Một tấm hình vầng trăng khuyết treo giữa chòm liễu rủ của Nghĩa Mai, một bằng hữu của tôi vừa đưa lên Fb đã làm tôi liên tưởng đến mấy câu thơ của Tô Đông Pha trong bài từ
Khuyết nguyệt quái sơ đồng,
Lậu tận nhân sơ tĩnh.
Thuỳ kiến u nhân độc vãng lai,
Phiêu diểu cô hồng ảnh.
(Trăng non treo ngọn ngô đồng
Canh tàn thanh vắng tịnh không bóng người
Kìa ai u uẩn tới lui
Phiêu diêu một bóng hồng phơi mịt mờ .(mnc dịch)
Vầng trăng khuyết xưa nay vốn đã gây sầu nhớ trong lòng người thơ như một mất mát, một chia xa, một u buồn …vì khuyết vần là chưa trọn vẹn.
“Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường. (Kiều)
Nơi tôi ở trời đã thoảng vào thu.
Vầng trăng khuyết mà bạn tôi ghi lại qua ống kính thời hiện đại làm tôi nhớ đến cuộc chia ly vừa mới đây trong đời:
“Người lên ngựa, kẻ chia bào,
Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san.” (Kiều)
Màu quan san là màu gì thì chỉ những ai đã từng làm lính trấn thủ lưu đồn nơi ven biên một thời khói lửa quê hương mới cảm nhận hết nỗi u hoài thê thiết qua màu chiều khó làm khuây.
Màu quan san và vầng trăng khuyết ấy treo trên nhành liễu trong đêm đã làm tôi chợt nhớ đến Gs Trần Trọng San, thầy dạy môn Hán văn của tôi kể về giai thoại văn chương lý thú bàng bạc màu thiền qua mấy câu thơ khuyết danh, rằng tương truyền là 2 câu đối đáp của sư ông và chú tiểu chùa Hàn San nhân một đêm nhìn sơ nguyệt lơ lửng trên tầng không.
Thầy Trần Trọng San kể lại
“Một đêm trăng, sư cụ trụ trì chùa Hàn San, cảm hứng nghĩ ra hai câu thơ:
"Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung
Bán tự ngân câu bán tự cung "
Thao thức mãi sư cụ không nghĩ được hai câu tiếp; đột nhiên có tiếng gõ cửa. Thì ra là chú tiểu cũng trằn trọc vì 2 câu thơ mình mới nghĩ ra:
Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn
Bán trầm thủy để bán phù không."
Chú tiểu cũng không làm tiếp được, sang xin thầy giúp. Nghe xong, sư cụ mừng quá, quỳ xuống tạ Phật vì quả thật 2 câu thơ của chú tiểu hợp với 2 câu của sư cụ, thành một bài tứ tuyệt rất hay.
“Sơ tam sơ tứ nguyệt mung lung
Bán tự ngân câu bán tự cung
Nhất phiến Ngọc hồ phân lưỡng đoạn
Bán trầm thủy để bán phù không”.
Trần Trọng San đã dịch:
"Mồng ba, mồng bốn, trăng mờ
Nửa dường móc bạc nửa như cung trời.
Một bình ngọc trắng chia hai
Nửa chìm đáy nước nửa cài từng không”
Làm xong bài thơ này lúc nửa đêm, sư cụ bảo chú tiểu đánh chuông tạ ơn Phật. Tình cờ cũng ngay lúc ấy trên thuyền, thi sĩ Trương Kế cũng không ngủ được vì không nghĩ được câu tiếp cho hai câu "Nguyệt lạc ô đề...". Tự nhiên chuông chùa Hàn San vọng đến, gợi hứng cho thi nhân hoàn tất bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc bằng câu kết ""...Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.." ( Thơ Đường- Trần Trọng San)
Nguyên văn bài Phong Kiều Dạ Bạc ( Đêm đậu thuyền trên bến Phong Kiều) của Trương Kế
楓橋夜泊
月落烏啼霜滿天
江楓魚火對愁眠
姑蘇城外寒山寺
夜半鐘聲到客船
Phiên âm:
Phong Kiều dạ bạc
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
Trương Kế
Đêm đậu thuyền trên bến Phong Kiều.
Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi
Lửa chài, cây bãi, đối người nằm co
Con thuyền đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San
(Bản dịch của Tản Đà)
Đêm đậu thuyền trên bến Phong Kiều.
Trăng lặn quạ kêu sương kín trời
Lửa chài cây bãi lắng lòng người
Chùa Hàn San cạnh Cô Tô ngoại
Vọng tiếng chuông khuya …. nhớ một thời (mnc)
Ôi! Chỉ một vầng trăng khuyết mà bạn đã làm tôi nhớ lại rất nhiều. Nhớ lại một thời dùi mài kinh sử … và…
Tiếng chuông trong tiềm thức đã làm tôi vơi bớt nỗi buồn vừa qua trong vài câu thơ cổ.
Tạ ơn Người ! Tạ ơn đời !
mnc
12/10
Hình của Tr. Nghia Mai
No comments:
Post a Comment