Ban Biên Tập: H K Châu, L N Hui, Ng L Hương, C Ng Cường, Ng C Lâm, Ng Đ Thắng, NTHương

Thursday, October 26, 2017

Tư liệu NGÀNH SÓI





Tác giả: Cung Giũ Nguyên
Viết về Sói cho những Sói Con không phải con sói
1. Chó Sói
2. Tăm tiếng của Sói
3. Người sói
4. Sói xảo quyệt và hung bạo
5. Tay dài để dễ siết chặt, răng nhọn để dễ nhai xương
6. Vong ân
7. Hô hào hòa bình hòa giải
8. Tự do trên hết
9. Sói từ tâm
10. Sói triết gia
11. Sói mẹ hiền
12. Sói Hướng Đạo
13. Những danh từ Sói dùng
14. Ví dụ vài điều Sói Con đã chấp nhận 

NỘI DUNG

1. Chó Sói
Rừng Việt Nam hình như không có thứ thú nầy. Hình dung của nó có thể tưởng tượng khi chúng ta thấy những chó được nhiều gia đình nuôi, thứ chó Tây, giống Đức, gọi là “lu” ( loup = chó sói ), hay gọi là “béc-rê”, do chữ Pháp “berger” có nghĩa là người chăn cừu, vì thứ chó giống như sói đó, ở những nước Âu Tây được dùng để giúp vào việc chăn những bầy cừu.
Chó sói có nhiều cỡ, tùy theo giống tại mỗi nước. Nó có thể dài từ 1m30 đến 1m70, từ mũi đến chóp đuôi, cao từ 60 đến 90 cm, đo từ vai xuống, và nặng từ 18 đến 80 ký. Mõm dài, đuôi dài, hai tai thẳng đứng; góc độ nhìn của mắt lớn, có thể thấy hai bên không phải ngoảnh đầu.
Sắc lông có thể toàn trắng, đó là giống ở miền Bắc địa cầu, hay xám, nâu hay đen, hay xám lẫn đen hay bụng vàng lưng đen v.v… Cũng có chó sói màu đỏ, giống nầy nhỏ hơn chó màu xám.
Chó sói có thể ở nhiều nơi, từ thảo nguyên (đồng bằng có cỏ lớn) đến rừng rậm, miễn là chỗ ấy có mồi để sinh sống. Núi cao và sa mạc thì không có chó sói. Số sói đông nhất hiện nay sống ở Gia Nã Đại và Alaska ( Bắc Mỹ)
Sói sống thành bầy, thường gồm một sói đực lớn, sói cái và sói con một hay vài năm tuổi. Một bầy có thể đến 36 con, nhưng nhiều bầy lại chỉ có từ 2 đến 8 con thôi. Mỗi bầy dành cho mình một lãnh thổ để sinh sống rộng từ 130 đến 13.000 cây số vuông, và sẽ chống cự lại những thú khác đặt chân vào lãnh thổ đã chiếm. Sói sống theo một trật tự nghiêm ngặt. Sói đầu đàn, thường là con đực, được những nhà nghiên cứu động vật gọi là con đực an pha (alpha), con cái lớn nhất của bầy là cái an pha, phục tòng đực an pha, nhưng chế ngự tất cả sói khác trong bầy.
Sói sống theo hai lối trong năm, từ Xuân đến Thu thì sống cố định, mùa Thu và Đông thì sống di chuyển, nay đây mai đó. Trong thời gian sống cố định, hoạt động của sói là săn sóc các sói con ở hang hay chỗ ở khác. Mùa Thu thì hoạt động không chú trọng đến những con nữa, sói lớn đi săn một mình. Lúc đó sói con cũng có thể đã đi theo sói lớn, cho đến năm sau thì cả bầy đều đi săn chung trong lãnh thổ của mình. Tuổi thọ của chó sói sống hoang dã trung bình là mười năm.
2. Tăm tiếng của Sói

          Không có thú vật nào bị hiểu lầm, sợ, ghét, bách hại bằng chó sói. Nhưng cũng không có thú nào được danh vọng trong văn chương và lịch sử nhân loại bằng chó sói. Sói đã có công nuôi dưỡng con người sau nầy làm vua đầu tiên của La Mã (Rome), và chẳng thua gì các vĩ nhân, chó sói đã được tạc tượng để tôn vinh như qua pho tượng đồng danh tiếng Sói Cái với hai song sinh, Romulus và Remus đang bú. Sói được ca tụng trong văn chương, như là một loại anh hùng khinh thường cái chết, mà con người có thể bắt chước. Sói ngày nay tiếp tục được nhắc đến với tình cảm trong một tác phẩm của một đại văn hào Anh, nói chuyện Sói lo che chở, muôi dưỡng và giáo dục một bé-người mà sói đặt tên là Mowgli.
