Ban Biên Tập: H K Châu, L N Hui, Ng L Hương, C Ng Cường, Ng C Lâm, Ng Đ Thắng, NTHương

Wednesday, May 2, 2018

Mậu Thân, Bốn Mươi Năm, Nhớ...

    Bài này Truởng Sóc Vui Vẻ Nguyễn Đức Lập viết cách nay 10 năm đăng trong Đặc San HĐVN năm 2008 , 40  năm Biến cố Tết Mậu Thân 1968. Trưởng Nguyễn Đức Lập đã lìa rừng năm 2016 tại Manvel Texas. Chúng tôi xin đăng lại bài viết này nhân 50 năm Biến Cố Tết Mậu Thân (1968-2018) 

Mậu Thân, Bốn Mươi Năm, Nhớ...
Nguyễn Đức Lập

Khi tôi đặt bút viết bài nầy thì miền Nam Cailifornia đang mịt mùng khói lửa.
Cơn gió Santa Ana độc hại, kéo dài, giựt từng hồi, bẻ cành tuột lá, là nguyên nhơn của những trận hỏa họan khắp nơi. Tình trạng khẩn cấp đã được loan báo trên các quận Santa Barbara, Ventura, Los Angeles, San Bernadino, Riverside và San Diego.
Theo dõi các trận cháy, có nhà cửa bị thiêu hủy, có người đi lánh nạn, trên màn ảnh vô tuyến truyền hình, suốt gần hai ngày, tôi không thấy có bộ đồng phục Hướng Đạo nào xuất hiện để giúp đỡ mọi người.
Đó là sự khác biệt giữa sinh hoạt Hướng Đạo tại Hoa Kỳ và tại Việt Nam.
Tại Việt Nam trước đây, mỗi khi có một đám cháy xảy ra, các Hướng Đạo Sinh bao giờ cũng có mặt rất sớm, thường là trước cả lính Cứu Hỏa. Người ta thường nói: “mau như xe chữa lửa”, nhưng các Hướng Đạo Sinh còn mau hơn. Những Hướng Đạo Sinh chạy đến đám cháy, có người kịp mặc đồng phục, có người chỉ tròng cái khăn quàng vào cổ...

