Ban Biên Tập: H K Châu, L N Hui, Ng L Hương, C Ng Cường, Ng C Lâm, Ng Đ Thắng, NTHương

Thursday, December 26, 2019

Nên Và Không Nên





Các bạn Tráng sinh thân mến,
Để tôi kể cho các bạn nghe một câu chuyện. Câu chuyện nầy, đối với tôi là một kỷ niệm êm đềm khó quên, đồng thời cũng là một bài học quí giá giúp cho tôi thêm hành trang để đi trên đường đời.
Chuyện như vầy:
Cách đây hơn mười năm, vào một buổi sáng đẹp trời (đây là tôi nói theo thói quen thông thường chớ tình thiệt, tôi không nhớ buổi sáng ấy trời có đẹp không nữa), tôi hân hạnh được tiếp đón cùng một lúc ba trưởng lão thành của phong trào.
Trưởng Trần Văn Đường đã đưa hai trưởng Huỳnh Văn Diệp và Đinh Xuân Phức viếng thăm cái "mobile home" bé nhỏ của tôi. Các Trưởng đến bất ngờ và phải nói rằng tôi mừng không sao xiết kể. Trong thâm tình anh em Hướng Đạo, tôi không tiếp các trưởng ở phòng khách, mà mời các Trưởng ngồi ở cái bàn kê ở góc nhà bếp, nơi tôi thường xuyên ngồi làm việc.
Trưởng Phức, Sói Cười mà, cười nói huyên thuyên. Trưởng Đường lâu lâu châm vô vài câu ý nhị. Riêng Trưởng Diệp thì im lặng hoàn toàn. Tôi chỉ có thể đọc được niềm vui của trưởng được bộc lộ qua ánh mắt long lanh nồng ấm.
Tôi lăng xăng nấu nước, dọn khay trà. Trưởng Phức cười tôi là còn trẻ mà sống như một ông già. Nhà tôi vốn có nhiều loại trà khác nhau, của bạn bè chia sớt cho. Và, hôm đó, tôi đã dùng trà Long Tỉnh Hàng Châu, thứ hái vào đầu muà xuân, là những búp non xuất hiện đầu tiên trong năm, sau một giấc ngủ dài suốt mùa đông, để đãi khách.
Tôi chuyển trà qua một cái chén tống. Rồi từ chén tống, tôi rót trà vào bốn cái chén quân, loại mắt trâu. Tôi mời các Trưởng.
Trưởng Phức lại có dịp cười tôi nữa, nói rằng tôi tẩn mẩn tỉ mỉ như một bà già (lần này không phải là ông già nữa, mà là bà già, khổ thì thôi!)
Trưỏng Đường chê trà đắng chát, nhưng sau đó, lại chép miệng khen, trà có cái hậu ngọt.
Trưởng Diệp, trước sau, vẫn không nói gì.
Trà đâu được chừng ba tuần, Trưởng Diệp mới bắt đầu nói. Trưởng có lối nói chuyện rất đặc biệt, pha trò khiến cho ai nấy cười nghiêng ngả, riêng Trưởng vẫn tỉnh như không, chớ hề cười.
Đang nói chuyện vui, Trưởng Diệp bỗng đổi đề tài. Dường như Trưởng muốn trao gởi cho tôi một điều gì đó, có ích lợi cho nghề viết của tôi. Trưởng nói rằng:
- Người Việt mình có hai chữ "không nên" rất là hay. Các người mẹ, bà nội, bà ngoại ở thôn quê thường khuyên con cháu bằng câu: "Con làm như vậy không nên".
Và Trưởng đặt câu hỏi:
- Các bà ấy, thường không biết chữ, vậy thì tại sao lại biết rõ điều nào nên làm và điều nào không nên làm, để khuyên con cháu?
Trưởng hỏi mà không trả lời. Và tôi đã mang câu hỏi này suốt trong đầu, từ ấy đến giờ.
