Từ ngày gia nhập sinh
hoạt với Hướng Đạo ở tuổi thiếu sinh, chúng tôi được nghe đến tên một vị thánh
của Thiên Chúa Giáo. Đó là Thánh George (Saint Geoge) là vị Thánh bổn mạng của
Phong Trào Hướng Đạo Thế Giới. Các Trưởng đàn anh (thiếu trưởng, liên đoàn trưởng,
đạo trưởng) nhiều lần kể cho chúng tôi nghe về những hành vi nghĩa hiệp của vị
Thánh này. Chính những hành vi nghĩa hiệp đó mà người sáng lập ra Phong Trào Hướng
Đạo Thế Giới là huân tước Baden Powell đã chọn vị Thánh này làm Thánh bổn mạng
cho cả một Phong trào có 162 quốc gia thành viên trên thế giới và Phong Trào đó
đã tồn tại, phát triển hơn một thế kỷ nay (thành lập từ năm 1907). Chúng tôi là
những thiếu sinh được khuyên là nên noi theo tấm gương hy sinh và giúp ích của
vị Thánh này với ngụ ý nên làm điều tốt điều lành và tránh điều xấu điều ác. Cụ
Baden Powell vốn là tín đồn Cơ Đốc Giáo, có niềm tin mãnh liệt vào tôn giáo và đề
cao tín ngưỡng tâm linh. Trong rất nhiều lần nói chuyện với Hướng Đạo Sinh cũng
như những bài viết của Cụ trên những tạp chí Hướng Đạo và Giáo Dục ở nước Anh
sau kỳ đệ nhất thế chiến (1914 – 1918), Cụ đều khuyến khích các Hướng Đạo Sinh
(Trưởng và đoàn sinh) nên cân nhắc lựa chọn cho mình một tôn giáo để phó thác
niềm tin. Ngoài ra Cụ cũng đề nghị với các Hướng Đạo Sinh nhiều phương cách để
chiêm nghiệm những cảm nhận có tính cách tâm linh, vì Hướng Đạo Sinh “nhất định”
không phải là những kẻ vô thần. Bởi những lý do đó, Cụ nhận Thánh George làm
thánh bổn mạng cho Hướng Đạo Sinh trên toàn thế giới là điều không có gì nghịch
lý với lý tưởng phục vụ tha nhân, giúp ích mọi người của Hướng Đạo.
Như chúng ta đã biết, Phong Trào Hướng Đạo khởi đầu từ nước
Anh, sau đó lan dần sang các nước thuộc địa của Anh rồi du nhập vào các nước Âu
Châu khác, Á Châu, Mỹ Châu, Phi Châu và một số quốc gia ở vùng Cận và Trung
Đông, trong đó có nhiều quốc gia mà dân chúng có niềm tin tôn giáo khác với Cơ
Đốc Giáo. Dù vậy Phong Trào Hướng Đạo ở nhiều quốc gia cũng đều cử hành “Ngày Tưởng
Nhớ” vị Thánh bổn mạng của Hướng Đạo cho đoàn sinh của họ như một tấm gương tốt
đóng góp vào công cuộc đào tạo công dân tốt để phục vụ quốc gia và nhân loại. Ngay
tại quốc gia Hoa Kỳ, nơi có số đoàn viên Hướng Đạo đứng vào hàng thứ nhì thế giới
(đông nhất là Indonesia thuộc Á Châu) và là quốc gia có tín đồ Cơ Đốc Giáo (Tin
Lành và Công Giáo) chiếm đa số cũng không thấy có tổ chức “Ngày tưởng nhớ Thánh
George” hàng năm như ở Việt Nam trước đây. Nhưng theo tài liệu của Ủy ban Công
giáo Quốc gia của Hội Nam Hướng Đạo Hoa Kỳ thì thông qua các giáo khu Công
giáo, các Hướng Đạo Sinh có thể được tưởng thưởng huy chương Thánh George nếu
có những hành vi nghĩa hiệp cao cả đối với cộng đồng tôn giáo trong giáo khu với
điều kiện là thực hiện một số công việc do Ủy Ban Công giáo Quốc Gia của hội
Nam Hướng Đạo Hoa Kỳ quy định.
Trở lại thời gian trước, khi còn ở Việt Nam, hằng năm cứ đến
ngày 23 tháng tư là ngày kỷ niệm húy nhật của Thánh George, chúng tôi được các
Trưởng nhắc đến tên của vị Thánh này và kể cho nghe những mẩu chuyện “cứu khốn
phò nguy” của Thánh George. Có những lần, trong những buổi lửa trại, chúng tôi
cùng nhau diễn hoạt cảnh mô tả chàng thanh niên George chiến đấu với ác thú để
cứu một cô gái buộc phải nộp mạng cho nó để dân chúng được sống bình an không bị
nó quấy phá.
Câu chuyện kể về Thánh George như sau: George sinh vào thế kỷ
thứ 3 sau công nguyên (giữa năm 256 và 285) tại Cappadocia là vùng đất nay thuộc
Thổ Nhỉ Kỳ trong một gia đình Thiên Chúa Giáo, là con trai của một nhà quý tộc
thuộc đội quân La Mã. Khi cha của George mất, ông gia nhập vào quân đội La Mã
và trở thành một sĩ quan kỵ mã. Khi có chiến dịch chống lại dân Thiên Chúa Giáo
vào đầu thế kỷ thứ 4, khoảng năm 303 sau công nguyên, George đã từ bỏ chức vụ
trong quân đội để phản đối và tìm đến cung điện của đại đế Diocletin (đại đế La
Mã 284 – 305) để cầu xin nhà vua ngưng việc ngược đãi tín đồ Kitô giáo.
