Ban Biên Tập: H K Châu, L N Hui, Ng L Hương, C Ng Cường, Ng C Lâm, Ng Đ Thắng, NTHương

Monday, March 1, 2021

NGÀY CUỐI THÁNG HAI, NHỚ ANH NGUYỄN ĐỨC LẬP





Mới đó mà đã hết tháng Hai, tháng ngắn nhất của năm bởi vì nó chỉ có 28 ngày. Tháng Hai dài hơn bình thường thêm 24 tiếng đồng hồ nữa vào các năm chia chẵn cho 4. Đó là các năm nhuần Tây lịch, tháng 2 có thêm ngày thứ 29, như năm ngoái 2020.
Năm nay 2021 không có ngày 29 tháng 2 nhưng tôi vẫn nhớ ngày cuối tháng Hai vì đó là ngày giỗ của một người anh Hướng Đạo thân yêu đáng kính của chúng tôi: anh Sóc Vui Vẻ Nguyễn Đức Lập, anh mất vào ngày 29 tháng Hai năm 2016 tại Houston TX.
Anh từng là một Luật sư Toà Thượng Thẩm Saigon nhưng anh không hề nhắc đến nghề nghiệp cũ của anh kể từ khi anh đặt chân đến trại tỵ nạn Cộng Sản và làm người Việt ly hương. Anh thành nhà văn nhưng trên hết anh là một Hướng Đạo Sinh.
Anh đã viết:
“ Tôi lớn lên trong phong trào Hướng Đạo, Luật phong trào dạy: “Trong sạch từ tư tưởng, lời nói tới việc làm”. Cho tới ngày giờ này, điều luật vẫn làm tôi lao đao, chỉ biết cố giữ câu châm ngôn “gắng sức” của sói con, để cho ngựa đừng trở chứng đạp rào. “ (Dủ học, dủ ngu- Nguyễn Đức Lập)
Khó biết chừng nào để sống với lời hứa và điều luật hướng đạo ấy. Nhưng anh vẫn “Gắng sức” luôn cho đến phút cuối đời.
Anh kể bằng một giọng Hương giáo chơn chất :
“Ngày xưa, thầy Tử Lộ hỏi Đức Khổng Tử khi nào thì chấm dứt sự học. Vị Vạn thế Sư Biểu đã trả lời rằng :
– Khi huyệt đã đào nhẵn nhụi rồi, đất đã đắp chắc chắn rồi, người đi đưa đã quay chưn lui gót rồi, lúc đó mới hết học.
Và, cái học khó nhứt vẫn là học làm sao để sống cho ra con người.” (Nguyễn Đức Lập)
Những trò Lê Văn Cui của ông Hương giáo Nguyễn Đức Lập hẳn vẫn nhớ những lời (đề)thơ của anh.
Nhớ anh một ngày cuối tháng Hai.
Một ngày cuối tháng Hai không có nắng
Tiếng thời gian trôi phẳng lặng
Chẳng chờ mong
Anh ra đi để lại tấm lòng.
Từ trái tim anh thủng lỗ
Nhưng trò Cui trò Mỗ
Vẫn còn nhớ lời
Hương giáo đề thơ
“Ơi ! Này em
Sông Ngã Bảy chảy ra bảy ngã
Có ngã nào về với mẹ cha
Còn ai ăn hột chà là
Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng” (Nguyễn Đức Lập)
Nhớ Anh
Một ngày cuối tháng Hai
đđsn
Nguyễn Đức Lập, nhà văn, trưởng hướng đạo tự là Chánh Phương, sáng tác dưới các bút hiệu Nguyễn Đức Lập, Chánh Phương, Hương Giáo, Ngô Phụng Anh, tên rừng Hướng Đạo là Sóc Vui Vẻ.
Ông sinh ngày 21 Tháng Chín, 1945, tại Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Con của nhà thơ-nhà báo Hồng Tiêu – Nguyễn Đức Huy (1902-1985) và nhà văn Bà Tùng Long – Lê Thị Bạch Vân (1915-2006), tác giả nổi tiếng tại miền Nam trước 1975. Ông có chín anh chị em.
Ông là cựu học sinh trung học Pétrus Ký, cựu sinh viên luật khoa Đại Học Đường Sài Gòn, nguyên luật sư Tòa Thượng Thẩm, Sài Gòn.
Sau 30 Tháng Tư, 1975, ông về làm rẫy ở ấp Phước Lập, xã Phú Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Đến Tháng Tám, 1980, vượt biên và ở trại tị nạn Palawan, sau đó đến trại chuyển tiếp Bataan, Philippines. Định cư tại Hoa Kỳ năm 1983.
28/2/21

 

 

No comments:

Post a Comment