3. Người sói
Đó là nhân vật thuộc mê tín dị đoan, hơn là có thật. Chúng ta có thể liên tưởng đến những nhân vật trong truyện Tàu như Liêu Trai Chí Dị, trong đó nói đến những hồ ly tinh, hay những người hiện từ những nấm mồ, hay những mỹ nhân như trong Bích Câu Kỳ Ngộ, thoát từ một bức tranh để trở thành người thiệt. Ở Âu châu, người ta có chó sói-ma, hay sói hóa người, người hóa sói (loup-garou, were-wolf). Có thể đó là những con người thật làm điều phi pháp mượn lốt chó sói để dấu căn cước và xóa vết tội ác. Các làng quê ở Pháp dùng chữ “chó sói” để dọa con nít, như tiếng “ông kẹ” của chúng ta.
4. Sói xảo quyệt và hung bạo
Trong truyện ngụ ngôn của La Fontaine (văn hào Pháp, thế kỷ 17) được biết đến nhiều, vì có dịch ra tiếng Việt, có nhiều bài nói về sói cho thấy tánh xảo quyệt và độc ác của chó sói.
Luật kẻ mạnh bao giờ cũng là thứ tốt nhất, một cừu con đang uống nuớc nơi một suối trong, bỗng một chú sói đói đang đi tìm mồi thấy cừu, liền la lên (chúng ta nhớ chúng ta đã vào trong thế giới đặc biệt mà những thú vật biết nói, và nói đủ thứ tiếng, để cho người thuộc nước nào cũng hiểu được): “ Con nhỏ kia, tại sao mầy dám đến quấy phá chỗ ta giải khát ? - Thưa Ngài, con có dám đâu, con đang ở dưới dòng cách xa trên ấy nhiều. – Mày vẫn quấy phá, mà năm ngoái năm kia, mày đã nói xấu ta – Làm sao được, lúc đó con chưa sinh ra - Nếu không phải mày, thì cũng là anh mày, hay bố mẹ, bà con giòng họ mày, những chủ chiên với chó của chúng có tha gì ta đâu.” Viện cớ ấy, chó sói chụp cừu con đem vào rừng xơi tái.
Một chó sói thấy bị thiệt thòi không đến gần được những con cừu béo bở, kiếm được miếng da chồn, rồi nai nịt như một kẻ chăn chiên, không thiếu mũ, áo choàng, cây gậy và cái kèn, ước gì viết được cái mão nấy chữ “Ta là Guillot, chăn bầy nầy đây” để được tin và sợ hơn nữa.
Tên Guillot thật đang ngủ ngon trên bãi cỏ, với chó bên cạnh cũng ngủ say cùng một số cừu. Chó sói muốn thêm vào y phục cả tiếng nói của người chăn chiên nữa, nhưng khốn nỗi làm sao bắt chước cho đúng giọng được. Sói vừa lên tiếng, tất cả giật mình vì nghe tiếng lạ. Thế là Guillot và các con vật đều vùng dậy, phát giác chó sói đang vùng vẫy trong áo quần vay mượn. “Kẻ gian manh thế nào cũng bị lật tẩy”, nhà ngụ ngôn kết luận như vậy. Chẳng hiểu ông viết ngụ ngôn ấy có dựa vào ý của câu trong Phúc Âm hay không: “Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ gia, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong họ là sói dữ tham mồi” ( Matthieu, VII, 16 ).
