Sau hơn nửa thế kỷ, khi nghe đến hai chữ "Du
Ca" thì nhiều người hiểu được và cũng có thể hình dung “Du
Ca" là mấy anh chàng và mấy cô nàng thích đi hát lang thang đó
đây bằng những bài ca sinh hoạt lành mạnh, vui tươi hoặc những bài nhận
thức ca để hướng dẫn và tác động đến người nghe theo chiều hướng
tích cực của xã hội. Không phải hát những bài hát thường vẫn nghe
trên các đĩa của các trung tâm ca nhạc…với lắm âm điệu “boléro” của một thời
mà ngày nay thiên hạ tại Việt Nam vẫn còn nhiều người hâm mộ, kể cả tại hải ngoại.
Ai đã từng hát hoặc nghe "Du Ca" mới có thể hiểu được
"mấy anh chàng và mấy cô nàng" này tại sao lại say mê những
bài "Du Ca" đến như vậy ? Để hiểu đầu đuôi ngọn ngành Du Ca
(hay Trầm Ca, tiền thân của Du Ca), bài viết ngắn này sẽ không đề cập
tới, quý độc giả có thể tìm đọc trên web ducavietnam.
Ban Trầm Ca với thân hữu Nguyễn Thạc
(hình giữa mang kiếng) và Huyền Trân (hình bên duoi)
Khởi đầu, Trầm Ca do mấy anh chàng lãng tử có máu
giang hồ của thành phố Đà Lạt ngày nào đi ca hát khắp nơi để rồi
sau đó hình thành cả một phong trào khắp nước (Việt Nam Cộng Hòa). Họ
bước ra ngưỡng cửa trung học là như "chim sổ lồng", bay xa
đến hơn 300 cây số để hít thở không khí nhộn nhịp và sinh động của thủ
đô Sài Gòn. Cũng may là họ thuộc vào thành phần "nghèo" (nhưng
không phải là bần cố nông!) nên mấy anh chàng lãng tử này có một
lối chơi hơi khác lạ nếu đem so với số đông bè bạn khác khi “tung
cánh chim tìm về thủ đô". Chân ướt chân ráo xâm nhập vào đất Sài
Gòn mà mấy chàng này đã bạo gan bạo phổi thành lập "một ban
hát" lấy tên là "Trầm Ca". Vậy Trầm Ca là gì? Giải
thích chữ nghĩa như vầy cho gọn: Trầm là trầm tư, nghĩ suy, còn Ca -
dĩ nhiên là ca hát. Dễ hiểu vậy thôi! Hát cho người nghe để mong cho
người nghe phải suy nghĩ hóa ra cũng là điều lạ lẫm. Mục đích là
gì khi "Trầm Ca"? Mấy chàng lãng tử lại giải thích đại
khái là: Trong thời buổi chiến tranh, thiên hạ, nhất là giới Trẻ phải đối
đấu với những thực trạng xã hội trước mắt, đa số đã lên đường theo nghiệp binh
đao, phục vụ trong guồng máy chính quyền Cộng Hoà nhưng còn một số không nhỏ rất
bi quan trước thời cuộc nhưng lại không có hướng đi, không có một một môi trường
thích hợp để dấn thân sinh hoạt phục vụ. Trầm Ca dùng văn nghệ hay nói rõ hơn
là dùng lời ca tiếng hát để đến với mọi người qua những sinh hoạt như trại, hội
thảo, công tác xã hội và ngay cả trong các khuôn viên trung học, đại học, các
cơ sở văn hóa giáo dục… Họ ca hát trong quân y viện cho các thương bệnh binh
VNCH, trong quân trường, trung tâm chiêu hồi, trại tù binh…Nói chung là họ có mặt
nhiều nơi để đem không khí tươi vui phấn chấn cho nhiều thành phần trong xã hội
Miền Nam Việt Nam. Ảnh hưởng tác động của Trầm Ca không ít và đó là nguyên nhân
để hình thành Phong Trào Du Ca được chính thức thành lập tháng 12 – 1966.
Khóa
Thanh Ca Tác Động tại Vùng IV
Trầm Ca quy tụ sáu chàng lãng tử Đà Lạt là Nguyễn Đức Quang,
Hoàng Kim Châu, Hoàng Thái Lĩnh, Đinh Gia Lập, Nguyễn Quốc Văn và Trần Trọng Thảo.
Sáu chàng này đều xuất thân từ trường trung học công lập Trần Hưng Đạo và đang
theo học đại học. Khi về Sài Gòn có thêm một thành viên, đó là Đỗ Phương Oanh,
giáo sư trường Quốc Gia Âm nhạc.