“Giúp đỡ mọi người bất cứ lúc nào, một cách vô vị lợi”, vốn là một điều luật của Hướng Đạo Việt Nam mà. Từ thuở Sói Con đã được dạy là phải “nghĩ đến người khác trước”, Thiếu Sinh thì “mỗi ngày làm một việc thiện”, Tráng Sinh thì “giúp ích”, châm ngôn “Giúp Ích” được viết bằng màu đỏ, với hàm ý “giúp ích cho dù phải đổ máu”, các Hướng Đạo Sinh luôn luôn “Sắp Sẵn”, mau mắn có mặt ở tất cả nơi chốn cần đến sự giúp đỡ.
Đến đây, chợt nhớ đến Mậu Thân, là năm mà dân Sài Gòn, dân các thị xã, tỉnh lỵ trực tiếp đối diện với chiến tranh và cũng là năm Hướng Đạo Sinh Việt Nam chứng tỏ khả năng giúp ích một cách hữu hiệu trong bất cứ hoàn cảnh nào, môi trường nào.
Dân Sài Gòn và các vùng ngoại ô phụ cận, từ sau cuộc giao tranh khốc liệt giữa Quân đội Quốc Gia trung thành với Thủ Tướng Ngô Đình Diệm và lực lượng Bình Xuyên, dưới sự lãnh đạo của Tướng Lê Văn Viễn, thường được biết dưới tên là Bảy Viễn, vào năm 1954, đã có một cuộc sống bình yên, không phải trực diện với chiến tranh...
Mậu Thân, 1968, cách nay vừa tròn bốn mươi năm, ngay đêm ba mươi rạng sáng mồng một tết Nguyên Đán, Quân đội cộng sản không tôn trọng thỏa ước ngưng bắn ba ngày để cho nhơn dân ăn tết, đã đồng loại mở các cuộc tấn công vào Sài Gòn và các thị xã, tỉnh lỵ trên toàn quốc. Khói lửa lan tràn khắp nơi, ở đâu cũng có nhà cháy, người chết...
Sau một thời gian ngắn với nhiều bỡ ngỡ, Quân lực Việt Nam Cộng Hòa mở các cuộc phản công. Nhiều vùng đông đúc dân cư, đời sống đang yên bình, bỗng trở thành bãi chiến trường, dân chúng kéo nhau chạy đi lánh nạn...
Riêng tại Sài Gòn, ngay từ ngày mồng hai tết, dân chạy loạn đã nằm đầy các lề đường vùng Bà Chiểu, Phú Nhuận, Bảy Hiền, Ông Tạ... Sau đó, họ đổ xô vào các trường học, nhứt là các trường tiểu học, dùng làm chỗ tạm trú.
Các địa điểm nầy biến thành các Trại Tiếp Cư.
Phải nói rằng, ngay những lúc đầu tiên đó, hiện diện để giúp đỡ cho đồng bào, tại các trại tiếp cư đó, chỉ có anh chị em Hướng Đạo.
Các công chức thuộc các ngành Xã Hội, Y Tế, Vệ Sinh... còn đang nghỉ Tết.
Các Hướng Đạo Sinh, không có theo một cái lịnh điều động trực tiếp nào hết, từ Hội, từ Bộ Tổng Ủy Viên, hay từ Đạo. Người nào ở gần bất cứ nơi nào có đồng bào cần giúp đỡ thì tự động mặc đồng phục, chạy ra giúp. Có nơi, họ qui tụ được một Đội, một Tuần. Có nơi, chỉ có hai, ba người. Họ đảm nhận mọi công tác, từ cứu thương, phát thuốc, đến sắp đặt chỗ ở, dọn dẹp vệ sinh, nghĩa là làm tất cả những việc gì cần thiết để tạm làm yên lòng đồng bào đang gặp cảnh bất hạnh...
Rồi, các hội đoàn, các tổ chức từ thiện, tôn giáo cũng đưa người đến các trại tiếp cư. Tự động, họ đứng ra tổ chức ban điều hành, có chủ tịch, có các trưởng ban. Họ tìm đến các cơ sở tôn giáo của người ngoại quốc như World Vision, Caritas để xin các phẩm vật cứu trợ như thực phẩm, thuốc men, áo quần cũ.
Các ban điều hành trại, tuy cùng một nhóm, một tổ chức, nhưng chín người mười ý, trong lúc làm việc, thường có những va chạm, đôi khi không tránh được cãi vã giận hờn...
Đến đây mới thấy được tinh thần làm việc của anh chị em Hướng Đạo. Họ không đứng vào các ban điều hành. Với đôi bàn tay và trái tim, họ đến các trại tiếp cư để phục vụ cho đồng bào. Mục đích của họ là những nạn nhơn chiến tranh khốn khổ, có người mất cả cơ nghiệp, có người mang thương tích trên mình... các Hướng Đạo Sinh đứng bên ngoài tất cả các sự va chạm, mà họ cho là không cần thiết.