Trong dân gian lúc bấy giờ lưu truyền lại một trong những câu
chuyện nổi tiếng của George là trận đấu giữa George với con rồng ác… Trên đường
đi qua vùng Silene (nay là xứ Libya), George đi ngang qua một thành phố đang bị
một con quái long ẩn náu trong đầm lầy thường xuất hiện quấy phá dân chúng. Dân
thành phố đó mỗi ngày phải hy sinh một người để nạp mạng cho quái thú. Ngày
George đi qua thành phố kinh hoàng đó cũng là ngày quận chúa Cleolinda, con của
sứ quân tại đây phải làm vật tế cho ác long. George nghe được nên bèn phóng ngựa
đến, dùng thanh trường thương sẵn có trong tay để đánh nhau với ác long phun lửa
và cứu được quận chúa Cleolinda ra khỏi nanh vuốt của con vật đã giết hại không
biết bao nhiêu là dân trong thành phố. Nhờ việc cứu người của George mà sau đó,
sứ quân, quận chúa và đông đảo dân chúng trong thành phố đã theo Kitô giáo.
Tiếp tục lên đường thực hiện sứ mạng cứu giúp những kẻ bị áp
bức bất công, sau cùng George đã tìm và diện kiến được đại đế Diocletin. Tuy
nhiên tại kinh thành La Mã, George chống lại lệnh của hoàng đế bắt phải bỏ đạo
nên bị tra tấn và nhốt vào ngục. Cuối cùng, George bị kéo lê trên đường phố
Diospolis, nay là Lydda và bị chặt đầu vào ngày 23 tháng tư năm 303. Thánh
George lúc nào cũng được tả bằng bức tranh một hiệp sĩ cầm khiên có chữ thập đỏ
ngồi trên lưng ngựa hay đang chiến đấu với ác long. Thánh George cũng được coi
là Thánh bổn mạng của cảnh sát và và trinh sát cũng như một số quốc gia như
Bulgaria, Catalonia, Rumani, Bồ Đào Nha, Ukraina, Nga… Vào năm 1222 hội đồng Oxford (Anh) chọn
ngày 23 tháng tư là Ngày Thánh George. Từ thế kỷ thứ 14, Thánh George được coi
là vị Thánh bảo hộ đặc biệt cho xứ Anh và dân của xứ này. Binh lính Anh được
kêu gọi đeo biểu tượng Thánh George ở ngực. Lá cờ Thánh George màu trắng có vạch
thập đỏ được kết hợp tạo nên lá quốc kỳ của Anh.
Theo tập tục khi còn ở Việt Nam, ngày 23 tháng tư hàng năm
chúng tôi, Hướng Đạo Sinh được các Trưởng hướng dẫn để tổ chức lễ tưởng niệm
Thánh George ở một buổi họp đoàn hay trong một kỳ trại. Chúng tôi, mỗi người được
cài một hoa hồng màu đỏ ở ngực áo bên trái, nghe kể chuyện, diễn kịch thanh
niên George đánh nhau với rồng phun lửa và hát những bài hát ca ngợi sự hy sinh
của George rồi lấy đó làm những bài học cho chính mình để làm sao thể hiện lòng
yêu thương và giúp đỡ người khác. Đó cũng là dịp chúng tôi ghi nhớ để áp dụng
Luật và Lời Hứa Hướng Đạo trong sinh hoạt hàng ngày.
Hiện nay, mặc dầu
chúng ta là những Hướng Đạo Sinh Hoa ở hải ngoại, đại đa số đoàn sinh là những
em đến định cư ở Mỹ lúc còn nhỏ tuổi hoặc được sinh ra và lớn kên ở đất nước
này. Điều mà các Trưởng mong muốn là làm thế nào để cho các em không đánh mất “bản
thể” Việt Nam của mình. Điều đó có nghĩa là Trưởng phải có trách nhiệm hướng dẫn
cho các em hiểu rõ về nguồn gốc xuất xứ của mình về phương diện sắc tộc, lịch sử,
văn hóa, ngôn ngữ cùng những phong tục tập quán tốt của cha ông để lại. Ngoài
ra, những truyền thống và tập tục của Hướng Đạo mang tính cách giáo dục và hướng
thiện cũng nên được khuyến khích áp dụng để các em trong tương lai, lúc trưởng
thành, vừa có những kỹ năng thực dụng cho đời sống, vừa biết cách quản lý lãnh
đạo lại vừa có tính nhân bản đầy lòng vị tha và nhân ái. Nếu được như vậy thì
công cuộc giáo dục của Hướng Đạo quả là một công cuộc giáo dục lớn mà chưa có một
đoàn thể nào thực hiện được.
Tinh thần của vị Thánh bổn mạng của Hướng Đạo – Thánh George,
thiết nghĩ cho đến nay đối với cộng đồng Hướng Đạo toàn thế giới gồm nhiều chủng
tộc, nhiều màu da, nhiều tín ngưỡng, nhiều ngôn ngữ và bản sắc văn hóa khác
nhau vẫn còn là một biểu trưng cho lòng Danh
Dự, sự Trung Tín và tinh thần Nghĩa Hiệp, Giúp Ích. Những điều đó chẳng phải là điều mà chúng ta – Trưởng Hướng
Đạo muốn truyền đạt đến những tâm hồn trong sáng của cac em hay sao?
Hoàng Kim Châu RS
No comments:
Post a Comment