Ban Biên Tập: H K Châu, L N Hui, Ng L Hương, C Ng Cường, Ng C Lâm, Ng Đ Thắng, NTHương

Friday, July 13, 2018

Giới thiệu tập thơ NGUỒN THẬT
























Đôi Dòng Về Thơ Nguồn Thật
Trong đêm "Lửa Dặm Đường", nghi thức tàn lửa là nghi thức trân trọng và đáng nhớ nhất. Đây chính là lúc "chuyển lửa về tim". Người dẫn dắt nhắc lại những gì đã chia xẻ trong đêm, đúc kết và giúp anh chị em "chớ quên, giúp ích cho đời"! Tác giả sách này, cũng là "Chúa Sơn Lâm" của em khi em nhập rừng Nguyễn Trãi, có nhã ý nhờ em viết vài lời cuối bài. Em vâng lời Anh, và xem "lời nhờ" này như là một lệnh của vua rừng ngày xưa. Em xin được phép so sánh bài viết cuối sách này với nghi thức tàn lửa. Em mạo muội viết ra những gì mà em đã học hỏi ở nơi Anh, từ bảo huynh của em, cũng như từ các Huynh Trưởng khác trong Phong Trào.
Nếu làm thơ là làm cho cô đọng ý lại, và viết văn là giãi ý ra, thì tập thơ Nguồn Thật của Trưởng Hoàng Kim Châu không thích ứng hoặc đáp ứng được bất cứ yêu cầu của các thơ văn thể loại nào. Những bài thơ góp nhặt từ những trại của thủa sói con, cũng tựa như những lời tâm sự của các anh chị em trong đêm Lửa Dặm Đường, chúng không theo một luật lệ, thời gian, không gian nào nhất định. Chuyện Lửa Dặm Đường không đầu, không cuối, ai có chuyện gì, chia xẻ điều ấy. Tuy nhiên, là dân "bắt tay trái", không một ai mà không cảm nhận được một "cái gì đó" bàng bạc và rất gần gũi với mình. Hãy thả hồn theo bài tàn lửa: 


"Màn đêm buông trôi theo ánh lửa dần tàn…
Tình anh em ta theo ánh lửa tràn lan
Tim ta đây, còn khắc ghi bao nhiêu mối tình mặn nồng
Lửa đêm nay tàn, nhưng lửa thiêng còn cháy âm thầm ngàn đời.
Biệt ly muôn phương, ta nguyện đem lửa thiêng rải rác khắp chốn
Mong mai sau, ngọn lửa thiêng cháy lên đốt lòng mọi người…"


