Ban Biên Tập: H K Châu, L N Hui, Ng L Hương, C Ng Cường, Ng C Lâm, Ng Đ Thắng, NTHương

Sunday, April 8, 2018

VAI TRÒ TRÁCH NHIỆM NGƯỜI TRƯỞNG HƯỚNG ĐẠO


   Nếu có dịp, quý vị có thể nhìn thấy một nhóm các em nhỏ mặc những bộ đồng phục gọn gẽ, đẹp mắt đi dọn dẹp thành phố, công viên hay bãi biển; hoặc có khi thấy các em đứng trên góc phố cầm bảng mời gọi rửa xe gây quỹ cứu trợ nạn nhân thiên tai hoặc nhìn thấy các em sinh hoạt, vui chơi ca hát tại các công viên vào những ngày cuối tuần: đó là các em Hướng Đạo Sinh.
  Bên cạnh các em, quý vị sẽ nhìn thấy một số người lớn cũng mang trên người bộ đồng phục Hướng Đạo để trông chừng và hướng dẫn các em. Đó là các Trưởng Hướng Đạo.

  Vậy Trưởng Hướng Đạo là ai và muốn trở thành Trưởng Hướng Đạo phải như thế nào ? Theo định nghĩa từ các Hội Hướng Đạo của các quốc gia thì người Trưởng Hướng Đạo (Scout Leader) là tình nguyện viên trên 21 tuổi (volunteer adult at least 21 years old); đã được kiểm tra lý lịch (background check) và được huấn luyện (trained) để chịu trách nhiệm hướng dẫn một số các em Hướng Đạo Sinh (in charge a group of scouts). Tuy nhiên, muốn trở thành một Trưởng Hướng Đạo thật sự cần có các yếu tố như sau:

1. Tinh thần Hướng Đạo (Scout’s spirit): Trưởng Hướng Đạo phải hiểu biết và nắm rõ nguyên lý, nguyên tắc, mục đích và phương pháp giáo dục của phong trào Hướng Đạo. Phải biết cách áp dụng phương pháp hàng đội. Phải cố gắng hết sức sống theo Luật và Lời Hứa Hướng Đạo. Phải theo đuổi lý tưởng Hướng Đạo. Phải biết yêu thiên nhiên và yêu thích trẻ nhỏ. Phải am hiểu lịch sử, cơ cấu, tổ chức của phong trào và của Hội Đồng Trung Ương – Hướng Đạo Việt Nam.

2. Trách nhiệm (Responsibility): Phải có tinh thần trách nhiệm. Trách nhiệm với Tổ Quốc, Quốc Gia, Dân Tộc. Trách nhiệm với phong trào, với xã hội, với Liên Đoàn, với Đơn vị và với các em. Trong sinh hoạt Hướng Đạo, an toàn cho các em là mối ưu tư hàng đầu. Ngoài ra phải có trách nhiệm với tín ngưỡng tâm linh và trách nhiệm với bản thân, với gia đình.

3. Dấn thân, hy sinh (Volunteer, sacrify): Tất cả Trưởng Hướng Đạo đều là tình nguyện viên (ngoại trừ một số vị làm việc toàn thời gian trong các Hội Hướng Đạo bản địa có lãnh lương như Châu Trưởng (Council Executive), hay Đạo Trưởng (District Executive) còn gọi là Scout Professional. Một khi có lý tưởng Hướng Đạo rồi, sẽ tự nguyện hy sinh rất nhiều công sức, thời giờ đôi khi cả tiền bạc lẫn sức khỏe để bảo vệ và phát triển Đơn vị, cho Liên Đoàn và cho phong trào. Mỗi khi đi trại, cứ thử nhìn các chiếc xe của các Trưởng, toàn là đồ đạc kín mít từ trong lẫn mui xe ! Đến nhà của các Trưởng thì sẽ thấy vật dụng Hướng Đạo đầy ắp từ trong ra ngoài. Trên bàn làm việc và cả bàn ăn, toàn giấy tờ của Hướng Đạo ! Nhiều lúc trong các kỳ trại, các Trưởng phải ở lại trễ dọn dẹp vệ sinh hay bởi vì còn có em đang chờ cha mẹ đến đón.

