Truyện Của Phong Châu
Sau hơn mười tiếng đồng hồ lái xe Nam đã đến Houston,
thành phố mà chàng đã có dịp ghé thăm cách nay vài năm trong một lần nghỉ phép.
Lần này Nam đến Houston không phải để nghỉ phép mà chàng đến Houston để ở đây
luôn. Sau khi liên lạc với vợ chồng Phượng và Đỗ ở Houston nhiều lần, nghe những
lời rủ rê êm tai của cặp vợ chồng này, cuối cùng Nam đã quyết định thay đổi chỗ
ở. Từ khi rời đảo để qua Mỹ, Nam cư ngụ tại một thành phố nhỏ thuộc tiểu bang
Oklahoma gần suốt mười năm dưới sự bảo trợ của một cặp vợ chồng người Mỹ già tốt
bụng. Chuyến nghỉ phép cách nay ba năm, Nam tình cờ gặp lại vợ chồng Phượng và
Đỗ là hai người bạn thân thiết cùng học với Nam một lớp từ dạo còn theo học tại
viện đại học Đà Lạt. Nhiều lần vợ chồng Phượng và Đỗ khuyên Nam dọn về Houston
để sống cho có bạn có bè và hơn nữa, nơi đây người Việt cũng khá đông nên Nam
có thể tham gia sinh hoạt với những tổ chức của người Việt ở đây nếu Nam thích.
Chần chờ mãi, giờ đây Nam mới dứt khoát mang hành lý xuôi Nam.
Nam ghé vào một tiệm
Stop & Go để đổ xăng và gọi điện thoại cho Phượng và Đỗ. Thay vì báo cho
Phượng và Đỗ biết chàng đã đến Houston thì Nam lại nói rằng chàng đang ở
Oklahoma và ngày hôm sau chàng mới có mặt tại Houston. Nam mỉm cười với sáng kiến
đột ngột của mình. Cầm theo ly cà phê lên xe, vừa uống vừa lái chầm chậm theo
các bảng chỉ đường chạy thẳng về thành phố biển Galveston. Hơn một tiếng lái xe, Nam đã thấy biển xanh hiện ra trước mắt.Thành phố đã lên đèn sáng choang. Nam
quay kiếng xe xuống cho gió biển thổi lồng vào xe mát rượi.
Trong suốt gần mười năm
sống trên mảnh đất mà chàng gọi là tạm dung, chưa bao giờ Nam có được cái cảm
giác thảnh thơi hạnh phúc như hiện tại chàng đang được hưởng. Thay vì ghé ngay
về nhà vợ chồng Phượng và Đỗ rồi với những lời chào hỏi, hàn huyên, ăn uống …thì
chàng muốn có được một đêm thật sự thoải mái. Nam muốn quên đi những công việc,
những tính toán đã bám theo chàng bao nhiêu năm qua. Chàng đã bỏ lại đằng sau
căn phòng bất động mà mỗi ngày chàng phải chui vô chui ra, mở cửa, bật đèn, mở
tủ lạnh, xem ti vi, ăn, ngủ, thức giấc, tắm rửa, lái xe và vùi đầu vào công việc
như một cỗ máy vô hồn đã được “set up” sẵn, đến giờ thức, đánh răng rửa mặt,
thay áo quần…vội vã leo lên xe nổ máy, tới sở làm…chiều về tắm rửa, ăn uống,
xem tivi đọc báo, đi ngủ…Thời gian vô hồn đã đi qua với chừng ấy công việc. Thật
là vô nghĩa...
Uống hết ly cà phê có vị
chua chua, Nam nhấn ga tăng tốc độ cho xe chạy hết một quãng đường dài dọc theo
bãi biển để hít thở không khí mát rượi từ biển thổi vào. Khoảng nửa tiếng đồng
hồ sau chàng quay xe lại để tìm một khách sạn với hy vọng sẽ còn chỗ cho chàng
vì hôm nay không phải là ngày cuối tuần. Khách sạn đối diện với bãi biển, chỉ
cách một con đường. Vào phòng, nhìn đồng hồ đã mười giờ tối. Sau khi tắm rửa
thay quần áo, không thấy đói, Nam rời khách sạn băng qua đường thả bộ đọc theo
bờ biển. Bãi biển vắng người. Bước xuống mấy bực đá, chân dẫm lên cát mịn,
chàng đi chầm chậm. Nam cho tay vào túi lấy gói thuốc lá rồi dừng lại đốt thuốc.
