Ban Biên Tập: H K Châu, L N Hui, Ng L Hương, C Ng Cường, Ng C Lâm, Ng Đ Thắng, NTHương

Friday, August 11, 2017

PHÁT TRIỂN ÐỜI SỐNG TÂM LINH TRONG SINH HOẠT HƯỚNG ÐẠO



     

 A.   Tư Tưởng Của Baden Powell Về ÐSTL

I.Nhận định
 1.Tín ngưỡng và Tâm linh
a.Tín ngưỡng: Khi nói đến tín ngưỡng, thông thường ta muốn nói đến niềm tin tôn giáo (hoặc đạo giáo) như đạo Cơ Ðốc (Công giáo La mã, Tin lành, Chính thống giáo), đạo Phật, đạo Hòa Hảo, đạo Cao Ðài, đạo Hồi... 
   b.Tâm linh: Là sự cảm nhận “Thiêng Liêng” ngoài phạm vi tôn giáo do một  hiện tượng hoặc một tác động nào đó ngoài khả năng suy luận của con người, vượt lên trên những giải thích khoa học thuần lý. 
 2. Duy Tâm và Duy vật
a.Duy tâm: Thuộc về chủ nghĩa duy tâm (triết học duy tâm) cho rằng bản chất của vũ trụ là ý thức, ý thức có trước vật chất, vật chất là sản phẩm của ý thức. Ðời sống tinh thần, sự hướng thượng, sinh hoạt tâm linh, tôn giáo, triết học, nghệ thuật, đạo đức...nằm trong phạm trù ý thức còn gọi là “thượng tầng kiến trúc” vì ý thức quyết định sự tồn tại.
b. Duy vật: Thuộc về chủ nghĩa duy vật (triết học duy vật) quan niệm rằng bản chất của vũ trụ là vật chất, có vật chất rồi mới có ý thức. Vật chất là một sự thực khách quan ở ngoài ý thức của con người. Những sinh hoạt vật chất của xã hội như như vấn đề lao động, phương thức sản xuất... là “hạ tầng cơ sở” quyết định “thượng tầng kiến trúc”.
  3. Hữu thần và vô thần:
a. Hữu thần:  Những người có niềm tin tôn giáo, có những cảm nhận tâm linh, có đời sống hướng thượng và biết quan tâm đến tha nhân... đều là những người hữu thần.
b. Vô thần: Những kẻ chủ trương con người là bản thể vật chất, không có niềm tin tôn giáo, không có đời sống tâm linh. Ðối với họ, con người không có “nguyên ủy” cũng không có “chung cuộc”, hoàn toàn không bị chi phối và tác động bởi thần linh hay Ðấng Tạo Hóa. Trong cuốn Ðường Thành Công (Rovering to Sucess), Baden Powell có nhắc đến vấn đề vô thần như sau: “Phía đen tối của tảng đá ngầm này là sự tai hại của thuyết vô thần và vô tôn giáo...”
c. Hữu thần và mê tín: Trong các xã hội chưa phát triển, con người tin vào thần linh là một hình thức của tín ngưỡng dựa vào sự mê tín dị đoan. Họ tin vào các thần linh tối cao có quyền sinh sát và biến hóa trong vũ trụ như làm ra mưa gió giông bão sấm sét...Họ cũng có những nghi thức cầu nguyện và thờ phượng những gì mà họ cho rằng đó là “Ðấng Toàn Năng”. Trong những xã hội bộ lạc hoặc kém phát triển, con người có thể tin và thờ phượng cùng lúc  nhiều “thần linh” trái với sự tín ngưỡng và thờ phượng của các tín đồ các tôn giáo.
            Tuy nhiên, trong những xã hội trên, người ta cũng có những nhận thức liên quan giữa con người và vũ trụ như trong sách “Ðường Thành Công” Baden Powell đã viết: “Trong miền rừng núi ở Mỹ Châu, tuy không ai cho họ hiểu về tôn giáo, nhưng họ nhận thấy sự hiện hữu của Thượng Ðế qua công trình kỳ diệu trong thiên nhiên.”
 4. Baden Powell: Là một tín đồ Thiên Chúa Giáo. Ông hoàn toàn tin vào “Ðấng Tạo Hóa” toàn năng đã tạo ra vũ trụ và con người. Ông phân biệt rất rõ ràng giữa nghĩa vụ của một tín đồ tôn giáo và những sinh hoạt có tính cách tâm linh.
 5. Tâm linh vượt ra ngoài các nghi thức tôn giáo: Trong cuộc đời đầy sinh động và hữu ích, Baden Powell - ngoài tính cách thuần thành của một tín đồ Thiên Chúa Giáo, ông còn là một người có đời sống tâm linh hết sức phong phú. Ông là người mà ngay từ những ngày còn rất trẻ, đã có nhiều cơ hội đi đây đi đó để chiêm ngưỡng và suy niệm về những điều kỳ diệu của tạo hóa. Sự tiếp xúc với thiên nhiên làm cho tâm hồn ông thăng hoa và hướng thượng. Dựa vào những nhận thức và cảm nhận về vấn đề tâm linh, Baden Powell đã đưa vấn đề tâm linh vào trong sinh hoạt Hướng Ðạo như là một trong những nguyên tắc của Phong Trào.
       II. Phát Biểu Của Baden Powell Về Vấn Ðề Tâm Linh