Trước khi Phong Trào Du Ca chính thức thành lập, với sự yểm
trợ của Nha Kế Hoạch thuộc Bộ Thanh Niên do anh Hoàng Ngọc Tuệ làm giám đốc, Trầm
Ca đã mở nhiều lớp “Thanh Ca Tác Động” ở bốn Vùng Chiến Thuật và những học viên
này chính là những “nhân” của các Toán Du Ca sau này. Sau ngày 30 tháng Tư –
1975 Phong Trào Du Ca bị cấm hoạt động.
Đầu đàn của Ban Trầm Ca là Nguyễn Đức
Quang đã xa anh em bạn bè tháng 3 – 2011. Trong biến cố Mậu Thân 1968, Nguyễn
Quốc Văn đã hy sinh tại mặt trận Gò Vấp - Gia Định. Hiện nay Hoàng Thái Lĩnh,
Trần Trọng Thảo và Đinh Gia Lập sống tại Việt Nam. Đỗ Phương Oanh sống tại Pháp
và Hoàng Kim Châu tại Hoa Kỳ. Phong Trào Du Ca vẫn sinh hoạt không chính thức tại
Việt Nam. Tại hải ngoại cũng không thiếu tiếng hát Du Ca. Hoàng Thái Lĩnh sau lần
đi Mỹ hụt (bị chận tại phi trường Tân Sơn Nhất tháng 7 -2009), lần này đã đến
Hoa Kỳ hôm 21 tháng tháng 9 – 2017. Dịp này, ngoài việc thăm thân nhân và đi
nhiều nơi xem thắng cảnh, Lĩnh cũng gặp một số bạn bè thời trung học và đại học.
Hôm 24 tháng 9 có một cuộc họp mặt cựu học sinh Trần Hưng Đạo và Bùi Thị Xuân quy
tụ gần 50 anh chị em của thành phố Anh Đào và sương mù.
Khóa huấn luyện
Thanh Ca Tác Động vùng II. Anh Đỗ Ngọc Yến (hình bên phải, hàng đầu bên trái)
Hôm 28 tháng 9 một cuộc họp mặt đặc biệt được tổ chức tại tư
gia anh chị Hoàng Ngọc Tuệ ở thành phố Santa Ana để mừng đón anh Hoàng Thái
Lĩnh (từ Việt Nam) và Hoàng Kim Châu (từ Texas) đồng thời với anh Nguyễn Thiện
Cơ, trưởng Du Ca tại Việt Nam trước 1975. Ngoài anh chị Hoàng Ngọc Tuệ, có các
anh Phạm Quốc Bảo và Đinh Quang Anh Thái, chị Minh Phú (báo Người Việt), các
anh Hồ Đăng, Lý Nhật Hui, Nguyễn Cửu Lâm, Nguyễn Bá Thành, Hưng Doãn, Thái Trần,
David Tống, Quế Lê, anh Hưu… các chị Đỗ
Ngọc Yến (chị Lã Phương Loan), Bích Hạnh, Phạm Đỗ Thiên Hương, Ngọc Diệp, Phạm
Thị Hường, Thúy Vy, Phương, Diễm Khanh, Ngọc Mai, Theresa Nguyễn, Thanh Thủy,
Tiên Trần, Minh Nguyễn, Hồ Thanh Thanh, chị…Doãn. Cũng có mặt các bạn thân Đà Lạt
của Lĩnh là vợ chồng Phạm Bá Đức, Phún Tắc Ón. Hai thành viên của Ban Trầm Ca
được anh Hoàng Hoàng Ngọc Tuệ ưu ái giới thiệu cùng mọi người. Lĩnh và Châu nói
đôi lời cám ơn ngắn gọn và sau đó là chương trình hát Du Ca liên tục được tất cả
mọi người cùng hát một cách say sưa với những bài ca của Nguyễn Đức Quang: Việt
Nam Quê Hương Ngạo Nghễ, Anh Em Tôi, Chiều Qua Tuy Hòa, Cùng Xóa Niềm Đau, Đoàn
Ta Ra Đi, Không Phải Là Lúc, Người Yêu Tôi Bịnh, Về Với Mẹ Cha…cùng với một số
tác giả Du Ca khác như Trần Huân, Lê Gioãng, Nguyễn Hữu Nghĩa, Bùi Công Thuấn,
Ngô Mạnh Thu, Giang Châu…Dịp này, Hoàng Thái Lĩnh và Hoàng Kim Châu trình bày một
số bài hát dân ca ba miền là những bài khởi thủy Ban Trầm Ca thường trình bày
trong những lần sinh hoạt như các bài Lý Con Sáo (Bắc– Trung – Nam), Hát Hội
Trăng Rằm, Qua Cầu Gió Bay, Hò Nện, Trống Cơm, Lý Chim Quyên, Ới Hoa Đẹp, Chuốc
Rượu…
Mọi
người ưu ái thăm hỏi về đời sống và sinh hoạt của anh chị Hoàng Thái Lĩnh và
cùng nhắc nhở những chuyện xưa, anh chị em mới gặp lần đầu tiên cũng có dịp
chuyện trò trao đổi thân tình. Dịp này anh Hoàng Ngọc Tuệ cho xem bản viết tay
của tác phẩm “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” mà Nguyễn Đức Quang đã ký tặng anh.
