Mười hai năm! Một thời gian ngắn hay dài? Nếu tính theo âm lịch thì ta vẫn gọi thời gian 12 năm là một
giáp. Một đứa bé sinh ra khóc oe oe, cho đến khi lớn lên năm sáu tuổi thì vào
nhà giữ trẻ, vô lớp mẫu giáo, học lớp một lớp hai…cho đến năm mười hai tuổi thì
đứa bé đã học đến lớp sáu, khi đó đã là 12 tuổi. Một con giáp đúng! Vậy thì con
số 12 năm không phải là một thời gian ngắn ngủi gì. Đối với người trưởng thành
– người lớn như tôi, thì 12 năm trước, trên đầu chưa có một sợi tóc bạc nào, mà
giờ đây thì, tóc đã bạc nhiều, muối chín phần, tiêu một phần. Mười hai năm trước
vẫn đi làm mỗi ngày và xông xáo trong nhiều công việc ngoài ngõ. Giờ là một ông
già tháng tháng lãnh tiền hưu, nói tới chuyện medicare – medicaid – ăn kiêng - ăn cữ - thể thao – chạy bộ và gom góp
đủ tiền thì đi du lịch đó đây để được thấy mọi sự lạ trên đời, nhìn người và xem
cảnh, thăm bạn bè chỗ này chỗ nọ. Níu kéo thời gian lại với mình và cố gắng sống
vui sống khỏe như thiên hạ vẫn khuyên nhan nhản trên internet.
Tôi, giờ đã vào tuổi thất thập. Tôi vẫn sống vui
sống khỏe theo lứa tuổi trời cho của mình. Niềm vui chính của tôi vẫn là Hướng
Đạo dù họat động có phần giới hạn hơn trước. Thời điểm này đã là năm 2014, tính
ra chỉ còn vài tháng nữa là đến ngày Trại Họp Bạn Thế Giới Hướng Đạo Việt Nam,
Thẳng Tiến X sẽ diễn ra tại Texas từ ngày 28 tháng 6 đến 3 tháng 7 năm 2014.
Sau một thời gian làm việc, ban tổ chức đã chọn đất trại Gordon Ranch thuộc thành phố Richmond nằm ngay bên cạnh
thành phố Houston. Nơi đây đã diễn ra trại “tiền Thẳng Tiến X” tức là trại “Giữ
Vững 17” của Hướng Đạo Miền Trung Hoa Kỳ vào đầu tháng 11 – 2013 với gần 800
đoàn sinh, huynh trưởng và phụ huynh. Thời gian này được biết chủ của Gordon
Ranch đang tiến hành thủ tục để bán khu nông trại này nên ban tổ chức phải đi
kiếm một địa điểm khác. Thời gian thật cấp bách.Trưởng Nguyễn Tấn Đệ lại can thiệp
với BSA để được xử dụng đất trại Camp Strake. Nói tới Camp Strake thì không ai
lại không nhớ cách nay 12 năm, trại Họp Bạn Thế Giới HĐVN Thẳng Tiến VII đã diễn
ra từ ngày 30 tháng 6 đến 6 tháng 7 – 2002. Năm 2002 là năm Nhâm Ngọ, năm nay
2014 là năm Giáp Ngọ. Năm 2002 Camp Strake. Năm 2014 lại Camp Strake. Có chuyện cần phải nói thêm, Camp Strake là đất
trại của BSA thì ai ai cũng biết. Nhưng cách nay hai năm, Camp Strake đã được bán cho thành phố
Conroe và hiện nay BSA đã mua được một đất trại khác. Hỏi ra mới biết tuy Camp
Strake đã bán nhưng theo hợp đồng mua bán thì BSA vẫn còn được xử dụng cho đến
hết năm 2014. “Hay” không bằng “Hên” là thế. Nếu không có Camp Strake thì ban tổ
chức Thẳng Tiến X chắc phải khóc ròng và không biết tìm đâu cho ra đất trại có
sức chứa và đầy đủ tiện nghi ngoài trời cho khoảng hai nghìn trại sinh như ban
tổ chức cho biết. Tôi có dự trại “tiền Thẳng Tiến” và nhận thấy Gordon Ranch
hoàn toàn không có những tiện nghi dành cho một trại họp bạn lớn như trại Thẳng
Tiến được.
Nói đến Camp Strake thì đây là một trong những địa
điểm lý tưởng để tổ chức trại họp bạn cho cả chục nghìn người. Địa điểm này nằm trên trục lộ
giao thông rất tiện lợi. Nếu nói về tiện ích trại thì Camp Strake, kể từ sau Thẳng
Tiến VII, đã được xây dựng thêm rất nhiều cơ sở. Hàng năm tôi được vào Camp
Strake dự trại ít nhất là một hai lần, trại mùa hè hoặc trại mùa đông chung với
các đơn vị của BSA của Sam Houston Area Council hoặc những trại huấn luyện cho
các em đội trưởng. Thẳng Tiến X sẽ tổ chức ở Camp Strake khiến tôi nhớ những kỷ
niệm khó quên tại đây khi đóng góp một chút công sức của mình vào việc tổ chức
trại Họp Bạn Thế Giới HĐVN năm 2002 – Thẳng Tiến VII.