 1. Tâm linh là nguyên tắc căn bản của Hướng Ðạo: Tâm linh là một trong những nguyên tắc căn bản phát sinh ra từ mục đích của Phong Trào nhằm vào sự phát triển toàn diện của trẻ em: thể lý, tính khí, tinh thần trách nhiệm, óc tháo vát và tinh thần phục vụ, có tín ngưỡng và tâm hồn hướng thượng. Trong những tác phẩm căn bản viết cho Hướng Ðạo như cuốn “Hướng Ðạo cho trẻ em” (Scouting For Boys), “Ðường Thành Công” (Rovering To Sucess), “Hướng Dẫn Vào Nghề Trưởng” (Aids to Scoutmastership)...Baden Powell đều có nhắc đến “Tâm linh là nguyên tắc căn bản của Hướng Ðạo”.
  2. Tâm linh đã có sẵn trong sinh hoạt Hướng Ðạo: Ngày 2 tháng 7-1926 tại hội nghị Hướng Ðạo Thế Giới, Baden Powell đã phát biểu: “Tôi được mời để mô tả đầy đủ về những điều trong tâm trí tôi về tôn giáo khi tôi thành lập Hướng Ðạo. Tôi được hỏi: Tôn giáo đi vào Hướng Ðạo ở nơi nào? Lời đáp của tôi là: Tôn giáo không đi vào gì cả, vì tôn giáo đã có sẵn ở đó rồi. Tôn giáo là thừa số căn bản nằm trong Hướng Ðạo.”
   3.Tâm linh gồm mọi tín ngưỡng tôn giáo : Phong trào Hướng Ðạo có tính cách hoàn vũ vì nó nhấn mạnh trên tình huynh đệ thế giới giữa các Hướng Ðạo Sinh thuộc mọi quốc gia, mọi tầng lớp và mọi tín ngưỡng. Hai chữ Tâm Linh được dùng để chỉ mọi tín ngưỡng tôn giáo. Do đó Phong Trào Hướng Ðạo thu nhận mọi thành phần tôn giáo và cổ vũ Hướng Ðạo Sinh luôn quan tâm đến việc thực hiện đời sống tâm linh. Baden Powell không quên nhắc nhở Hướng Ðạo Sinh rằng: “Phần nhiều tôn giáo tuy mang tên khác nhau, nhưng đều thừa nhận có một Ðấng Tạo Hóa...” chứng tỏ Baden Powell ngoài việc khuyến khích Hướng Ðạo Sinh thực hiện nghĩa vụ của một tín đồ tôn giáo còn  có sự suy niệm chung về Ðấng Tạo Hóa- Ðấng Toàn Năng hoặc Thượng Ðế khi nói đến vấn đề tâm linh. Về mặt đạo giáo, Baden Powell luôn quan tâm đến sự  lựa chọn của mỗi người do nhận thức và ảnh hưởng của sự giáo dục chứ không do một động lực cưỡng chế nào. Baden Powell phân biệt giữa giáo dụchuấn thị. Giáo dục là truyền đạt, gợi ý, hướng dẫn. Huấn thị là ra lệnh, cưỡng bách. Trong giáo dục có sự lựa chọn và tìm hiểu còn huấn thị là chỉ tuân phục. Năm 1938 Baden Powell viết trong tờ “Head Quarter Gazette” rằng: “Ðạo giáo chỉ có thể bắt chứ không do giảng dạy mà có được”(Religion can be only caught not taught). Ðiều này cho chúng ta hiểu rằng: mỗi người đều được tự do tìm hiểu, lựa chọn để theo đuổi một đạo giáo. Không ai có thể bị buộc phải theo đạo giáo này hay đạo giáo khác ngoài ý muốn của mình. Con người là một thực thể tự do có lý trí và khả năng suy xét  để tự quyết định sự chọn lựa của mình.
    4. Tâm linh là yếu tố của nhân cách: Theo Baden Powell, “tâm linh là yếu tố của nhân cách, là sự khắc phục nội tâm chứ không phải là một môn học.” Baden Powell viết: “Tôn giáo là một điều thuộc về nhân cách, về sự xác tín của tâm hồn chứ không phải là sự huấn thị.” Con người có lý trí và tình cảm. Hai yếu tố này cho phép chúng ta nhận biết và đánh giá mọi sự vật quanh mình trước khi có hành động ứng xử. Người có một đời sống tâm linh phong phú bao giờ cũng hành xử như một người có nhân cách, biết khắc phục nội tâm để hướng thượng và phục vụ tha nhân. Cư xử có nhân cách và khắc phục nội tâm không phải là điều được giảng dạy trong lớp, trong giảng đường mà là một sự suy niệm tiệm tiến trước các đối vật và hiện tượng quanh ta. Hướng Ðạo Sinh là những người có rất nhiều cơ hội để tự rèn luyện nhân cách và khắc phục nội tâm thông qua các chương trình sinh hoạt và tiếp xúc với tha nhân cũng như sống trong môi trường thiên nhiên.
     5. Những yếu tố liên quan đến Ðời Sống Tâm Linh: Bản thân, tha nhân, thiên nhiên và phục vụ. Từ những phát biểu của Baden Powell, Phong Trào Hướng Ðạo Thế Giới (WOSM) đã đưa ra các yếu tố chính có liên quan đến Ðời Sống Tâm Linh của Hướng Ðạo Sinh là bản thân, tha nhân, thiên nhiên phục vụ.