Nam hít một hơi dài rồi thở khói ra miệng một cách khoan khoái. Sau lưng chàng
là cả một vùng ánh sáng muôn màu muôn sắc, một thứ ánh sáng đã từng làm cho
chàng hoa mắt nhức đầu cùng với những âm thanh hỗn độn quanh chàng. Nhiều lần
Nam muốn chạy xa vùng ánh sáng và tiếng động đó nhưng rồi ngày lại ngày, hết
năm này qua năm khác chàng không sao thoát khỏi nó được. Những âm thanh và thứ
ánh sáng đó đã theo chàng như những bóng ma quái dị để cuối cùng chúng biến
chàng trở thành một bóng ma trong muôn ngàn bóng ma vật vờ vô định. Cuối cùng
thì chàng cũng đã trở thành một con ốc nhỏ vô hồn nằm trong cổ máy khổng lồ và
phải quay theo chiều quay của nó.
Nam cũng cảm nhận ra một
điều là trong cái trạng thái xã hội mà chàng cho là “quái đản” đó mà chàng chưa
biến thành một người điên thì cũng là khá lạ đối với chàng. Nhiều lúc chàng
cũng quẩn trí và cảm thấy cô đơn cùng cực. Sống một mình, không thân nhân,
không bạn bè, suốt ngày chỉ uốn lưỡi để nói một thứ tiếng của người ta. Suốt
năm chỉ gặp được dăm ba đồng hương nhưng rồi chẳng có thì giờ trò chuyện, ngay
chỉ để chào hỏi một vài câu xã giao. Người nào cũng lơ láo vội vã, thậm thò thậm
thụt nơi vùng đất mới định cư này.
Giờ thì Nam đang đứng
trước biển. Biển mênh mông trước mặt chàng với những con sóng bạc đầu ì ầm đua
nhau cuộn tràn vào bờ cát để rồi biến tan trong bóng đêm. Một trăm năm hay muôn
vạn nghìn năm, sóng đại dương không mệt mỏi, cứ miệt mài vỗ vào bờ như thế, có
lúc hiền lành êm ả, cũng có lúc thét gào gieo rắc bao tai họa, chẳng khác nào trong
đầu óc chàng, lắm khi nó đặc cứng như đá tảng, lại cũng lắm lúc nó chứa đầy những
cơn bão nổi, xoáy đủ mọi chiều khiến chàng lắm phen suýt gục ngả. Lòng chàng
cũng vậy, đã biết bao cơn sóng lòng được khơi bùng dậy từ những quá khứ xa xôi…Gió
biển từ xa thổi phả vào mặt, chàng hít hơi thuốc cuối cùng trước khi vứt xuống
bãi cát. Nam định tâm lại rằng mình phải sống cho hiện tại, chưa cần nghĩ tới
chuyện tương lai, còn quá khứ, có lẽ nên cho nó tan biến theo những con sóng để
để hòa vào lòng đại dương. Chàng cũng muốn quên đi những chuyện không vui của một
quá khứ lúc nào cũng muốn vồ lấy chàng, níu kéo chàng như thể muốn dìm chàng xuống
cùng với hố sâu quá khứ mà chàng đang cố vùng vẫy để thoát ra bấy lâu nay. Nam
muốn hét lên cho thật lớn rồi ùa chạy xuống biển, ngụp lặn trong đó, đùa với
sóng, dỡn với nước biển xanh và rồi chàng sẽ bơi ra xa thật xa, nơi đang có những
vì sao sáng lung linh và ở ngoài xa đó chàng sẽ gặp lại những bóng hình ngày
cũ, trong đó có những đôi mắt của những người con gái mà chàng đã mang theo
trong suốt cuộc hành trình cô đơn, tuyệt vọng. Nam châm một điếu thuốc khác, mắt
đăm đăm nhìn ra biển sóng đen thẫm. Đột nhiên chàng buột miệng gọi tên hai người
con gái…Tôn Nữ Hồng Nghi…Lê Khắc Đông Nghi…
Vì tham dự một buổi họp
để chuẩn bị cho kỳ trại công tác sắp tới nên Nam ra về hơi trễ. Vừa lách mình
ra khỏi cổng trường, Nam đã thấy hai người con gái che dù đang chậm bước dưới bầu
trời mưa lất phất. Vừa xuống khỏi đoạn đường dốc, hai người con gái dừng lại và
cùng nhìn về một bên vệ đường, nơi đó có những bụi hoa ngũ sắc, hoa dã quỳ cùng
những hoa cánh bướm mọc lẫn lộn. Biết chắc là hai người con gái này muốn hái mấy
cành hoa cánh bướm màu trắng đang lung linh trước gió, Nam bước vội đến, vạch mấy
bụi dã quỳ bên ngoài rồi rồi vói tay bẻ năm sáu cành cánh bướm màu trắng, xong
quay lại trao cho gái có mái tóc thề đen nhánh. Hai cô gái cười và lí nhí nói mấy
lời cám ơn. Nam thoáng nghìn người con gái có mái tóc thề và chàng nhận ra rằng,
ngoài mái tóc đen mượt xỏa ngang vai, người con gái ấy còn có một đôi mắt to
đen trên khuôn mặt trái xoan. Tự dưng Nam thấy mình hơi lóng cóng nên chàng vội
bước nhanh, bỏ hai cô gái cứ thong thả bước chậm phía sau.
