Một bài viết cũ của Ngô Phụng Anh một bút hiệu của Trưởng Nguyễn Đức Lập (1945-2016)
Đọc lại để thấy tấm lòng của anh đối với quê hương đất nước.
Một đất nước quê hương mà anh (cũng như chúng ta) hằng mơ ước "có một ngày, chắc chắn có một ngày, tôi sẽ mời bạn cùng tôi, chúng ta chính thức trở về, phải không bạn?"
ĐẤT VIỆT QUA CA DAO
Ngô Phụng Anh
Nầy bạn thân,
Có một buổi nào, nắng chiều vàng vọt gợi nhớ nhung, mây chiều lãng đãng khơi niềm vong quốc, bạn ngồi trên một ghềnh đá, nghe sóng vỗ tứ bề, nhìn trời nước mênh mông mà vọng tưởng về nơi quê cũ.
Quê hương đã quá xa rồi, phải không bạn?
Nhưng, quê hương chắc chắn không xa trong trái tim của mỗi người Việt Nam vong quốc, trong tim bạn và trong tim tôi.
Hôm nay, tôi ngồi đây, dưới ngọn đèn vàng vọt, giữa bốn bức vách quạnh hiu, trải lòng trên giấy trắng, cùng bạn trở về quê hương sau bao ngày xa cách.
Nầy bạn thân,
Nói theo phương diện địa lý, Việt Nam là một bán đảo, có hình cong chữ S, nằm trên Bắc bán cầu, thuộc vùng Đông Nam Châu Á, diện tích 312,000 cây số vuông, bắc giáp Trung Hoa, tây giáp Ai Lao và Campuchia, đông và nam giáp biển Nam Hải.
Việt Nam có 2,200 cây số bờ biển, chạy dài từ Móng Cáy tới tận Hà Tiên. Có rặng Trường Sơn chạy dọc xuống miền Trung, từ Bắc xuống Nam như một cái xương sống. Có sông Hồng Hà và sông Thái Bình, tạo thành bình nguyên Bắc Việt. Có sông Cửu Long và sông Đồng Nai, tưới khắp đồng bằng Nam phần. Có vịnh Hạ Long, với những cảnh đẹp thiên nhiên, được coi là kỳ quan thứ tám của thế giới. Có hải cảng Cam Ranh, được coi là một vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất Đông Nam Á.
Việt Nam có Hà Nội là đất ngàn năm văn vật, có Huế là chốn cố đô, có Sài Gòn là Hòn Ngọc Viễn Đông.
Đó chỉ là những nét sơ lược, thật sơ lược về địa lý Việt Nam.
Để hiểu rõ hơn, mời bạn hãy cùng tôi đi một vòng khắp ba miền đất nước, bằng những câu hò, điệu hát, bằng những lời ru của mẹ bên vành môi.
Nầy bạn thân,
Chúng ta sẽ khởi hành từ đâu đây?
Thôi, thì hãy cứ đi theo con đường Nam tiến của dân tộc, thuở mà ông cha chúng ta khai đường, mở mang đất nước.
Chúng ta sẽ bắt đầu từ miền cực Bắc, biên giới Hoa Việt, nơi đó, trước tiên có bia đá ghi lại lời di ngôn của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, dặn dò con cháu cách thức giữ nước.
Bán tự sơn hà bán tự dân
(Một nửa tựa vào sông núi, một nửa tựa vào dân)
Đứng giữa núi rừng trùng điệp của vùng cực Bắc, chúng ta sẽ xúc động tràn trề khi nghe một câu hát được cất lên bằng điệu hò cò lã, từ câu ca dao:
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô thị, có chùa Tam Thanh
Ai lên xứ Lạng cùng anh
Bỏ công bố mẹ sinh thành ra em
Câu ca dao nầy, bạn cũng có thể nghe bởi môt giọng hát ru em não ruột trưa hè hòa với tiếng võng đưa kẽo kẹt.
Rời vùng biên giới, chúng ta bắt đầu xuống vùng Trung Châu Bắc Việt, với bình nguyên được cấu tạo bởi phù sa của hai con sông Hồng Hà và Thái Bình. Bình nguyên nầy hình tam giác, đỉnh ở Việt Trì, sát chân núi Tam Đảo, đây là bờ biển thuộc phạm vi tỉnh Thái Bình, Nam Định.
