Ban Biên Tập: H K Châu, L N Hui, Ng L Hương, C Ng Cường, Ng C Lâm, Ng Đ Thắng, NTHương

Thursday, December 30, 2021

"HẠNH PHÚC ĐƠN GIẢN "

 


"HẠNH PHÚC ĐƠN GIẢN "
-Bạn nghèo khó, nhưng có người nguyện đi cùng bạn chính là hạnh phúc.
-Bạn đau ốm, có người tận tình chăm sóc cho bạn chính là hạnh phúc.
-Khi bạn khóc, có người an ủi bạn, là hạnh phúc.
-Khi bạn già, có người bầu bạn cùng, cũng là hạnh phúc.
-Bạn sai, có người bao dung, tha thứ cho bạn, cái này là hạnh phúc.
-Bạn vất vả, có người thương xót, đây cũng chính là hạnh phúc.
-Hạnh phúc không phải là quanh bạn có bao nhiêu người, mà là có bao nhiêu người bên cạnh bạn.
-Hạnh phúc không phải là bạn lái những chiếc xe sang trọng, mà là bạn lái xe về đến nhà bình an.
-Hạnh phúc không phải là bạn tích trữ được bao nhiêu tiền, mà là mỗi ngày thể xác và tâm hồn được tự do, được làm những việc mình yêu thích.
-Hạnh phúc không phải được ăn ngon mặc đẹp, mà là không có bệnh, không có tai ương.
-Hạnh phúc không phải là bạn nghe qua bao nhiêu lời ngon ngọt, mà là khi bạn bi thương rơi lệ, vẫn có người nói với bạn: “Không sao đâu, có tôi ở đây với bạn…”
(Tủ sách chữa lành)




 

 

“chiến thắng chính mình"

 


 

TRÊN LỐI VÀO VÕ ĐẠO ĐƯỜNG KARATE-DO TẠI NHẬT BẢN
3 câu được ghi trên cột - tay phải.
 
1. Xin bỏ hết nơi đây những danh chức, địa vị đời thường
- Nơi đây chỉ có KARATEKA.
2. Hận thù, đố kỵ, bon chen như chiếc dép dính bùn nhơ
- Xin bỏ bên ngoài khung cửa DOJO.
3. Nơi đây không có những người THẦY VĨ ĐẠI hay những MÔN ĐỒ yếu kém
- Mà chỉ có mái nhà tình người,
mái hiên che nắng mưa cho những ai chung niềm đam mê
“chiến thắng chính mình".
Được đặt tại đạo đường ASAHI
(朝日) - OKINAWA.
(st tren FB)

Tuesday, December 28, 2021

CHUỖI NGỌC LAM.

 