Vài năm sau, trong một dịp chuyện trò với nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, tôi nghe anh nhắc lại một câu nói của giáo sư Trần Văn Quế, dặn dò các giáo sinh ở trường Quốc Gia Sư Phạm Sài Gòn. Giáo sư đã nói rằng:
- Các thầy, các cô, mai mốt sẽ về các làng xã, thôn xóm để dạy học. Phần lớn dân quê đều ít học, hoặc thất học. Nhưng, các thầy, các cô phải nhớ rõ rằng họ không thất giáo.
À, các bà nội, bà ngoại, bà mẹ ở thôn quê Viêt Nam, vốn ít học, hoặc thất học, nhưng vì không thất giáo nên họ mới phân biệt được điều nào nên và điều nào không nên.
Cấm hay không cấm là chuyện của luật pháp, còn nên hay không nên là chuyện của luân thường đạo lý, là chuyện của đạo làm người.
Con người, ngoài chuyện phải tuân thủ luật pháp, còn phải sống theo luân thường đạo lý, cho ra đạo làm người.
Các bạn Tráng Sinh thân mến,
Các bà nội, bà ngoại, bà mẹ ở thôn quê, ít học, hoặc thất học, còn phân biệt được điều "nên" và "không nên", để khuyên con cháu sống đúng theo luân thường đạo lý, cho ra con người, chẳng lẽ chúng ta những người Hướng Đạo, không phân biệt điều nào "nên", điều nào "không nên", để sống cho ra người Hướng Đạo hay sao?
Chúng ta may mắn sống ở các quốc gia tự do, nói không bị đóng thuế, và cũng không ai bắt bỏ tù. Tuy nhiên, phân biệt điều "nên" hay "không nên", chúng ta cần phải cân nhắc trườc khi nói ra, phát biểu ra một điều gì. Có những điều nói ra, không ai cấm, không ai bắt bỏ tù, nhưng nhắm có hại cho chính nghĩa của phong trào, tạo ra sự sự sứt mẻ cho tình huynh đệ, tỷ muội, gây hoang mang cho đám đàn em, thì cho dù nói cho hả giận, hay cho thỏa chí, thiết tưởng "không nên" một chút nào.
Không ai đánh để bắt nói, không nói thì thiên hạ cũng biết là mình không câm, vậy thì nói làm chi những điều, chẳng không hay ho gì hết, mà còn gây hại cho phong trào…
Trưởng Trần Văn Đường đã trọn cuộc chơi, ra đi giữa tình huynh đệ tỷ muội thắm thiết của ba thế hệ Hướng Đạo.
Trưởng Huỳnh Văn Diệp, như là một con voi già, tìm nơi vắng vẻ, yên tĩnh, lặng lẽ ra đi, mãi lâu sau, anh em mới biết.
Những lời trao gởi, "nên" và "không nên", còn mãi trong tôi cho tới ngày giờ nầy, và chắc chắn sẽ đeo đuổi tôi tới chặng đường cuối của cuộc đời.
Hướng Đạo không phải là một thánh nhân. Hướng Đạo có hơn người hay không là ở sự "gắng sức". Chúng ta cũng bậy bạ tùm lum, nhưng, chúng ta luôn "gắng sức, gắng sức, gắng sức", từ bỏ những điều không nên, thực hiện những điều nên.
Viết lại những điều nầy để nhớ lại một người anh đáng kính, cư xử với đàn em đầy ắp tình thương, Trưởng Huỳnh Văn Diệp, và đồng thời, cũng để chuyển đến các bạn tráng sinh, các Trưởng trẻ của Phong Trào những lời trao gởi của một người đã đi suốt con đường Hướng Đạo một cách trọn vẹn, để các bạn có thêm một ít hành trang trong cuộc chơi đầy hứng thú, đầy ích lợi và cũng không ít gian nan: cuộc chơi Hướng Đạo.
Sóc Vui Vẻ - Nguyễn Đức Lập

No comments:

Post a Comment