5. Tay dài để dễ siết chặt, răng nhọn để dễ nhai xương
Không phải chuyện ngụ ngôn, mà chuyện đời xưa, có lẽ để khuyên các trẻ con đề phòng chó sói, đừng đi một mình ra khỏi nhà hay phiêu lưu trong rừng. Chuyện Cô Bé Quàng Khăn Đỏ (Le petit chaperon rouge), trẻ nào mà không nghe nói đến hay xem qua phim hoạt họa: Chó sói khi biết được cô bé đi thăm bà ở phía trên kia rừng, đem thức ăn cho bà lâm bệnh, đã chạy trước đến nhà ấy, và giả giọng của bé gái kêu cửa mới mong được chủ nhà giở then cửa. Sói vào nhà, xơi xong bà nội, leo nằm trên giường, trùm mền lại. Cô bé đến kêu cửa . Sói giả giọng bà, “Đỡ then lên, cửa sẽ mở”. Bé bước tới bên cạnh giường thăm bà, vuốt ve bà: ”Sao tay bà dài thế ? – Để dễ ôm choàng cháu. – Sao răng bà dài thế “ – Để dễ nhai xương cháu…”
6. Vong ân
Vong ân, ngược ngạo, phản trắc, cũng là đặc tánh nhà ngụ ngôn gán cho chó sói. Một con tham ăn sao đó mắc cục xương trong cổ suýt chết. May có một con cò đi ngang qua. Sói làm dấu gọi cho cò đến, hả họng ra, van xin cứu giúp. Cò đưa mỏ vào cuống họng sói gắp được xương ra. Rồi để đùa chơi, cò đòi sói trả tiền tiểu phẩu. – Tiền ? Mày còn dám đòi tiền ta ? Đưa cái đầu mày vào thấu họng ta mà rút ra được an toàn, là may cho mày lắm rồi. Đã không cám ơn ta đã tha mày lại đòi tiền. Đời thuở nào có chuyện như vậy.
7. Hô hào hòa bình hòa giải
Sói tranh đấu cho hòa bình. Sau ngàn năm hay lâu hơn nữa chiến tranh liên tục với cừu, giống sói cầu hòa. Đó là lợi cho cả hai phe. Thế là hòa giải đã xong, hòa bình long trọng ký kết. Dưới sự chúng kiến của những ủy viên, hai bên giao nhau con tin, sói trao sói con, người chăn chiên trao chó của mình. Nhưng rồi sau một thời gian, những sói con trưởng thành không quên được bản năng khát máu và giết chóc, sẵn sống trong chuồng cừu, giết một số đem về hang động chúng sau khi đã mật báo cho đồng loại biết. Những con chó làm con tin bên phía địch, chẳng biết gì, tin nơi hòa ước, ăn no ngủ kỹ, và bị sói lớn sói nhỏ đến cắn cổ trong khi chúng ngủ, và bị phân thây, trừ một con chạy thoát được. Nhà ngụ ngôn, không biết có muốn nói kháy chuyện của con người hay không, nhưng đã kết luận một cách chán chường: “Đối với kẻ dữ phải chiến đấu không ngừng. Hòa bình tự nó tốt thật đấy. Tôi đồng ý, nhưng làm sao nói chuyện hòa bình với những kẻ thù ngụy tín ?”
8. Tự do trên hết

Một chó sói đói lâu ngày chỉ còn da bọc xương, vì những chó săn theo đuổi mãi khỏi những nơi sói dễ tìm mồi. Gặp một chó nhà to lớn, mập mạp bảnh bao, sẩy chuồng đi lạc đường. Sói cũng muốn tấn công, phân thây, và xơi thịt, nhưng phải chiến đấu mà kẻ thù to lớn sung sức, không biết ai sẽ thắng ai. Sói bèn giở trò khiêm tốn, làm quen, với những lời ca ngợi, nào tốt tướng, nào vẻ đẹp ngon lành. Chó nhà bảo: “Có gì khó đâu, ngài cũng có thể như tôi. Hãy bỏ rừng đi, di cư qua đây. Bà con giòng họ ngài đều sống trong cảnh khốn cùng, đê hèn suốt kiếp, số phận chỉ là để chết đói. Chẳng có gì bảo đảm, chẳng có những bữa ăn đều đặn ngon lành, có cướp giựt mới được chút mồi bỏ miệng. Hãy đi theo tôi đây, để đổi đời đi.” Chó sói: “Mà để được như vậy, tôi phải làm công việc gì?”, “Chẳng có gì đâu, canh chừng đuổi bọn bị gậy đến ăn xin hay ăn cắp, nịnh chủ nhà, thế là có tha hồ những thức dư thừa của các buổi tiệc, xương gà, xương bồ câu, tha hồ, chưa nói đến những vuốt ve của chủ.” Sói đã xiêu lòng, nhưng chợt nhận ra nơi cổ chó nhà có chỗ không còn lông . “Nhưng cái gì đó?” “Chả có gì đáng kể, đó chỉ là dấu vết của cái vòng tôi mang”. “Ông phải mang vòng, phải bị xiềng xích à? Ông không được chạy đi đâu ông muốn ?” “Mà chạy đi đâu, có cần gì nữa. Có ăn no là đủ”. “Thế thì không, không, không bao giờ . Có những bữa ăn của ông mà phải trả giá ấy, không, không, tôi chẳng muốn chút nào”, vừa nói, chó sói vừa chạy đi ngay, và nay đang còn chạy.
