Ban Biên Tập: H K Châu, L N Hui, Ng L Hương, C Ng Cường, Ng C Lâm, Ng Đ Thắng, NTHương

Thursday, December 26, 2019

Tài Và Tâm Hướng Đạo





Các bạn Tráng Sinh thân mến,
Ngồi ăn cơm với cải luộc, không có mắm muối gì hết, bởi bác sĩ cấm ăn mặn, lạt nhách, thiệt là khó nuốt, tôi bỗng nhớ đến trưởng Trần Văn Đường.
Trưởng Đường từng bị mổ tim, cũng bị bác sĩ cấm ăn mặn và đã từng than:
"Anh xuất thân là con nhà nông ở Trảng Bàng, từ nhỏ tới lớn, ăn cơm toàn với khô với mắm, quen rồi. Bây giờ, không được ăn mặn, làm sao chịu nổi."
Tôi cũng vậy, sanh ra ở Quảng Ngãi, cái xứ "chó ăn đá, gà ăn muối", lại nhằm vào thời điểm bắt đầu cuộc toàn quốc kháng chiến chín năm chống Pháp (1945-1954) , cơm không có mà ăn, ăn toàn khoai mì, không có muối, không có mắm thiệt mặn, làm sao mà nuốt cho trôi? Tôi ăn mặn cũng quen rồi.
Cái chuyện ăn lạt với ăn mặn làm tôi nhớ tha thiết đến Trưởng Đường. Nhưng thiệt ra, giữa tôi và Trưởng Đường có nhiều kỷ niệm đáng nhớ hơn. Tôi muốn kể cho các bạn nghe những kỷ niệm nầy vì chúng là những bài học quí báu trong cuộc chơi Hướng Đạo, cho tôi và tôi nghĩ, cũng cho các bạn nữa.
Tôi với Trưởng Đường, ngoài liên hệ Hướng Đạo, còn có một liên hệ khác, Trưởng Đường là bạn học của dì dượng tôi. Phu nhân cuả Trưởng là bạn thân của dì tôi thuở hai người còn là học sinh trường Áo Tím và cũng có biết mẹ tôi. Như vậy, theo đúng lễ, tôi phải gọi Trưởng Đường bằng chú và gọi phu nhân của Trưởng bằng dì. Nhưng, Trưởng không thích như vậy. Trưởng lúc nào cũng coi tôi như đứa em nhỏ, nói chuyện với tôi bao giờ cũng xưng anh và gọi tôi bằng chú (chú em).
Có một lần, vợ chồng trưởng Đường đưa tôi đi ăn trưa, cùng đi, có một bà bạn của vợ chồng trưởng từ bên Pháp qua. Bà nầy cũng là bạn của dì tôi. Chuyện trò trong bàn ăn, trưởng Đường gọi bà kia bằng chị, gọi tôi bằng chú. Bà kia, gọi trưởng Đường bằng anh, gọi tôi bằng cháu, tôi gọi phu nhân cuả trưởng và bà kia bằng dì và lại gọi trưởng là anh. Thôi thì, nó lung tung lang tang, người ngoài nhìn vào sẽ không hiểu gì hết. Chỉ có người trong cuộc mới hiểu cái tình huynh đệ Hướng Đạo nó đặc biệt như thế nào. Và, trưởng Đường, vốn đặt cái tình huynh đệ nầy lên trên tất cả mọi lẽ giao tế thường tình.
Một lần khác, tình cờ trưởng Đường gặp một trưởng đàn em của tôi, Phạm Xuân Nghĩa, đi ngoài phố với thân phụ. Hai trưởng tay bắt mặt mừng, anh anh, chú chú, em em ngọt xớt. Ông thân sinh của trưởng Nghĩa rầy con ngay tại trận, rằng, tại sao đối với một người đáng tuổi chú bác như vậy mà lại kêu bằng anh. Trưởng Đường đã giải thích:
"Ông anh đừng giận. Tụi tôi là anh em Hướng Đạo, chính tôi không cho nó gọi bằng chú hay bằng bác".
Kể lại hai câu chuyện nầy để thấy cái tình huynh đệ bao la thắm thiết cuả một anh già Hướng Đạo đối với đàn em…
Điều quan trọng mà tôi học được ở trưởng Đường là cái lối nhận xét, đánh giá một trưởng Hướng Đạo.
Đôi khi, trưởng Đường đưa ra một sự đánh giá của Trưởng về vài trưởng khác, không phải để phê bình hay chỉ trích, mà là muốn hướng dẫn cho tôi. Trưởng không nói nhiều, chỉ đơn sơ:
"Con người đó, cái tài Hướng Đạo thì có, mà cái tâm Hướng Đạo không có."
Hoặc là:
"Con người đó, cái tâm Hướng Đạo thì có, nhưng tiếc thay cái tài Hướng Đạo không có bao nhiêu. Nhưng thà là vậy…"
Trưởng nói mà như các vị thiền sư đưa ra công án để cho đám đệ tử suy ngẫm, không nói hết câu. Và, khi nghe Trưởng nói, tôi cũng đã phải suy ngẫm rất nhiều về cái Tài và cái Tâm Hướng Đạo.
Mục đích của phong trào Hướng Đạo, do BP đưa ra ban đầu là rèn luyện tính khí tốt cho thanh thiếu niên, đào tạo khả năng tháo vát cho thanh thiếu niên và un đúc cho thanh thiếu niên một đời sống có lý tưởng.
Bây giờ, trong mục đích đào tạo khả năng tháo vát cho thanh thiếu niên, phong trào còn rèn luyện cho các em khả năng lãnh đạo.