Ban tổ chức Thẳng Tiến VII gồm các Trưởng đang hoạt động ở
thành phố Houston và Dallas. Trưởng Lương Hoàng Nam là trại trưởng cùng với các
Trưởng đầy nhiệt huyết như Nguyễn Cao Bình, Nguyễn Phước Hoàn, Phạm Trong Hạnh,
Cao Ngọc Cường, Nguyễn Ngọc Oánh, Trần Kim Thoa, Trần Văn Thắng, Đậu Hữu Hiệp, Ngô
Vinh Khoa, Vũ Ngọc Linh, Nguyễn Tăng Bình, Lê Văn Phước…Ngoài ra còn có một số
Trưởng ở các Miền thường xuyên đóng góp ý kiến cho ban tổ chức để công việc chuẩn
bị sớm hoàn tất. Riêng tôi, được giao cho trách vụ tổng thư ký kiêm ủy viên báo
chí của trại. Tuy nhận trách nhiệm tổ chức trại từ năm 1998 nhưng cho mãi đến đầu
năm 2001 thì mọi việc mới thực sự bắt đầu với tốc độ càng lúc càng nhanh với sự
đồng tâm hiệp lực chung của tất cả các Trưởng. Chúng tôi làm việc rất chặt chẽ
và đặt trên tinh thần huynh đệ Hướng Đạo và Giúp Ích để các Trưởng và các em khắp
nơi về dự trại vui vẻ và học được nhiều điều bổ ích. Trưởng Lương Hoàng Nam không ngại đi xa tận miền đông
miền tây Hoa Kỳ để vận động các Trưởng và các em tham dự trại. Tại địa phương,
hàng tháng đều có một phiên họp để cùng nhau lập chương trình, phân công phân
nhiệm rõ ràng và từ đó các Trưởng bắt tay ngay vào việc. Tôi phụ trách phần
truyền thông báo chí với sự cộng tác của các Trưởng Nguyễn Phước Hoàn, Phạm
Trong Hạnh, Cao Ngọc Cường, Vũ Ngọc Linh… Nhờ vậy mà khắp các miền và chi nhánh
nhận được những tin tức cập nhật đầy đủ. Trong vòng 18 tháng chúng tôi đã phát
hành được 9 Bản Tin Họp Bạn.
Ngoài ra, với sự tiếp tay của “bề trên” nhà chúng tôi cũng được
chuẩn bị để tiếp đón một số Trưởng ở xa về muốn có chỗ trú trước và sau khi dự
trại. Thời gian càng lúc càng thu ngắn dần và công việc đã ở mức giai đoạn cuối
cho đến những ngày cuối tháng sáu, Trưởng
và các em từ các nơi trên thế giới lần lượt về đất trại. Không có thì giờ để ăn
uống, ngủ nghỉ cho các Trưởng trong ban
tổ chức. Với sự tiếp tay của một số Trưởng từ xa về, chúng tôi bắt tay thiết lập
Lều Báo Chí nằm ngay bên trong cổng trại không xa. Sáng 30 tháng 6, tôi được phỏng
vấn bởi chị Thanh Trúc và Trưởng Võ Thành Nhân để trả lời về việc tổ chức trại.
Lễ khai mạc trại vào buổi chiều với rất đông quan khách và Trưởng ở xa về dự
như các Trưởng Mai Liệu, Trần Bạch Bích, Nguyễn Trung Thoại, Nghiêm Văn Thạch,
Vĩnh Đào, Nguyễn Văn Thuất,Trần Trung Hợp, Nguyễn Tuyên Thùy, Trần Phương Thu,
Đoàn Thị Liên, Nguyễn Tấn Định, Nguyễn Thị Hai, Dương Thị Kim Sơn, Đỗ Quý Toàn,
Đinh Hồng Phong, Nguyễn Hữu Hổ…
Trong lễ khai mạc, có bảy Trưởng đã được trao tặng Huân
Chương Bắc Đẩu là Nghiêm Văn Thạch, Nguyễn Trung Thoại, Nguyễn Tấn Định, Nguyễn
Mạnh Tân, Võ Thành Nhân và Trần Anh Kiệt. Phần văn nghệ khai mạc do các liên
đoàn miền Trung Nam Hoa Kỳ phụ trách. Cũng cần nhắc là lúc bấy giờ tại Houston chỉ
có 3 liên đoàn là La Vang, Pháp Luân và Lạc Việt với số lượng Trưởng rất khiêm
tốn. Nhưng cũng có sự cộng tác làm việc rất chặt chẽ của các Trưởng ở Dallas
như các Trưởng Nguyễn Tăng Bình, Lê Văn Phước, Trịnh Cường, Chu Bạch Yến, Nguyễn
Văn Đến, Nguyễn Văn Hân, Nguyễn Văn Mai, Võ Văn Long…
Sau lễ khai mạc, ban báo chí bắt tay vào việc, ngay tối hôm đó chúng tôi phải viết
bài, lay out, nhận và chọn tin tức cùng những hình ảnh sống động của ngày đầu
tiên ở trại, đặc biệt là tường trình lễ khai mạc. Chúng tôi, ban biên tập và
trình bày thường trực trong lều báo chí bất kể đêm ngày.