CHUỖI NGỌC LAM.
(Sưu tầm fb)
☘ Ngày cô bé Joan Grace đẩy cửa bước vào tiệm của Pierre Richard thì Pierre là con người cô độc nhất thành phố. Anh được thừa kế một cửa tiệm bán đồ cổ với cái tủ kính nhỏ xíu được chất đủ các thứ đồ kỳ cục: vòng, mề đay đeo vào dây chuyền có từ thế kỷ trước, nhẫn vàng, hộp bạc, ngọc thạch hoặc ngà chạm trổ, tượng nhỏ bằng sứ.
Buổi chiều, mùa đông hôm đó, một bé gái đứng áp trán vào tủ kính, chăm chú ngó từng vật cổ lỗ như muốn kiếm một vật gì. Rồi em vui vẻ đẩy cửa bước vào. Tiệm tối tăm bừa bãi còn hơn cả mặt tiền. Những ngăn tủ muốn sập vì chất quá nặng: hộp đựng tư trang, súng lục cũ không còn dùng được nữa, đồng hồ chuông đèn; còn trên sàn thì chất đống nào là giá để củi trong lò sưởi, đờn măng-đô-lin và những đồ cũ kỹ khó mà phân loại được. Pierre mới ngoài ba mươi mà tóc đã hoa râm, ngồi sau quầy nhìn cô bé.
- Thưa ông, cháu có thể xem chuỗi ngọc lam bày ở tủ kính không ạ?
Pierre kéo tấm màn, lấy chuỗi ngọc ra đưa cho cô bé. Những viên ngọc lam chiếu rực rỡ trong bàn tay xanh xao của anh. Em đỡ lấy, thốt lên lời khen :
- Đẹp quá! Xin ông gói lại thành một gói đẹp cho cháu.
Pierre lạnh lùng ngó em :
- Có ai sai em đi mua hả?
- Dạ không. Cháu mua tặng chị Hai. Chị đã nuôi nấng con từ khi má mất. Đây là lễ Noel đầu tiên chị em cháu được ở gần nhau. Cháu muốn tặng chị một món quà đẹp.
Pierre nghi ngờ hỏi :
- Em có bao nhiêu tiền?
Cô bé mở khăn tay ra, đổ lên bàn một nắm bạc xu, bảo :
- Nhiều lắm, cháu đã đập heo ra đó.
Pierre Richard ngó em, vẻ trầm tư. Rồi anh ý tứ cầm chuỗi ngọc lên, sợ em trông thấy giá tiền. Nói thẳng cách nào cho em biết được? Cặp mắt xanh đầy tin tưởng của em gợi cho anh nhớ lại vết thương lòng thời trước. Quay lưng lại em, anh bảo :
- Em đợi một chút nhé.
Rồi vừa lúi húi làm một việc gì đó, anh vừa quay lại hỏi:
- Em tên gì?
- Thưa, Joan Grace.
Khi quay lại thì trong tay anh đã cầm một gói nhỏ bao bằng giấy lụa đỏ và cột bằng một băng lụa màu xanh lá cây. Anh đưa cho em bé và bảo:
- Này, coi chừng em đừng đánh rơi nhé.
Joan mỉm cười rạng rỡ, chạy vụt về nhà. Anh nhìn theo lòng buồn mênh mông, chuỗi ngọc lam gợi lại vết thương lòng không bao giờ lành hẳn của anh. Tóc em vàng như lúa chín, mắt em xanh như nước biển; mới mấy năm trước, anh đã yêu một thiếu nữ cũng có mớ tóc đó, cặp mắt đó. Chuỗi ngọc đã mua để tặng nàng. Nhưng một chiếc xe trượt bánh trên con đường trơn trợt trong mưa đã làm tiêu tan ước