9. Sói từ tâm
Nhưng có tác giả đã viết ngược lại ngụ ngôn “ Chó Sói Và Cừu Non” cho thấy sói cũng từng bị những con cừu con ăn hiếp. Có lẽ thứ sói nầy là thứ sói đã giác ngộ, ăn trường trai và chuyên chiêm niệm. Chúng tôi đã đươc phép tác giả trích lại đoạn sau đây :
Tôi ( Tôi – A Dong hay Adam khi cai quản Địa Đàng)
Tôi đã phải can thiệp giữa một chú cừu con
Ai hiểu sao thì hiểu
Đang đuổi một chó sói to gấp bốn lần nó
Và con vật đáng thương hại nầy
Vì răng quá dài để tìm được chỗ trốn
Chó sói run mình như cái sấy
Toát mồ hôi trước cừu con hung dữ
Đã làm mờ mắt chó khi phun bụm sữa chua
Nó đã giữ trong miệng để chơi
Rồi cứ mãi kêu be, be, như để tố cáo
Và thức tĩnh lương tri kẻ chuyên môn đàn áp.
Này, sói, sao lại đi chọc chú bé như thế ?
Mày phải biết giống sói có thể bị tiêu diệt
Vì những tiếng be, be, của tòan thể cừu con trên thế giới
Thưa, tình thương là nguyên nhân đó thôi
Tôi không thể không yêu thương dù có phải rủi ro
Tình yêu làm tôi quên hết mọi thành kiến
Tôi tưởng tình thương xóa được hận thù
Và làm cho các cừu trở nên thương chó sói
Tôi đã liếm môi của mõm xinh xinh
Để kiến khỏi cắn nó khi cừu con ngáy ngủ
Vì còn sữa mẹ lưu lại nơi mồm
Mẹ cừu không có đó, có lẽ đang theo đuổi
Cho đến chết thân thuộc tôi lạc bước đâu đây
Rồi tôi muốn siết cừu con với chân tôi
Để đạt nó ấm áp trong lòng
Tôi xúc động vì thương yêu phục vụ với hy sinh
Ngờ đâu cừu con tĩnh dậy hiểu lầm thiện ý
Tưởng tôi thèm hơi thở hay thịt nó
La làng lên với tiếng kêu chát chúa không thôi
Sói, sói, giết lấy sói,
Giết con thú quyến rũ, giết con vật sát sinh !
Ai tin được một chó sói bây giờ chỉ ăn rau quả
Từ sáng đến chiều suy gẫm triền miên
Chỉ ăn vài trái thối và lá chết
Ai tin được một chó sói thương xót kẻ yếu mềm
Ai tin được một chó sói hữu ích sẵn sàng giúp ích
Chó sói từng bị vu cáo với chuyện bịa đặt
Ai tin chó sói đã bị một cừu non đuổi chạy dài
Một cừu con xảo quyệt, dối trá, lưu manh
Khai thác lý lịch trong lành
Nhưng độc ác mãi mãi tuyên truyền
Hận thù vạn đại của giống cừu
Và bất cứ con vật nào cùng họ với sói
Và tôi phải bảo vệ chó sói nạn nhân đau khổ
Thoát đi đến tận phương xa
Nơi không còn nghe nữa
Những tiếng be be hung dữ của cừu con
10. Sói triết gia
Một thi sĩ lãng mạn Pháp ở thế kỷ 19, Alfred de Vigny, lại có bài “Cái Chết Của Chó Sói” (La Mort du Loup), thuật lại chuyện ông được chứng kiến: Một chó sói bị nhiều thợ săn ví được và dùng súng và dao tấn công con thú không còn đường thoát. Thi sĩ đã thấy cái nhìn của con thú trong những phút cuối cùng của nó, và hình như đã nghe được bài học của chó sói, muốn nhắn gởi với người đời:
Rên xiết, khóc than, cầu khẩn, đều là hèn nhát cả,
Hãy cương quyết làm tròn nhiệm vụ lâu dài và khổ nhọc của anh
Theo đương lối định mệnh đã muốn kêu gọi anh dấn thân vào đó.
Rồi thì, theo gương ta, chịu đau đớn và chết chẳng thốt một lời.