Ngoài ra có một số Trưởng từ xa đến cũng xung phong giúp ban báo như Đỗ Minhh
Trí (MD), Trần Công Hoàng (FL), Vũ Đức Nam (NC), Lý Nhật Hui CA), Trần Thị Huê
(CA), Hồ Ngọc Bích (CA)… Mặt tiền Lều Báo Chí cũng là nơi trưng bày các kỷ vật
Hướng Đạo do hai Trưởng Nguyễn Tuyên Thùy và Trần Công Hoàng phụ trách. Đặc biệt
hơn, đây cũng là nơi dành cho các buổi hội ngộ của các đơn vị Hướng Đạo Việt
Nam trước 1975 với tiêu đề “Tiếng Chim Gọi Đàn”. Đã có những cuộc hội ngộ của
Trưởng và đoàn sinh các Đạo Lâm Viên, Đắc Lắc, Quy Nhơn, Sài Gòn, Gia Định, Quảng
Ngãi… Chúng tôi làm việc cho tới khuya vẫn không nghỉ, sau khi edit và lay out
bài vở, phải mang Bản Tin ra ngoài tiệm in ở Conroe để in và sẵn sàng cho việc
phát hành vào sáng sớm hôm sau. Lều Báo Chí lúc nào cũng có mặt đông các Trưởng
đến thăm hỏi, tặng quà và sinh hoạt chung vào sau giờ làm việc lúc nửa đêm về
sáng. Chúng tôi ca hát, trao đổi tin tức và thăm hỏi nhau cho đến hai ba giờ. Chuyện
Hướng Đạo thì không bao giờ dứt, ở nơi đâu cũng thế! Mỗi ngày chúng tôi đều nhận
được bài của Trưởng Trương Trọng Trác và một số Trưởng khác. Chúng tôi gặp lại
nhiều Trưởng ngày xưa đã từng sinh họat với nhau ở quê nhà và chuyện trò gần
thâu đêm. Chúng tôi mỗi đêm ngủ độ hai tiếng đồng hồ, ban ngày không có thì giờ
để đến phòng ăn, “bề trên” của tôi mỗi ngày phải đi lấy thức ăn về cho tôi và
các Trưởng ăn ngay tại lều Báo Chí. Niềm
vui và công việc đã đánh tan sự mêt nhọc. Còn một chuyện nữa là chúng tôi cũng
chẳng có thì giờ để đi tắm rửa. Ở dơ là cái chắc… Có một lần vào giữa khuya, phải
lén trốn trại lái xe về nhà tẩy uế mình mẩy xong mới trở lại trại.
Chiều ngày 4 tháng 7 là chương trình Đố Vui Để Học với chủ đề
“Lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam”. Tài liệu và cách thức thi do tôi soạn
thảo, in thành sách và phổ biến đến cho các đơn vị trước khi dự trại. Có 15 đơn
vị dự thi, kết quả như sau: LĐ Diên Hồng (hạng nhất), LĐ La Vang (hạng nhì), LĐ
Lạc Long (hạng ba). Cùng điều hợp “Đố Vui Để Học” có các Trưởng Nguyễn Tuyên
Thùy (CA), Trần Công Hoàng (FL), Nguyễn Tăng Bình (TX)…và một ban giám khảo gồm
các Trưởng của các tiểu bang ngoài Texas.
Như đã trình bày, Lều báo chí Nguyễn Trãi là nơi tập họp sinh
họat có tính cách “tự phát” của nhiều Trưởng, từ đó tôi đã gợi ý với một số Trưởng
là muốn thành lập một Tráng đoàn chỉ gồm các Trưởng đang sinh hoạt với một đơn
vị ở khắp các tiểu bang và ngay cả các Trưởng ở ngoài Hoa Kỳ như Pháp, Úc,
Canada. Ý kiến của tôi được một số Trưởng ủng hộ và ngay tối ngày 4 tháng 7,
tôi và một số Trưởng có một buổi sinh hoạt chung để quyết định thành lập Tráng
đoàn mang tên Nguyễn Trãi (tên mà tôi đã đặt cho Lều Báo Chí trại họp bạn).
