Ban Biên Tập: H K Châu, L N Hui, Ng L Hương, C Ng Cường, Ng C Lâm, Ng Đ Thắng, NTHương

Friday, October 12, 2018

ĐỌC THƠ "NGUỒN THẬT'' CỦA PHONG CHÂU


Tôi cầm tập thơ ''NGUỒN THẬT'' của trưởng Phong Châu trên tay thật xúc động.
Thú thật đây không phải là lần đầu tiên tôi nhận một tác phẩm do chính tác giả gửi tặng. Tôi trân trọng tất cả những đứa con tâm huyết của các bạn bè quý mến gửi đến. Tôi coi đó là một niềm vinh dự vô biên. Nhưng với thi phẩm NGUỒN THẬT của trưởng Phong Châu tôi cảm phục thật lòng và thấy mình có chút xấu hổ.  
                                                                                                                                                      
Cũng là một Hướng Đạo Sinh, một Thiếu trưởng mà tôi đã bị cuộc sống chi phối đến không thể tìm ra dấu đi đường, giải mã nó để về tập họp đúng giờ. Trách nhiệm tuyệt đối của một người phụ nữ phải đặt bổn phận làm dâu, làm vợ, làm mẹ lên hàng đầu. Những khó khăn, trở ngại vì cuộc sống trước và sau cuộc chiến đã đưa tôi không có đủ điều kiện trở về ngôi nhà Hướng Đạo. Nơi mà tôi đã một lần trong đời thật trang trọng, tự tin và xúc động đưa tay lên tuyên hứa.
Anh em chúng ta chung một đường lên,                              
Chung một đường lên đến nơi Nguồn Thật,                                 
Nguồn Thật là đây sức sống vô biên,   

Sống vô biên là sống cùng tạo vật.

Bài này tôi vẫn còn nhớ dù đã 50 năm tôi chưa một lần trở về tham dự lửa trại và hát. Hôm nay "Nguồn Thật" đã được tác giả Phong Châu đặt tựa cho tập thơ của mình. Chỉ cái tựa thôi cũng đã thấy đây là tiếng gọi về nguồn chân thành nhất của một trưởng Hướng Đạo kỳ cựu trải lòng mình với tập thể Hướng Đạo Sinh. Trong đó có tôi.
Phong Châu là bút danh của trưởng Hoàng Kim Châu. Một người đã trải qua hơn 60 năm gắn bó với phong trào Hướng Đạo Việt Nam. "60 Năm Cuộc Đời" là một bài hát của nhạc sĩ Y vân mà ai cũng đã nghe và thích. Thế nhưng "60 Năm Hướng Đạo" chưa có ai viết ra. Hôm nay Trưởng Phong Châu đã dệt ý thành thơ. Bài thơ hùng tráng và nhiều kỷ niệm của một Hướng Đạo Sinh đã thực hiện lý tưởng của mình với phong trào Hướng Đạo.
Ở trang đầu trân trọng nhất, Phong Châu đã viết:
   Biết ơn và tưởng nhớ các Trưởng:
   Trần Văn Khắc                                                                   
   Nguyễn Văn Thơ                                                               
   Nguyễn Văn Võ                                                                             
   Trần Trung Du                                                                               
   Lê Xuân Đằng           
   Mai Ngọc Liệu 

"Tập Thơ này thân tặng cho Trưởng và Đoàn sinh Hướng Đạo Việt Nam
Thương tặng Nhạn Trắng Nhu Mì
 Các con... và các cháu...”

Đây là tấm lòng chân thật nhất của người Hướng Đạo. Biết tri ân và nghĩa tình gắn bó. Lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ và hết lòng vì mọi người. Những hiến dâng không mệt mỏi và những ghi nhận thật chân thành.
Trong phần giới thiệu tập thơ, Trưởng Phong Châu đã viết:
                                    
"Đối với tôi, Hướng Đạo không chỉ là một trò chơi, mà là một công cuộc giáo dục lớn được tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác trên khắp năm châu. Hơn một thế kỷ qua, Phong Trào Hướng Đạo đã chứng minh hùng hồn rằng: Đó là một Phong Trào đã mang lại nguồn vui và lợi ích to lớn cho nhiều thế hệ thanh thiếu niên trên toàn thế giới kể từ năm 1907 là năm khởi xướng Phong Trào bởi huân tước Baden Powell”.