Đáng lẽ phải là những người có mặt sớm nhứt ở các trại tiếp cư, các nhân viên của Bộ, của các Ty Xã Hội lại là những người đến sau cùng. Họ là những công chức và đến làm việc với tinh thần công chức, đúng giờ thì đến, hết giờ thì về...
Trong những biến động chiến sự vào những ngày đầu năm Mậu Thân, các Hướng Đạo Sinh không chỉ có mặt ở các trại tiếp cư. Các Trưởng, các Hướng Đạo Sinh, đặc biệt là các Kha, Sinh, hiện diện khắp nơi, đảm nhận nhiều công tác khác nhau.
Hình ảnh đăng trên báo chí Sài Gòn thời đó cho thấy: những Kha Sinh đang di tản những thương binh, những thường dân bị thương, ngay sát mặt trận (khi làm công tác này tại mặt trận Thị Nghè, một Kha Sinh bị gãy chân vì đạn B-40); những Sói Con, Chim Non, dưới sự hướng dẫn của các Trưởng, đã đi vào những khu xóm an toàn để quyên góp những phẩm vật cứu trợ, những Tráng Sinh, Kha Sinh lo cất những dãy trại trong khu Thành Petrus Ký, để làm nơi tạm trú lâu dài cho các nạn nhân... (viết đến đây, nhớ Nguyễn Văn Thuất).
Tình hình cứu nạn, cứu trợ vừa hơi êm êm, quân đội cộng sản lại mở cuộc tấn công đợt hai vào Sài Gòn, vào những ngày tháng Năm. Lần nầy, các nơi dân chúng bị ảnh hưởng nặng là vùng Cây Quéo, Bà Quẹo, Phú Thọ Hòa, Chánh Hưng, Cầu Chữ Y. Đồng bào ở những vùng đó cũng phải chạy vào trung tâm thành phố để lánh nạn. Và, một lần nữa, các Hướng Đạo Sinh lại mau mắn có mặt ở các nơi cần cứu giúp. Cộng sản lại pháo kích vào thành phố. Các bịnh viện công như Bịnh Viện Sài Gòn, Bịnh Viện Chợ Rẫy, Bịnh Viện Nguyễn Văn Học đều đầy ấp đồng bào bị thương, nhà xác nào cũng đầy xác chết... Các Tráng Sinh, Kha Sinh tình nguyện ngủ đêm tại các bịnh viện để trợ giúp cho các y công, y tá tiếp nhận, di chuyển, cấp cứu các người bị thương.
Thời gian trôi qua nhanh quá. Những Sói Con của thời Mậu Thân, bây giờ, đã trên dưới năm mươi tuổi hết rồi. Nói chi đến những Kha, Tráng Sinh.
Các Hướng Đạo Sinh đã có tham gia vào những công tác giúp ích, cứu trợ vào thời gian đó, hẳn mỗi người đều còn giữ trong lòng vài kỷ niệm đáng nhớ..
Riêng tôi, tôi nhớ rất nhiều.
Nhớ nhứt là Bùi Quang Minh, Thiếu Sinh Vạn Kiếp từ thuở còn mặc áo nâu và là Toán Trưởng Toán Hồng Hà. Gần một tháng liền, trong thời gian cộng sản pháo kích vào Sài Gòn, đêm nào Minh cũng hướng dẫn cả toán đến ngủ tại Bịnh Viện Đô Thành để phụ giúp cho các nhân viên bịnh viện mỗi khi có người bị thương đưa vô cấp cứu. Tại đây, có lần Trưởng Lê Gia Mô đã đến làm Lễ Tĩnh Tâm và Tuyên Hứa cho ba Tân Tráng. Một hôm, cộng sản pháo kích vào thành phố vào lúc bảy giờ sáng, giờ mà dân chúng đổ ra đường để đi làm, đi chợ. Lúc ấy, toán Tráng đang sắp sửa đi về. Nghe đạn pháo kích bay xè xè và nổ tứ tung, Minh bảo anh em ở lại. Chỉ không đầy mười phút sau, bịnh viện tràn ngập các nạn nhơn cần cấp cứu. Nhìn vào đâu cũng thấy máu me, nhiều người đã chết khi đưa đến bịnh viện. Vào giờ đó, bịnh viện chưa đổi ca, hiện diện làm việc chỉ có một bác sĩ và chưa đầy mười y tá, y công trực đêm. Cả toán Tráng xăn tay áo, lăn vào... Gần mười hai giờ trưa, áo quần dính đầy cả máu, Hoàng Cơ Môn, với bộ quần áo đầy máu, đi bộ về nhà. Minh cười tôi và Nguyễn Khắc Hùng Lập vì có lúc hai đứa tôi mất bình tĩnh khi nghe nạn nhơn rên siết, kêu la... Mấy tháng sau, Minh vào Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức và anh đã đền nợ nước sau khi mãn khóa chưa đầy hai tháng...
