Mùa đông năm nay chẳng những có tuyết
rơi rơi, có mưa dầm dầm dề dề…mà còn có cả gió buốt lạnh “thấu xương” như người
Việt ta thường ví von với cái lạnh ở một vài vùng nơi chốn quê nhà. Hươu tôi thấy
thiên hạ lôi đống áo - quần - khăn - nón ấm ra để mặc chống lạnh chẳng khác nào
các thể tháo gia đang có mặt tại Pyeong Chang của xứ Kim Chi Đại Hàn để tham dự
thế vận hội mùa đông, người được trùm kín mít từ đầu tới chân. Hôm 23 tháng chạp
âm lịch tức ngày đưa Ông Táo về trời, cả nhà Tráng sinh Lam Sơn nhiều người ái
ngại bởi dịch cảm cúm trong mấy tuần qua cho cư dân Houston vì bị ông Bắc Đẩu (1)
ghi tên vào sổ bộ tử để mời lên sống chung với Ngọc Hoàng ở cõi trên. Thật may
mắn, ông Bắc Đẩu không dám đụng đến các Tráng nhà ta.
Cho nên ngày hôm sau là ngày hội vui
đón xuân của anh chị em tráng sinh Lam Sơn, cùng kéo nhau đến tư gia chị Vành
Khuyên Yêu Đời vùng Northwest để mở hội vui xuân. Nhằm vào thứ sáu nên một số
anh chị em đến trễ nhưng cuộc vui cũng
diễn ra đúng như chương trình dự liệu từ 6 giờ chiều cho mãi đến gần 11 giờ tối.
Chị Mado Nguyễn Thu Hương đã bỏ nhiều
công sức để chuẩn bị cho cuộc họp mặt vui xuân, từ việc trang trí phòng sinh hoạt
cho đến thực phẩm, quà tặng, bao lì xì, hoa Thủy Tiên để tặng anh chị em. Các
anh chị đến sớm tiếp tay trang hoàng căn phòng trông đẹp mắt và ý nghĩa thêm,
hai bên bannner “Tráng Đòan Nguyễn Trãi” là quốc kỳ Việt Nam và Đoàn kỳ. Một số
huy hiệu Hướng Đạo tô thêm màu sắc tươi vui. Bàn thờ trên có bông hoa bánh mứt,
giữa bàn là một khung kiếng nhỏ trong có hình của các Trưởng Hướng Đạo vừa mới
lìa rừng như Trưởng Trần Bạch Bích và Mai Ngọc Liệu (California), Trưởng Nguyễn
Trọng Phu và Nguyễn Tấn Hồng (Canada), Trưởng Vương Văn Thư (Texas). Hai bên chữ
HĐVN là câu đối vui:
Đuổi Dậu
Ra Sân, Gà Kêu Quang Quác
Rước Tuất Vào Nhà, Chó Sủa Gâu Gâu
Câu đối chữ
màu đỏ đơn giản đặt hai bên bàn thờ:
Đón
Tết Lam Sơn Luôn Hạnh Phúc
Chào
Xuân Nguyễn Trãi Mãi An Khang
Đến dự có các anh chị: Cao Ngọc Cường,
Mado Nguyễn Thu Hương, Trần Thế Kỷ, Đào Quốc Anh, Trần Văn Bé Tư, Đặng Quốc Thắng,
Nguyễn Ngọc Bích, Trần Đa Minh, Nguyễn Thu Thảo, Trần Phương Tâm, Đinh Lệ Nhân,
Đào Thanh Hùng, Hoàng Kim Châu, Trần Bích Thủy, Nguyễn Thanh An, Phạm Kiêm Thiện,
Phan Nữ Lan (từ Dallas), Nguyễn Mỹ Hương, Phạm Thị Xoàn, Nguyễn Văn Mỹ…Ngoài ra
còn có các thân hữu của Toán Lam Sơn là Trưởng Trần Quang Tích (Báo Năng Nổ) và chị Nguyễn Liêng Lan trước
sinh hoạt ở Đạo Trấn Định – Mỹ Tho và anh anh Phong cùng hai người em của chị
Mado đến từ New Jersey.
