Ban Biên Tập: H K Châu, L N Hui, Ng L Hương, C Ng Cường, Ng C Lâm, Ng Đ Thắng, NTHương

Monday, March 26, 2018

Cuối Tháng Ba Nhớ Quang Du Ca



    
Quang Du Ca tức là Nguyễn Đức Quang, tác giả bài hát “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” và hàng trăm ca khúc khác đã làm nóng dậy bầu nhiệt huyết của giới trẻ Miền Nam Việt Nam thập niên 60 – 70 đã xa lìa gia đình và bạn bè đúng bảy năm. Quang ra đi lúc 4 giờ 30 sáng ngày 27 tháng 3 – 2011 tại Nam California. Gia đình và bạn bè khắp mọi nơi đều thương tiếc. Hội Đồng Trung Ương Hướng Đạo Việt Nam tặng cho Quang Bắc Đẩu Huân Chương để tuyên dương sự đóng góp của anh cho xã hội và cộng đồng trong nhiều thập niên. Nhiều bài viết ca ngợi sự đóng góp của Quang cho nền âm nhạc trong sáng lành mạnh và có sức tác động mạnh mẽ đến giới thanh niên sinh viên học sinh trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng của cuộc chiến Việt Nam. Sức tác động ấy vẫn còn tiếp tục lan tỏa ở hải ngoại và ngay cả trong nước hiện nay.
Chỉ có anh chị em sinh viên đại học Đà Lạt gọi Nguyễn Đức Quang là Quang Du Ca để phân biệt với một Nguyễn Đức Quang khác, cùng học khóa I chính trị kinh doanh thuộc viện đại học Đà Lạt. Nguyễn Đức Quang sau chúng tôi gọi là Quang Già Cơ, hiện sống tại thành phố Seattle, tiểu bang Washington. Quang Du Ca là một Hướng Đạo Sinh thời tuổi thiếu, là đội sinh đội Voi của tôi. Quang giữ vai trò Đội Trưởng Nhất sau khi tôi trở thành phụ tá cho thiếu trưởng. Rời thiếu đoàn, Quang theo Ngành Bầy làm bầy trưởng Bầy Ngàn Thông. Trong khi đó Quang Già Cờ là một Tráng sinh của Tráng đoàn Hùng Vương, một đơn vị Tráng gồm toàn sinh viên trường Chính Trị Kinh Doanh do anh Lê Đường làm Tráng trưởng. Anh Lê Đường mất cách nay năm năm tại tiểu bang Massachusetts. Có một điều là trong số các bài viết nói về Quang, có vài tác giả viết rằng Quang là Trưởng của thiếu đoàn Lê Lợi, đơn vị đầu tiên khi Quang tham gia Hướng Đạo. Nhân nhớ đến Quang cũng xin nói lại cho rõ là khi Quang là bầy trưởng của Bầy Ngàn Thông, tôi là thiếu trưởng của thiếu đoàn Lê Lợi, Quang không là Trưởng ngành Thiếu. Thời gian đó có 5 Trưởng kết nghĩa với nhau làm anh em. Anh cả là Nguyễn Ngọc Phước, bầy trưởng Ngàn Thông, kế đến là anh Hà Thái Trường, bầy trưởng Lê lai, tiếp là anh Đoàn Chim, Baloo bầy Ngàn Thông, tiếp nữa là tôi - Hoàng Kim Châu, thiếu trưởng thiếu đoàn Lê Lợi, em út là Nguyễn Đức Quang, lúc đó phụ tá bầy trưởng Ngàn Thông.
Một chi tiết nhỏ nữa về Quang Du Ca khi sinh hoạt Hướng Đạo tại Đà Lạt. Đó là tên rừng. Tôi không nhớ tên rừng của Quang là gì nhưng chắc chắn là Quang đã nhập rừng cùng lúc với tôi vào mùa hè 1964 tại trại Đạo Lâm Viên tổ chức ở Tùng Nghĩa, cách Đà Lạt 30 cây số về hướng nam. Đạo trưởng Đạo Lâm Viên lúc đó là Trưởng Phan Như Ngân – Hải Ly Gan Dạ. Trưởng Phan Như Ngân là Tổng Ủy Viên khi bọn thiếu chúng tôi dự trại Họp Bạn Quốc Gia tại Trảng Bom, Biên Hòa tháng 12 – 1959. Tôi nhớ rất rõ là đêm nhập rừng có tôi, anh Đoàn Chim, anh Hà Thái Trường và cả Quang. Hội đồng rừng ban tên cho tôi là Hươu Hăng Hái, anh Đoàn Chim là Beo Siêng Năng. Tôi hoàn toàn không nhớ tên rừng của Quang cũng như của anh Hà Thái Trường. Dạo ấy tôi, Quang và anh Trường đều là những người thuộc loại “gầy thầy cơm” nên ngoài tôi được đặt là Hươu thì có lẽ Quang và anh Trường cũng thuộc loại Cò hay Sếu chi đó. Anh Nguyễn Ngọc Phước và Hà Thái Trường vào Thủ Đức, anh Phước chết vì một tai nạn. Còn anh Trường lúc đang đánh nhau với việt cộng tại chiến trường cao nguyên, bị bao vây, chúng kêu gọi anh đầu hàng để đưa vào khu rồi ra Bắc nhưng anh đã anh dũng cảm bắn trả nên chúng bắn anh bằng nhiều loạt đạn ngay tại trận địa.