11. Sói mẹ hiền
Thứ sói nầy đã được dựng tượng vì đã nuôi hai anh em song sinh, mà một trong hai anh em sau nầy trở thành vị vua đầu tiên của La Mã ( Rome). Chuyện kể là Enée, con của thần Mars dan diú với nàng Rhea Silvia. Nàng sinh đôi hai trai được biết dưới tên Romulus và Rémus. Nhưng vì nàng là một nữ tế, có chức vụ châm lửa nơi đền thờ nữ thần Vesta, phải khiết trinh không thể có con được. Cậu của nàng, là vua xứ Albe, cho bỏ hai trẻ sơ sinh trong giỏ và đem thả trôi trên sông Tibre. Hai trẻ được một sói mẹ vớt lên và nuôi nấng. Bức tượng đồng danh tiếng cho thấy Romulus và Remus đang bú sữa chó sói. Mà có lẽ vì đã bú thứ sữa ấy, hay nhờ đó mà dân La Mã (Romains) nổi tiếng là dân háo chiến và xâm lăng; huống chi ông nội của hai sơ sinh lại là thần Hỏa (Mars), Thần Chiến Tranh nữa. Lớn lên, Romulus và Rémus đã sống một đời trộm cướp, cho đến khi có ý nghĩ dựng lên một thành trì trên núi Palatin, vào năm 753 trước Công Nguyên. Lúc đó, sau một cuộc cãi cọ, Romulus đã giết Remus. Để có dân, Romulus không ngần ngại đón nhận những dân tị nạn sau khi đã bắt cóc những con gái Sabines. Romulus trở thành vua đầu tiên của Rome (La Mã), trị vì được 33 năm, và biến mất trong một cơn giông. Ngưới La Mã vốn theo thuyết đa thần, đã thờ Romulus dưới tên thần Quirinus.
12. Sói Hướng Đạo
Lai lịch:
Sói Hướng Đạo chẳng có bà con gì với các sói hung dữ và sói trong những huyền thoại kể trên, Sói Con và Sói Già trong phong trào Hướng Đạo Thế Giới thuộc một thế giới tưởng tượng và biểu tượng khác. Phải nhớ đến hai người cũng gốc Tây phương đã có công dựng nên thế giới vui chơi và hữu ích ấy ; một là Huân Tước Baden Powell, người sáng lập phong trào Hướng Đạo (Scout). Ngành Sói (Cubs) của Anh Quốc là ngành thành lập sau cùng, được phu nhân Lady Olav, vợ của Huân Tước Baden Powell, điều khiển. Trước đó đã có ngành Thiếu (Scouts) rồi đến ngành Tráng (Rovers) của Huân Tước Baden Powell; và ngành Nữ Hướng Đạo (Girl Scouts) do em gái của Huân Tước Baden Powell là Agnes Baden Powell thành lập.
Nhân vật thứ hai gián tiếp giúp cho ngành Sói, hay ít ra giúp cho khung cảnh sinh hoạt của ngành Sói, là đại văn hào Rudyard Kipling, tác giả của Sách Rừng xanh, bạn của Huân Tước Baden Powell. Ông Rudyard Kipling sinh ở Bombay và từng sống và làm việc tại Ấn Độ. Huân Tước Baden Powell mượn khung cảnh của Sách Rừng Xanh để làm khung cảnh cho việc giáo dục các Ấu Sinh. Nói cho rõ, không phải tất cả hai cuốn Sách Rừng Xanh (The Jungle Books, I, II), mà chỉ cần chương đầu của quyển Một, có tiểu tựa Những Anh Em Của Mowgli.
Các Sói Con Hướng Đạo hay các Akela, bầy Trưởng, đều biết quyển truyện danh tiếng ấy của Kipling, thật ra danh tiếng riêng về sách là nhờ Huân Tước Baden Powell mới thêm được nhiều độc giả trong số những Sói Hướng Đạo (hay Cubs) trong các Hội Hướng Đạo trên thế giới. Tuy nhiên, sự hâm mộ ấy có phần bất lợi cho Kipling, vì làm cho người ta thường nghĩ Sách Rừng Xanh chỉ là truyện viết cho trẻ con, mà không còn thấy đó là một kiệt tác văn chương.
Trong chương đầu của Sách Rừng Xanh, một bé-người bị cọp đuổi bắt đã chạy thoát được và lọt vào trong hang của sói. Gia đình sói Mẹ và sói Cha bảo vệ và nuôi nấng bé-người. Sói Mẹ đã gọi bé-người, thứ Nhái con trần truồng ấy là Mowgli. Cũng như các sói con nào mới chào đời, Mowgli, xem như con của Sói, sẽ được trình bầy (hay trình Làng) khi có họp định kỳ trên Tảng Đá của Đại Hội Đồng dưới sự chủ tọa của Akela, Sói Già, lãnh đạo tất cả các gia đình sói cùng sống trong rừng Seeonee. Chúng ta cũng được quen với những tên Gấu Baloo, Báo Đen Bagheera, là những vị lo dạy dỗ cho Mowgli cũng như các sói con khác, về luật lệ, bí quyết của Rừng để chúng đến lúc nào đó có thể tự một mình đi săn mồi. Chúng ta cũng biết đến voi Hathi, rắn Kaa, rắn, hay bọn khỉ vô kỷ luật Bandar-Log.