Trưởng Phong Châu gia nhập Phong Trào Hướng Đạo từ năm 11 tuổi và hoạt động hăng say từ đó đến giờ. Anh cũng là một trong 6 thành viên sáng lập Phong Trào Du Ca Việt Nam. Những bài hát hùng hồn mà chúng tôi đã từng vỗ tay đồng loạt hát đầy say mê và hứng khởi bên lửa trại bập bùng. Tuổi trẻ và năng lượng lúc đó thật tuyệt vời biết bao.
Năm 2002 Trưởng Phong Châu đã soạn thảo tập "Đố Vui Để Học" mang đến cho các Hướng Đạo Sinh những câu hỏi và trả lời về lịch sử, văn hóa truyền thống Việt Nam. Một hành động tích cực để giúp các em HĐS tại hải ngoại không quên nguồn cội của mình .
Thành thật mà nói, tôi nhận được tập thơ này chỉ mới hôm qua. Nhưng những bài thơ của Trưởng Phong Châu đã khiến tôi phải ngồi lại viết những dòng xúc cảm của mình.


Đây là hình bìa trước và sau của tập thơ "Nguồn Thật"


Xuyên suốt trong 179 trang sách. Trưởng Phong Châu đã giới thiệu 66 bài thơ và văn xuôi của mình về Hướng Đạo trong những lần tham dự trại.
Trong phần mở đầu các Trưởng Nguyễn văn Thuất (Voi Cần Mẫn), Hà Thúc Sinh (Sóc Tháo Vát), Nguyễn Tấn Đệ (Cú Hoạt Bát) đã thật chân thành giới thiệu tập thơ này đến gia đình Hướng Đạo Việt Nam. Những lời giới thiệu ngắn gọn nhưng chân thành của các Trưởng đã cho thấy giá trị của tập thơ này.

Là một đàn em trong gia đình Hướng Đạo, tôi thật ngưỡng mộ hành trình tham gia sinh hoạt của Trưởng Phong Châu. Anh đã dẫn dắt tôi tìm lại "Dấu Chân Người Sáng Lập":

                                         Dấu chân người sáng lập: BiPi                                                  
                                        Trăm năm mở lối: Một hướng đi                                      
                                        Cùng bước: thanh niên và thiếu nữ                                        
                                        Sống vui, sống đẹp: tuổi xuân thì

 Với "Sinh Nhật Hai Cụ BiPi". Tôi đã thấy lại ảnh hai người trong ngày cưới. Thật xúc động và diệu kỳ khi hai Cụ đã sinh cùng ngày cùng tháng để tổ chức một lần sinh nhật trong năm. Dù cụ Ông lớn hơn cụ Bà 32 tuổi.
Bài thơ "Ngày Kỵ Bi-Pi" để tưởng nhớ đến ngài đã mất tại Kenya mà Diệp Hoàng Mai đã được vinh hạnh đến tận nơi để thăm viếng.
Bài thơ "Đường Thành Công" của Trưởng Phong Châu nhắc lại những điều ngài đã hướng dẫn cho tất cả Tráng Sinh trên toàn thế giới đi theo:
                                                        Tôi luyện bản thân để vào đời                                                  
                                                         Phải luôn thành thực giữa sân chơi                                    
                                                        Với người: giúp ích và thân ái                                                   
                                                        Và nhớ trên môi gắn nụ cười.

Bài thơ "Đường Dài Tương Lai" Phong Châu đã viết về 85 năm Hướng Đạo Việt Nam (1930-2015) mà trưởng Trần Văn Khắc là người sáng lập trong đó có 3 lần tổ chức những trại họp bạn lớn tại Việt Nam và 11 lần tại hải ngoại.
Bằng những vần thơ đơn giản, mộc mạc và chân tình anh đã giới thiệu về Luật Hướng Đạo (trang 31), Lời Hứa Hướng Đạo (trang 32), Hoa Bách Hợp (trang 35) như nhắc nhở người Hướng Đạo Sinh những thiêng liêng mà mình cần phải giữ gìn khi gia nhập Phong Trào Hướng Đạo.
                           Tròn bổn phận tín ngưỡng tâm linh                                       
                           Với Tổ Quốc và Quốc Gia mình                                                       
                          Giúp ích mọi người trong mọi lúc                                               
                          Tuân theo Luật của Hướng Đạo Sinh                                                                                                 
                        (Lời hứa Hướng Đạo trang 32)