N. Đ. Quang (bên trái) và N.Đ.Quang (bên phải) trong một lần thám du của Đội Voi




Các Trưởng từ trái: Nguyễn Văn Võ, Hà Thái Trường, Nguyễn Ngọc Phước và Phan Văn Ngữ cùng các Sói Con. Hình phải: Bầy trưởng Nguyễn Đức Quang. Người đội nón là Trưởng Đoàn Chim
Thời trung học đệ nhất cấp Quang học trường Bồ Đề, khi đó cụ Nguyễn Đức Trung là công chức từ Sài Gòn đổi về Đà Lạt. Cụ làm tại Ty tiểu học Đà Lạt nằm trên đường Đào Duy Từ (trước ở trên đường Trần Hưng Đạo, nơi tôi đến để  nhận bằng tiểu học to gấp đôi bìa một cuốn sách).  Từ đệ tam đến đệ nhất Quang học ở trung học công lập Trần Hưng Đạo, dưới tôi một lớp. Tôi và Quang  có thể nói là thân nhau nhất trong số những thiếu sinh của đoàn, ngoài những lần gặp gỡ trong những buổi họp, ngày trại hay lễ hội, hai đứa vẫn gặp nhau, đi chơi, ăn uống với nhau (tại nhà tôi hoặc nhà Quang chứ không phải ở quán, tiệm) cùng vài người bạn khác đều là Hướng Đạo. Căn nhà số 33 đường Calmette của bố mẹ Quang nằm dưới mặt đường cả thước nên muốn vào nhà phải bước xuống năm sáu bậc cấp xi măng. Nhưng Quang không ở trong căn nhà đó. Nơi đó bố mẹ và đứa em trai là Nguyễn Đức Vinh ở. Còn Quang thì ở trong căn nhà sàn bằng  gỗ mỗi bề khoảng 4 thước ngay phía sau nhà gạch khang trang xây theo kiểu Pháp. Căn nhà sàn này là nơi bạn bè của Quang thường đến chơi, ở lại, tổ chức họp hành, ăn uống và cũng là trú điểm cho những ai cần ở lại để ngủ nghỉ, trong đó có tôi. Lý do là nhà của bố mẹ tôi ở xa trung tâm thành phố.



Bầy trưởng N.Đ Quang và Thiếu trưởng H.K Châu cùng các Trưởng Lê Tín, Đoàn Chim và Phùng Thuận. Hình phải kế từ trái: NĐQuang, Đoàn Chim, Nguyễn Hữu Thông và HK Châu

  
 Đi họp, đi chơi về khuya không gì tiện hơn là ghé vào nhà sàn của Quang để ngủ lại, đôi khi ở luôn năm ba bữa và đến giờ ăn thì đã có bà cụ của Quang nấu nướng và ép cho ăn. Tôi biết ông cụ của Quang rất thích thể thao nên Cụ mua báo năm tờ Thể Thao để đọc, thỉnh thoảng tôi ghé lên nhà trên đọc ké rồi phải để lại thật ngăn nắp cho Cụ. Cụ ít nói nhưng tôi biết Cụ rất thương anh em Quang và cả bạn bè của Quang nữa. Bà Cụ của Quang là người rất thương mấy đứa Hướng Đạo chúng tôi nên cứ mỗi lần ghé nhà là Cụ buộc chúng tôi phải ăn cơm. Khi ăn Cụ ngồi ngay bên, lúc đầu chúng tôi còn e ngại nhưng rôi cũng quen và biết ý của Cụ là mỗi lần chúng tôi ăn hết một bát cơm thì Cụ giành bát để lấy cơm cho chúng tôi, mà bát nào Cụ cũng ém cơm xuống cho chặt rồi mới đưa cho chúng tôi. Sức tôi ăn thường là sáu bảy chén nhưng với những chén cơm của Cụ, tôi chỉ cần ba chén là no. Có một món ăn mà Quang và chúng tôi có lẽ không bao giờ quên là món kho, kho cá hoặc kho thịt cũng vậy…nói chung là món mặn “ thật mặn” cho nên Quang thường tếu với chúng tôi rằng…”bà già tao kho cá bằng muối lấy ở dưới biển ở đảo Mindanao…”. Một món ăn đặc biệt nữa mà Cụ thường cho bọn chúng tôi ăn, đó là món chè. Không biết Cụ nấu bằng loại đường gì mà khi nuốt vào cổ thì thấy chè ngọt tràn vào từng tế bào của não. Ngọt dễ sợ!