mơ. Từ đó anh sống cô độc, ôn lại hoài nỗi khổ tâm. Anh ân cần lễ độ tiếp khách, nhưng ngoài công việc ra, anh thấy đời trống rỗng vô nghĩa một cách khủng khiếp. Lầm lì, không giao thiệp với ai, anh cố quên nhưng không quên được, nỗi thất vọng như sương mù cứ mỗi ngày mỗi dày đặc. Cặp mắt xanh của Joan Grace gợi cho anh hình ảnh người xưa. Vào dịp lễ này, khách hàng tới đông, ai cũng bộc lộ niềm vui làm cho anh càng đau lòng. Khách qua đường bước vào tiệm, chuyện trò, sờ mó các món đồ, trả giá lăng xăng. Đêm Noel đã khuya rồi, khi người khách cuối cùng bước ra, Pierre Richard thở phào nhẹ nhàng. Thôi thế là qua được năm nay. Nhưng anh đã lầm.
Cửa thình lình mở ra, một thiếu nữ xông vào. Anh thấy nhói ở tim: thiếu nữ có vẻ mặt quen quen nhưng anh không nhớ rõ đã gặp ở đâu, hồi nào. Tóc cô vàng hoe, mắt xanh thăm thẳm. Cô im lặng lấy trong túi xách ra một gói nhỏ bao vội vàng một thứ giấy lụa đỏ, lại có cả cái băng lụa màu xanh lá cây đã mở ra rồi. Và những viên ngọc lam chiếu rực rỡ trên bàn:
- Sợi chuỗi ngọc lam này có phải của tiệm ông không?
Pierre ngước mắt lên nhìn cô, nhẹ nhàng trả lời:
- Phải.
- Phải ngọc thật không?
- Nhất định rồi. Không phải thứ ngọc quý nhất nhưng ngọc thật đó.
- Ông có nhớ đã bán cho ai không?
- Bán cho một cô bé. Tên em là Joan. Em mua để tặng quà Noel cho chị Hai của em.
- Giá bao nhiêu?
Pierre nghiêm mặt đáp:
- Tôi không thể nói giá tiền khách hàng đã trả cho tôi.
- Em tôi chỉ có ít đồng tiền tiêu vặt làm sao em có đủ tiền mua chuỗi ngọc này?
Pierre vuốt kỹ lại tờ giấy lụa, gói lại chuỗi ngọc. Anh bảo :
- Em đã trả đắt hơn tất cả khách hàng của tôi . Em trả bằng tất cả tài sản của em.
Hai người bỗng im lặng. Cửa hàng tĩnh mịch lạ thường. Tiếng chuông từ một giáo đường bắt đầu đổ văng vẳng, xa xa.
Cái gói nhỏ vẫn đặt trên bàn, nét mắt ngơ ngác của cô thiếu nữ và cảm xúc thương yêu hồi sinh kỳ dị dồn dập dâng lên trong lòng Pierre, tất cả đều là từ tình yêu của một em gái nhỏ.
- Nhưng sao ông lại làm như vậy?
Pierre vừa đưa gói nhỏ đó cho cô vừa trả lời :
- Hôm nay là ngày Noel. Tôi bất hạnh không có ai để tặng quà. Cô cho phép tôi đưa cô về nhà và chúc cô một lễ Noel vui vẻ với gia đình nhé!
Rồi trong tiếng chuông Noel, giữa đám đông vui vẻ, Pierre Richard sánh vai cùng thiếu nữ mà anh còn chưa biết tên, cùng nhau bước qua một ngày mới, đem lại một nguồn hy vọng tràn trề ở trong lòng.
🍁🍁🍁
Fulton Oursler
Người dịch Nguyễn Hiến Lê

