Ban Biên Tập: H K Châu, L N Hui, Ng L Hương, C Ng Cường, Ng C Lâm, Ng Đ Thắng, NTHương

Friday, February 5, 2021

Năm Sửu Kể Chuyện Trâu

 

Có lẽ tập tục này đã trải qua hàng thế kỷ trên đất nước Việt Nam. Đó là việc xách đầu mấy con vật trong 12 con giáp ra mà bình bình luận luận trên đủ mọi khía cạnh: xem vận mệnh cuộc đời của thiên hạ, đặc biệt nói về tương lai của những người rơi vào năm tuổi của một trong 12 con giáp xem trong năm nó ra làm sao: gia đạo, học hành, sức khỏe, tình duyên, cưới hỏi, công danh sự nghiệp…Dịp này, mấy ông thầy bói, mấy nhà coi tử vi, mấy cụ giải quẻ, mấy lão bấm độn, phong thủy… lại có dịp khoa trương tài bói của mình. Ngoài ra 12 con vật này cũng cũng được các nhà quảng cáo, con buôn tung hê đủ điều tốt để cho thiên hạ xiêu lòng tin theo, ví dụ năm Con Trâu này người ta lấy đất, lấy đá, lấy gỗ để làm nên hình con trâu bày bán khắp nơi, đặc biệt ở bên Tàu và Việt Nam. Ở Mỹ muốn tậu con trâu vàng thì cứ đến mấy tiệm bán hàng “tạp hóa” của người gốc Tàu hay vào chợ Việt Nam thì tha hồ mà lựa. Những ai có tiền thì chọn mua những chú trâu bằng vàng mang về nhà ngắm nguyên cục vàng cho sướng con mắt mà không biết vàng thật hay là vàng giả hoặc giả chỉ đước trét một lớp sơn màu vàng óng ánh cho bắt mắt…

 Chuyện trâu thì đầy dẫy trên báo chí kể cả những trang coi tử vi đoán vận mệnh theo trâu. Nói tới đặc san, thường được gọi là báo xuân thì ở hải ngoại cũng không thiếu. Năm nay vì đại nạn dịch Tàu nên không xuống phố mua một hai tờ báo xuân đem về đọc ba ngay tết, nhưng các năm trước thì thấy rằng tờ nào cũng giống tờ nào, những mục nói về tết, kể cả hình ảnh…đều thấy rằng: mấy ông bà làm báo (chứ không phải viết báo) lấy nguyên con những bài viết và hình ảnh từ các báo trong nước cho vào báo của mình. Có một lần thấy có hai tờ báo xuân phát hành bên California có hai bài y chang 100% nói về tết năm con khỉ. Khỉ thiệt!

Năm nay là năm trâu nhưng tui không kể theo kiểu báo chí nói về mấy chú trâu đen có bốn chân. Tui nói về những con trâu hai chân. Có lạ không chứ! Chắc là lạ! Nhưng đối với số đông anh chị em thuộc giống dân khi gặp nhau ưa đưa tay trái ra mà bắt, thích ngủ bờ ngủ bụi, thích trèo đèo lội suối, ưa xuống biển lên rừng, ăn cơm khét, cơm khê, ăn chè vớ…uống nước nguồn nước suối thì… chuyện mấy con trâu hai chân chẳng có gì lạ. Hy vọng câu chuyện này làm vui trong ba ngày xuân Tân Sửu. Những ai không thấy vui thì cũng đành chịu vậy. 

 Chuyện là, trong cuốn sách dày 902 trang mang tựa đề “Chuyện Kỳ Thú Về 4,875 Dân Rừng Bách Hợp” của Trưởng Phạm Văn Nhơn, tên rừng là Sáo Dễ Thương có liệt kê đầy đủ tên của từng dân rừng theo thứ tự alphabet từ A đến Z đang sống khắp nơi trên thế giới. Trong số 4,875 dân rừng có 227 thuộc loài Trâu. Tại sao là Trâu? và muốn thành Trâu thì phải có những điều kiện gì và các thủ tục nào cần có để trở thành một dân rừng thì tui không thể viết ra đây vì nó thuộc vào loại “bảo mật”, chỉ có những ai đã là dân rừng mới biết. Còn những ai chưa phải là dân rừng thì không được biết (Đây là một loại trò chơi của Hướng Đạo dành cho Trưởng và Tráng Sinh).Trong số 227 con Trâu trong tập sách của Trưởng Sáo Dễ Thương thì các trự Trâu đều có những đức tính, những khả năng riêng biệt. Chẳng hạn như có các anh Trâu Bền Chí, Trâu Điềm Đạm, Trâu Nhiệt Tình, Trâu Tháo Vát, Trâu Siêng Năng, Trâu Cần Cù… vân vân…  Nhưng trong rừng Trâu có đến cả mấy trăm con, không phải trâu nào cũng Bền Chí, Điềm Đạm, Nhiệt Tình hay Tháo Vát cả đâu mà có những con trâu với bản tính khác thường mà chỉ có dân cùng trong một rừng mới hiểu được, thấy được để cuối cùng đặt cho trâu một tính cách đặc biệt để phân biệt với những trâu khác. Theo sưu tập của Sáo Dễ Thương thì trong số 227 con trâu của rừng Hướng Đạo, có những trâu với những đặc tính nghe ra hơi khác thường một chút…một chút thôi, xin kể đến: Trâu Ba Phải,  Trâu Bất Kham, Trâu Chịu Chơi, Trâu Đỏm Dáng, Trâu Đa Mưu, Trâu Lãng Tử, Trâu Lăn Chai, Trâu Lầm Lì, Trâu Lì Đòn, Trâu Lì Lợm, Trâu Liều, Trâu Nghễnh Ngãng, Trâu Ranh Mảnh, Trâu Tò Mò, Trâu Thơ Thẩn, Trâu Vụng Về…Tui cũng là một trong số gần năm ngàn dân rừng rất lấy làm thích thú khi được sinh hoạt chung với các thú khác như Trâu, Ngựa, Bò, Hà Mã, Voi Cọp, Beo, Báo, và kể cả các loài chim muông như Sơn Ca, Hoàng Yến, Bồ Câu, Vành Khuyên, Thiên Nga, Kim Tước, Hải Âu…Tui nhập rừng đã gần 60 năm (1964 – rừng Lâm Viên) đã gặp và làm việc, sinh hoạt chung với nhiều thú thì thấy rằng những “tĩnh từ” được đi theo sau Trâu, Ngựa, Gấu, Hải Âu, Sơn Ca…đều là những đức tính trung thực nhất (chính xác 99%) mà dân rừng đã đặt cho những thú ấy. Trong cuộc đời làm Trưởng Hướng Đạo cho đến ngày được hội đồng Rừng triệu tập để đặt cho một cái tên sau khi phải trải qua những thử thách khắc nghiệt…chắc chắn phải là một trong kỷ niệm sâu sắc của cuộc hành trình đi đến “Nguồn Thật”.  Chuyện Kỳ Thú Về Dân Rừng của tác giả Sáo Dễ Thương Phạm Văn Nhơn quả là một bộ sưu tập & biên soạn công phu với tâm huyết của một Trưởng Hướng Đạo (Trưởng Nhơn bị mù cả hai mắt). Tui có một lần gọi về Việt Nam và được nói chuyện với Trưởng. Ngoài hai chữ Dễ Thương, Hươu muốn đặt thêm cho Trưởng một chữ nữa, đó là: SáoTận Tụy. 