Nhớ Đức “nhi đồng”, Nguyễn Minh Đức, còn có tên là Đức “cạp”. Sở dĩ có tên nầy là vì một hôm Đức chở tôi đi bằng xe gắn máy, tới gần ngã ba Yên Đỗ và Hai Bà Trưng, mãi lo nói chuyện, không để ý một phụ nữ băng qua đường. Tôi thấy, la lên, Đức thắng xe gấp. Bánh xe trước quẹt vào chưn bà và khiến bà ta bị té ngồi xuống. Sau khi hoàn hồn, đỡ bà ta đứng dậy, tôi ngạc nhiên khi thấy một dòng máu từ trán bà ta đang chảy dài xuống. Cái gì kỳ vậy? Sau khi lấy băng cá nhơn băng vết thương ở trán của người phụ nữ, tôi và Đức năn nỉ, xin lỗi bà ta. Rốt cuộc rồi bà cũng tha thứ, bỏ qua. Lên xe, tiếp tục đi, tôi đem cái thắc mắc về vết thương của người phụ nữa ra hỏi Đức. Và, Đức trả lời rằng khi thẳng gấp, người Đức bị giật chồm ra phía trước và hàm răng trên của Đức đã cạp vào trán của bà ta, nên mới ra cớ sự. Cái chuyện gây ra thương tích một cách hy hữu nầy loan truyền trong chúng bạn, dĩ nhiên là do cái miệng của tôi. Chuyện vui quá mà, không phổ biến rộng rãi đâu có được và Đức “nhi đồng” trở thành Đức “cạp” từ đó... Đức vào quân đội và được đưa ra miền Trung. Lần cuối cùng tôi gặp Đức là vào khoảng vài tháng trước khi miền Nam thất thủ. Hơn ba mươi năm, mặc cho tôi tìm kiếm, dò hỏi, tin tức về Đức vẫn biền biệt...
Đặt thêm cái tên cho Đức, hết “nhi đồng” rồi tới “cạp” là Quan “nhô”. Tánh nhi nhô, nhưng Quan đã lập nên “kỳ tích” hồi Mậu Thân. Lúc ấy, toán Tráng đang đi sâu vào một xóm nhỏ ở Phú Thọ Hòa, để tìm đem những người bị thương ra khỏi vùng đang giao tranh. Tại một ngôi chùa lụp xụp, nằm ở một góc hẻo lánh nhứt của xóm, chúng tôi phát giác ra một phụ nữ đang nằm rên rĩ bên hông chùa. Bà ta bị một viên đạn nơi thắt lưng. Bà ta rên siết vì vết thương và vì bà ta đang chuyển bụng, sắp sanh. Đây là một tình huống mà chúng tôi không bao giờ tưởng tượng được. Chúng tôi nhìn nhau bối rối. Sau cùng thì Quan tình nguyện giúp cho người phụ nữ trong cơn “vượt cạn” nầy. Quan đuổi chúng tôi đi chỗ khác hết. Chúng tôi vẫn lo lắng vì Quan học năm thứ ba khoa Dược, chứ đâu phải học Y. Vậy mà Quan đã hoàn thành công tác một cách xuất sắc, đỡ đẻ cho người phụ nữ được mẹ tròn con vuông. Một lúc sau, có một đơn vị Nhảy Dù đến và những y tá của đơn vị nầy đã chuyển mẹ con người phụ nữ nầy đến bịnh viện. Quan “nhô” Nguyễn Phước Quan hiện đang hành nghề dược sĩ tại Orange County, California. Từ đó đến nay, anh không nhắc lại chuyện anh đã từng làm cô mụ bất đắc dĩ một lần nào...
Một kỷ niệm nữa mà tôi cũng rất nhớ. Hôm ấy, chúng tôi tụ tập ở chân Cầu Chữ Y. Mỗi người có đeo túi cứu thương và cầm cờ trắng có dấu thập đỏ trên tay. Đang có một cuộc giao tranh dữ dội bên Chánh Hưng. Khói do nhà cháy tỏa lên mù mịt, lan qua tới tận bên nầy cầu, nơi tôi đang đứng. Tiếng súng chợt im, những người dân, tự nãy giờ, núp ở đâu đó bên kia cầu, xuất hiện, chạy ào ào về phía chúng tôi. Họ cho biết rằng có nhiều người còn bị kẹt bên kia lắm, có nhiều người bị thương lắm, không thể chạy được. Thế là chúng tôi mau mắn, phóng ngược lại dòng người chạy nạn, nhắm về phía bên kia cầu.