Anh biết đấy, điệu nhạc và lời tàn lửa nói đúng tâm trạng của mọi người. Ai nấy quyến luyến cầm tay nhau mãi không muốn rời. Đọc thơ Anh cũng thế. Những bài thơ góp nhặt từ những trại xa xưa nào đó mà trong chúng ta có người may mắn được tham dự, hoặc có người lúc đó còn ở tuổi sói con mà nay đã thành tráng hoặc lão niên nay vừa đọc vừa hồi tưởng lại. Đọc thơ Anh, gợi nhớ lại kỷ niệm của chính mình qua những nhân vật rừng xanh như Akela, Anh Xám, Gấu Baloo, Chim Chil, Trăn Kaa… và gần gũi hơn cả là Voi Già mà chúng ta một thời mê thích.  Đọc thơ Anh nhắc nhớ lại tâm sự của con tim mình thời xa xưa. Thơ của anh nói hộ chúng em những niềm vui hoặc u uẩn trong lòng. Lời thơ như văn vần. Lời thơ của một người Huynh Trưởng suốt đời tha thiết với Phong Trào. Một Trưởng bỏ công đi từ đông sang tây, dọc suốt từ Bắc chí Nam với ước mong góp phần củng cố lại tinh thần Hướng Đạo Việt Nam hải ngoại. Một Huynh Trưởng không màng chức vụ nào, nhưng lại sẵn sàng có mặt ở mọi nơi mà Hướng Đạo cần đến. Một Huynh Trưởng hiếm trại trường nào không dự, ít cuộc cắm trại nào vắng mặt…  Và khi có mặt, lắm lúc "chỉ để có mặt", hầu tạo được sự an tâm cho các Trưởng trẻ và các em. 
Riêng tập Thơ Nguồn Thật, thì rất thật! Nó  không "vọng ý sầu thiên cổ", không đao to búa lớn như những lời tuyên ngôn hay cáo trạng chát chúa. Thơ Nguồn Thật, bình dị mà chỉ riêng người trong cuộc mới cảm nghiệm được. Riêng đối với em và những Hướng Đạo Sinh trong liên đoàn, may mắn được gặp Anh và các Anh Chị tráng sinh cách đây 15 năm, thì sự cảm nhận sâu đậm hơn nhiều. 15năm trôi qua, biết bao nhiêu nước đã trôi qua cầu. Những đứa trẻ năm xưa, mà các anh chị trong Tráng Đoàn Nguyễn Trãi, do Anh làm Tráng Trưởng, đã để lại rất nhiều ấn tượng sâu đậm trong trái tim những thiếu sinh ngày xưa. Em còn nhớ như in, từng Trưởng một, dắt mỗi em vào rừng Philmont. Dưới gốc cây, các Trưởng cẩn thận hướng dẫn, dạy dỗ các em về ý nghĩa của Phong Trào, về trách nhiệm của mỗi cá nhân trong xã hội. Những chữ thông thường như Lời Hứa, Điều Luật, mỗi ngày làm một việc thiện v.v. của Hướng Đạo, qua sự quan tâm của các Anh, đột nhiên không còn là một trò chơi tầm thường nữa. Những gì tĩnh tâm trong đêm trước, và sáng hôm sau được tuyên hứa, đã thành một hiện tượng trong đời mỗi đứa bé hồi đó. Hơn chục năm sau, những thiếu sinh đó đã trưởng thành và đi vào xã hội trong các vai trò y sĩ, dược sĩ, luật sư, kỹ sư v.v.  Hạt giống Hướng Đạo mà các Anh gieo ngày xưa đã và đang nở hoa tươi tốt. Kỷ niệm của đêm trong rừng sâu cùng với các Anh Chị trong Tráng Đoàn Nguyễn Trãi đã để lại một dấu ấn đậm đà. Có thể các Anh  coi đấy là việc bình thường và không để ý, nhưng đối với những đứa bé được lớn lên ở hải ngoại, hình ảnh của các Huynh Trưởng Hướng Đạo Việt Nam quả thật khác lắm. Hãy thử tưởng tượng qua con mắt chúng, những cụ già đã quá tuổi "Cổ lai hy", miệng hò, tay vỗ:
"Ngày dần tiêu tan đứng vòng quanh đây.
Cùng nắm tay ta nhắc nhau lời.
         Đường đời tuy xa, gắng bền tâm lo, mục đích chung, Giúp Ích cho đời.
            Rồi ngày mai nhìn bóng dáng nơi này, lòng hứa với nhau rằng Sắp Sẵn luôn.
          Bền chặt tình thương đồng lòng hứa với nhau rằng:
Ta chớ quên Giúp Ích cho đời."
Lạ đấy! Nhưng giờ đây, khi đã trưởng thành,   chúng dần hiểu ra Hướng Đạo là một trò chơi, nhưng tiềm ẩn trong trò chơi đó là một mục đích giáo dục rất sâu sắc và phong phú. Riêng đối với những ai không từng sinh hoạt Hướng Đạo, những từ ngữ riêng của Hướng Đạo như: Gọi lửa, tàn lửa, đặt tên rừng v.v,  những động tác của chúng ta như chào ba ngón v.v.  thì còn khó hiểu ra sao!  Ấy là chưa kể khi họ thấy con cháu họ dám gọi các "cụ già" xứng vai ông bà nội ngoại là Anh Chị và xưng em thì họ còn ngạc nhiên đến chừng nào.
Cầm tập thơ này trên tay, những độc giả ngoài Phong Trào, nếu không có sự độ lượng và tưởng tượng phong phú để chuồi người vào những đêm trong rừng, thì khó có thể cảm nghiệm được ý trong tập thơ này. Cảm nghiệm được sao, nếu độc giả không là dân Bắt Tay Trái! Riêng đối với em, thơ của Anh khơi lại quá khứ, và cảm thấy nó hiền lành như bà cụ già trong làng, khập khễnh bước ra ngãng cửa, miệng còn mỗi một chiếc răng, đang nhe ra đón chào khách trở về thăm cố hương, trông hiền lắm, quê lắm mà cũng yêu thương lắm! Đọc thơ anh để tô đậm tiếc nuối! Để nhớ lại những đêm đi thám du dưới ánh trăng sao trong rừng cùng bè bạn ngày xưa. Ôi! Nhớ da diết thay!

Nguyễn Đức Thắng
Trâu Nước Lý Luận

No comments:

Post a Comment