Giờ nói qua người em của Quang là Nguyễn Đức Vinh. Khi Quang là thiếu sinh thì Vinh mới chỉ là một Sói Con của bầy Ngàn Thông. Vào mỗi sáng chủ nhật, khi đi họp, thấy Vinh lẽo đẽo phía sau lưng ông anh cao nghều để ra đến Đồi Cù rồi anh một hướng em một hướng, họp đoàn họp bầy, xong họp anh em đi bộ về nhà. Có nhiều lúc ông anh quên thằng em khiến thằng em phải tìm đường về nhà một mình. Có dạo Quang làm chủ một chiếc xe đạp cuốc (court) nên chẳng bao giờ thấy chở thằng em đi em đi họp bằng xe đạp, thế nhưng có lần Quang chở bạn gái cho ngồi ở sườn ngang phía trước trông thật buồn cười. Nguyễn Đức Vinh cũng theo chân anh nên sau này cũng sáng tác nhạc và một số đã được bạn bè in và phổ biến trong giới hạn cho phép.

Còn chuyện tình của Quang nữa chứ! Tôi biết mối tình đầu cửa Quang rất đẹp. Biết rất rõ nhưng tôi sẽ không bao giờ kể cho bất cứ ai vì tôn trọng người đã khuất lẫn người còn sống. Quang có viết bài ca “Tình Tôi Con Dốc Nhỏ” là nói đến mối tình này. Khi Quang mất tôi có viết bài thơ bảy chữ cũng với tựa đề “Tình Tôi Con Dốc Nhỏ” như sau:





Ta tr v thăm con dc nh
K
nim rong rêu đã ph đy
Đêm cúi xu
ng hôn tng ngn c
Gi
t sương khuya cào cu đôi tay

R
t kh thì thm tng phiến đá
D
u chân xưa lc khut nơi đâu
Em hi
n hu mt đi xa l
Ta xa xôi n
a kiếp tình su

Gu
c mc sáng reo vui dc nh
Áo dài chi
u nng vt tung bay
Gi
ta c th nm trơ gc
L
i tình phai trên đá ai hay

Ta hát tình đ
u – con dc nh
L
i điên cung lm l u mê
Ta t
i li hn toang b ng
Con d
c bun loài dế t

Thôi nhé giã t
con dc nh
H
n trăm năm vi gió cùng mây
Còn yêu ta – em nh
vai gy
Xin nh
l mng vui - vĩnh bit!

Tháng 6 – 2011



Được tin Quang Du Ca ra đi, một số anh em cựu sinh viên đại học Đà Lạt đã cùng nhau thực hiện một tuyển tập có tựa đề “Tưởng Niệm Người Du Ca Muôn Thuở”. Tuyển tập dày 410 trang gồm nhiều bài và hình ảnh của các tác giả Hoàng Ngọc Tuệ, Nguyễn Xuân Hoàng, Mai Kim Đỉnh, Mai Thái Lĩnh, Hoàng Kim Châu, Phan Ni Tấn, Trần Trọng Thảo, Hoàng Ngọc Nguyên, Nguyễn Quang Tuyến, Đỗ Quý Toàn, Cao Hoàng, Nguyễn Hữu Nghĩa, Trần Văn Lương, Lê Đình Thông, Phạm Phú Minh, Hoàng Khởi Phong, Bảo Trân, Phan Thạnh, Đỗ Thị Phương Oanh, Trần Khánh Tuyết, Lê Trọng Huấn, Bùi Ngọc Nga, Nguyễn Tâm Trực, Lisa Cúc, Nguyễn Dy Loan và Quang Già Cơ. Tuyển tập này được in lại đến lần thứ ba.
Một số bạn của tôi còn ở Việt Nam, trước cùng học trung học và đại học, cũng là anh em Hướng Đạo, cứ mỗi cuối tháng ba hàng năm đều rủ nhau về Đà Lạt dự lễ giỗ của Quang. Tất cả đều ngụ tại nhà của Quang giờ do Nguyễn Đức Vinh ở cùng vợ con. Họ lên chùa dự lễ giỗ rồi về lại nhà trò chuyện và ca hát. Dĩ nhiên họ hát nhiều bài của Quang ngày nào. Vào cuối năm 2011 tôi có về Việt Nam và có tổ chức một buổi hát “chui” tại Dòng Chúa Cứu Thế ở Bình Quới do linh mục Nguyễn Tiến Lộc cũng là một Trưởng Hướng Đạo làm Cha Bề Trên. Trưởng Nguyễn Tiến Lộc một dạo là Ủy Viên Ngành Tráng HĐVN. Hôm đó có gần 100 thính giả gồm anh chị em cựu Hướng Đạo, cựu sinh viên Đà Lạt, thành viên Phong Trào Du Ca…hát một bữa thật đã đời….
Năm nay đã là năm thứ bảy Quang vĩnh viễn ra đi. Viết đoạn ngắn này như là một nén nhang tưởng nhớ một Trưởng Hướng Đạo, với tôi – đã là “anh em ruột thịt” – điều luật thứ tư.




   

No comments:

Post a Comment