Những gì thuộc về khả năng đó, kể cả khả năng lãnh đạo, gọi là Tài.
Một thiếu sinh đánh "semaphore" như máy, nhận "morse" mau cấp kỳ, đọc mật thư, giải mật mã nhanh không ai bằng; một đội trưởng nhất, phối hợp các đội trưởng, điều hành xuất sắc công việc của đoàn, khiến cho các đơn vị trưởng không cần bận tâm nhiều; một trưởng xuất sắc trong vai trò quản lửa; trưởng khác thần sầu trong cương vị quản trò; một trưởng thành công trong việc tổ chức và điều hành một kỳ trại lớn.v.v… tất cả những người nầy đều có cái Tài Hướng Đạo. Tài nầy, có thể ở riêng từng lãnh vực, hoặc bao trùm nhiều lãnh vực.
Ở những cấp bực cao hơn, nhiều trưởng có những cái Tài lớn hơn. Trưởng Cung Giũ Nguyên, trưởng Mai Liệu, trưởng Lê Mộng Ngọ, là những bậc thầy huấn luyện, là túi khôn cuả Hướng Đạo. Trưởng Phạm Như Ngân, trưởng Huỳnh Văn Diệp, trưởng Trần Văn Lược, điều hành xuất sắc sinh hoạt của cả phong trào trong vai trò Tổng Ủy Viên. Ở ngoài đời, trưởng Trần Văn Bốt, hoàn thành xuất sắc, lập công lớn, trong công tác đưa hơn một triệu đồng bào miền Bắc di cư vào Nam (1954), khi Trưởng giữ chức vụ Thị Trưởng Hải Phòng và tổ chức đời sống ổn định cho những đồng bào nầy khi Trưởng giữ chức Tổng Ủy Trưởng Tổng Ủy Di Cư…
Nói về những cái Tài Hướng Đạo, thiệt là nói hoài không hết. Những Hướng Đạo Sinh, khi ra đời, thường dễ thành công vì được phong trào đào tạo cho khả năng tháo vát và khả năng lãnh đạo.
Còn, cái Tâm Hướng Đạo thì sao?
Những tính khí tốt, đời sống có lý tưởng mà phong trào rèn luyện, un đúc cho thanh thiếu niên, tạo thành cái Tâm Hướng Đạo. Lời hứa và luật tạo thành cái Tâm Hướng Đạo. Một người có cái Tâm Hướng Đạo không thể phản bội lại lời hứa của mình, và lúc nào, chỉ dù có đang sinh hoạt, có đang mặc đồng phục hay không, cũng phải cố gắng gìn giữ luật. Người có cái Tâm Hướng Đạo không thể có những hành vi bậy bạ, những mưu đồ bất chính, làm hại phong trào nói riêng, làm hại cho nhân quần xã hội, cho đồng bào đất nước nói chung.
Con người Hướng Đạo, từ Đoàn sinh cho đến Trưởng, không phải được đánh giá qua bộ đồng phục, qua những chuyên hiệu mà người ấy đạt được, hay qua những chức vụ mà người ấy nắm giữ. Người ấy có giá trị cao hay không là ở cái Tâm Hướng Đạo, mà người ấy giữ được.
Sự thành công hay thất bại, khi nằm xuống, khi nắp ván thiên đậy lại, của người Hướng Đạo, không phải được đánh giá bằng địa vị xã hội hay tài sản lớn lao mà người ấy thủ đắc, mà được đánh giá bằng cái Tâm Hướng Đạo…
Đã từng sinh hoạt Hướng Đạo, ai cũng biết rằng có nhiều trưởng, học lực không cao, không có bằng cấp nầy bằng cấp nọ, gia sản nghèo nàn, nhưng họ lại được anh em thương yêu, kính mến hết lòng, chỉ vì những trưởng nầy giữ được cái Tâm Hướng Đạo ngay thẳng, trong sáng…
Một người Hướng Đạo, có thể có ít tài, hoặc không có tài, nhưng giữ được cái Tâm đứng đắn, thì vẫn là Hướng Đạo.
Ngược lại, tài rất nhiều, rất lớn, nhưng chuyên làm việc bậy bạ, chuyên mưu đồ bất chính, chuyên phá hoại, cái Tâm Hướng Đạo không có, thì cũng không được coi là một Hướng Đạo sinh chân chính…
Trưởng Trần Văn Đường đã trọn cuộc chơi mười năm có lẻ rồi, nhưng những lời hướng dẫn cuả Trưởng về cái Tâm và cái Tài Hướng Đạo vẫn sẽ còn là đề tài để tôi suy ngẫm dài lâu…
Các bạn tráng sinh thân mến,
Kể lại những lời hướng dẫn của trưởng Trần Văn Đường, tôi muốn chia sẻ với các bạn một đề tài để suy ngẫm, không phải chỉ là một chốc thoáng qua, mà nên nghiền ngẫm lâu dài. Điều quan trọng, không phải là suy ngẫm suông, mà nên cố gằng rèn luyện cho mình một cái Tâm Hướng Đạo ngay thẳng và trong sáng, theo lời hứa và luật của Phong Trào .
Vả chăng, cụ Nguyễn Du, trong tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh (nôm na gọi là Truyện Kiều) cũng đã nói rằng: "Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài".
Sóc Vui Vẻ - Nguyễn Đức Lập

No comments:

Post a Comment