Tam Đảo còn gọi là Ba Vì, một ngọn núi cao nhất đồng bằng Bắc Việt. Núi cao như vậy, nhưng các cô gái Bắc Ninh lại coi thường:
Nhất cao là núi Ba Vì
Chị còn vượt được, huống gì cỏ may
Nhất giỏi là trai Sơn Tây
Chị còn vượt được, nữa dây bìm bìm
Từ Tam Đảo xuôi về Nam, không thể nào không dừng chân ở Hà Nội. Hà Nội, từ đầu đời nhà Lý là Quốc Đô Thăng Long. Xa xưa hơn nữa là Đại La Thành.
Đại La Thành được xây vào thời nội thuộc nhà Đường bên Trung Hoa, do Tỉnh Hải Tiết Đô Sứ Cao Biền thực hiện. Vào thời tự chủ, trải qua ba triều Ngô, Đình, tiền Lê, quốc đô đặt ở Hoa Lư (thuộc tỉnh Phúc Yên). Từ đời nhà Lý, Lý Thái Tổ thấy Hoa Lư chật hẹp, bèn họp các quan, lấy quyết định thiên đô về Đại La Thành, tục truyền khi đoàn thuyền thiên đô sắp đến Đại La Thành, Lý Thái Tổ thấy một con rồng xuất hiện, bay lượn trên trời xanh. Thành Đại La được đổi ra tên thành Thăng Long từ đó. Thành Hà Nội được xây năm cửa như trong câu ca:
Thành Hà Nội năm cửa chàng ơi
Sông Lục Đầu sáu khúc, nước chảy xuôi một dòng
Thành Hà Nội còn nổi tiếng với chùa Trấn Võ:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Võ, canh gà Thọ Xương
Từ Hà Nội, đổ đường vô Trung, sẽ đi ngang qua cửa Thần Phù:
Lênh đênh giữa biển Thần Phù
Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm
Và sẽ bị lôi cuốn bởi cảnh non nước Nghệ An:
Đường vô xứ Nghệ quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ
Ai vô xứ Nghệ thì vô!
Vùng Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh là một vùng đất thiêng liêng của dân tộc. Nơi đây đã phát xuất ra cuộc khởi nghĩa đánh đuổi quân Minh xâm lược của người anh hùng áo vải Bình Định Vương Lê Lợi. Nơi đây là khu chiến của phong trào Cần Vương chống Pháp do quan Đình Nguyên Ngự Sử Phan Đình Phùng lãnh đạo. Vùng nầy còn có Hồng Sơn Liệt Bộ Nguyễn Du, ngồi bay tóc trên dãy Hồng Lĩnh chín mươi chín ngọn mà sáng tác Đoạn Trường Tân Thanh. Nói tới Nguyễn Du, phải nói tới sự thành đạt của dòng họ ông với câu hát:
Bao giờ ngàn Hống hết cây
Sông Rum hết nước, họ nầy hết quan
Nói tới Thanh Nghệ Tĩnh cũng phải nói tới nhà đại cách mạng, đã để ra cả cuộc đời mưu đồ độc lập cho đất nước: Sào Nam Tiên Sinh Phan Bội Châu.
Vô tới Nghệ An rồi, dĩ nhiên bạn sẽ không dừng lại ở đó. Bạn có hãi hùng chăng khi thấy đường xuôi Nam thiên non vạn hiểm, như lời của một chàng trai đàng ngoài nhắn gởi cùng cô gái đàng trong:
Nhớ em anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang
Truông nhà Hồ, với những tòa thành cũ được xây từ thời Hồ Quí Ly, là nơi ẩn núp sào huyệt của bọn lục lăng thảo khấu. Còn phá Tam Giang thì có những đợt sóng thần, hung hiểm bất thường.