4. Điều kiện khả năng (Condition Capabilities): Các điều kiện quan trọng muốn nhắc đến ở đây là thời giờ, sức khỏe, tài chánh, và truyền đạt. Nhiều khi sinh hoạt Hướng Đạo hàng tuần hay cắm trại, hội họp, huấn luyện, v.v. nơi xa có khi cả tuần lễ ít nhiều sẽ thể ảnh hưởng đến người phối ngẫu và tài chính của gia đình. Đừng để việc sinh hoạt Hướng Đạo là nguyên nhân gây nên xáo trộn trong gia đình, hay gây ảnh hưởng công việc làm. Có câu “lực bất tòng tâm” (lòng thì muốn, nhưng không thể làm nổi). Điều kiện sức khỏe, khả năng đi lại cũng khá quan trọng vì phần lớn các sinh hoạt Hướng Đạo ở ngoài trời. Ở hải ngoại, phần lớn các em rất lưu loát ngoại ngữ và rất giới hạn trong việc đọc, viết, và nói tiếng Việt vì thế người Trưởng Hướng Đạo đôi lúc cần phải xử dụng cả hai ngôn ngữ. Nhất là các Trưởng thế hệ sau này bắt buộc phải trau dồi khả năng Việt Ngữ. Ráng khuyến khích các em nói tiếng Việt. Đừng để tiếng mẹ đẻ ngày càng mai một.



5. Huấn luyện, học hỏi, trau dồi kỹ năng, nghề Trưởng thường xuyên (Training): Muốn làm một người Trưởng tốt, phải làm một học trò tốt. Trên đời này, không ai biết được mọi thứ. Mỗi người trong chúng ta đều có năng khiếu riêng. Chúng ta học hỏi lẫn nhau. Trưởng Hướng Đạo phải luôn luôn học hỏi thêm và trao dồi nghề trưởng thường xuyên bằng nhiều cách. Như tham gia các khóa huấn luyện như Trau Dồi Nghề Trưởng, hay Khóa Truyền Thống Văn Hóa do Hội Đồng Trung Ương – Hướng Đạo Việt Nam tổ chức. Hoặc tự học thêm các kỹ năng Hướng Đạo trên các sách vở, tài liệu hay trên mạng. Điều quan trọng là phải thường xuyên trau dồi các kỹ năng Hướng Đạo để có thể hướng dẫn các em. Phải tìm kiếm các sinh hoạt hấp dẫn, các trò chơi mới lạ để tránh không để các em nhàm chán.

6. Làm gương (Role model): Người Trưởng Hướng Đạo phải làm gương cho các Đoàn Sinh noi theo. Từ tư cách, tác phong, đạo đức, ăn nói, đồng phục v.v. đến cách áp dụng Luật và lời Hứa Hướng Đạo vào cuộc sống hàng ngày. Lẽ dĩ nhiên, người Trưởng Hướng Đạo không được có các hành vi phạm pháp hay những hành động thiếu đạo đức. Một người thiếu tư cách không thể nào hướng dẫn người khác có tư cách được.

7. Đã được Tuyên Hứa (Scout’s Oath): Trưởng Hướng Đạo phải là người đã được tuyên hứa. Đã đem danh dự của mình tuyên lời Hứa Hướng Đạo. Đây là một nghi thức rất quan trọng của Hướng Đạo Việt Nam.