          Chính bản thân ta là chủ thể của lý trí và tình cảm tiếp xúc với tha nhân thiên nhiên trong ý thức phục vụ. Các yếu tố trên đưa đến mục đích cuối cùng  là đi tìm hạnh phúc cho đời sống. Vì vậy, rất cụ thể, Baden Powell đã khuyên rằng: “ Mỗi Hướng Ðạo Sinh nên có một một tôn giáo và phải coi tâm linh là nền tảng cho đời sống của một Hướng Ðạo Sinh ”. Nhưng Baden Powell cũng nhắc nhở: “ Tôn giáo không thể được xem như là chiếc áo được mặc trong ngày chủ nhật.Vì tôn giáo là một phần trung thực về cá tính của một Hướng Ðạo Sinh, là sự phát triển tâm linh chứ không phải là một lớp sơn có thể gỡ bỏ đi được.”
 B. Thiên Nhiên Và Vấn Ðề Tâm Linh
      Bi kịch tác gia danh tiếng nhất của nước Anh vào cuối thế kỷ thứ XVI và đầu thế kỷ XVII là William Shakespeare viết: “ Lời thuyết pháp của đá, ngôn ngữ của cây, cuốn sách của suối reo và điều tốt lành ở trong sự vật.”
     Francis Bacon, triết gia người Anh vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII cũng viết: “Học hỏi cuốn sách của thiên nhiên là nắm được cái chìa khóa để mở quyển sách của huyền bí.”
     Kinh Coran viết: “ Anh có thấy chăng là mọi sự trên trời dưới đất đều phụng sự Thượng Ðế: mặt trời, mặt trăng, tinh tú, núi non, cây cối, thú vật và tất cả mọi người.”
     Baden Powell viết: “Thiên nhiên là cuốn sách vĩ đại. Sự hiểu biết thiên nhiên đưa đến hiểu biết sự hiện hữu của Thượng Ðế.”
 I.              Sự  Hiểu Biết Và Học Hỏi Thiên Nhiên Của Baden Powell
 1.    Thời niên thiếu: Ở vào lứa tuổi thiếu niên, lúc còn đi học, Baden Powell thường một mình hoặc đôi lúc với bè bạn hoặc với mấy anh em trong gia đình đã thường vào chơi ở các công viên, đến các khu rừng một mình để săn thỏ, thường ra sông suối câu cá...rồi quan sát và khám phá ra nhiều điều kỳ thú của thiên nhiên như cây cối, hoa lá, đất đá, thú vật... Ông cũng nhiều lần chiêm ngưỡng vẻ đẹp của trăng sao trên bầu trời vào lúc ban đêm, xem cảnh mặt trời mọc lúc bình minh, cảnh hoàng hôn vào lúc trời chiều...để rồi nhận thấy niềm cảm xúc dạt dào trước khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ do bàn tay nhiệm mầu của Ðấng Tạo Hóa dựng nên. Với lòng yêu kính thiên nhiên và tinh thần mạo hiểm như thế, ông đã từng một mình chèo thuyền lên tận nguồn của dòng sông Thames. Một lần khác ông cùng với mấy anh em trong nhà chèo thuyền đi vòng quanh bờ biển ở phía nam nước Anh.
2.    Trong quân đội: Với tư cách là một sĩ quan phục vụ tại Ấn Ðộ để huấn luyện binh sĩ và được điều đôïng đi đóng quân nhiều nơi như vùng Balkan, Nam phi, Malta... rồi chuyển qua Châu Phi giúp bảo vệ thành Mafeking trong cuộc chiến với người Boers, Baden Powell đã có rất nhiều cơ hội học hỏi nhiều điều của thiên nhiên. Ðặc biệt Baden Powell đã từng sống chung và sinh hoạt với các sắc dân thuộc các bộ lạc Phi Châu như những người con của thiên nhiên và học hỏi nhiều điều kỳ diệu của thiên nhiên trước những cảnh vật hoành tráng đầy vẻ huyền bí. Chính vì vậy mà Baden Powell đã thấy sự hiện hữu của Thượng Ðế khi đọc cuốn sách Thiên Nhiên: “Thiên nhiên là cuốn sách vĩ đại. Sự hiểu biết thiên nhiên đưa đến hiểu biết sự hiện hữu của Thượng Ðế.”
3.    Ði Du Lịch: Sau đời sống quân ngũ, Baden Powell đã dành nhiều thì giờ để đi du lịch nhiều nơi thế giới kể cả việc đi thăm các quốc gia có Hướng Ðạo, tham dự các trại họp bạn Hướng Ðạo thế giới. Trong các chuyến du lịch, ông có nhiều cơ hội đến thăm các kỳ quan thiên nhiên  như những thác nước nổi tiếng, các ngọn núi hùng vĩ...Ðược gần gũi với thiên nhiên, ông đã cảm nhận được sự hiện hữu của Thượng Ðế. Baden Powell viết trong Ðường Thành Công: “  Nếu anh chưa bao giờ du hành qua các rừng ở Ba Tây hay ở Trung và Tây Phi, khó lòng mà tưởng tượng nổi mối cảm xúc lạ lùng và ghê sợ khi nhìn thấy những cảnh trí đẹp đẽ và kỳ diệu của miền rừng ở nhiệt đới. Ðối với những tâm hồn lạnh nhạt đến đâu, nó cũng gợi lên được tất cả vẻ mỹ lệ và sự trang nghiêm của một giáo đường...”  