Ban Biên Tập: H K Châu, L N Hui, Ng L Hương, C Ng Cường, Ng C Lâm, Ng Đ Thắng, NTHương

Wednesday, June 1, 2022

Hội nghị Trưởng HĐVN, Costa Mesa (1983)



     Mùa hè năm 1980, sau trại Họp bạn kỷ niệm 50 năm phong trào Hướng đạo Việt Nam tại Scouters’ Mountain (Oregon), trưởng Trần Văn Khắc và các trưởng Mai Liệu, Trần Văn Đường, Trần Cao Lĩnh, Đinh Xuân Phức, Đỗ Quý Toàn, hai trưởng kỳ cựu trong phong trào Nữ HĐVN là Phan Nguyệt Minh và Trần Bạch Bích đã dự định một phương hướng nhằm mục đích tiến tới thành lập một cơ cấu hoàn toàn mới để thay thế “Hướng đạo Việt Nam Hải ngoại” [1]



     Trong suốt thời gian cho đến ngày tổ chức Hội nghị Trưởng HĐVN tại Costa Mesa, California, trưởng Trần Văn Khắc đã tích cực vận động và được sự ủng hộ của nhiều Trưởng để Hội nghị đi đến thành công.


     Những đóng góp tích cực có thể kể đến, ngoài trưởng Trần Văn Khắc còn có trưởng Nguyễn Trung Thoại ở Montréal, Nguyễn Văn Thơ ở Houston, Nghiêm Văn Thạch ở Pháp, Đỗ Quý Toàn ở Montréal, Trần Văn Thao ở Arkansas, Phan Như Ngân ở San Diego… cùng các trưởng Mai Liệu, Đoàn Văn Thiệp, Đinh Xuân Phức, Trần Văn Đường, Mai Xuân Tý, Đỗ Phát Hai, Trương Trọng Trác, Nguyễn Khanh, Đỗ Ngọc Yến, Tôn Thất Hy, Bùi Nhật Tiến, Nguyễn Văn Mỹ, Trần Cao Lĩnh, Nguyễn Hữu Lãng…


     Hội nghị Trưởng HĐVN đã chính thức diễn ra trong hai ngày 2 và 3 tháng 7 năm 1983 tại trụ sở Girl Scout Council Of Orange County, Costa Mesa (California). Tổng số người tham dự Hội nghị là 58 người [2]


    Ban Thường vụ được bầu ra với danh xưng mới là Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam [3] do trưởng sáng lập viên HĐVN là Trần Văn Khắc làm Chủ tịch Ban Thường vụ. Phó chủ tịch là trưởng Nguễn Văn Thơ, Tổng thư ký là trưởng Nguyễn Trung Thoại, Phó TTK là trưởng Trương Trọng Trác, và Thủ quỹ là trưởng Mai Xuân Tý [4]


Hội nghị cũng đã thông qua bản Hiến chương và Nội lệ HĐVN để xác định đường hướng chung:


1. Hướng đạo Việt Nam là một đại gia đình hợp nhất cả hai phái nam và nữ, liên tục theo tôn chỉ hướng đạo do Baden Powell khởi xướng và đứng trong phong trào Hướng đạo Thế giới.


2. Hướng đạo Việt Nam liên tục mang bản sắc dân tộc , đáp ứng với nhu cầu hiện tại và duy trì truyền thống tinh thần và văn hóa dân tộc. Trong lãnh vực này, HĐVN sẵn sàng hợp tác với những tổ chức người Việt tại hải ngoại có những hoạt động cùng chung mục đích.


3. Hướng đạo Việt Nam hướng dẫn các sinh hoạt trong sự tôn trọng qui lệ của hai tổ chức nam và nữ Hướng đạo Thế giới, cùng chủ quyền của tổ chức Hướng đạo tại từng quốc gia.


    Đây là một hội nghị đã thành công trong việc thay thế tổ chức “Hướng đạo Việt Nam Hải ngoại” đã hình thành từ năm 1980 tại tiểu bang Oregon, Hoa Kỳ. Và cũng là một tổ chức chính thức đại diện cho tập thể các Trưởng và HĐS Việt Nam hiện đang sinh sống ở rãi rác khắp nơi trên thế giới.

…………………


[1] [4] Trích Hồi ký của Sếu Siêng Năng Trần Văn Khắc “Lịch sử Hướng đạo Việt Nam” do Liên đoàn Chi Lăng Toronto, Canada xuất bản và phát hành năm 1985, trang 44.