Về đến nhà trọ, Nam
thay bộ quần áo thấm ướt rồi cuốc bộ khu bến xe ở phía sau khu Hòa Bình ăn một
dĩa cơm tấm, sau đó chui vô một góc trên lầu cà phê Tùng nhìn đêm xuống và mưa
bay trên thành phố. Những ngày sau tìm biết người con gái có mái tóc thề đen và
đôi mắt tròn to có tên là Tôn Nữ Hồng Nghi học bên văn khoa. Nàng không phải là
dân Đà Lạt hoặc dân Sài Gòn lên học mà nàng là con gái ở tận ngoài xứ Huế. Sau
một thời gian theo bén gót và cuối cùng làm quen được với nàng, Nam cũng được
nghe nàng kể…lúc còn nhỏ, cha nàng từ Huế vào Đà lạt để thăm một người em ruột
đang làm việc tại tòa hành chánh Đà Lạt. Chuyến đi này cha nàng có dắt theo một
đứa con gái vừa mới đậu thi đậu trung học. Một tuần ở Đà lạt nàng được mấy đứa
em con người cô đưa đi chơi đi thăm hầu hết những nới cần phải thăm viếng của
thành phố Đà Lạt nhỏ bé và xinh xắn với những đồi núi thông xanh, bông hoa xinh
thắm, những con đường dốc quanh co lên xuống chẳng khác nào những bức tranh
phong cảnh thần tiên mà nàng đã từng thấy trên những trang sách. Khi trở về cố
đô, hình ảnh một Đà lạt thơ mộng, buổi sáng có sương mù, buổi chiều có mưa rơi
với con đường hoa anh đào, những vườn hoa hồng, hoa pensée đủ màu bên nhà thủy
tạ màu trắng in trên mặt hồ nước lung linh…đã khiến nàng tương tư Đàlạt từ đó…Nhiều
lần nàng xin cha mẹ vào Đàlạt học nhưng mãi đến khi nàng thi đậu tú tài toàn phần
cha mẹ nàng mới thuận cho nàng vô Đà lạt để theo học đại học. Nàng được gửi vào
ở trong nhà của người cô ruột nằm trên đường Hoàng Diệu.
Trong kỳ trại công tác
xã hội tại Lạc Viên, Đơn Dương, Nam rủ được Hồng Nghi tham dự. Đêm lửa trại hôm
ấy nàng là người được tán thưởng nhiều nhất bởi nàng có giọng hát hay và điêu
luyện, giọng hát trong veo uốn lượn chập chờn theo dòng nhạc vô cùng chải chuốt
của bài Suối Mơ. Lửa trại ngoài trời, không có máy khuếch âm phụ trợ nhưng giọng
nàng vẫn được nghe trọn vẹn khiến đám thính giả sinh viên không khỏi ngạc
nhiên, giọng trong như pha lê, như suối nước
róc rách chảy qua bao suối khe ghềnh đá, truyền đạt từng âm thanh ngọt ngào như
làn gió thoảng trong những chiều thu vắng…Thanh âm nàng cất lên như có thần khí
cuốn hút người nghe… “Trong chiều nào giữa chốn đây, hồn cầm lắng
tiếng đời. Suối ơi! Nghe rừng heo hút, dòng êm đưa lá khô già trút. Còn như lưu
hương yêu dấu. Với suối xưa trôi nơi đâu? (Suối Mơ của Văn Cao). Đêm
ấy Nam và Hồng Nghi quấn quýt bên nhau như một đôi tình nhân đã yêu nhau lâu lắm
rồi. Bên ánh lửa bập bùng tí tách, Hồng Nghi tựa đầu vào vai Nam, ngồi cùng đám
bạn bè chuyện trò gần đến sáng mặc cho gió lạnh từ núi tràn về.