13. Những danh từ Sói dùng
Khi dùng những danh từ riêng của Kipling đã dùng trong truyện, Baden Powell đã hiến cho Ấu Sinh, trước tiên là Ấu Sinh Anh Quốc, những đề tài để nuôi dưỡng trí tưởng tượng và vui chơi, cũng như những tấm gương để các trẻ có thể bắt chước hay tránh xa. Vậy các cháu, được gọi là Sói Con, những anh em của Mowgli, sống trong rừng Seeonee, không phải là sói con thật sự, không phải là con của sói, nhưng là con người như Mowgli, đóng “vai” của những sói mà đời sống cũng có luật lệ, trật tự và đáng yêu chuộng không thua, hay có thể hơn thế giới thật sự, thế giới khác thế giời Rừng Xanh. Đây là thế giới của tưởng tượng, thế giới biểu tượng, với nhiều ý nghĩa, thích hợp với lứa tuổi sói con, đó là thế giới đầy thi vị mà mỗi trẻ đều là một thi sĩ dù cho không làm một câu thơ, mà chỉ có những lời nói hồn nhiên, những hành động, những cử chỉ nên thơ.
Thế giới của Sói Con Hướng Đạo, hay là sân chơi của chúng, là một môi trường quy ước. Như sân đá banh cũng là một thế giới quy ước nho nhỏ, trong đó có luật nhất định, và những danh từ dùng giữa những người tham dự trong xã hội ấy, không nhất thiết có ý nghĩa gì khi dùng ở một nơi khác, từ ngữ cũng như ngữ pháp quy định tương quan giữa những chữ chỉ là những giao ước, mà những người tham gia đều chấp nhận thi hành. Người giữ cửa nơi sân đá banh chẳng thể so sánh về mặt nầy hay mặt khác, với người công chức gác cửa, hay người cảnh sát bảo vệ an toàn cho chúng ta, hay so với Ông Võ Tánh, là một tướng giữ cửa thành Bình Định ngày xưa. Chúng ta tránh lối “vơ đũa cả nắm” và cho có những tương đương và tương đồng không nguồn gốc, chỉ vì những chữ chỉ đến cái nầy cái kia giống nhau. Sói Con không phải con sói là vậy.
Từ khi phong trào Hướng Đạo Anh Quốc du nhập Việt Nam qua trung gian các trường Hướng Đạo Pháp, những danh từ nước ngoài chúng ta dùng trong ngành Ấu được quen đọc theo một lối nào đó, và hiểu theo một ý nghĩa nào đó. Những học giả có thể nhắc lại cho ta nguồn gốc và ý nghĩa nguyên thủy.
Ví dụ chữ Mowgli là không có nghĩa là Nhái (Ếch), đó là một tiếng của Mẹ sói dùng để gọi nó khi đặt bé-người trần truồng , nằm xuống cạnh mình và nựng nịu như âu yếm các con mình. (Assuredly I will keep him. Lie still, little frog. O thou Mowgli – for Mowgli the Frog I will call thee - …). Dù ta muốn Việt Nam hóa trăm phầm trăm các ngôn từ, các Sói Con cũng không thích nhắc đến Nhái, hay Ếch, bằng chữ Mowgli.