Xuyên suốt tập thơ là những kỷ niệm đẹp anh đã thu góp và viết lại bên rừng, bên suối, dưới trăng sao, hoa lá. Với những niềm vui khi mang balô leo đèo, vượt suối. Khi trên chiếc xe đạp hành trình đến với thiên nhiên.
                             Pọt-ba-ga sau chở lòng thòng                                                  
                             Nồi niêu, soong chảo với bình toong                             
                             Chưa hết, chở thêm cây cuốc ngắn                                                
                             Đào mương cho nước chảy hanh thông                                                                                           
                             (Chiếc Xe Đạp)
(Bởi vì khi dựng lều, nếu không đào mương xung quanh thoát nước, khi mưa nước sẽ chảy vào trong )
Hoặc:
                            Xe đạp chở nhau đi họp đoàn                                                  
                            Có đàn trẻ Việt sống hiên ngang                                       
                           Với Mười Điều Luật. Ba Lời Hứa                                                           
                            Giúp Ích với châm ngôn Sẵn Sàng                                                                                                       
                              (Chiếc Xe Đạp)

Những bài thơ Hướng Đạo về dựng lều, cây gậy rừng, màu áo nâu, chiếc nón rộng vành Hướng Đạo. Những cái bắt tay trái đầy nhiệt huyết làm tôi ngẩn ngơ trở về một thuở balô cùng thiếu đoàn của mình đi cắm trại Đà Lạt. Tôi nhớ những cây gậy rất đẹp với những đường khắc tinh vi của những Hướng Đạo Sinh Lâm Viên sau khi rời trại đã tặng cho tôi. Tôi nhớ có một lần tan trại chia tay tôi không còn gì để tặng. Cuối cùng tôi cởi luôn sợi dây chuyền đang đeo trên cổ để trao làm quà kỷ niệm. Những lần dẫn các em đi cắm trại ở Vũng Tàu vào dịp nghỉ tết, chúng tôi đã tổ chức múa lân để lấy tiền sinh hoạt và mua vé xe đò trở về vì ngân quỹ đã cạn.
Đã là người người Hướng Đạo không ai có thể quên những đêm lửa trại bập bùng. Giữa rừng núi, lửa bừng lên như nhiệt huyết tuổi trẻ. Những quản trò, quản ca. Những nắm tay, bước chân đi xung quanh ánh lửa. Bập, bập, bùng, mập, mập, lùn…
Ôi! Người Đạo trưởng Đạo Trấn Biên Nguyễn Thuyết kính yêu của chúng tôi đã đi vào thiên cổ. Nhưng hình dáng mập mập, lùn lùn nhân hậu của anh đã vào thật sâu trong trái tim những người Hướng Đạo già như tôi. Một ngày Hướng Đạo là suốt cuộc đời Hướng Đạo.
Trong Hướng Đạo có lẽ sói con là những Hướng Đạo Sinh được yêu mến nhất. Bài thơ "Nhân Vật Rừng Xanh" của Trưởng Phong Châu đã kể về các nhân vật như Akela, Mowgli, Sói Xám, Sói mẹ Raksha, cọp dữ Shere Khan, chó rừng Tabaqui, gấu già Baloo, báo đen Bagheera, chú trăn Kaa, hải cẩu Kotick, voi Hathi, chim Chil, nhím Ikki, công Mao, chồn Rikki, Tikki, Tavi... đã được nhắc đến.

Tôi lại nhớ một sói con lần đầu xa mẹ đi cùng bầy cắm trại. Đêm đầu nhớ mẹ khóc hu hu. Tôi phải ra sức phụ dỗ dành. Đêm thứ nhì quen dần và sau đó em đã thành một sói con nhanh nhẹn trong bầy.
Với những bài "Mùa Hè Rực Rỡ", "Khách Sạn Ngàn Sao", "Tùng Nguyên Restaurant", "Đêm Việt Nam " đã vẽ lại những ngày vui trong những kỳ họp mặt trại hè Thẳng Tiến đầy tình tự dân tộc:

                        Hội nghị Diên Hồng vẳng tiếng loa                                         
                        Người Trung Nam Bắc chung một nhà                                    
                        Ngồi Quanh Ta Hát Lời yêu mến                                               
                        Con Cháu Lạc Hồng giống Việt ta                                                                                                        
                     (Đêm Việt Nam )
Trưởng Châu là Tráng Trưởng với tên rừng là Hươu Hăng Hái, nên những bài thơ của anh cũng nói khá nhiều về Tráng. Bài thơ "Rừng Nguyễn Trãi" là một thơ vui quy tụ thật nhiều tên thú của Rừng Nguyễn Trãi. Trong đó tôi tìm được mấy câu thơ thật đẹp này:

                                                   Chị Nhạn Trắng nhu mì kết bạn                                                           
                                                   Cùng bác Hươu sống trọn trăm năm                                            
                                                         Đời vui chẳng chút phân vân 
                                                   Chẳng bao  giờ để bận tâm mọi người.                                       
                                                                                                                                                                     