Tuy nhiên, đó là hồi xa xưa, bởi vì, bạn nghe kìa, cô gái đàng trong đã nhắn ra:
Phá Tam Giang ngày nay đã cạn
Truông nhà Hồ, Nội Tán cấm nghiêm
Đây là cô gái nhắc lại chiến công của quan Nội Tán Nguyễn Khoa Đăng đã dẹp tan bọn cướp ở truông nhà Hồ, đã chong súng thần công bắn vào những đợt sóng thần ở phá Tam Giang, vào thời chúa Nguyễn mở mang xứ đàng trong. Tiếc thay vị Nội Tán trẻ tuổi tài cao nầy không sống được lâu, vì bị sự ganh hiềm ghét bỏ của một số đồng liêu mà ông phải chết uất ức đau thương.
Theo người cố cựu thuật lại, vào thời chúa Nguyễn Phước Chu, Nội Tán Nguyễn Khoa Đăng được cử đi dẹp bọn cường sơn thảo khấu ở truông nhà Hồ. Bố trí quân đội xong, ông thay hình đổi dạng, giả làm một khách thương đi qua truông. Ông bị cướp bắt giải đi. Đến đâu, ông lén rải lúa theo đến đó. Binh lính của ông theo đường lúa mà vào tận sào huyệt bọn cướp.
Như vậy là nỗi lo sợ về sự hiểm nguy của đường xá đã hết rồi, phải không bạn?
Mời bạn tiếp tục lên đường và cùng mời bạn dừng chân tại Cố Đô Huế.
Huế vốn là hoàng thành của nước ta, trải suốt mười ba đời vua nhà Nguyễn, từ vua Gia Long đến hoàng đế Bảo Đại.
Xưa kia, Huế hay Thuận Hóa cùng hai tỉnh phía Bắc là Quảng Bình, Quảng Trị vốn là Châu Ô và Châu Rí của Chiêm Thành. Vào đời nhà Trần, vua Trần Anh Tôn gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân để đổi lấy vùng đất nầy. Khi vua Chiêm mất, theo tục lệ Chiêm Thành, công chúa Huyền Trân sẽ bị thiêu sống theo chồng. Nhà Trần đã cử Thượng Tướng Trần Khắc Chung, giả kế viếng tang, cướp lấy công chúa Huyền Trân đem về nước. Chuyện nầy, còn được nhắc nhở qua câu hát:
Ai đem con sáo sang sông
Để cho con sáo sổ lồng bay xa
Là đất thần kinh, Huế mang một vẻ đẹp êm đềm nên thơ:
Đất thần kinh dân hiền cảnh lịch
Non xanh, nước bích, điện ngọc, đền rồng
Tháp bảy từng, Thánh miếu, chùa Ông
Chuông khua Diệu Đế, trống rung Tam Tòa
Kinh thành Huế nằm ở chân núi Ngự Bình, trước tròn sau méo, soi mình xuống giòng Hương Giang hữu tình. Bạn có thể nghe khắp đó đây, trên Hương Giang, trên sông An Cựu, điệu hò mái đẩy chất ngất sầu vương, giữa những đêm trăng thanh gió mát.
Núi Ngự Bình trước tròn sau méo
Sông An Cựu nắng đục mưa trong
Em dặn anh khăng khắng ghi lòng
Ai giăng dây thì đứt, ai thắc vòng thì mở ra
Hoăc có thể bạn nghe một điệu “Lý Tình Tang” lảnh lót, ca ngợi cảnh đẹp miền Hương Ngự:
Bước lên mây phủ núi phong
Mảnh trăng thiên cổ, bóng tùng Vạn Niên
Nầy bạn thân, khoan hãy bước chân đi, hãy nghe những lời lưu luyến bâng khuâng của một người đẹp xứ thần kinh:
Tình về Đại Lược
Duyên ngược Kim Long
Tới đây là chỗ rẽ của lòng
Gặp nhau còn biết bên sông chốn nào
Rồi đó, bạn hãy mang theo trong lòng nỗi niềm mong nhớ, mà rời đất thần kinh, với lời hát vói theo của người đẹp đa tình:
Cầu Trường Tiền sáu vai mười hai nhịp
Em theo không kịp tội lắm anh ơi
Thà rằng chẳng biết thì thôi
Biết rồi mỗi đứa mỗi nơi thêm phiền
Lưu luyến thì lưu luyến, cho dù có lưu luyến như những chàng trai xứ Quảng:
Học trò trong Quảng ra thi
Thấy cô gái Huế chân đi không đành
Bạn thân, bạn vẫn phải đi chớ. Đất nước còn dài, còn rộng mà, bạn chỉ mới đi qua được có một phần. À, có thế chớ, cho dù là dùng dằng, nửa đi nửa ở, bạn vẫn đặt chân được lên đèo Hải Vân. Bạn nhìn kìa, trên thì non cao chớm chở, mây phủ chập chùng, dưới là biển cả mênh mông, gió vờn sóng lượn. Phong cảnh thật là đẹp, thật là hùng vĩ.