Vài chữ khác:. Seeonee (đọc xi-ô-ni ) là tên thật của một quận ở giữa Ấn Độ. Shere Khan, chỉ Hổ hay Cọp, nhưng chữ Shere, trong một thổ ngữ Ấn có nghĩa là cọp rồi, chữ Khan, danh hiệu của vua chúa ở một số nước Trung Á một chức tước để cho thấy cọp nầy là lớn hơn hết trong các cọp, ta có thể xem là Hổ Vương, Hổ Tiểu Vương, Hổ Đại Vương, hay Hổ Chúa, Chúa Hổ, dù cho Hổ ấy cũng có thể là Hổ thọt. Akela (chúng ta đọc a-kê-la) có nghĩa Sói Già, Bầy Trưởng,v.v. Đúng nghĩa Akela là: Một mình, cô đơn. Trong tiếng Hindoustani, Baloo có nghĩa là gấu. Có thêm chữ Bhaloo có nghĩa là Gấu Đen, không phải Gấu Nâu. Trong tiếng Hindoustani, Bagheera có nghĩa là con Báo hay con Beo. Nhưng chữ ấy lại là một chữ phụ, làm yếu đi (diminutif) nghĩa của chữ Bagh (có nghĩa là con Cọp). Kaa là một chữ bịa đặt, tiếng tượng thanh, không có trong bất cứ ngôn ngữ nào. Hathi: Tiếng Ấn là con voi. Bandar-log: Trong đó chữ log có nghĩa là dân. Chữ gốc Bundar (không phải Bandar) là con khỉ Bengale (bây giờ gọi là nước Bangladesh)…
Khi chúng ta nhập cuộc chơi, chúng ta phải chấp nhận quy định chung về chữ cũng như nghĩa, dù nó có vẻ nghịch lý, hay không thể có ở một môi trường khác. Như người chơi cờ Tướng, con mã (ngựa) đi theo đường chéo của hình chữ nhật, hai ô, nhưng chúng ta với kinh nghiệm ngoài đời, có thể nói chẳng có ngựa nào lại đi cái kiểu như vậy, và nhất định cho mã của mình đi đường thẳng . Nếu không chấp nhận luật chơi cờ tướng, thì chúng ta chỉ có cách làm thứ cờ khác với những luật khác, và người nào chấp nhận quy ước mới sẽ chơi với chúng ta. Trong phong trào Hướng Đạo cũng đã có, và còn sẽ có, những phe, nhóm, hội, mọc lên, với những tổ chức khác hoặc với những nhân vật hay danh từ mới, không có trong Rừng Xanh của Mowgli hay trong Hướng Đạo của Huân Tước Baden Powell (Như có nơi, Sói có thêm những Cánh Nhỏ, hay Hải Ly, hay Diều Hâu, v.v.) Hình thức có khi cần sửa đổi cho thích hợp với điều kiện của một nơi, nhưng bất cứ tổ chức nào tất nhiên phải có những giá trị (nguyên lý, luật) chung được tất cả hội viên chấp nhận và thực hành. Và không một tổ chức Hướng Đạo nào, cũ hay mới, trên thế giới ngày nay, có quyền bắt buộc tất cả mọi người phải theo chỉ một thứ tổ chức. Trẻ hiện đang sinh hoạt với Bầy nầy là tự ý (với sự đồng ý của bố mẹ), không ai bắt buộc phải vào, và cũng không ai cấm không được ra khỏi Bầy. Ta đã có cờ Tướng, sau nầy lại có cờ Vua, có khi nào chúng ta nghe ở một nước nào đó chỉ cho phép chơi cờ Vua mà không được chơi cờ Tướng, hay ngược lại, bắt buộc tất cả ai ai cũng phải chọn cờ (Tướng hay Vua) làm môn giải trí duy nhất và suốt đời?
14. Ví dụ vài điều Sói Con đã chấp nhận
Là Sói Con.
Không phải thuộc giống sói, không phải con của Sói, mà là Sói Con Hướng Đạo, những anh em của Mowgli được Mẹ Sói, Cha Sói, nuôi nấng, được Baloo, Bagheera thương yêu dạy bảo cho biết Luật của Rừng, để có thể đề phòng những bất trắc và săn mồi một mình cho có kết quả, trông nom dạy bảo. Đừng lầm Luật của Rừng nói đây với thành ngữ “luật rừng” chúng ta thường nghe chung quanh ta, luật rừng là chẳng có luật gì cả, hay là luật kẻ mạnh, như sói trong ngụ ngôn dùng để xơi tái cừu con không có phương tự vệ. Vậy đừng lầm biểu tượng dùng trong thế giới Hướng Đạo với những gì được biểu trưng. Đứng ngớ ngẫn hỏi sói con sao không có đuôi dài hay răng nhọn, sao không ở trong hang và về nhà ngủ, v.v…. Akela của Sói Con là Trưởng điều khiển Bầy. Sói Con làm Tiếng Rống Lớn trong những buổi họp long trọng, tiếng rống đó không phải là tiếng tru của chó sói thật mà là một biểu tượng để tỏ hân hoan và kính trọng .