Sau kỳ trại hai người lại
càng khăng khít nhau hơn. Bạn bè của Nam và của cả Hồng Nghi nhìn hai kẻ đang
yêu nhau với sự thèm thuồng cái hạnh phúc mà họ đang có, đôi khi với ít nhiều
ganh tị. Buổi sáng họ cùng nhau sánh bước đến trường, trưa chiều họ chờ nhau để
cùng về một lối. Hồng Nghi lại yêu cầu Nam đưa nàng đi thăm những nơi trước đây
nàng có dịp đến thăm khi còn là một cô bé mười lăm tuổi theo cha vào Đàlạt lần
đầu tiên. Nam cũng đưa nàng đến nhiều nơi khác mà nàng chưa bao giờ đặt chân đến.
Trong những lúc cùng đi chơi như vậy, nhiều lần Nam gợi ý tỏ tình với Hồng Nghi
nhưng nàng chỉ cười và nói lảng sang chuyện khác, lấy tay che miệng chàng rồi
hôn lên má chàng bằng những nụ hôn cũng đã khiến chàng ngất ngây hạnh phúc tưởng
chừng mình đã được yêu.
Trước tết âm lịch hai
tuần, Nam và Hồng Nghi chia tay nhau. Nàng về Huế và chàng về Sài Gòn để ăn tết
với gia đình. Họ hẹn gặp lại nhau vào ngày trở lại trường đầu năm âm lịch.Trước
buổi sáng Hồng Nghi đáp máy bay về Huế, Nam đã lén ra sau vườn của nhà trọ cắt
trộm mấy cành đào đem dấu để sáng hôm sau chạy xe gắn máy xuống phi trường Liên
Khương trao cho Hồng Nghi. Nàng cảm động và không quên gửi lại cho Nam một chiếc
hôn gió trước khi bước khuất vào bên trong thân máy bay. Nam đứng tần ngần nhìn
máy bay chuyển bánh ra đầu phi đạo cho đến khi máy bay mất hút trong bầu trời
xám đục chàng mới chịu quay gót ra về trong niềm hạnh phúc của kẻ đang yêu. Ánh
mắt, nụ cười và những chiếc hôn cứ theo chàng trên quãng đường về thành phố.
Nam thấy mình hạnh phúc hơn bao giờ hết. Trên đường về mưa bất chợt nhưng chàng
vẫn thấy ấm áp lạ thường.
Sau biến cố Mậu Thân,
hơn một tháng sau Nam mới trở lại Đa Lạt. Rất nhiều sinh viên, nhất là sinh
viên ở ngoài Miền Trung, có người kẹt lại ngoài đó cả đến hai ba tháng. Nam
nóng lòng đợi tin của Hồng Nghi. Khi ở Sài Gòn Nam may mắn được ở trong khu vực
tương đối an toàn, không phải chạm mặt trực tiếp với những nơi có giao tranh.
Nam nóng lòng muốn biết tin tức của Hồng Nghi nhưng vô phương, chàng theo dõi
tin tức chiến sự ở Huế qua truyền hình và radio biết có cả ngàn người dân vô tội
bị giặc giết khắp nơi trong thành phố. Chàng lo cho số phận của Hồng Nghi và thấp
thỏm theo dõi báo chí tường thuật hàng ngày. Chàng trách mình sao không lấy địa
chỉ của Hồng Nghi để biên thư liên lạc. Có vài người bạn ở Huế và Đà Nẵng đã lần
lượt trở vào Đàlạt, chàng hỏi thăm nhưng chẳng người nào biết tin tức của Hồng
Nghi. Nam lại càng hoang mang và lo lắng cho số phận của nàng, có thể nào nàng
đã bị giặc giết hại hay trong cơn biến loạn, nàng đã chết trong lằn tên lửa đạn…
Chàng không dám nghĩ thêm…
Thế rồi hơn hai tháng với
tâm trạng đứng ngồi không yên Nam đã có tin tức của Hồng Nghi do một người bạn
cùng lớp với chàng, dân xứ Huế mà từ trước chàng đã không mấy thân. Người bạn
này đã thoát chết trong tết Mậu Thân, chạy được vào Đà Nẵng sau biến cố và khi
tình hình khắp nơi trở lại yên hoàn toàn mới khăn gói trở lại Đàlạt. Anh bạn
này biết Nam và Hồng Nghi là đôi tình nhân rất khắng khít tưởng chừng họ sắp sửa
kết hôn để sống chung với nhau suốt đời. Anh bạn rủ Nam ghé cà phê Tùng sau buổi
chiều tan học để kể cho chàng nghe tất cả những gì anh và dân chúng Huế đã thấy
trong những ngày biến loạn tại thành phố này. Anh bạn kể rằng trong biến cố tết
Mậu Thân, chính anh và rất nhiều người dân Huế đã tận mắt thấy người cựu nữ
sinh Đồng Khánh Tôn Nữ Hồng Nghi và một số sinh viên học sinh Huế đã cùng với mấy
ông thầy dạy học cũ của họ cầm súng đi tìm giết những người mà họ quy vào tội
trí thức phản động có nợ máu với nhân dân. Số người họ giết không biết là bao
nhiêu nhưng theo nhiều người dân Huế còn sống sót sau cơn biến nói rằng họ có
danh sách những người họ phải giết trong đó rất nhiều bạn học với họ trước đây.