Khi một mình leo lên dãy núi Andes nhìn thấy cảnh vật vô cùng kỳ diệu, ông đã viết: “ Thật là quá sức tưởng tượng: trí óc hèn kém của người khó nỗi nhận thấy hết những vẻ đẹp ấy; tôi tự thấy mình như một kẻ đã xâm nhập vào chốn thiêng liêng. Ngắm cảnh trang điểm của tạo vật vào lúc ban mai như thế này là một việc lạ thường và ngoài sức tưởng tượng...” Baden Powell cũng ghi lời của Abraham Lincoln khi ngắm thác nước Niagara: “ Những thác nước này gợi lại thời đại tối cổ khi Christophe Colomb trông thấy lục địa này lần đầu, khi Chúa Cứu Thế thọ hình trên thánh giá, khi Moise dẫn người Do Thái qua Hồng Hải...”
                        4.    Trại Hướng Ðạo đầu tiên ở Brownsea Island: Luân đôn là thủ đô và là một thành phố lớn của nước Anh có nhiều công viên và khu đất trống. Tại sao Baden Powell lại không sử dụng những nơi đó để tổ chức cuộc cắm trại đầu tiên cho 20 em thiếu niên mà phải đưa các em qua tận đảo Brownsea? Ðiều này rất dễ hiểu vì, qua kinh nghiệm sống gần gũi với thiên nhiên nên sự lựa chọn nơi cắm trại cho các em - một nơi hoang dã có nhiều cây cao bóng mát, hồ nước, rừng cây, các loài kỳ hoa dị thảo và các loài thú vật...là để cho các em có cơ hội thoát ra khỏi cái không khí ồn ào chen chúc của chốn thị thành, được sống với thiên nhiên, được tai nghe mắt thấy những điều mà ở trong thành phố không bao giờ các em thấy được. Các em được biết và học về các loài cây cỏ, các loài thú hiếm, ban đêm được ngắm những vì tinh tú trên bầu trời mênh mông, được xem cảnh mặt trời mọc vào buổi bình minh, cảnh trăng soi trên mặt hồ. Trong suốt những ngày trại ở Brownsea, các em đã nhận thức được cảnh thiên nhiên quá hùng vĩ và con người quá nhỏ bé của mình, nhận thức được rằng có một vũ trụ bao la do bàn tay của Ðấng Tạo Hóa dựng nên. Từ trại thử nghiệm đầu tiên đó, Baden Powell đã xử dụng thiên nhiên làm bối cảnh cho công cuộc giáo dục của Phong Trào Hướng Ðạo.
               II.            Tâm Linh Trong Bối Cảnh Thiên Nhiên: 
 1.   Trẻ em cần tiếp xúc với thiên nhiên:  Năm 1926  Baden Powell viết về vấn đề tôn giáo cho các nam nữ Hướng Ðạo có đoạn: “Thiên nhiên đem lại cho chúng ta phương pháp dễ hiểu và dễ học nhất. Khi ta cố gắng để dạy cho các trẻ em những quy luật về thần học trong bốn bức tường của lớp thì bên ngoài mặt trời chiếu sáng và thiên nhiên đang kêu gọi các em qua mắt mũi và xúc giác để phơi bày những kỳ quan và sự đẹp đẽ của Ðấng Tạo Hóa”. Vì lý do đó, chúng ta hiểu được tại sao khi tổ chức kỳ trại “lịch sử” vào đầu tháng 8 năm 1907, Baden Powell đã đưa các em đến đảo Brownsea.  Mặt khác, Baden Powell cũng hiểu tâm lý trẻ em là hiếu động, thích chạy nhảy, nô đùa ngoài trời hơn là thích ngồi trong các phòng ốc. Ta có thể nói mà không sợ quá đáng là: “ Tiếp xúc với thiên nhiên như là một nhu cầu tự nhiên của trẻ em.”
 2. Thiên nhiên-trường giáo dục tâm linh: Baden Powell viết: “Hướng Ðạo không phải là một câu lạc bộ, cũng không phải là một trường học Ðạo ngày chủ nhật nhưng là một trường giáo dục thiên nhiên, cần hoạt động ngoài trời nhiều hơn...Sự cảm nhận mạnh mẽ rằng thiên nhiên khả hữu tạo nên một bầu không khí dẫn đến sự suy tưởng về những điều cao hơn như nghĩ về Thượng Ðế, Ðấng Tạo Hóa...hay sự biến chuyển của vũ trụ như giông tố, núi lửa, sóng thần, động đất...”
      Cũng thấy được tác dụng của thiên nhiên đối với trẻ em trong việc giáo dục nên văn hào Pháp là Alexandre Dumas (fils) đã viết như sau: “ Nếu tôi là vua nước Pháp, tôi sẽ cấm trẻ em dưới mười hai tuổi sống nơi thành thị. Chúng phải sống nơi quang đãng, dưới ánh mặt trời, ngoài đồng nội, giữa cỏ cây và làm quen  với các súc vật, cùng sống trực tiếp với thiên nhiên. Nhờ đó thân thể chúng sẽ trở nên cường tráng, trí khôn minh mẫn, tâm hồn dạt dào ý thơ và chúng sẽ khao khát tìm tòi. Ðiều sau này rất hữu ích đối với giáo dục hơn bất cứ quyển văn phạm nào hiện hữu trên thế gian...”
     