Chào hai ngón

Cái chào của Sói Con với bàn tay hai ngón, có hình ảnh của đầu sói với hai tai chửng lên, nhưng không chỉ có thế. Hình ảnh hai ngón để nhắc lại sói con nhớ hai điều luật Sói Con phải theo. Luật của Rừng như Mowgli và anh em của Mowgli được học trong Rừng Seeonee còn nhiều hơn thế, và Sói Con cũng được cho biết để học “mở mắt”, vểnh tai” (hay lắng nghe, cho mỗi ngày thêm khôn, ví dụ như Baloo cấm Mowgli không được chơi với bọn khỉ Bandar-Log), vì bọn nầy có nhiều tánh xấu, sống không có kỷ luật, không thể tin nơi chúng được. Hoặc khiêu vũ của rắn Kaa cũng là một bài học về tỉnh trí, biết nhận xét, phán đoán, đừng nghe theo lời quyến rũ, đừng thấy bùa phép xảo quyệt, mà vội tin và mất tự do lựa chọn và hành động của nình. Con mắt sáng của rắn Kaa thôi miên những con thú nó muốn giết, Sói Con ở trong thành phố nên sẽ không bao giờ thấy. Nhưng Sói Con sẽ liên tưởng đến những nguy hiểm giống như nhìn vào mắt của Kaa, chẳng hạn trong thành phố người ta quảng cáo thức ăn rẻ tiền, nhưng thức ăn ấy có thể mang đến cho mình những bệnh nguy hiểm; hay thứ thuốc nhuộm tóc hay gội đầu, không ngờ thuốc ấy có phản tác dụng làm cho tóc mình rụng thêm nữa. Và Sói Con có thể thêm một chữ là Sói Tóc nữa. Như vậy Sói Con, khi nhớ đến Kaa trong truyện, sẽ đề phòng mọi “mật ngọt chết ruồi, lời nói mật ngọt có khi cũng làm chết người được.”
Luật của Sói
Chỉ có hai điều. Tuy ít , nhưng đối với tuổi sói cũng phải nhiều cố gắng và kiên nhẫn mới theo đúng được. Sói con nghe lời Sói Già. Sói Già hay Bầy Trưởng, không phải thay thế cho mẹ cha, nhưng giúp vào công việc của mẹ cha, giáo dục con cái, ở một địa hạt mà bố mẹ không có thì giờ hay khả năng để đảm đương. Hát, nhảy, múa, du ngoạn, kể chuyện, quan sát thiên nhiên, học tháo vát… Sói Con muốn biết những điều như vậy, và các Trưởng, dưới tên Akela, Baloo, Bagheera, là những người thiện tâm, muốn giúp cho các Sói. Các Sói muốn tiến bộ, muốn học khôn, tất nhiên phải tin cậy các Trưởng và nghe lời khuyên bảo, chỉ bày của họ, trong phạm vi chương trình giáo dục được ấn định cho Bầy (tất nhiên Luật cho Sói Con không thể áp dụng cho những lời sai khiến nghịch đời, hay nghịch lại tôn chỉ Hướng Đạo, ví dụ khi có Akela lên cơn điên cấp tính, ra lệnh cho Sói Con đem lửa đến đốt nhà hàng xóm!). Sói Con sẽ không nghe lời của chính mình. Nhớ điều luật ấy, Sói Con sẽ coi chừng về những ý nghĩ hay ý muốn bất thình lình của mình. Trí tưởng tượng của Sói Con, hay do con mắt Sói chưa được mở, Sói có thể hành động sai khi nghe chính mình, không chịu hỏi Akela hay Baloo cho hiểu rõ hơn. Nghe lời mình, là thấy bóng ma nơi lều trong đêm khuya và hốt hoảng la lên, bóng ma chỉ là cái áo tơi của ai móc nơi cột lều. Nghe lời mình, là khi thiếu can đảm, thiếu thông minh để tỉnh trí, mới bị chảy máu cam, là đã nghĩ đến chuyện băng huyết chết người, và kêu than, rên xiết, làm náo động cả Bầy. Sói Con không nghe lời mình, là khi sinh hoạt với Đàn, với Bầy, không làm một việc gì tự ý mình, theo sở thích mình, bất chấp những gì đã được khuyên bảo, là sống không trật tự, không kỷ luật v.v…
Châm ngôn của Sói:

Gắng sức - Bao nhiêu điều trên không phải từ mai đến chiều mà làm thành tập quán được. Sói Con phải nhớ châm ngôn của mình là gắng sức. Không ai đòi hỏi những Sói Con làm những gì mà người trưởng thành còn chưa làm được, nhưng bố mẹ, cũng như các Trưởng, chỉ trông mong Sói Con luôn luôn gắng sức, gắng hết sức cùa chính Sói Con; để hướng về một chút hay, một chút đẹp, một chút tốt hơn nữa, trong những công việc thông thường và cần thiết hằng ngày, ở sân chơi, nơi trường học, trong gia đình, của các trẻ đã xin vào Bầy làm Sói Con, chỉ vì mục đích ấy.

No comments:

Post a Comment