 

 

CHÂN DUNG NHÀ THƠ VŨ HỮU ĐỊNH

 


“Giang hồ đâu có ai phong ấn
Mà phải từ quan trở lại quê”
Vũ hữu Định
————-
Lúc nhỏ chỉ nghe kể truyền khẩu về thi sỹ, và đem lòng ái mộ.. cuộc lữ vẫn còn đây. Thi sỹ đã ko còn nhìn thấy nhau. Hôm nay post lại cùng nhau biết về A một thời gió bụi đường dài
———
CHÂN DUNG THƠ MIỀN NAM 1955-1975
VŨ HỮU ĐỊNH
TIỂU SỬ:
Tên thật: LÊ QUANG TRUNG
Nơi sinh: Huế
Năm sinh: 1942
Năm mất: 1981
TÁC PHẨM:
Còn Chút Gì Để Nhớ 1996, Thơ VŨ HỮU ĐỊNH 2006
Trước năm 1975, ông thường xuyên đăng thơ trên các tạp chí văn học tại miền Nam như VĂN, BÁCH KHOA, THỜI TẬP… Nhưng ông thật sự được biết đến nhiều từ khi nhạc sĩ PHẠM DUY phổ nhạc bài thơ Còn Chút Gì Để Nhớ. Đời ông, dù có quê quán, gia đình nhưng VŨ HỮU ĐỊNH lại thèm lang bạt kỳ hồ:
giang hồ đâu có ai phong ấn
mà nghĩ từ quan trở lại quê
Thích đàn đúm bạn bè:
trên non năm bảy thằng tuổi trẻ
buổi chiều thu uống rượu không cười
Điều này ông trút cả vào sáng tác một cách tha thiết thể hiện qua thi ngữ bình dị mà gợi cảm.
Về tình yêu, ông cảm nghiệm một cách tự nhiên và sâu lắng:
anh khách lạ đi lên đi xuống
may mà có em đời còn dễ thương
Anh cảm động nhớ một thời si dại
Yêu là yêu em bằng tấm lòng xưa
Anh đang sống - đang thở đều rất lạ
Thở yêu em yêu đau đớn của đời
Sau biến cố năm 1975, ông càng giang hồ, càng say sưa vì thời cuộc biển dâu. Để rồi, sau một đêm say tại nhà bạn bên bờ sông Hàn, ông chấm dứt cuộc đời tài hoa nhưng nhiều lận đận vào năm 1981.
TRÍCH THƠ:
Còn Chút Gì Để Nhớ
phố núi cao phố núi đầy sương
phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
anh khách lạ đi lên đi xuống
may mà có em đời còn dễ thương
phố núi cao phố núi trời gần
phố xá không xa nên phố tình thân
đi dăm phút đã về chốn cũ
một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng
em Pleiku má đỏ môi hồng
ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
nên mắt em ướt và tóc em ướt
da em mềm như mây chiều trong
xin cảm ơn thành phố có em
xin cảm ơn một mái tóc mềm
mai xa lắc trên đồn biên giới
còn một chút gì để nhớ để quên.
Tuần báo KHỞI HÀNH số 130
Ở Một Nơi Nào Để Nhớ Một Nơi
chiều đỏ rực một vùng dưới núi
mặt ta bây giờ cũng đỏ bao la
gió bát ngát có lòng mở rộng
đường lên cao như có mây xa
mây sa lưng lửng chiều không nắng
có nhớ chi như lúc nhớ nhà
cảm ơn bầu rượu – ôi bầu rượu
bạn tri âm theo sát đời ta
buổi trưa xuống quán bên đường núi
có nhớ trăm dây buộc lấy ta
chẳng biết cánh rừng thu mới đổi
chim với lá rừng mới đổi lời ca
đôi khi cùng quẫn ta thầm trách
cớ sao đem ta đến chốn này
nghĩ ra thì ở đâu cũng vậy
ta vẫn là ta khinh bạc đắng cay
bây giờ chiều đã xanh trên núi
trông lên cao lòng nhạt bao la
ta hát vang vang bài cổ lục
quê hương! quê hương! đây cũng mái nhà
có lẽ ta là thằng bất định