Nhiều nhà giáo dục và tâm lý trẻ em cũng đã đồng quan điểm là dùng thiên nhiên như là một ngôi trường mà ở đó trẻ em học được nhiều thứ, trên hết là làm cho đầu óc chúng mở rộng tầm nhìn ra vạn vật và tâm hồn chúng trở nên quảng đại, hướng thượng và nghĩ đến tha nhân nhiều hơn. Nhưng chưa có một nhà giáo dục nào có một phương thức khả dĩ đưa các em đi vào thiên nhiên theo ý muốn của họ ngoại trừ Baden Powell, người sáng lập Phong Trào Hướng Ðạo. Baden Powell đã đề ra các nguyên lý và phương pháp Hướng Ðạo phù hợp với nhiều lứa tuổi khác nhau như Âú -Thiếu Thanh -Tráng để huấn luyện cho những thành phần này trở thành những công dân hữu ích cho xã hội đồng thời có một đời sống tâm linh phong phú. Phong Trào Hướng Ðạo đã bước sang năm thứ 105 với gần ba mươi triệu đoàn sinh có mặt khắp nơi trên thế giới.

                    C. Những Ðịnh Hướng Trong Việc Phát Triển Ðời Sống Tâm Linh
 I.  Chỉ dẫn của Văn Phòng Hướng ÐạoThế Giới: Trải qua những sinh hoạt tâm linh có tính cách thực tiễn của Hướng Ðạo Sinh thuộc nhiều tôn giáo trên thế giới, Văn Phòng Hướng Ðạo Thế Giới kể từ năm 1922 trở đi đã tu chính và đưa ra một số mẩu mực cho Hướng Ðạo Sinh dùng trong lúc tuyên đọc lời hứa. Vài ví dụ:
                             Phật giáo: Duty to my religion
                             Hồi giáo : To be faithful to God and follow in the footsteps of
                                              His Prophet and His Disciples
                             Hindu : Duty to my Dharma
                             Cơ Ðốc Giáo: Duty to God  
Thực hiện việc phát triển Ðời Sống Tâm Linh cho Hướng Ðạo Sinh là: Sự Khôn                     Ngoan, Sự Ðón Nhận, Sự Thờ Phượng, Làm Việc và Tiếp Cận Với Thiên Nhiên.
 1.             Khôn Ngoan (Wisdom) : Hướng Ðạo không buộc các em phải theo một mẩu mực định sẵn. Các em được mời gọi để “ Làm Hết Sức Mình” hầu phát triển đầy đủ đời sống cá nhân -trong đó có cả vấn đề tâm linh. Các em sẽ dễ thành công khi bước vào đời sống người lớn có đầy đủ khả năng, sự quyết tâm và tinh thần trách nhiệm để xây dựng một đời sống luôn luôn thăng tiến và hướng thượng.
2.             Sự Ðón Nhận (Welcome) : Một trong những đặc tính của trẻ là Muốn Chơi Ðược Chơi với bạn bè. Do đó ảnh hưởng của bạn bè đóng vai trò tích cực cho sự phát triển của trẻ. Hệ thống Hàng Ðội Tự Trị làm nền tảng cho phương pháp Hướng Ðạo: phân công trách nhiệm, chia sẻ với bạn bè, sinh hoạt dân chủ, tin tưởng vào nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Các em Ðược Ðón NhậnÐón Nhận Người Khác để từ đó phát sinh ra sự khoan dung. Kết quả là: Phát triển mặt tình cảm xã hội và phương diện tâm linh.
3.             Sự Thờ Phượng (Worship): Theo Baden Powell “ Tôn giáo thật là một việc rất đơn giản”. Ngoài việc kính mến và phụng sự Thượng Ðế theo đạo giáo của mình, Hướng Ðạo Sinh phải có những giây phút tâm linh không tách rời với những sinh hoạt thường nhật. Những giây phút tâm linh này giúp cho Hướng Ðạo Sinh có dịp suy ngẫm đến những sự kiện mà các em đã gặp và trải qua để các em hiểu được những giá trị của nó rồi từ đó tìm ra ý nghĩa của cuộc sống. Các sự kiện có thể là từ một bài hát, một bài thơ, lúc dựng lều, khi nấu ăn, tham dự trò chơi, lúc tĩnh tâm hay chào cờ...Việc Cầu Nguyện cũng cần thiết và cần quan tâm. Baden Powell viết: “Cần những giây phút nguyện gẫm về một vấn đề gì...” nhưng “Hãy để những lời cầu nguyện đến từ tấm lòng hơn là thuộc lòng lời nguyện”.
4.             Làm Việc (The Work): Năm 1996 tổ chức Văn Hóa Giáo Dục và Khoa Học của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) nhấn mạnh rằng: “ Học để biết không còn đủ cho thế giới hôm nay. Phải kèm theo học bằng việc làm. Học để nên người và học để sống với người khác”. Thông qua Luật Lời Hứa của Hướng Ðạo -“Giúp Ích” là làm việc trong tinh thần phục vụ. Hiến chương của Phong Trào Hướng Ðạo Thế Giới có đề cập đến việc “Tham gia vào việc phát triển xã hội  tức là làm việc trong phạm vi phát triển cộng đồng như công tác giáo dục (dạy học), y tế (chăm sóc sức khỏe cho người già, trẻ em...), dinh dưỡng (giúp kẻ thất nghiệp, vô gia cư...), chống kỳ thị, chống bài ngoại...Làm việc là cơ hội thể hiện lòng nhân ái và từ tâm - một trong những hình thức thực hiện Ðời Sống Tâm Linh của người Hướng Ðạo Sinh.
5.             Tiếp Cận Với Thiên Nhiên (Contact With Nature): Thiên nhiên đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển của trẻ em về thể lý cũng như tinh thần, đặc biệt là phương diện tâm linh. Nên đưa các em đến sinh hoạt ở những nơi khác nhau như sông hồ, thác nước, rừng núi, biển, hang động để các em cảm nhận được tình yêu thiên nhiên đối với cây cỏ, thú vật, trăng sao và chiêm ngưỡng những kỳ quan của vũ trụ và sáng tạo của Thượng Ðế. Khi đứng trước cảnh núi non hùng vĩ, các em là tín đồ Cơ Ðốc Giáo có thể liên tưởng đến những bài giảng của Ðức Chúa trên núi, các em Phật tử nhớ đến việc thái tử Tất Ðạt Ða lìa bỏ hoàng cung vượt qua sông A Nô Ma để vào nơi rừng sâu núi thẳm tu luyện tìm đường giải thoát chúng sinh. Khi thuật lại những lời của Abraham Lincoln trước cảnh trí vô cùng hùng vĩ của thác nước Niagara, John Wesley viết: “Những lời nói đó bao hàm tất cả các vấn đề về tạo vật, về sự hiện hữu của Thượng Ðế, về sự huyền bí và sức mạnh của vũ trụ, về lịch sử, về ý nghĩa cứu thế và về vận mệnh của con người. Sự thừa nhận có Thượng Ðế trong thiên nhiên và trong sự tin tưởng có một Ðấng Thiêng Liêng trong công việc làm của của loài người chỉ cách nhau một bước.”
             II. Thực Hiện Việc Phát Triển Ðời Sống Tâm Linh