Bạn có nghe lòng bâng khuâng không, khi nghe câu hát:
Chiều chiều mây phủ Hải Vân
Chim kêu ghềnh đá, gẫm thân thêm buồn
Nỗi buồn gì đây? Hẳn là nỗi buồn của những chàng lính thú ngày xưa, trấn thủ cửa Hải Vân để bảo vệ kinh thành.
Bạn vừa đặt chân lên vùng “đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm”, quê hương “Ngũ Phụng Tề Phi”. Bốn chữ nầy đã được vua nhà Nguyễn ban cho tỉnh Quảng Nam nhân dịp tỉnh nầy có năm vị đậu Tiến Sĩ trong cùng một khoa thi.
Tại đây, bạn có nghe chăng câu hát:
Ai về chín xã sông Con
Hỏi ông Hường Hiệu có còn đó không
Câu hát nầy nhắc lại cuộc khởi nghĩa của quan Hường Lô Tự Khanh Nguyễn Hiệu. Ông Nguyễn Hiệu, theo lời kêu gọi Cần Vương, đã từ quan, tổ chức nghĩa binh, ngăn sông chín xã, lập phòng tuyến chống Pháp. Ông chết, nhưng trong lòng dân Quảng Nam, ông còn sống mãi.
Quảng Nam là một vùng địa linh nhân kiệt, sản xuất ra những nhà cách mạng lừng danh của dân tộc như Tiểu La Nguyễn Thành, Tây Hồ Phan Chu Trinh, Minh Viên Huỳnh Thúc Kháng, Chánh Minh Trần Cao Vân…
Bạn bước thêm một đoạn đường nữa, bạn sẽ tới cái xứ “chó ăn đá, gà ăn muối” Quảng Ngãi. Bạn sẽ ngạc nhiên, tại sao một cái xứ chuyên sản xuất đường, đường bông, đường phổi, đường phèn và sản xuất những phẩm vật biến chế từ đường, như kẹo gương, mè xửng, kẹo mâm… lại được mệnh danh là cái xứ “chó ăn đá, gà ăn muối”.
Tại vì Quảng Ngãi nghèo lắm, bạn ạ. “Đất cày lên sỏi đá” chính là vùng đất nầy đây.
Tuy nhiên, quê nghèo nhưng tình cảm con người không nghèo. Bạn có nghe cô gái xứ Quảng than thở không:
Rồng chầu núi Chúa
Hạc múa Sơn Chà
Thương anh bao thuở
Nước mắt và lộn cơm
Tiếp giáp với xứ Quảng là đất Bình Định (Qui Nhơn), nơi phát tích của nhà Nguyễn Tây Sơn. Câu ca dao sau đây nhắc đến đội nữ binh của nhà Tây Sơn:
Ai về Bình Định mà coi
Đàn bà, con gái đánh roi đi quyền
Bình Định là nơi căn cứ địa của Tây Sơn, Bình Định trở thành vùng đất của chiến tranh, của nước mắt tràn trề của người chinh phụ:
Tiếng ai than thở nỉ non
Như vợ chú lính trèo hòn Cù Mông
Một địa danh khác cũng nổi tiếng ở Bình Định là Truông Mây, nơi mà người hảo hớn lục lâm chàng Lía, cùng với cha Hồ, chú Nhẫn, lập sào huyệt để chống lại tham quan ô lại thời chúa Nguyễn. Chàng Lía trong một vụ đánh cướp, đã chiếm đoạt vợ của một viên quan, làm áp trại phu nhân. Người đàn bà nầy đã làm nội tuyến cho quan quân phủ chúa, sào huyệt bị tan tành, anh em bị thảm sát, chàng Lía thoát được nhưng tự tử trong rừng sâu. Người Bình Định nhớ chàng Lía bằng câu hát:
Chiều chiều én lượn truông Mây
Cảm thương chú Lía bị vây trong thành
Bạn thân ơi,
Đất miền Trung, phong cảnh hùng vĩ, có nhiều địa danh có tính cách lịch sử, nhưng vốn nghèo. Các cô gái miền Trung thường ao ước lấy chồng xứ Đồng Nai, để cho đời bớt khổ.