cớ sao ở đâu rồi cũng bằng lòng
thả trôi cái sống cho đời dạt
mẹ buồn ta tóc trắng lưng còng
thương mẹ ta có lần ngồi khóc
nhớ quê ta có lúc ngơ ngơ
nay ta lại yêu rừng mến núi
tiếc con đường mây mai mốt bỏ về
mai này tàn cuộc lòng nhớ núi
bây giờ ở núi nhớ miền xuôi
có lẽ suốt đời ta vẫn vậy
ở một nơi nào để nhớ một nơi.
Tập san VĂN
Đêm Mưa Thiếu Rượu Nhớ Lý Hạ
Lý Hạ xưa say bằng huyễn mộng
ta nay say bằng rượu pha cồn
cảm đau thân thế người trong sử
rượu đắng cay mà sao thấy ngon
Lý Hạ yêu người mà hoá quỷ
ta yêu người nên nghèo rớt mồng tơi
đêm mưa thiếu rượu thương người cũ
ngâm vài câu Lý Hạ, rợn người
cứ tưởng nằm kề bên họ Lý
gác chân nhau nói chuyện biển dâu
ma quỷ sợ tâm hồn ướt rượu
gối chai không mà thương nhớ nhau
thời đại thánh thần đi mất biệt
còn lại bơ vơ một giống sầu
rót mãi, bao nhiêu tình cũng cạn
nâng ly, nhìn thấy tóc bạc mau
mưa nhức, mưa như cuồng, tức thở
thịt rồng đâu? nem phượng ở đâu?
đũa ngọc, chén vàng đâu mất cả
mắm ruốc, me chua cũng cháy hết sầu
mời nhau một chén đêm huyền sử
Lý Hạ đâu? - còn ta đâu?
Mù Mù Mờ Mờ
mù mù anh đang sống
mờ mờ anh đang thở
nghe tiếng trống chiều thu
âm âm hoài quái gở
nghe tiếng chim ngoài nương
kêu suốt mùa vẩn vơ
bèo trên sông làng cũ
trôi theo anh lờ đờ
lừ đừ anh đang đi
xa dần màu lúa mỡ
bạc hết màu trăng xưa
không còn nghe em thở
mờ mờ em mất anh
thời xưa anh tuổi nhỏ
cỡi trâu qua ruộng làng
lủi tranh tìm dấu thỏ
gặp ổ chim nho nhỏ
mờ mờ anh mất anh
tắm nắng đông giữa ngọ
dầm trong ao nín thở
mò tìm hang con trê
đạp nhằm con rô nhỏ
thấy em đang cắt cỏ
có một chiều bữa nọ
anh đã hôn bàn tay
mù mù anh đang sống
mờ mờ anh đang thở
hai mươi năm đã qua
đi đoạn đường thật xa…
Tạp san THỜI TẬP 11/3/1974
NHỮNG BÀI LUẬN
luận với chủ nợ
trời đất có bốn mùa
nắng mưa không thấu đáo
ông trời còn nói láo
huống hồ
ta?
luận với ông bạn già
trời lúc nắng
lúc mưa
trăng khi lu
khi tỏ
biết vậy là biết rõ
nước lúc đầy lúc vơi
mây có tan có tụ
tuổi thanh xuân sao không ham hố
đã sáu mươi ngồi tiếc nỗi gì!
luận với người đời
nghìn đời trái đất đang quay
biển đông biển bắc đang đầy đang vơi
cớ sao lại phải ngậm ngùi
chẳng theo nguyên đạo đất trời mà vui
luận với đàn bà
nói từ chuyện nắng qua mưa
chuyện sông tới biển chuyện mùa cá rô
can chi phải nói vòng vo
cứ theo chánh đạo giao hoà tự nhiên
thấy gái, luận với mình
Sài Gòn nắng bở hơi tai
ồn xe cộ với ồn người tranh nhau
thấy con gái lộ cuống bầu
mới hay ta vẫn còn cao chất người
Tập san VĂN
đứng giữa đồng không
một bầy sáo nhỏ qua sông
một em tôi đã cầm lòng đi xa
như con sông nhỏ thật thà
sớm hiu hắt tạnh, chiều sa mưa nguồn
một bầy sáo đã đi luôn
một em tôi đã để buồn lại đây
con chim quyên đã lạc bầy
xuống sông vọc nước đợi ngày xế ngang
một bầy sáo nhỏ bay hoang
một em tôi đã bỏ làng đi xa