Ngay trong buổi sinh họat đầu tiên, tôi được anh chị em đề cử giữ vai trò tráng
trưởng. Muời tráng sinh đầu tiên của tráng đoàn Nguyễn Trãi gồm Hoàng Kim Châu
(TX), Trần Công Hoàng (FL), Lý Nhật Hui (CA), Nguyễn Tuyên Thùy (CA), La Hồng
Lý (MD), Cao Ngọc Cường (TX), Trần Bảo (MD), Nguyễn Bạch Chân Như (MD), Trần
Mai Hoa (FL), Vũ Đức Nam (NC). Trưởng Trần Công Hoàng được mời đảm nhận vai trò
tráng phó. Sau trại họp bạn, chúng tôi thường xuyên làm việc, sinh họat trên
internet qua diễn đàn của tráng đoàn, thành lập Ban Huynh Trưởng, Toán Điều Hợp
(thay cho Toán Lãnh Đạo đã dùng trong sinh hoạt ngành Tráng ở Việt Nam trước
đây), thành lập các Xưởng và các Toán. Lúc đầu chúng tôi có 4 Toán là Chi Lăng
(Miền đông Hoa Kỳ và Canada, Úc), Lam Sơn (Miền Trung Hoa Kỳ và Pháp), Chí Linh
(Tây bắc California), Lư Sơn (Tây nam California). Những tháng ngày sau đó, vì
nhu cầu, tráng đoàn có thêm toán Nhị Khê thành phố Bakersfield, California và toán Đông
Quan ở tiểu bang North Carolina. Số tráng sinh lên con số nhiều nhất là 89
tráng sinh. Ban Huynh Trưởng và Toán Điều Hợp soạn thảo Nội Lệ sinh họat của
Tráng đoàn và phổ biến các tài liệu về Ngành Tráng cho anh chị em tham khảo và
thực hiện.
Sự hiện diện của Tráng đoàn Nguyễn Trãi theo một phương thức
sinh họat mới đã đem lại một sinh khí mới trong sinh hoạt ngành Tráng ở hải ngoại,
nơi chưa có một đơn vị tráng đoàn thuần túy nào sinh họat lâu dài như những tráng
đoàn tại Việt Nam trước năm 1975. Một vài tráng đoàn được thành lập với năm bảy
tráng sinh là Trưởng của một liên đoàn chưa bao có những sinh hoạt mang tính
cách của một tráng đoàn như đã được quy định trong Nội Lệ Ngành Tráng, mà chỉ
là những tráng sinh đóng vai trò “Giúp Ích” cho đơn vị của mình mà thôi. Những
tráng sinh này chưa bao giờ nghe đến những chữ như “dự tráng sinh, quy ước tu
thân, tráng sinh lên đường, gậy nạng, tua vai ba màu…”, chưa bao giờ nghe nói đến
cuốn sách mang tên “Đường Thành Công” của Baden Powell…Ngược lại, tráng đoàn
Nguyễn Trãi là một tập họp của Trưởng muốn dấn thân vào việc tự luyện bản thân,
trao đổi kinh nghiệm trong “Nghề Trưởng”, giúp ích Phong Trào và xã hội, đồng
thời thiết lập một mối dây huynh đệ tỉ muội bền chặt. Anh chị em tráng sinh
Nguyễn Trãi thấy được những sự khác biệt về phương diện xã hội, tâm lý, giáo dục,
kinh tế, kỹ thuật…ở hải ngoại so với trong nước trước đây nên đã ngồi lại với
nhau, kẻ đông người tây, kẻ bắc người nam vẫn vẫn sinh hoạt thường xuyên và mang
lại hiệu quả. Phương tiện truyền thông hiện đại của thế kỷ 21 là một trong những
yếu tố chính để anh chị em sinh hoạt một cách dễ dàng và hữu hiệu.
Một chu kỳ thời gian mười hai năm trôi qua với những thành tựu
mà chính mỗi một tráng sinh tự nhận thấy. Dĩ nhiên, những chướng ngại, những
ngăn trở đã gặp phải cũng không ít, do có những cái nhìn cục bộ, lệch lạc, thủ
cựu của một số người đã bị khuyết tật trong não bộ, bịt mắt mình để chỉ đường
cho kẻ khác.
Trong số mười tráng sinh đầu tiên của tráng đoàn, nay còn sáu
người sẽ cùng với anh chị em tráng sinh
khắp nơi trở về Camp Strake để tìm lại dấu xưa mà chắc chắc những dấu
chân vẫn còn để lại trên những bãi cỏ xanh, dưới rừng cây lao xao gió và những
cơn mưa nhỏ giữa một mùa hè rực nắng.
Hoàng
Kim Châu RS
No comments:
Post a Comment