Đồng Nai gạo trắng như cò
Trốn cha trốn mẹ xuống đò theo anh
Vậy thì, mời bạn hãy theo các cô gái miền Trung mà vào đất Đồng Nai.
Đồng Nai là tên gọi chung xứ Lục Tỉnh Nam Kỳ, của đất Nam Hà thuở trước.
Trung tâm của Đồng Nai, và sau nầy, thủ đô của nước Việt Nam Cộng Hòa là Sài Gòn.
Sài Gòn được biết tới nhiều và trở thành nơi đô hội, trở thành “Hòn Ngọc Viễn Đông”, ở dưới thời Pháp thuộc.
Vào thời đó, Phủ Thống Đốc đặt tại Sài Gòn, người địa phương gọi là dinh Thượng Thơ. Mỗi khi có việc xin giấy tờ, người dân phải tới dinh Thượng Thơ, phải đóng tiền để được cấp giấy.
Sài Gòn thời đó cũng nổi tiếng với cột cờ Thủ Ngữ cao vòi vọi ở bến nhà Rồng.
Người cố cựu sẽ nhắc cho bạn một lời than thở của một người vợ hiền, chồng làm bồi trong trại lính Tây, tối tối nhặt nhạnh thức ăn thừa như bù đông, ỏm lết về cho vợ bán, tới chừng giàu sang, người chồng sanh dạ phụ phàng, quên mất tình tào khang tấm mẫn, quên mất những bài nhạc dạo đã khuyên:
Thượng thơ bán giấy
Thủ Ngữ treo cờ
Bù đông, ỏm lết, sác cờ, rây ờ
Mũ di đánh dạo
Sao bây giờ mầy phụ tao?
Vì là nơi đô hội, Sài Gòn rực rỡ với ánh đèn xanh đỏ đủ màu. Chỉ có xa xa, nơi bến tàu đèn vàng mờ nhạt, khi lu khi tỏ gợi hứng cho chàng trai Khánh Hội liều mạng:
Đèn cầu tàu ngọn lu ngọn tỏ
Anh trông không rõ anh ngỡ đèn màu
Rút gươm đâm họng máu trào
Để em ở lại, em kiếm thằng nào hơn anh!
Đứng bên nầy sông Sài Gòn, ngó qua bên kia, bạn sẽ thấy Thủ Thiêm, với những hang dừa xanh rẻ ngọn, với những mái nhà lá đơn sơ. Muốn qua thăm Thủ Thiêm, bạn phải đi bằng đò. Chao ơi, những cô gái đò ẻo lả, đẩy nhẹ mái chèo, đưa khách sang sông. Bạn thấy lòng xốn xang rồi, phải không? Nhưng coi chừng:
Bắp non nướng với lửa lò
Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm
Bạn có thể ngồi xe, lượn vòng Bà Chiểu, sát bên Sài Gòn, viếng thăm nơi thờ Tả Quân Lê Văn Duyệt:
Xe mui chiều thả chung quanh
Đôi vòng Bà Chiểu thích tình dạo chơi
Từ Bà Chiểu đi xa hơn chút nữa, bạn sẽ tới Gò Vấp, tới Hóc Môn, Bà Điểm, nổi tiếng ngày xưa là Mười Tám Thôn Vườn Trầu.
