vậy, việc phân biệt dấu hỏi và dấu ngã thật khó khăn nhưng rất cần thiết để nâng cao trình độ hiểu biết về chuẩn mực ngôn ngữ của tiếng Việt. Muốn đạt kết quả tốt trong việc viết văn và giữ gìn cho tiếng Việt được trong sáng, chúng ta cần phải thực tập công phu và đều đặn trong việc áp dụng luật hỏi ngã. Làm sao cho việc viết dấu hỏi ngã trở thành thói quen mà không cần phải suy nghĩ nữa.