Sau khi cùng nhau quây quần để thưởng
thức các món ăn đặc biệt do mọi người mang đến, anh chị em đã sẵn sàng vui chơi
lễ hội. Nhưng trước hết là không quên phần nghi thức: hát quốc ca Việt Nam, hát
Hướng Đạo Hành Khúc, một phút tưởng nhớ các Trưởng vừa lìa rừng và mọi người
cùng đọc nhắc Luật Hướng Đạo. Vài phút để anh Tóan trưởng và Tráng trưởng thông
báo vài công việc như: Tham dự chào cờ đầu năm Miền Trung Hoa Kỳ, việc ghi sanh
tham dự Thẳng Tiến XI, Chương trình Giúp Ích tại Thẳng Tiến XI: Đố Vui Để Học,
Đêm Hát Về Việt Nam, Tham gia Ban Báo Chí TT XI và Họp Mặt Tráng Đoàn. Cuộc vui
bắt đầu bằng màn múa lân rất hấp dẫn cho các anh chị Quốc Thắng, Quốc Anh, Bé
Tư, Thanh An, Nữ Lan, Mỹ Hương, Đa Minh, Bích Thủy…lần lượt cầm đầu lân múa tự
do không cần theo tiếng trống cắc cắc cùm cum và tiếng xập xỏa vui tai cùng ông
địa cầm quạt mo phụ họa. Có vài Cụ khán giả móc túi “lì xì” mừng tuổi cho ông địa
đủ mua cà rem ăn vào sáng một một. Vui thật là vui. Không khí vui tươi khiến ai
cũng thấy mình trẻ lại cỡ chục bó và trên đầu hình như có một mớ tóc bạc biến
thành tóc đen thui…
Mục hấp dẫn kế tiếp là màn Sớ Táo Quân. Bài Sớ được viết rất công phu và đầy đủ mọi sinh hoạt của Tóan Lam Sơn do Cụ Đà Điểu chân Cao biên soạn. Lần này, ngoài Táo Ông Quốc Thắng còn có cả Táo Bà Mado bay lên cùng chàng để tâu thêm nhiều việc.
Tráng lão Trâu Tín Cần
được giao vai Ngọc Hoàng mặc chiếc hồng bào rực rỡ, hai bên Ngọc Hoàng là quan
hộ tịch Nam Tào và Bắc Đẩu (Nam Tào phụ trách sổ sinh, còn Bắc Đẩu phụ trách sổ
tử).
Sớ Táo Quân khá dài
không sao nhớ hết nhớ đủ, chi vễnh tai nghe lõm bõm được hai đoạn như sau (Muốn
thưởng thức hết từ đầu đến cuối bài sớ, xin vào www.trangdoannguyentrai.blogspot.com). Sau đây là trích
hai đoạn nghe lóm từ Táo Ông và Táo Bà:
Táo Ông:
Thần Táo Lam Sơn
Tuân theo thánh chỉ
Nên đã chuẩn bị
Một bản ráp – po
Vừa mới ra lò
Để mà báo cáo
Những chuyện Hướng Đạo
Ở trong năm qua
Là năm con gà
Cục ta cục tác
Cứ vui ca hát
Chẳng ngại khó khăn
Giúp Ích càng hăng
Mới là Hướng Đạo…
Táo Bà:
Chúng thần là Táo
Xó bếp quẩn quanh
Nên biết rất rành
Đường ngang ngõ tắt
Lam Sơn đông nhất
Hai mấy tráng huynh
Cùng nữ tráng sinh
Chục chị duyên dáng
Thuộc trong toán tráng
Là Toán Lam Sơn
Thành phố Hiu Tơn
Vòng lên Đa Lát
Tiểu bang Tếch Xát
Miền Trung Hoa Kỳ
Được biết từ khi
Tráng Đoàn thành lập
Vừa mừng sinh nhật
Tròn mười lăm năm…
Tráng nữ Mado cùng
tráng nam Quốc Thắng ráp - po đầy đủ các
sinh hoạt của Toán Lam Sơn cùng tiếng phụ họa của triếng trống thung thùng và
tiếng reo cười của mọi người. Đặc biệt nhất là hai vị Nam Tào và Bắc Đẩu, lúc đầu
đứng khép nép hai bên Ngọc Hoàng “Trâu” thì mày râu nhẵn nhụi, không hiểu do
phép lạ nào mà một lát sau hai vị này thấy hai bộ râu đen thủi đen thui xuất hiện
trên mép của mình. Lại nữa, có cô em gái của Nam Tào và Bắc Đẩu tên là Đông An cũng
sắm sanh mang râu đội mão để theo hai anh trai ra hầu quạt cho Ngọc Hoàng,
nhưng vì quá vội, hai anh đã quên cô em gái nên cô ta đứng khóc tức tửi…hu hu
hu trông rất tội nghiệp…
Trong khi hai Táo tấu
trình Ngọc Hoàng thì đâu đó bên ngoài thiên môn có tiếng pháo nổ rang khiến Nam
Tào Bắc Đẩu giật mình xém rơi hai bộ râu mép, còn cô em gái của hai vị này giận
hai ông anh, bèn trở lại bếp kiếm bánh chưng
xơi tiếp…Cũng cần nhắc là ba anh em Nam Tào Bắc Đẩu và Đông An trước đó
đã được Táo Ông hối lộ cho mỗi người một cái mão có gắn Hoa Bách Hợp để đội
trong ba ngày tết.
Tráng ông Phạm Kiêm
Thiện tức Trâu Tín Cần thuộc hàng Tráng Lão được chúc thọ đầu tiên đã ngoài tám
bó, kế tiếp là những tráng bảy bó, sáu bó, năm bó…Người nào cũng nhận được những
lời chúc ngọt ngào để mang theo trong cuộc
hành trình cả năm: Hạnh Phúc và An Khang, đặc biệt là “Chân Cứng Đá Mềm” để còn
chơi Hướng Đạo. Sau khi nhận lời chúc, mỗi người được kèm theo một chiếc phong
bì màu đỏ khá lớn, tiền trong phong bì đủ để đặt “Bầu Cua Cá Cọp” cho đến khi
thua nhẵn mới thôi.