Sau khi Huế được lấy lại thì Tôn Nữ Hồng Nghi cùng đám người hiếu sát được đưa
vô mật khu để sau đó được đưa ra Bắc. Nam nghe anh bạn kể chuyện Hồng Nghi là một
trong những tay sát thủ ở Huế thì Nam không khỏi bàng hoàng sửng sốt. Nhưng ngược
lại Nam cũng hy vọng là câu chuyện chàng nghe kể là không có thật. Chàng vẫn
còn một chút hy vọng. Không lẽ Hồng Nghi hoạt động cho giặc…Vài hôm sau Nam chợt
nhớ lại có một lần Hồng Nghi mượn của chàng cuốn “Tự Do Đầu Tiên Và Cuối Cùng”
của Krishnamurti để đọc, vài tuần sau khi trả lại, lúc về nhà giở sách ra Nam
thấy một tờ truyền đơn của MTGPMN. Nam không dám nghi cho Hồng Nghi là đã bỏ tờ
truyền đơn này vào sách. Chàng vội thảy nó vào bếp lửa và không bao giờ dám hé
môi chuyện này với ai.
Sau biến cố kinh hoàng
trên, Nam cứ thẩn thờ quên ăn biếng ngủ. Lúc nào hình bóng của Hồng Nghi cũng cứ
lảng vảng trước mặt chàng. Đâu đâu cũng có hình ảnh của người con gái xứ Huế xuất
hiện. Chàng thực sự đã yêu Hồng Nghi tha thiết và đã từng bày tỏ tình yêu của
chàng với Hồng Nghi…nhưng nàng cũng chỉ ởm ờ nửa đùa nửa thật khiến Nam càng
lúc càng si mê hơn. Nam vẫn hy vọng câu chuyện mà anh bạn từ Huế vào kể là do
óc tưởng tượng. Chàng cũng nuôi hy vọng trong vòng vài ba tuần nữa Hồng Nghi sẽ
trở lại ngôi trường mà nhiều lần nàng nói là rất yêu mến. Nhưng rồi hình bóng của
một Hồng Nghi thướt tha trong chiếc áo dài màu tím nhạt càng ngày càng mất hút
vào khoảng không trông chờ bất tận…Nam chẳng có một tấm ảnh nào của Hồng Nghi,
thậm chí một kỷ vật nhỏ hay vài dòng chữ của nàng cũng không. Càng suy nghĩ Nam
càng thấy Hồng Nghi là con người khá kín đáo, chẳng bao giờ nói về mình, về gia
đình mình và những liên hệ nơi quê nàng. Thì ra là vậy…Nam kết luận như thế.
Những năm học kế tiếp
Nam dần dà nguôi ngoai. Chàng tốt nghiệp ra trường và làm việc ở Sài Gòn. Mùa
hè đỏ lửa chàng vào quân trường, sau đó được biệt phái công tác ở bộ Thông Tin.
Sau tháng tư bảy lăm chàng vô trại tù cộng sản như những sĩ quan khác trên khắp
Miền Nam Việt Nam. Khi làm việc tại Sài Gòn Nam quen với một cô gái cũng người
Trung xứ Huế. Tên nàng là Lê Khắc Đông Nghi. Nhiều lần Nam đã phải tự lý giải
là có phải cuộc đời tình ái của chàng lại gắn liền với những người con gái xứ
Huế? Lạ hơn nữa là những cái tên. Hai cái tên trùng nhau thật lạ lùng khó hiểu.