Để kết thúc bài viết về năm Con Trâu theo kiểu Hướng Đạo, tui xin trích vài đoạn trong sưu tập của Trưởng Sáo Dễ Thương về hai dân rừng mang tên Trâu:

Trâu Lì Lê Hữu Mục: Ngày trước ở Thiếu đoàn Vạn Thắng, mới 15 tuổi đã sáng tác bài hát Chèo Đi Bơi Đi. Bản nhạc này được Trưởng Mai Liệu chỉnh sửa một số từ và sau đó đã nhanh chóng được phổ biến rộng rãi không những trong Hướng Đạo mà còn ở ngoài dân chúng. Về sau là giáo sư văn chương của nhiều trường trung và đại học Việt Nam, viết nhiều sách giảng văn. Định cư ở Pháp và đã lìa rừng ngày 8 tháng 11 – 2017.                            (Tui hân hạnh được học với thầy Lê Hữu Mục ở văn khoa đại học Đà Lạt).  

 Trâu Siêng Năng Tôn Thất Dương Vân: Nhập rừng Ái Tử, Quảng Trị. Năm 1953 giữ chức Tổng Ủy Viên kiêm trại trưởng Trại Trường Quốc Gia. Có công lớn với Phong Trào vì đã tận tụy phục vụ và giữ gìn sự “Nhất Gia” của Hướng Đạo Việt Nam. Lìa rừng ngáy 8 tháng 4 – 1993 tại Sài Gòn.                      (Tui cũng hân hạnh được gặp Trưởng Tôn Thất Dương Vân trong các trại họp bạn trước 1975 và thăm Trưởng tại nhà ở đường Trương Minh Giảng)

Ngoài ra, trong Chuyện Kỳ Thú…thấy có ba chàng Trâu của Rừng Nguyễn Trãi. Mục số 1357 là Trâu Bền Chí Lương Minh Đức (đã lìa rừng ở San Diego). Trâu này có câu nói để đời như sau: “Cha mẹ đặt tên không hài lòng nên mới lấy tên con thú, rõ là điên, nhưng vẫn thích điên hơn…”. Mục số 4516 là Trâu Tháo Vát Nguyễn Văn Huyên ở San Jose. Trâu này đã rời Rừng Nguyễn Trãi, hiện nay không biết đang lang thang ở rừng nào? Mục số 4557 là Trâu Nước Lý Luận. Chàng Trâu này ở đâu, làm gì, nói năng ra làm sao thì tất cả dân Rừng Nguyễn Trãi đều đã rõ.

 Câu chúc cổ điển: Đứng trước thềm năm mới, tui thân chúc tất cả các anh Trâu, Bò, Ngựa, Beo, Báo, Chồn, Cọp, Sư Tử,  Chồn, Cò, Cú,  Đà Điểu, Gấu, Hà Mã, Hải Ly, Hoẵng, Hươu, Dê, Mèo, Ong, Sóc, Sói, Thỏ, Voi…cùng các chị Ác Là, Bồ Câu, Bướm, Chèo Bẻo, Chích Chòe, Én, Gà, Hạc Hải Âu, Họa Mi, Ngỗng, Nhạn, Phượng Hoàng, Sáo, Sếu, Sơn Ca, Thiên Nga, Vàng Anh, Vành Khuyên, Yến…có một năm Trâu Hạnh Phúc và An Khang.

Hươu Hăng Hái

Tháng Chạp Canh Tý


 

 

No comments:

Post a Comment