Qua khỏi dốc cầu, gần xuống tới chân cầu bên kia, đạn lại nổ chát chúa. Dân chạy nạn tản ra, nép sát vào thành cầu, cố mọp người xuống. Quang cảnh lúc đó thật là hỗn loạn. Những người lính Cảnh Sát Dã Chiến vừa kêu, vừa khoát tay, gọi chúng tôi trở lại. Các anh ấy nói đi nói lại: “Bộ muốn chết sao?”
Chúng tôi lại chạy về phía dốc cầu bên nầy. Tạm ngồi yên rồi, hơi thở bớt dồn dập rồi, chúng tôi nhìn nhau, hoảng hồn vì thấy thiếu mất Võ “Hố Nai”, Đỗ Văn Võ. Trên mặt cầu vắng tanh, chỉ còn các anh Cảnh Sát Dã Chiến đang cố thủ sau các bức thành thấp làm bằng bao cát. Súng vẫn nổ dồn dập rồi mười lăm phút, hai mươi phút trôi qua, vẫn không thấy Võ đâu. Hơn nửa tiếng đồng hồ sau, tiếng súng im. Dân chúng bên kia cầu lại xuất hiện, chạy ào qua cầu. Cũng không thấy Võ. Một lúc sau, có một bà già thất thiểu chạy qua, trên vai bà đeo túi cứu thương của Võ, tay bà cầm lá cờ Hồng Thập Tự của Võ. Chúng tôi chạy đến, vừa đỡ bà già, vừa hỏi chủ nhơn của túi xách đó, lá cờ đó, hiện đang ở đâu. Bà già, làm như mất hồn vía, ngó quanh ngó quất, rồi chợt khóc òa lên, như cha chết, mẹ chết. Tôi cảm thấy chấn động cả người, bủn rủn cả tay chân. Đầu tôi nghĩ liền tới cảnh Võ bị thương, hoặc chết rồi, nằm đâu đó, ở bên kia cầu. Những Tráng Sinh khác, chắc cũng nghĩ như tôi, nên mặt anh nào cũng thất sắc. Chúng tôi nhắm phía bên kia cầu mà chạy, nhưng bị mấy anh Cảnh Sát Dã Chiến chận lại “Bộ muốn chết hay sao?”... Chúng tôi bồn chồn, lo lắng và không đứa nào dám nói lên ý tưởng đang xáo trộn trong đầu...
Mãi đến hơn mười lăm phút sau mới thấy Võ xuất hiện, lê những bước chân mệt nhọc lên cầu, trên vai Võ là một cây đòn gánh cong vòng, hai cái thúng ở hai đầu, chất đầy đồ đạt, oằn gần chấm đất. Quan “nhô”, Đức “cạp”, cả tôi nữa, reo lên mừng rỡ, làm như thằng bạn mình đang chết bỗng sống lại. Đức chạy tới tính thay Võ gánh đôi thúng. Nhưng Võ khoát tay ra dấu không cho. Bà già nín khóc, vui ngay trên nét mặt khi Võ đặt cái gánh xuống cạnh bà và nằm dài ra trên mặt đường nhựa, thở không ra hơi. Thì ra, Võ nhanh chân hơn chúng tôi, chạy nhanh vào trong xóm, gặp bà già đang gánh đôi thúng nặng. Võ trao túi cứu thương và lá cờ cho bà già, và gánh giúp bà già. Kế, súng nổ liên tục, bà già quýnh quíu tìm một chỗ núp khác. Khi ngớt tiếng súng, bà già chạy trước qua cầu, không thấy Võ, tưởng rằng bao nhiêu gia tài sự sản chất trong hai cái thúng đã mất hết rồi, trong khi Võ đang è cổ, bước từng bước một, vì hai cái thúng quá nặng...
Nhớ, còn nhớ nhiều thứ lắm, những kỷ niệm của một thời sanh hoạt “giúp ích” đầy lý tưởng, làm cho cuộc sống của người thanh niên đáng sống hơn, có ý nghĩa hơn. Những người bạn Tráng Sinh, bạn Đường, thuở đó, nay có người đã nằm xuống, có người đã biệt âm vô tín, những người còn gặp được đầu đã bạc đầu…

Sanh hoạt Hướng Đạo ở hải ngoại bây giờ thật khác với hồi xưa ở Việt Nam. Các Hướng Đạo Sinh ở hải ngoại rất hiếm hoi môi trường và cơ hội để làm việc thiện, chưa kể đến luật lệ xã hội ràng buộc, hạn chế. Việt Nam ngày trước là một nước chiến tranh, lại nghèo nàn, nên bước chưn ra đường, các Hướng Đạo Sinh gặp ngay cơ hội và môi trường để làm việc thiện, để giúp ích…

Sóc Vui Vẻ Nguyễn Đức Lập 

Source : Đặc San Hướng Đạo Việt Nam, 2008.


No comments:

Post a Comment