                                                                 (Rừng Nguyễn Trãi)
Chị Nhạn Trắng trong mấy câu thơ này chính là hiền thê của Phong Châu. Một Nữ Hướng Đạo Sinh và cũng là một tráng với tên rừng rất đẹp là Nhạn Trắng Nhu Mì. Đúng như cái tên được đặt, chị là một phụ nữ rất đẹp và dịu hiền, nhu mì và từ tốn. Một người vợ luôn bên cạnh để ủng hộ chồng. Một người mẹ hết lòng hy sinh cho con cái. Một người bạn tốt luôn tạo cho bạn bè một niềm tin và thân ái.
Họ gặp nhau trong những lần họp mặt Hướng Đạo. Sự tương kính, nhiệt tình và đồng điệu để kết nối duyên tơ tóc đến tận bây giờ. Khi họ bắt tay trái của Hướng Đạo, ngoài tinh thần Hướng Đạo thông thường, họ còn có nhịp đập của con tim đồng điệu. Họ đã có cùng hoài bảo và lý tưởng để cuộc sống hôn nhân viên mãn với niềm vui sinh hoạt Hướng Đạo tuyệt vời. Điều đó giúp cho Trưởng Phong Châu dấn thân dễ dàng và thuận lợi. Tôi thật ngưỡng mộ Huơu Hăng Hái và Nhạn Trắng Nhu Mì. Hai tráng sinh đẹp đôi trong khu rừng hạnh phúc.
Tưởng nhớ những Trưởng đã lìa rừng về với thiên nhiên có các bài: "Vĩnh biệt Trưởng Võ Văn Long", "Buồn Khi Thú Lìa Rừng", "Anh Là Sóc Nhanh", "Tiễn Anh Mùa Vọng", "Bách Niên Huynh Trưởng"  là những bài thơ xúc động về những tráng đàn anh kỳ cựu đã lìa rừng về với đất trời.

                           Hôm nay chào tiễn Trưởng lên đường                                              
                           Lẽ thường! Lòng lưu luyến tiếc thương                           
                           Trăm năm rồi đến bao năm nữa                                       
                           Cùng Trưởng ngồi bên "Lửa Dặm Đường" ?                                                                                    
                                 (Bách Niên Huynh Trưởng )
Sói Trầm Lặng Mai Ngọc Liệu đã lìa rừng khi đã 100 tuổi hạc (1918-2018).
Không phải tập thơ chỉ gồm những bài về Hướng Đạo khô khan. Trong đó cũng có những bài tức cảnh sinh tình khi trưởng Phong Châu lắng hồn mình với thiên nhiên đất trời như bài "Trăng Rừng" hay "Muỗi Tùng Nguyên" hoặc "Sơn Ca và Hoàng Yến" và nhiều bài nữa.
Phong Châu cũng có những bài thơ họa đặc sắc như họa bài "Vịnh Cái Cầu Ao" của Hòa Thượng Thích Quảng Độ. Bài "Trà" của Hà Thúc Sinh, Bài "Đêm Dài" và "Hoài Cảm" của Cao Nguyên.
Cuối cùng để chấm dứt phần thi ca. Phong Châu đã có những bài thơ tâm tình tự sự như "Sáu Mươi Năm Cuộc Đời" và "Hoàng Kim Châu".
Phần cuối của tập thơ là "Những Truyện Rất Ngắn " của Phong Châu. Những câu chuyện khá vui, ngắn nhưng rất thật của Hướng Đạo.
Bài viết "Mười Ba Trại Sinh" viết về câu chuyện mất tích của 13 trại sinh tại Đà Lạt. Lần đó đội trưởng Nguyễn Đức Quang và Cao Duy Tuấn tổ chức trại liên đội Voi và Sóc vào tháng 3/1959... Câu chuyện có thật, hấp dẫn và rất hay thuộc về kỷ niệm để đời của các Hướng Đạo Sinh.
Bài viết thứ ba "Mùa Hè Năm Ấy" kể lại câu chuyện tổ chức họp trại đầu tiên của Trung Tướng quân đội Hoàng Gia Anh Robert Baden Powell để mở đầu cho phong trào Hướng Đạo. Bài viết cảm động, chân thực chứng tỏ tài viết văn của Trưởng Phong Châu.
Cuối những trang sách là phần "Góp Lời Cùng Anh Hươu Hăng Hái" của các Trưởng Hướng Đạo từng sinh hoạt với anh khi đọc tập thơ "Nguồn Thật."
Trong tập thơ này có rất nhiều bài nói về Quê Hương, những lần tổ chức sinh nhật cho bạn "Sinh Nhật Tháng Giêng", "Sinh Nhật Tháng Sáu" về Bạn Bè về Phụ Huynh. Mỗi bài là một dấu ấn kỷ niệm trong cuộc đời Hướng Đạo của Trưởng.
Đây là một tập thơ. Thường thơ phải ướt át làm rung động lòng người. Đôi khi thơ làm người đọc phải rơi nước mắt. Nhưng với tập thơ này chúng ta sẽ không thấy lòng mình chùng lại, cảm giác đau buồn day dứt tâm tư.
Xem "Nguồn Thật" của Phong Châu ta muốn đi cắm trại, muốn mang balô, leo lên xe đạp làm một chuyến phiêu lưu. Ta sẽ thấy cuộc đời thật đẹp, thật đáng sống và muốn hiến dâng. Dù là những bài thơ chia sẻ những mất mát khi có những người bạn đã ra đi. Nhưng với Phong Châu ta lại cảm giác sự chia ly đó rất đời thường của những người đã giác ngộ cuộc sống. Ta thấy họ đã sống thật đầy đủ và ý nghĩa. Sự ra đi của họ như đi về với đất mẹ, với thiên nhiên. Ta muốn đứng lại đưa tay lên vẫy chào như họ đã hoàn tất một hành trình và về tới đích. Hay họ vừa chấm dứt một trò chơi lớn để tan trại về nhà.