1.    Ðối với Trưởng :
a/ Phải là tín hữu của một tôn giáo. Một Trưởng Hướng Ðạo không tôn giáo hoặc là kẻ vô thần thì không có đủ tư cách để giáo dục các em nhất là về phương diện tâm linh. Có một đạo giáo cũng chưa đủ, Trưởng Hướng Ðạo phải biết sống theo những điều dạy của đạo giáo mình.

b/ Phải làm gương tốt. Baden Powell luôn nhắc nhở rằng Trưởng là người luôn luôn phải nêu gương tốt cho các em mọi lúc mọi nơi. Trưởng dạy cho các em làm điều tốt điều thiện mà chính Trưởng là người không làm theo những gì mình nói với các em thì Trưởng đó nên xét lại mình xem có xứng đáng để “giáo dục” các em hay không! Trưởng không nên biện minh những điều sai trái của mình như hút thuốc lá, uống rượu, nói khoát, phát ngôn bừa bãi...trước mặt các em. Ðó cũng là những điều mà Baden Powell có nhắc đến trong cuốn “Ðường Thành Công” viết cho tráng sinh – những người nắm tương lai vận mệnh của Phong Trào. Tóm lại là Trưởng phải sống đúng tinh thần của Luật và Lời Hứa Hướng Ðạo.