tôi ngu ngơ giữa chiều tà
em đi để lại mình ta giữa đồng
Chiêm Bao
ngồi tưởng tượng mùa chim bay trốn gió
anh nhớ anh buồn lúc thấy em đi
anh nghe lũ chim gọi đàn bay mất
gió bay theo đem lạc dấu xuân thì
ngồi tưởng tượng lúc đàn chim sợ hãi
ngó chớp bên đông báo gió mùa hung
anh giục giã lòng anh lẩn quẩn
thấm cơn mưa, nghe được giọt não nùng
em để lại chút hương nào phảng phất
anh tìm quanh đây một chút nghìn năm
nghe nồng mặn như môi vừa gặp lại
là mùi hương em gởi đến tự nghìn trùng
nẻo em bước, đường em đi, chốn tới
một chốn nào xa anh cũng thấy gần
đời để lại cho anh ngoài ô cửa
một hình mây, bóng núi, tin sông
ngồi tưởng tượng rằng em đang vẫy gọi
trên đồi tranh gió ngược bước anh về
em khóc rũ tóc lẩn màu sắp tối
đường anh đi gió dạt bước lầm mê
anh ở lại ngó trời qua ô cửa
chợt biết tin mây, ý gió, lòng mùa
anh ở lại sống những ngày thui thủi
ngày hôm nay nghe như một ngày xưa.
Trời Đất Cũ
về ngõ cũ, anh gặp trời đất cũ
con chim cùng về hát lạnh trong sương
bến sông ấy anh đứng nhìn lại nước
mấy mươi năm nước cũng bình thường
về ngõ cũ, anh gặp chiều rất cũ
bầy vượn cùng về đuổi bóng trên nương
rừng xưa có phai chút màu sắc cũ
màu cũ đang về trong gió trong sương
về ngõ cũ, anh ôm hồn đất cũ
mảnh đất nghìn năm sao vẫn không già
con thỏ, con chồn chào anh lủi chạy
anh cũng vừa lủi chạy vô truông
ô nơi đây anh còn tiếc đoạn trường
về ngõ cũ, anh gặp người bạn cũ
người bạn bao năm sao cũng chưa già
anh gặp lại anh vác cần xách giỏ
sớm lên đường bóng lẫn mưa xa
về ngõ cũ, anh đã về chốn cũ
mấy mươi năm thấp thoáng trong đời
trời đất cũ mở lời chào vạn đại
màu trôi đi anh đứng lại em ơi…
Giai phẩm VĂN 25/06/1973
Chẳng Hay
Chiều dựng mùa đông mây xám ngắt
núi cao trời thấp có ta về
giang hồ đâu có ai phong ấn
mà nghĩ từ quan trở lại quê
Ta đi, xưa gió đưa vài dặm
ta đi, xưa mưa ướt vừa căm
quê nhà ngoảnh lại mờ trong gió
hình như không đủ buồn trong lòng
Ta đi, có những ngày trú quán
lòng mốc tình khô như lá bay
ngồi quán suốt ngày trông thiên hạ
ta có sầu không ta cũng chẳng hay
Ta đi, có những ngày khô héo
chẳng nhớ quê nhà, chẳng muốn về
mẹ, chị, đàn em như bóng khói
nương với đời ta quay quắt trong mê
Ở đâu rồi cũng đời vất vưởng
chiều lặng lòng câm dạt phố người
khi không ta có đời lang bạt
đời học trò xưa khép cánh hổ ngươi
Chiều nay không hẹn ta lại về
mùa đông dài vẫn níu chân quê
ta về, gió đón phong sương lạnh
ta về, mưa đón ta về quê
Thôi chẳng về chi thôn xóm quạnh
nhà xưa giờ chắc cũng điêu tàn
đứng đây đường cái quan bên núi
ta cũng đã trầm lòng mê mê
Chiều dựng mùa mưa bên vách núi
chiều neo sương khói buổi ta về
mẹ, chị, đàn em không có mộ
thăm ai? thăm ai? ta về quê.
Tập san VĂN số 199
_____
Nguồn : FB Chau Nguyen
Ảnh :
Chân dung nhà thơ Vũ Hữu Định (1942 - 1981).