8. Đã hoặc đang điều hành Đơn vị Hướng Đạo (has been in charged a Scout Unit): Chữ Trưởng (Leader) nghĩa là người chỉ huy, lãnh đạo, hay cầm đầu. Nhưng chỉ huy ai ? Lãnh đạo ai ? Lẽ dĩ nhiên là các Đoàn Sinh. Vì lẽ thế, các Trưởng phải là những người đã hoặc đang điều hành Đơn vị Hướng Đạo. Trên thực thế, có lẽ vì lịch sự cũng có, vì nể trọng cũng có, mỗi khi gặp ai mặc đồng phục Hướng Đạo mọi người đều gọi là Trưởng. Mặc dù rất nhiều vị có mặc đồng phục Hướng Đạo nhưng vẫn chỉ là một Tráng Sinh vì chưa điều hành một Đơn vị Hướng Đạo bao giờ.


9. Vừa là Huấn Luyện Viên, Lãnh đạo tinh thần, Người Thầy, người Bạn, người Anh, .. .người Trưởng (hybrid): Khi sinh hoạt với các em, Trưởng Hướng Đạo hướng dẫn các em các kỹ năng Hướng Đạo, vừa giúp các em về mặt tâm linh tín ngưỡng, vừa dạy dỗ các em cách sống ở đời, vừa lắng nghe các em tâm sự, vừa vui chơi hòa đồng cùng các em, và cuối cùng, vai trò như một người anh cả trong gia đình. Đó là một người Trưởng Hướng Đạo!

10. Dẹp bỏ cái Tôi: Một số rất ít các Trưởng vẫn có “cái Tôi” quá lớn. Tự kiêu, tự mãn, luôn luôn coi mình là đúng, là giỏi, trong khi tất cả mọi người đều sai, đều dở. Những Trưởng như vậy chẳng khác gì Sứ Quân coi Đoàn là của “riêng mình” và dùng Đoàn để ra những yêu sách bắt chẹt để thỏa mãn cá nhân mà quên hẳn lợi ích chung của các Đoàn Sinh. Cũng có vị tự tung, tự tác, chế biến, sửa đổi những những yếu tố cốt lõi của phong trào đã có suốt 85 năm qua ! Trưởng Hướng Đạo chân chính phải biết đặt quyền lợi, danh dự của phong trào, của Liên Đoàn, của Đoàn Sinh lên trên hết. Hơn thế nữa, phải biết tuân thủ các nội quy đã đặt ra của Hướng Đạo Việt Nam. Trưởng là như vậy đó. Có nhiều người thắc mắc tại sao lại tự chuốc khổ vào thân như vậy trong khi không được trả lương ? Tại sao giường êm, nệm ấm ở nhà không ngủ lại đi ngủ ngoài rừng ngoài rú ? Có lẽ là vì cái “tình” và “máu Hướng Đạo” đã có trong mỗi người Trưởng chúng ta. “Once a Scout, always a Scout” “Hướng Đạo một ngày, Hướng Đạo mãi mãi” Có rất nhiều Trưởng sinh hoạt cả đời, tám chín chục tuổi vẫn ra sinh hoạt với anh em. Bởi thế Hướng Đạo Việt Nam có thêm các Làng, Xóm, Gia Đình Bách Hợp thuộc Hướng Đạo Trưởng Niên để các Trưởng lớn tuổi vẫn có nơi sinh hoạt. “Plant the seeds so everyone enjoys the shade”. 85 năm qua, các Trưởng Hướng Đạo đã và đang gieo những hạt giống tốt để mai sau mọi người có thể hưởng bóng mát. Mặc dù trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm nổi trôi theo dòng lịch sử của dân tộc; Hướng Đạo Việt Nam khó khăn coi thường và tiếp tục vượt qua để tiếp tục truyền lửa thiêng Hướng Đạo sang các thế hệ tiếp nối.

Xin gởi nơi đây lời chân thành tri ơn đến tất cả Quý Trưởng Hướng Đạo Việt Nam. Cầu chúc Quý Trưởng luôn luôn nhiều sức khỏe để tiếp tục hướng dẫn các Đoàn Sinh thân yêu.


Nguyễn Trí Tuệ
Thu 2015

No comments:

Post a Comment