c/ Yêu thiên nhiên: Ðứng trước thiên nhiên Trưởng Hướng Ðạo cảm nhận được “Vũ Trụ Vô Biên” và con người chỉ là một sinh vật nhỏ bé. Trưởng là người dạy cho các em  hiểu và yêu mến thiên nhiên, loài vật, cây cỏ...Trưởng dạy cho các em biết cám ơn thiên nhiên vì thiên nhiên đã cho các em biết bao điều hữu ích, ngoạn mục và nhất là tác động mạnh mẽ vào tâm hồn trong sáng của các em.
d/ Ý thức và chấp nhận việc phát triển Ðời Sống Tâm Linh.
Trưởng phải tham dự các khóa huấn luyện từ căn bản trở lên để thu nhận những kiến thức và kỹ năng mới của Phong Trào. Ðặc biệt là Trưởng  phải ý thức và chấp nhận một cách đứng đắn về vấn đề phát triển tâm linh. Tìm đọc tài liệu và ghi danh tham dự các khóa học về hướng dẫn tâm linh. Khuyến khích và sắp xếp cho đoàn sinh của mình tham dự các khóa học như Religion Award hoặc Religion Merit Badge do District hoặc Council tổ chức vì các đơn vị Hướng Ðạo Việt Nam đều nằm trong hệ thống của BSA hoặc GSUSA. 
e/ Làm việc thiện. Trưởng phải giải thích ý nghĩa và tác dụng của việc thiện và khuyến khích các em thực hiện mỗi ngày. Ðối với Sói Con là: Mỗi ngày làm vui lòng một người. Ðối với Thiếu sinh: Mỗi ngày làm một việc thiện. Châm ngôn của tráng sinh là: Giúp ích. Nhưng trên hết, Trưởng phải là người phải dấn thân vào những công việc thiện nguyện với tư cách là một thành viên của nhân loại, của quốc gia và của cộng đồng. Làm được điều đó, Trưởng mới có cơ hội thể hiện lời hứa “Giúp ích mọi người bất cứ lúc nào  một cách cụ thể trước khi khuyến khích và hướng dẫn các em thực hiện Lời Hứa thứ nhì.
f/ Tự học để thăng tiến. Trưởng Hướng Ðạo nên tìm hiểu các tôn giáo bạn để chia sẻ và kính trọng mọi người chung quanh. Ðọc sách thuộc các lãnh vực nhân văn như giáo dục, tâm lý, xã hội, văn học, kinh tế... để mở mang kiến thức.Tham dự các sinh hoạt đặc biệt như hội luận, hội thảo, thuyết trình các đề tài trên.Tìm hiểu các vấn đề liên quan đến sinh hoạt gia đình và cộng đồng để rút tỉa những  kinh nghiệm hầu làm phong phú  thêm cho sinh hoạt Hướng Ðạo.Thường xuyên viếng thăm gia đình các đoàn sinh để tạo sự liên hệ mật thiết giữa gia đình và Hướng Ðạo. Nên học hỏi nơi các Trưởng có kinh nghiệm về đời sống Hướng Ðạo và cách tổ chức sinh hoạt tâm linh cho đoàn sinh.
 2.    Ðối với đoàn sinh  Dù ở bất cứ lứa tuổi nào, trẻ em cũng đều thích chơi. Các em tự tìm ra cách thức để chơi, đồng thời tìm phương tiện để chơi như xử dụng các món đồ chơi, tự tạo ra các món đồ chơi, tìm nơi để chơi. Nếu không có đồ chơi thì các em chạy nhảy, leo trèo, đuổi bắt ngoài trời hoặc ngay cả trong phòng ốc. Dĩ nhiên các em cũng cần đến các em khác để cùng chơi. Ðiểm đáng lưu ý nữa là trong lúc chơi, các em đều có tâm lý là muốn hơn bạn bè như giành giật nhiều đồ chơi, chạy cho nhanh hơn, trình diễn hay hơn... Nếu chơi theo toán hay đội thì luôn luôn muốn toán hay đội của mình thắng toán khác đội khác. Khi càng lớn các em đều muốn thành công như muốn học giỏi, hoàn tất công việc tốt đẹp, ra trường đạt điểm cao, muốn kiếm việc làm tốt cũng như thành công trong việc giao tế xã hội. Như vậy giữa cá nhân của mỗi em đều có sự liên hệ gắn bó với những người và sự kiện chung quanh. Dựa vào những yếu tố trên, Trưởng phải biết hướng dẫn cho các em - ngoài việc chơi trong tinh thần Hướng Ðạo, các em còn biết được giá trị đích thực của sự liên hệ giữa người và người, giữa người và các biến cố chung quanh. Từ đó các em dần dần hiểu biết và khám phá ra rằng các em còn có một đời sống tâm linh tùy theo mức độ nhận biết của mình về vũ trụ. Cụ thể là các em được hướng dẫn để tham gia:
 a/ Các trò chơi: Các em được dự các trò chơi để phát triển khả năng của các em về sự tìm tòi khám phá, mưu lược, sự nhanh nhẹn, khéo léo. Các em được chơi chung với các bạn bằng Phương Pháp Hàng Ðội. Nhưng trên hết các em phải chấp hành các quy định của trò chơi trong đó có sự thẳng thắn và sự quan tâm đến kẻ khác như giúp cho các em không hiểu nội dung trò chơi, giúp các em có sức khỏe kém hơn mình để cùng được tham dự trò chơi một cách bình đẳng.
 b/ Trại : Các kỳ trại của đơn vị, trại liên đoàn, trại họp bạn miền trại họp bạn quốc gia hay thế giới sẽ làm tăng hiệu quả của việc nối kết sinh hoạt với tâm linh. Tình “Huynh Ðệ Hướng Ðạo”, anh chị em “Bốn Biển Một Nhà” sẽ dẫn đến sự hướng thượng vì mọi người đều có chung một niềm vui, một ước mơ và hy vọng.