Nhiều lần cứ nghĩ quanh nghĩ quẩn rằng Đông Nghi có thể nào là một Hồng Nghi thứ
thứ hai đến với chàng? Chàng liền gạt bỏ ngay ý nghĩ về một Đông Nghi là Hồng
Nghi thứ hai.
Từ trại tù ra được vài
tháng, mẹ Nam xin với cha mẹ của Đông Nghi làm lễ đính hôn cho chàng trước khi
cả hai tìm đường vượt biên. Sau mười chín ngày tàu lạc hướng và lênh đênh trên
biển cả mênh mông với những cơn đói khát khiến cho ba phụ nữ cùng với hai trẻ
em kiệt sức cho đến chết, trong đó có Đông Nghi, người vợ vừa đính hôn với
chàng. Ngày hôm sau chiếc thuyền mong manh được một tàu đánh cá của ngư dân Phi
cứu và kéo vào đảo Galang. Chàng dự lễ an táng Hồng Nghi cùng với những kẻ xấu
số khác trên một ngọn đồi nhìn ra biển. Từ đó chàng cũng ít trò chuyện với ai
trừ những lúc phải nói chuyện với những nhân viên tại trại tị nạn và nhân viên
của phái đoàn Mỹ. Cuối cùng, sau gần sáu tháng ở đảo, chàng được báo là đủ điều
kiện để định cư tại Mỹ. Người ta đưa chàng đến một thành phố buồn tênh xa lạ,
không giống như những thành phố mà chàng từng nghĩ đến mà nơi đó là những phố
xá nhộn nhịp. Nhưng Nam chẳng thiết tha gì nữa, chàng thụ động, chán chường. Bạn
bè của chàng ở nhiều nơi trên nước Mỹ kêu chàng về ở với họ nhưng rồi chàng cứ
lần lữa hết tháng này qua năm nọ. Mấy năm theo học tiếp ở đại học Nam có một
công việc khả dĩ tương đối tốt, những người Mỹ thân với Nam nhiều lần hỏi về
gia cảnh chàng nhưng Nam chỉ trả lời đại khái là còn một mẹ già ở Việt Nam và
hai người em. Có một dạo Nam cặp bồ với một cô gái Mỹ làm cùng sở nhưng chỉ một
thời gian ngắn thì hai người bình thản chia tay, rồi chàng lại quen với một cô
khác ngoài sở làm…
Tiếng xe chạy vụt qua
bóp còi inh ỏi cùng với tiếng la hét của đám thanh niên ngồi trên xe khiến Nam
giật mình. Chàng định thần và thấy mình đang đứng trứoc biển mênh mông. Điếu
thuốc trên tay đã tàn từ lúc nào, chàng vất mẩu thuốc xuống cát rồi châm một điếu
khác, quay gót bước lên mấy bực đá để băng qua đường trở về khách sạn.
Hôm sau thức dậy muộn,
Nam nằm lì trong phòng xem tivi. Buổi chiều Nam đi dạo theo dọc bờ biển mà đầu
óc cứ miên man nghĩ về Hồng Nghi rồi nhớ đến Đông Nghi, nghĩ đến con thuyền nhỏ
mong manh chống lại những đợt sóng tàn bạo của biển khơi để rồi chòng chành lạc
hướng…tiếp theo là những ngày đói khát vật vã mang đến cái chết cho mấy người trong
đó có Đông Nghi với giọng Huế nhẹ nhàng trong trẻo như nước Sông Hương như chàng
đã từng ví von như thế mặc dầu chưa một lần nhìn thấy dòng sông Hương. Nam cảm
thấy cô đơn quá. Một gã đàn ông ngoài bốn mươi tuổi như chàng giờ đây vẫn còn
lang thang một mình giữa cảnh đời xa lạ, không bạn bè, không bà con thân thích,
không tình yêu. Chàng tự hỏi trên cõi đời này đàn ông cũng có những cuộc tình
nghiệt ngã như vậy sao! Chàng những tuởng những nghiệt ngã đắng cay chỉ dành
cho những người thuộc phái nữ thôi chứ…thì ra đàn ông cũng chỉ là một sinh vật
lêu bêu vô định trên hành tinh này mà thôi, không hơn không kém…là mang chung số
phận của một con người…Nỗi buồn ập đến với chàng như cơn sóng thần phủ chụp
trên chiếc thuyền mong manh ngày nào. Đến chiều chàng mới thu dọn đồ đạc để về
Houston với vợ chồng Phượng Đỗ, chàng cần phải có người để chuyện trò tâm sự
lúc này.