 


Tự Trào

 


Cụ Nguyễn Khuyến ngày xưa khi đến tuổi già có làm 2 bài thơ tự trào về tuổi già, bài Than già và bài Cảnh già:
Than Già
“Tháng ngày thấm thoắt tựa chim bay,
Ông gẫm mình ông, nghĩ cũng hay.
Mái tóc chòm xanh, chòm lốm đốm,
Hàm răng chiếc rụng, chiếc lung lay.
Nhập nhèm bốn mắt tranh mờ tỏ
Khấp khểnh ba chân dở tỉnh say
Còn một nỗi này thêm chán ngắt,
Đi đâu giở những cối cùng chày”
Cảnh già
“Nhớ từ năm trước hãy thơ ngây,
Phút chốc mà già đã đến ngay.
Mái tóc chòm đen, chòm lốm đốm,
Hàm răng chiếc rụng, chiếc lung lay.
Nhập nhèm bốn mắt tranh mờ tỏ,
Khấp khểnh ba chân dở tỉnh say.
Ông ngẫm mình ông thêm ngán nỗi:
Đi đâu, giở những cối cùng chày..”
Nguyễn Khuyến
Ngày trước khi học “cổ văn” (lớp Đệ Tứ hay Đệ Tam gì đó) về bài này, thày thường bắt các trò “bình giảng” mấy bài thơ này ...
Khi tuổi còn non 15, 16 các cô cậu học trò có bao giờ nghĩ đến chuyện già mà phải bình với giảng bài “Than già”. Nhất là câu 8 trong Kết của cả 2 bài đều giống nhau:
“Đi đâu giở những cối cùng chày”
Câu này phần đông các thầy đều giảng là đến tuổi già “Hàm răng chiếc rụng, chiếc lung lay” các cụ phải dùng đến “cối và chày” để giã trầu cau cho mềm để có thể “ăn trầu” thế thôi.
Bây giờ, khi đến tuổi mà cụ Tam nguyên Yên Đổ phải than... đọc lại thơ cụ, tôi lại có cảm nhận “thấm” hơn khi xưa còn ngồi ghế học trò; “Hàm răng chiếc rụng, chiếc lung lay” nhưng không “ăn trầu” như người xưa thì “ cối và chày” kia dùng để làm gì mà đi đâu cũng giở “cối cùng chày” ra vậy ?!
Ừ! Bây giờ nhớ câu tục ngữ “ cãi chày cãi cối” mình mới thấy cái “thâm” nhà nho Nguyễn Khuyến nói đến cái vừa lẩm cẩm vừa ương chướng của tuồi già “Đi đâu giở những cối cùng chày” là vậy đây !
Còn nữa, đến cái tuổi hoa cẩm chướng mà cụ Nguyễn ngẫm nghĩ
...
“Bạn già lớp trước nay còn mấy?
Chuyện cũ mười phần chín chẳng như.
Cũng muốn sống thêm dăm tuổi nữa,
Thử xem mãi mãi thế này ư?”
(Nguyễn Khuyến)
Thì, một buổi sáng cuối năm, thức sớm một mình nhâm nhi hớp trà nóng trong không khí lành lạnh mùa đông, đọc lại vài bài thơ già của cụ Nguyễn, ghi lại vài dòng cảm khái - như một lời cảm ơn các thân hữu đã gửi những lời chúc sinh nhật vừa qua đến tôi - xin đưa lên đây một bài thơ tôi viết năm ngoái (nhân ngày 26/12/2017)
Tự cảm
Mừng thêm một tuổi.. lại thêm già
Đã nghễnh ngãng tai, mắt quáng gà
Tuổi chẳng bao lăm, lòng vẫn cũ
Đời còn mấy nả, mộng càng xa
Tháng năm cứ thế dần rơi rụng
Cố quận mờ theo bước hải hà
Nâng chén rượu bên trời lữ thứ
Mơ hồ nghe lại khúc sinh ca
Và năm nay “họa” bài thơ “ Than già “ của cụ Nguyễn như ghi dấu kỷ niệm ngày 26/12/2018
Tự trào
Thời gian một thoáng tựa mây bay
Tôi nghĩ thằng tôi, thật đến hay
Trán sói từa lưa, thêm tóc bạc
Răng thưa khấp khểnh, chả cần lay
Tuần trà ban sớm tầm chưa tỉnh
Cuộc rượu buổi chiều đã muốn say
Tới tuổi ngán thay! hoa cẩm chướng !?
Nhớ Tam Nguyên với “cối cùng chày “
Thân tặng các bạn cùng lớp tuổi ( hoa cẩm chướng ) như tôi.
mnc
Tháng 12/2018

 

 

Người chèo đò

 

Hắn sống bằng nghề chèo đò, nghèo xơ xác. Một sáng trú mưa trong ngôi miếu cổ, hắn đã gặp được cao nhân là một cụ già nửa tăng nửa tục, trang phục nâu sồng như người ở chùa lại có búi tóc trên đầu. Nhìn ngang ngó dọc ai cũng phải nhận ông có tiên phong đạo cốt.

Vị cao nhân nghe hắn than thở đã nghiêm mặt quan sát tướng mạo hắn một lát rồi phán:

- Năm nay ngươi 47 tuổi, 10 năm nữa chắc chắn sẽ giàu sụ. Nhưng số ngươi cũng ngặt, cứ 1 năm đại phú sẽ làm giảm 1 năm tuổi thọ. Ta chỉ biết thế, không thay đổi gì được.

Hắn thoạt nghe mình sẽ thoát kiếp cùng đinh thì nhất thời mừng rơn, lạy tạ cao nhân rồi ra quán rượu gần đó dốc túi uống một bữa thật say.