 c/ Làm việc thiện: Nhắc lại câu chuyện Làm Việc Thiện của một Hướng Ðạo Sinh người Anh. Một  thương gia người Mỹ đến thủ đô Luân Ðôn vào một sáng sương mù dày đặt và không tìm được địa chỉ cần đến. Một cậu bé từ đâu chạy đến hỏi người khách lạ và biết người khách từ xa đến Luân Ðôn và vì sương mù nên đi lạc. Cậu bé tình nguyện dẫn đường cho người khách lạ để đến đúng địa chỉ của người khách muốn đến. Khi đến nơi, người khách muốn trả cho cậu bé tiền thù lao dẫn đường nhưng cậu bé không nhận. Người khách lạ hỏi cậu bé là ai thì cậu bé trả lời là “Hướng Ðạo” rồi vụt biến trong sương mù lạnh giá. Qua năm sau người khách trở lại nước Anh để tìm hiểu Hướng Ðạo là gì. Ông biết được Phong Trào Hướng Ðạo có từ  Anh do huân tước Baden Powell sáng lập năm 1907. Sau đó ông về Mỹ và vận động để thành lập Hướng Ðạo vào năm 1910. Ðó là ông William D. Boyle, người đã đem Phong Trào Hướng Ðạo từ Anh sang Mỹ. Hiện nay tại trại trường Gilwell ở Anh có một bức tượng Con Bò Rừng do hội Hướng Ðạo Mỹ tặng để nhớ đến sự kiện nói trên. Có rất nhiều việc thiện nhỏ rất cụ thể mà các Hướng Ðạo Sinh có thể thực hiện mỗi ngày chẳng  hạn như mở  cửa cho người già đi vào tiệm, nhặt một mẩu rác trong nhà ăn ở trường học, nhường chỗ trên xe bus...Các em được giải thích cặn kẽ về mục đích của việc thiện để các em hãnh diện việc  làm của mình.
 d/ Viếng thăm kỳ quan và thắng cảnh: Dạo biển, leo núi, chèo thuyền, thăm các thắng cảnh và kỳ quan thiên nhiên để các em khi đứng trước cảnh thiên nhiên sẽ dễ nhận ra thực tại tâm linh do sự cảm nhận và suy niệm. Những khung cảnh hùng vĩ và huyền bí sẽ kích thích sự tò mò của các em để từ đó các em tìm hiểu sự liên hệ mật thiết giữa người và vạn vật. Ðó là những suy niệm thuộc về tâm linh.
      e/ Sinh hoạt xã hội: Các em có thể đến thăm các cơ sở tôn giáo và xã hội như nhà dưỡng lão, trung tâm dành cho những người vô gia cư, trung tâm chăm sóc trẻ em, trung tâm sinh hoạt của những trẻ em phạm pháp...Các em cũng có thể tham gia sinh hoạt cộng đồng trong khu vực gia cư mình ở, trong trường lớp, cộng đồng các sắc tộc...Tham gia vào các công cuộc cứu trợ như lụt lội, bão tố, động đất bằng cách đi bộ gây quỹ, bán sản phẩm cứu trợ...Các em cũng có thể tham gia vào các sinh hoạt có tính cách văn hóa như trình diễn văn nghệ hoặc thi đua thể dục thể thao, võ thuật...Những sinh hoạt này giúp phát triển nhân cách và lòng nhân ái của mình.
      f/ Thăng tiến cá nhân: Ngoài việc học văn hóa ở trường, các em luôn phải kiếm cơ hội học hỏi để gia tăng kiến thức và đáp ứng được những nhu cầu cần thiết của đời sống và sở thích của mình như âm nhạc, hội họa, nấu ăn, điện toán, nhiếp ảnh, cơ khí , võ thuật, kịch nghệ...Ðặc biệt là các em tham gia các chương trình chuyên hiệu của Hướng Ðạo trong đó có chuyên hiệu về tôn giáo (Religion Merit Badge) và phần thưởng về tôn giáo (Religion Award).
            Ngoài ra, các em nên tổ chức các cuộc thăm viếng các bạn Hướng Ðạo cùng đội cùng đoàn để cùng nấu ăn, bơi lội , xem phim, đọc sách...để từ đó tình bạn chân thật được nẩy nở.
            D. Kết Luận
 Ðức Ðạt Lai Lạt Ma viết trong cuốn “Sống Hạnh Phúc-Chết Bình An” rằng: “Con người có đời sống tâm linh là những con người sống hạnh phúc ”.
Sở dĩ Phong Trào Hướng Ðạo đã vượt qua con số một trăm (100) năm là vì:
1/  Hướng Ðạo là một Phong Trào giáo dục thực tiễn dùng bối cảnh thiên nhiên để rèn luyện trẻ em về phương diện tính khí, óc tháo vát, tinh thần công dân và phục vụ tha nhân.
2/  Phong Trào Hướng Ðạo khuyến khích và hướng dẫn cho trẻ em có một đời sống tâm linh và luôn có tâm hồn trong sáng và hướng thượng.
Những đặc tính trên có thể gọi là Nhân Bản của Hướng Ðạo. Thay lời kết luận, xin mượn lời của giáo sư Fisher, một cựu phân khoa trưởng của đại học Oxford và đồng thời cũng là chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Anh Quốc như sau:
“ Phong Trào Hướng Ðạo là một trong những phát minh tốt đẹp nhất về mặt giáo dục cũng như những phát minh vĩ đại nhất. Thành công của Phong Trào này là ở chỗ nó đã đặt nền móng trên sự đánh giá một cách xác thực bản tính của trẻ em và nó đã tiếp xúc chặt chẽ với các yếu tố chân thực của bản tính con người, chứ không ly khai với những yếu tố ấy.”

Một Hướng Ðạo Sinh được hướng dẫn thực hiện đời sống tâm linh một cách đầy đủ và ý nghĩa mới có thể trở thành con người toàn diện về mặt thể lý, tính khí, tinh thần công dân và phục vụ tha nhân.

                                                            Hoàng Kim Châu RS

Tài liệu tham khảo
-          Scouting and Spiritual Development của World Scout Bureau, October 2001
-          Đường Thành Công của Baden Powell, bản dịch của Trưởng Nguyễn Tấn Đức & Nguyễn Thúc Toản
-          Quan Điểm Của B.P (B.P.’ Out Look), bản dịch của Trưởng Tốn Thất Sam
-          Dấu Chân Người Sáng Lập (Footsteps Of The Founder), bản địch của Trưởng Tôn Thất Sam
-          Một số sách báo Hướng Đạo Việt Nam
 (    Bài viết này đã được trình bày trong khóa VIII Truyền Thống & Văn Hóa Việt Nam – 2008)

No comments:

Post a Comment