Những chiếc ly bằng
thủy tinh sóng sánh màu rượu vang đỏ được mọi người đưa cao và dưới sự điều khiển
của toán trưởng Du Ca Đào Quốc Anh, mọi người cùng hát bài “Ly Rượu Mừng” của
Phạm Đình Chương và tiếp theo là những bài Đón Xuân, Mừng Xuân, Vui Xuân, Chúc
Xuân, Du Xuân, Cười Xuân, Nắng Xuân….khiến bà con ai nấy hát muốn hụt hơi với đủ
mọi thứ giọng: Ténor, Soprano, giọng vịt đực, giọng vịt cái, giọng xe lửa, tàu
thủy, giọng chim chích chòe, sơn ca và cả giọng Đà Điểu…nghe rất khoái lỗ nhĩ.
Đúng là Bản Hợp Xướng Mùa Xuân của các loài thú rừng Nguyễn Trãi. Đặc biệt là
hai màn trình diễn độc đáo của nam tráng Trần Thế Kỷ và nữ tráng Phan Nữ Lan (từ
Dallas đu xe đò về Houston). Tráng nam Thế Kỷ là chuyên gia “chuyên trị” món cá
nhưng hôm nay đã mời anh chị em xơi…hình như là món bánh mì chấm mắm tôm…Còn chị
Nữ Lan không hiểu là gốc người miền nào nhưng khi đọc bài thơ nói về chữ nghĩa
của miền Sông Hương Núi Ngự thì trời ơi: Huế rặt trăm phần trăm…trong khi có một
số anh chị cứ vễnh tai mà nghe nhưng chẳng hiểu “mô tê răng rựa” chi hệt… Vui ới
là vui…Và hoạt náo nhất phải kể là chị Vành Khuyên, anh Hoẵng, anh Báo và anh
Đà Điểu. Các vị khách thân hữu của Tóan Lam Sơn là hai người em của Mado và chị
Liêng Lan & anh Phong có mặt suốt buổi hội vui cũng không ngần ngại hòa lời
và cùng nhịp vỗ tay với anh chị em tráng sinh Lam Sơn…
Vui xuân mà thiếu tiếng lắc “cộp cộp”
của màn “bầu cua cá cọp” e rằng cũng thiếu vui. Cho nên sẵn tiền lì xì có trong
túi, anh chị em nhào ra đặt bầu cua cá…cọp. Trong các hình bầu cua cá…không có hình
ông cọp nhưng xưa nay ta đều nghe ai cũng nói…bầu cua cá cọp… chứ chưa bao giờ
nghe ai nói bầu cua cá tôm hay bầu cua cua cá gà cá nai cả. Có chị nhà là dân
Nam Kỳ phát biểu rằng sở dĩ có chữ cọp kèm theo là do tiếng “cộp cộp” của ba
con nhất lục nhảy lung tung trong chén trong tô nghe cộp cộp…Giải thích như thế
coi bộ cũng cũng không ổn tí nào…Anh Hoẵng Hay Hát lại lên giọng ténor rồi xuống
giọng bass của điệu hô lô tô nhưng hình như bà con mình thích ăn nhanh thua gọn
nên cứ bu quanh bàn bầu cua cá cọp do Thấy Sáu Kỷ làm chủ xị. Riêng anh Báo Bền
Chí thì lúc nào trong xe của anh cũng có vài chục con thú, hễ có dịp là anh và
bề trên mang vào để tặng cho dân rừng Lam Sơn. Lần này thấy anh ưu ái tặng chi
chị Thiên Nga Hiền Lành và anh Trâu Tín Cần và còn ai nữa thì không biết…
Cuộc vui sẽ không dứt nếu bên ngoài
không có cơn gió lạnh bất chợt lùa vào cùng với những giọt mưa cuối mùa. Đến
lúc phải chia tay. Tối nay là 24 tháng chạp năm Đinh Dậu, năm cũ sắp qua để đón
năm mới Mậu Tuất đến. Đứng thành vòng tròn vai sát vai, tay nắm chặt lấy tay, anh
tráng trưởng nói đôi lời cám ơn gia chủ Vành Khuyên Yêu Đời, cám ơn sự hiện diện
của tất cả anh chị em đã đến để cùng vui trong buổi họp mặt mừng xuân Mậu Tuất.
Gặp nhau đây rồi chia tay, ngày vàng như
đã vụt qua trong phút giây. Niềm hăng say còn chưa phai. Đường trường sông núi
hẹn mai ta sum vầy… Đường trường sông núi hẹn mai ta sum vầy…Tiếng hát vang
xa vang xa cùng tiếng écho vọng lại trong lòng mọi người…
Bài: Hươu Hăng Hái
Hình: Thanh Hùng & Phong Châu
No comments:
Post a Comment