…Khi Nam bước vào bên
trong nhà thì chàng thấy cơm nước đã bày sẵn ra bàn. Trước khi rời Galveston
Nam đã gọi cho vợ chồng Phượng Đỗ là trong vòng hơn một tiếng đồng hồ nữa chàng
sẽ có mặt tại Houston. Dĩ nhiên Nam cho Phượng – Đỗ hay là chàng đi từ thành phố
Oklahoma. Vừa cơm nước vừa chuyện trò, họ nhắc lại những kỷ niệm xưa cũ, những
buồn vui ngày trước, Nam nghe Đỗ kể về một số bạn bè, kẻ mất người còn, bây giờ
làm gì ở đâu. Cơm xong, Phượng pha cho Nam tách cà phê đặt ngay trước mặt chàng
và nói:
- Cà phê
Tùng đấy! ông tướng uống coi có ngon không…
Nam hết nhìn Phượng rồi lại nhìn
sang Đỗ cười:
- Cám ơn Phượng và Đỗ nhiều lắm. Có
lẽ bạn bè cũ chỉ còn lại Phượng và Đỗ còn nhớ đến mình thôi. Gần mười năm nay
mình ở nơi khỉ ho cò gáy chẳng biết liên lạc với ai cả.
Đỗ
thông cảm nhìn Nam đưa cả hai tay bưng tách cà phê. Nam tiếp:
- Lâu lắm rồi mình không được thưởng
thức cà phê hương vị Việt Nam. Nghe mùi cà phê nhớ Đà Lạt quá…
Nam đưa tách cà phê lên miệng uống
một ngụm nhỏ rồi đặt tách xuống bàn. Chờ cho Nam đưa hết cái đắng chát ngọt
ngào của hương vị cà phê năm nào, Đỗ nhìn Phượng xong lại nhìn Nam giọng vui vẻ:
- Tối nay là thứ năm, ngày mai thứ
sáu, cả hai vợ chồng mình còn đi làm, bạn cứ ở nhà nghỉ xả hơi cho khỏe. Đến tối
thứ bảy bọn này sẽ đưa bạn đi thăm một vài người bạn thân cũ, thời trung học
cũng có, thời đại học cũng có…
Đỗ lại nhìn Phượng và nói tiếp:
-
Tối thứ bảy này, sẽ đưa bạn đến dự một buổi họp mặt thân hữu và cũng để nghe một
giọng hát hết sức đặc biệt…
Nam
nhìn Đỗ chậm rãi hỏi:
- Giọng
hát nào mà đặc biệt thế? Khánh Ly? Khánh Hà?...
Nãy
giờ ngồi yên ra điều bí mật, bây giờ Phượng mới lên tiếng:
- Không phải Khánh
Ly cũng chẳng phải Khánh Hà. Giọng hát này bảo đảm bạn nghe rồi sẽ mê mẩn cả
người mà không chừng còn lạc cả đường về nữa đó…Nhưng…biết đâu cũng có thể bạn
chưa nghe hát mà đã ngất ngây rồi cũng nên…
Nam buột miệng:
- Chắc phải là một
ca sĩ phù thủy có phải không?
Phượng
tiếp lời:
-
Bạn thử đoán xem đi nào, đừng có nói tầm bậy nha…
Nam ơ thờ:
- Ở hải
ngoại có cả trăm ca sĩ…bố ai mà đoán cho nỗi.
-
Nhưng ca sĩ này bạn biết rất rành. Phượng nhìn Nam vừa nói vừa cười.
Đỗ tiếp lời
Phượng:
- Mình thì chỉ thích vài giọng thôi.
Số còn lại eo éo cò cưa rên rỉ nghe mà phát mệt. Hơn nữa dạo sau này mình cũng
chẳng có thì giờ nghe nhạc nghe nhiếc gì cả.
Phượng vẫn cười bí mật nói với
Nam:
- Thế bọn này
nói tên ca sĩ này ra bạn có mê không?
-
Ai thì cứ nói ra đi…Danh ca nào mà làm lụy lòng người ta dữ vậy?
Nam vừa nói vừa bưng tách
cà phê đưa lên uống một ngụm.
Phượng liếc nhìn Đỗ như đồng
tình rồi nhìn thẳng Nam:
-
Đó là ca sĩ Tôn Nữ Hồng Nghi…
Nam không tin ở tai mình. Chàng hỏi lại:
- Cái gì? Nói lại coi…
-
Tôn. Nữ. Hồng. Nghi. Phượng nói từng tiếng một.