Chiếc bánh có ghi “Mừng Du Ca Họp Mặt” được vợ chồng Hoàng Thái Lĩnh và vợ chồng
Hoàng Kim Châu cùng cắt để chia sẻ hương vị ngọt ngào ấm cúng. Những tiếng hát
nồng ấm của đêm họp mặt đã xua tan cái lạnh đầu thu và khi chia tay ra về, mọi
người còn nghe văng vẳng đâu đây… “Ta như nước dâng, dâng tràn có có bao giờ tàn. Đường dài ngút ngàn
chỉ một trận cười vang vang”…Trầm Ca picnic hồ Than Thở (từ trái sang phải: Hoàng Thái Lĩnh, Phương Oanh, Anh Đỗ Ngọc Yến, Hoàng Kim Châu, Chị Thảo – Quy và Quỳ (em và cháu của anh Hoàng Ngọc Tuệ).
Hình phải: bên hồ Xuân Hương: ngồi phía sau: Nguyễn Quốc Văn,
Chị Quỳ. Ngồi phía trước: Chị Quy, chị Thảo, Hoàng Kim Châu. Đứng: Đinh Gia Lập.
Ngồi bên phải: Trần Trọng Thảo và Phương Oanh.
Trái: Đỗ Ngọc Yến và Phạm Duy nghe Trầm Ca
Giữa và Phải: Trầm Ca lên Đà Lạt
Hình Ảnh Họp Mặt Du Ca
(28 tháng 9 – 2017)
Cuộc Họp Mặt Bỏ Túi
Những tấm ảnh kèm theo đoạn viết này
được chụp tại cuộc họp mặt bỏ túi với anh chị Hoàng Ngọc Tuệ, anh chị Đỗ Quý
Toàn, anh chị Phạm Bá Đức và Phún Tắc Ón (bạn học tại Đà Lạt của Châu và Lĩnh)
vào ngày 30 tháng 9 - 2017. Người tổ chức cuộc họp mặt này là chị Bích Hạnh. Chị
Bích Hạnh cho biết sở dĩ có buổi họp mặt này là do lòng ưu ái với Trầm Ca mà chị
đã biết và ái mộ từ lâu…
Rất vui được gặp anh
chị Đỗ Qúy Toàn. Hôm họp mặt Du Ca tại nhà anh chị Hoàng Ngọc Tuệ không có mặt
anh chị Toàn vì bận. Cũng cần nhắc lại, khi Trầm Ca lang thang mấy năm đầu ở
Sài Gòn, ngoài anh chị Hoàng Ngọc Tuệ, anh chị Đỗ Ngọc Yến và một số anh em
trong chương trình công tác hè CPS, anh chị Đỗ Quý Toàn là những người đã đóng
góp rất nhiều vào sự ra đời của Phong Trào Du Ca. Hơn nữa, anh chị còn là huynh
trưởng Hướng Đạo nên Ban Trầm Ca cũng thường xuyên gặp anh chị, đặc biệt khi Trầm
Ca lập một Toán Tráng lấy tên là Sóng Việt để sinh hoạt với Tráng Đoàn Nguyễn
Trung Trực, Đạo Cửu Long. Buổi họp mặt nhỏ hôm đó, có lẽ chị Bích Hạnh là người
vui nhất vì đối với Ban Trầm Ca, ngoài Nguyễn Đức Quang, chị chưa bao giờ gặp bất
cứ ai trong số những người còn lại. Anh chị Tuệ, anh chị Toàn cùng Hoàng Thái
Lĩnh và Hoàng Kim Châu nhắc lại những mẩu chuyện của những ngày mà sáu anh em lang
thang ca hát giữa chốn phồn hoa Sài Gòn. Hoàng Thái Lĩnh nhắc chuyện ở trọ nhà
người quen đường Nguyễn Huệ và chuyện ở trên chuồng cu của văn phòng Hội Hướng
Đạo Việt Nam được hai hôm thì bị đuổi… Hoàng Kim Châu nhắc chuyện ở garage nhà
anh chị Tuệ, chuyện ăn cơm tháng thiếu tiền được anh Đỗ Ngọc Yến mang tiền đến
trả ở quán cơm bình dân của chị Tư, đầu đường Ngô Tùng Châu, chuyện tổ chức các
khóa Thanh Ca Tác Động (TCTĐ) ở bốn vùng (vùng I tại Huế, vùng II tại Đà Lạt,
vùng III tại SàiGòn, vùng IV tại Vĩnh Long).
Phong Châu
No comments:
Post a Comment