Đọc xong tập thơ ta thấy yêu đời và yêu mến những người xung quanh. Bởi chất liệu của tập thơ là niềm vui tập thể, sự năng động của tuổi trẻ và nhiệt huyết phục vụ tha nhân. Đó là tất cả những cái đẹp của một đoàn thể rất lành mạnh và lợi ích cho xã hội: Hướng Đạo.
Phong Châu là một đàn anh kỳ cựu trong gia đình Hướng Đạo của chúng tôi. Anh là một người thầm lặng, ít nói nhưng rất sâu sắc. Hành trình Hướng Đạo và các sinh hoạt của anh khá dài, có tầm cỡ và rất thành công. Nhưng theo tôi nghĩ, sự thành công của anh có được, một phần không nhỏ là nhờ sự tích cực ủng hộ và tiếp tay của gia đình.

Tôi có thể hãnh diện mà nói đó là sự góp mặt của người vợ xinh đẹp, hiền dịu "Nhạn Trắng Nhu Mì" Phạm Thị Xoàn. Một cựu học sinh khóa 5 trường Trung Học Ngô Quyền Biên Hòa. Thật vui mừng cho Xoàn đã tìm được một người chồng cùng chí hướng và theo đuổi cùng mục đích. Cuộc sống hôn nhân có toàn vẹn và hạnh phúc hay không, không phải do sự sang giàu hay địa vị. Mà là cùng một hướng đi, biết yêu thương, thấu hiểu và thông cảm lẫn nhau. Trong gia đình thống nhất về lối giáo dục con cái và nhất là cùng đồng hành san sẻ niềm vui chung.

Nhận tập thơ xinh xắn trên tay trong tôi thật vui mừng và hân hạnh.
Cám ơn sự ưu ái của Anh Châu và Xoàn.
Xin trân trọng giới thiệu tập thơ "NGUỒN THẬT" của tác giả Phong Châu. Một chàng rể khóa 5 của Ngô Quyền chúng ta.



Đây là thiệp mời tham dự ra mắt sách tại miền Bắc California

Xin mời Thầy, Cô và các bạn nhín chút thời gian đến tham dự buổi ra mắt tập thơ này. Sự có mặt của Thầy Cô và anh chị em Cựu Học Sinh Ngô Quyền, tập thể Hướng Đạo Sinh và Thân Hữu là một món quà thật bất ngờ cho một Trưởng Hướng Đạo Việt Nam. Anh đã sống trọn vẹn cho lý tưởng Hướng Đạo, hòa hợp thiên nhiên, góp tay góp sức làm đẹp cho đời. Xây dựng, đào tạo những mầm non tốt đẹp cho quê hương, dân tộc.
Chúc buổi ra mắt tập thơ thành công rực rỡ.
Chúc Trưởng Phong Châu và Nhạn Trắng Nhu Mì luôn sức khỏe và ngập tràn hạnh phúc.

                                                                          Nguyễn Thị Thêm





No comments:

Post a Comment