[2] Theo biên bản của Hội nghị ngày 3 tháng 7 năm 1983 là 58 người. Thực tế danh sách của Hội nghị là 63 người. Với sự tham dự của một số trưởng như: trưởng Nguyễn Trung Thoại, Mai Xuân Tý từ Canada (ngay cả chính trưởng Trần Văn Khắc cũng ở Canada), trưởng Nghiêm Văn Thạch ở Pháp, trưởng LM Vũ Đức Thông ở Úc và hầu hết là các trưởng ở tiểu bang California và một số tiểu bang khác ở Hoa Kỳ. Hội nghị mở rộng và trở thành quốc tế, thoạt đầu tiên dự định sẽ là Hội nghị Trưởng Việt Nam trên Thế giới hoặc Đại hội các Trưởng HĐVN trên Thế giới, sau này nôm na gọi là Hội nghị Trưởng Costa Mesa 1983.


[3] Đúng ra là Ủy ban Trung ương Quốc tế cho Hướng đạo người Việt (The International Central Committee on Vietnamese Scouting).


     Trong một lá thư gửi trưởng Nguyễn Văn Thơ ngày 7 tháng 6 năm 1983 của trưởng Laszlo Nagy (Tổng thư ký Văn phòng Hướng đạo Thế giới) thì ông có đề nghị thành lập một Ủy ban Trung ương Hướng đạo người Việt lưu vong (The Central Committee of Vietnamese Scouting in excile), và khẳng định Tổ chức HĐTG không thể thừa nhận tính cách hội viên cho bất cứ một tổ chức hay một nhóm lưu vong nào làm đại diện cho một quốc gia nguyên thủy hay Hội Hướng đạo Việt Nam (the Boy Scout Association of Vietnam) được. 

Điều này có nghĩa là Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam (ICCVS) không phải là một thành viên chính thức của Tổ chức Hướng đạo Thế giới (World Organization of Scout Movement) như những quốc gia hội viên khác, nhưng được thừa nhận là một tổ chức có nhiệm vụ liên lạc, phối trí điều hợp các hoạt động trong nội bộ HĐVN, giúp tuân hành những chính sách của Văn phòng HĐTG đồng hành với những chính sách các hoạt động của mỗi quốc gia (Hội Hướng đạo quốc gia). Hội đồng Trung ương HĐVN là đại diện cho toàn thể các Trưởng và Hướng đạo sinh Việt Nam hiện đang định cư, sinh sống ở Hoa Kỳ và ở các quốc gia khác trên thế giới. Hội đồng Trung ương HĐVN không có thẩm quyền hành chánh như một hội Hướng đạo quốc gia như Boy Scouts of America hoặc Hội Hướng đạo bản địa. 


     Kết quả sau Hội nghị Trưởng HĐVN 1983, một cơ cấu chung được gọi là “Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam” được thành lập. Đúng như nguyên tắc và điều lệ của Tổ chức Hướng đạo Thế giới (WOSM) và Hội Nam Hướng đạo Hoa Kỳ (the Boy Scouts of America) như trong thư của trưởng James W. Sands (Giám đốc Quốc tế vụ BSA) đã đề cập trong lá thư ngày 10 tháng 6 năm 1983 gửi cho trưởng Nguyễn Văn Thơ.


    Trong hơn 30 năm qua, Hội đồng Trung ương HĐVN đã có nhiều trưởng tiếp tục lãnh đạo phong trào HĐVN tại hải ngoại, từ trưởng Trần Văn Khắc cho đến các trưởng Nguyễn Văn Thơ, Vĩnh Đào, Nguyễn Văn Thuất, và hiện nay là trưởng Võ Thành Nhân. Danh xưng bằng Anh ngữ là International Central Committee of Vietnamese Scouting (ICCVS) với huy hiệu mới là hoa bách hợp, vòng dây có thắt nút dẹt ở dưới trên nền xanh. Hội đồng Trung ương HĐVN có Hiến chương và Nội lệ riêng. Bạn có thể xem chi tiết nơi trang nhà của ICCVS.


Bài viết, chú thích và hình ảnh by Gấu Tận Tuỵ


Nguồn : 


Nguyễn Trung Thoại, Mai Xuân Tý từ Canada (ngay cả chính trưởng Trần Văn Khắc





http://bancobiet-gautantuy.blogspot.com/2016/07/49-hoi-nghi-truong-huong-dao-costa-mesa.html

No comments:

Post a Comment