Gái Sài Gòn mạnh dạn chớ không điệu bộ màu mè. Nếu bạn mắt liếc mày đưa, bạn sẽ nghe hỏi thẳng:
Trầu Sài Gòn xé ra nửa lá
Thuốc Gò Vấp hút đã một hơi
Buồn tình ong bướm mà chơi
Hay là anh quyết ở đời với em?
Khoan trả lời đã bạn. Còn nhiều nơi mình phải đến viếng thăm, không nên để cho ánh mắt giai nhân vướng chân người lữ thứ.
Đi bạn, đi xuống Mỹ Tho:
Cách một khúc sông, kêu bằng cách thủy
Chợ Sài Gòn xa, chợ Mỹ cũng xa
Viết thư thăm hết cả nhà
Trước thăm phụ mẫu sau là thăm em
Mỹ Tho vốn có bến xe lửa, vốn là nơi gặp gỡ của khách bộ hành, từ miền Hậu Giang, trước khi về Sài Gòn, Mỹ Tho cũng là nơi hò hẹn:
Chẻ tre bện sáo cho dày
Ngăn ngang sông Mỹ có ngày gặp nhau
Bạn đừng để cho bị ngăn ngang ở sông Mỹ, mà nên đi tiếp xuống vùng Cao Lãnh, Hồng Ngự, Sa Đéc, Nha Mân. Cao Lãnh nổi tiếng về môn đá gà, Nha Mân nổi tiếng với gái đẹp. Bạn có nghe chăng người cố cựu nhắc lại cuộc tình của một chàng trai thương hồ lãng tử với một cô gái Nha Mân:
Gà nào hay cho bằng gà Cao Lãnh
Gái nào bảnh cho bằng gái Nha Mân
Anh đi lục tỉnh giáp vòng
Tới đây trời khiến đem lòng thương em
Nhưng rồi, cuộc tình cũng không được bao lâu, tiếng gọi sông hồ đã làm cho chàng trai cất bước, khiến cô gái phải thảm thương:
Tàu xúp lê một, còn than thở
Tàu xúp lê hai thở vắn than dài
Xúp lê ba, tàu ra biển Bắc
Tay vịn song sắt, nước mắt chảy ròng ròng
Miệng kêu bớ chú tài công
Làm chi cho phân rẽ vợ chồng
Đêm nằm nghĩ lại nước mắt hồng tuôn rơi
Buồn quá, phải không bạn? Mời bạn hãy đổ đường xuống Châu Đốc để nghe lời gắn bó sắt son của tình phu thê, với tiếng hát trên bờ sông sở Thượng:
Đèn nào cao cho bằng đèn sở Thượng
Nghĩa nào trượng cho bằng nghĩa phu thê
Dù anh có lạc Sở sang Tề
Em đây cũng quyết kết duyên thề đợi anh
Bạn thân ơi,
Mình đi gần hết đoạn đường rồi đó. Mình đang dừng chân ở Cà Mau, miền cuối Việt. Ông bà mình ngày xưa, những tay hào kiệt, phá sơn lâm đâm hà bá, đã mở mang đất nước đến tận nơi, và đã bị chận đứng tại bờ biển.
Với hai câu hò nầy thôi, bạn đã thấy kinh khiếp trước lòng gan dạ, chí đấu tranh của tiền nhân, trước trở lực thiên nhiên, để xây dựng đất nước:
Cà Mau, Rạch Giá
Thị quá sơn trường
Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua
Bây giờ, bạn hãy làm như vầy đi. Bạn hãy đứng ở bờ biển, nhìn ra vịnh Thái Lan, nơi đó biết bao nhiêu là hòn, là cù lao, là hải đảo, bạn có dám không, như ông cha ta ngày trước:
Tháng ba khăn gói ra hòn
Muốn ăn trứng nhạn phải lòn hang nai…
Nầy bạn thân,
Bao nhiêu năm xa cách quê hương, bạn và tôi cùng dạo khắp ba miền đất nước bằng tưởng tượng.
Nhưng rồi, có một ngày, chắc chắn có một ngày, tôi sẽ mời bạn cùng tôi, chúng ta chính thức trở về, phải không bạn?
Ngô Phụng Anh - Nguyễn Đức Lập (1945-2016)
No comments:
Post a Comment