- Tôn Nữ Hồng
Nghi. Nam thảng thốt.
Phượng lại tiếp:
- Phải! Tôn Nữ
Hồng Nghi của bạn năm nào ở văn khoa Đàlạt không sai chạy đi đâu được. Tụi này
vừa khám phá ra được vài tháng nay nhưng chưa tiện cho bạn hay đó thôi…Nam
đứng lên rồi ngồi xuống, hình như hơi mất bình tĩnh, hết nhìn Phượng rồi lại nhìn Đỗ:
-
Có phải Hồng Nghi dính dáng đến vụ tết Mậu Thân ở Huế không?
-
Đúng vậy! Chuyện đúng một trăm phần trăm và bây giờ thì người đẹp đang ở đây
cũng chắc trăm phần trăm. Đỗ nói chậm và rõ từng tiếng như để đánh tan sự nghi
ngờ nơi Nam.
Nam vẫn còn
nghi ngờ:
- Nhưng
sao nàng có thể sang Mỹ được? Nghe nói sau vụ Mậu Thân nàng vào mật khu và nếu
sau bảy lăm về thành thì cũng đã cán này cán nọ…làm thế nào mà qua Mỹ được…
Phượng đưa tay
khoát:
- Bảo đảm với bạn là Tôn Nữ Hồng Nghi – người em xứ Huế của
bạn ngày nào là một trăm phần trăm mà, còn nàng qua Mỹ cách nào thì bọn này
không biết nếu không muốn nói không cần biết. Phải không nào? Thứ bảy này gặp
nàng rồi bạn sẽ tha hồ mà tìm hiểu. Chu cha…hồi xưa mê người sông Hương núi Ngự
như điếu đổ…mừng đi là vừa…Phượng vừa nói chọc vừa cười hi hí…
Mới chỉ nghe chừng ấy, đầu
óc Nam cũng đã choáng váng, mặt chàng không thấy lộ một chút gì vui như vợ chồng
Phượng Đỗ đã tưởng. Họ đoán rằng Nam xúc động nên không kéo dài câu chuyện nữa.
Đỗ nói với Nam:
-
Thôi được rồi! Lái xe cả ngày chắc mệt, bạn đi nghỉ đi. Tối thứ bảy mọi chuyện
sẽ rõ trắng đen. Chúc bạn ngủ ngon và có mộng đẹp…
Nam nằm
trong căn phòng rộng, chàng không sao chợp mắt được, bao nhiêu hình ảnh của những
ngày theo học ở Đàlạt cứ tuần tự hiện về trong trí nhớ kèm theo hình ảnh của Hồng
Nghi ngày nào cứ chờn vờn trước mặt cùng bao nhiêu điều thắc mắc mà tự chàng
không thể nào trả lời được. Đầu óc chàng căng thẳng đến độ mệt mỏi rồi chàng
thiếp đi lúc nào không hay… Sáng hôm sau vợ chồng Phượng Đỗ đi làm sớm. Họ
không quên để lại một mẩu giấy dặn dò nơi để cà phê và thức ăn… Buổi chiều
khi hai vợ chồng về nhà thì không thấy Nam đâu cả. Trong phòng cũng không còn đồ
đạc gì của Nam. Chiếc xe của Nam đậu trước sân cũng biến mất. Cả hai hy vọng
Nam lái xe đi đâu đó rồi sẽ trở lại…nhưng còn đồ đạc trong phòng cũng…Họ hơi bối
rối, lục lọi khắp nhà cũng chẳng thấy đồ đạt gì của Nam đâu cả. Phượng bước lại
phía bếp thì chợt thấy một mẩu giấy để bên tách cà phê còn uống dỡ. Nàng gọi Đỗ
lại xem mẩu giấy ghi vỏn vẹn có mấy chữ: Cám
ơn Phượng và Đỗ, Mình phải rời Houston, Chìa
khóa ở chỗ đựng thư
Nam
Đỗ
vội tìm số điện thoại gọi Oklahoma, nhà Nam. Bên kia đường dây giọng của nữ
operator: số 405-745-2901 không còn xử dụng nữa. Gọi số điện thoại cầm tay nhiều
lần. Nghe tiếng reo nhưng không bắt máy. Hải bần thần nhìn Phượng và lắc đầu:
-
Cái thằng Nam này chắc nó điên đến nơi rồi…
Phong Châu
(Trích trong tập san Thụ
Nhân Texas 1998)
No comments:
Post a Comment