Nửa khuya giật mình thức giấc, hắn nằm bên thềm quán rượu ngó lên trời thẳm. Gió khuya mát rượi, lan man thổi qua bến sông nơi hắn đang nằm. Thiệt ngộ, hắn lần đầu bỗng thấy cuộc đời đẹp lạ, đáng yêu, đáng sống. Hắn nghĩ đến một ngày có được mái nhà lộng lẫy bên sông, thay cho con đò nát mà bao năm qua hắn vừa xem là mái nhà trú thân, mà cũng là phương tiện độ nhật. Rồi hắn sẽ cưới được cô hàng nước góa chồng phổng phao mà hắn vẫn thương thầm lâu nay... Hắn còn nghĩ ngợi mộng mơ bao điều ngọt ngào khác nữa rồi ngủ thiếp đi lúc nào không hay, với nụ cười trên môi, trong bóng tối mông lung của đêm trăng đầu tháng.

Trong giấc ngủ, hắn tiếp tục chiêm bao thấy mình là một phú ông giàu có nhất vùng với người vợ trẻ là cô hàng nước xinh như mộng.

Vậy rồi một ngày, tấm thân già của hắn đổ bệnh phải nằm liệt giường. Được vợ sớm hôm chăm sóc bên gối, hắn vẫn ngày một còm cõi gầy rộc. Rồi một chiều mùa đông lạnh giá, hắn nghe tiếng gào khóc thê lương của nàng giữa gian nhà mênh mông. Trong mơ, hắn hiểu mình vừa chết.

Không đành lòng mất sạch mọi thứ mà mình đã một đời mơ ước, hắn nghe đau xé ruột rồi bỗng vùng dậy khỏi áo quan.

Thì ra đó chỉ là cơn ác mộng. Hắn mừng lắm. Mừng vì mình không phải là ông nhà giàu trong giấc chiêm bao và cô hàng nước kia chắc chắn vẫn còn đó cho hắn hy vọng. Hắn nhớ lại mấy lời của vị cao nhân rồi giật mình.

Không, thà hắn tiếp tục nghèo khổ để sống đói rách rồi mỗi ngày mấy bận nhìn trộm cô hàng nước, chuyện gì sau đó cũng mặc, còn hơn giàu có rồi yểu mệnh, rồi vĩnh viễn mất hết mọi thứ khi lòng vẫn chưa cam.

Sáng sớm hôm sau hắn chạy một mạch ra ngôi cổ miếu đầu làng để gặp lại vị cao nhân hôm qua. Nhưng ông không còn ở đó nữa.

Hắn thất thểu quay về đưa đò và thật lạ, từ ngày ấy, người ta thấy hắn như thành ra một con người khác. Đưa đò được bao nhiêu tiền, hắn chia đều ra 3 phần. Một phần đưa cô hàng nước cất hộ, một phần đem cho lũ trẻ ăn mày ở chợ, còn lại bao nhiêu hắn rủ đám trai làng chiều chiều ra quán đánh chén đến khuya rồi ngủ luôn bên thềm quán. Không còn ai nghe hắn than nghèo, cũng không nhắc gì đến ước mơ đổi đời như trước nữa. Cứ nghe ai nhắc đến chữ giàu hắn lắc đầu nguầy nguậy:

- Để chết à? Nghèo mà trăm tuổi vẫn hơn!

Không ai hiểu tại sao hắn cứ có dịp lại nhắc hoài câu nói ấy nhưng câu chuyện về hắn dần dần trở thành giai thoại một vùng. Không biết rồi hắn có lấy được cô hàng nước hay không, chỉ nghe người ta kể lại rằng ông lão thọ nhất làng này trong suốt trăm năm nay chính là anh chèo đò trong câu chuyện ấy. Ông thọ trên trăm tuổi và cái chết đẹp như thơ. Một chiều uống vui ba cốc rượu với bạn bè, rồi dựa lưng vào cột đình mà đi, môi vẫn mỉm cười. Ai cũng tưởng là ông đang ngủ.

Toại Khanh