Ban Biên Tập: H K Châu, L N Hui, Ng L Hương, C Ng Cường, Ng C Lâm, Ng Đ Thắng, NTHương

Wednesday, July 5, 2017

ỨC TRAI NGUYỄN TRÃI




ỨC TRAI NGUYỄN TRÃI

Bài viết ngắn này chỉ là những ý vụn nhân kỷ niệm thập tam chu niên Tráng đoàn Nguyễn Trãi – tráng đoàn mang tên một anh hùng dân tộc, một danh nhân văn hoá và quân sự nổi tiếng của lịch sử nước ta vào thế kỷ Xlll, người đã góp công lớn giúp vua Lê Lợi dựng nên nghiệp cả trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống quân Minh dành lại chủ quyền độc lập của nước nhà thoát ách đô hộ của ngoại xâm phương Bắc. (1) Là một kẻ sĩ mang nhiều hoài bảo, sống trong một thời đại nhiễu nhương của đất nước cuối thế kỷ XlV đầu thế kỷ XV sống qua ba triều đại cầm quyền đất nước Triều Trần, Triều Hồ và Triều (hậu) Lê trong đó có 20 năm đất nước quằn quại trong ách thống trị của giặc Ngô (nhà Minh bên Tàu) với dã tâm muốn đưa nước ta trở lại  quận hạt Giao Chỉ ngày xưa. 
Là kẻ sĩ thấm nhuần tư tưởng  Việt Nho trung quân ái quốc.. chắc Ức Trai Nguyễn Trãi ngày đó cũng đã có nhiều băn khoăn trước những biến chuyển thời cuộc, phẫn nộ, đau đớn trước nỗi thống khổ bị trị của dân tộc và trăn trở tìm một con đường cứu nước, cứu dân.



 Nguyễn Trãi với áng Thiên cổ hùng văn  Bình Ngô Đại Cáo mà chúng ta không ai không từng đọc qua một lần mà không cảm thấy hào khí dân tộc dâng trào :
"Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
 Lấy chí nhân để thay cường bạo."
(Bình Ngô Đại Cáo )
 Dùng tâm công để đánh vào lòng người là một phương sách của Nguyễn Trãi đã giúp Lê Lợi chiến thắng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trường kỳ gian khổ chống quân Minh. Chẳng thế mà đời sau đã tôn Nguyễn  Trãi là Thánh tổ ngành Tâm lý chiến - Chiến tranh chính trị . Và hôm nay chúng ta được vinh dự lấy tên Nguyễn Trãi làm danh xưng cho Tráng Đoàn.  Cùng với 10 số Nội San, Tráng Đoàn Nguyễn Trãi đã bền bỉ hiện diện trong dòng cháy của phong trào Hướng Đạo Việt Nam tại hải ngoại đã 13 năm qua như là một minh chứng hùng hồn về tinh thần Nguyễn Trãi trong đời sống tráng sinh: Phục vụ và Giúp Ích. 
" Đao bút phải dùng tài đã vẹn,
 Chỉ thư nấy chép việc càng chuyên." (2)


Ngọn bút của kẻ sĩ Ức Trai suốt một đời là ngọn bút chính khí, thực tài, nhân nghĩa , phò tá quân vương,tranh đấu với kẻ thù, thu phục nhân tâm phục vụ đất nước tận trung tận lực.
Trong chiến tranh, ngòi bút ấy bén nhọn như đao kiếm, với kế sách tâm công của Nguyễn Trãi khi về Lam Sơn dấy nghĩa đã giúp Bình Định Vương Lê Lợi khôi phục lực lượng nghĩa quân để trường kỳ kháng chiến chống giặc Minh dành lại giang sơn Đại Việt đến thành công.
Múa ngọn bút mà thay đao kiếm
Dùng lời ngay thu phục nhân tâm
Khi đất nước thái bình thịnh trị ngọn bút ấy vẫn không ngừng giúp dân giúp nước: san định lễ nhạc, hoà hiếu lân bang, mở mang dân trí …làm đẹp thêm lên nền văn chương học thuật nước nhà. 
  
Ngay từ buổi đầu theo phò tá người anh hùng áo vải đất Lam Sơn, chỉ một mẹo nhỏ mà Ức Trai đã cho những đàn kiến viết lên dòng chữ
" Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần" trên lá rừng Chí Linh, Lam Sơn...từ những căn cứ địa của đoàn quân áo vải đầy lòng yêu nước đó đã kích động tinh thần tướng sĩ và lá theo dòng nước về xuôi cũng đã quy phục lòng người theo về Lam Sơn tụ nghĩa ngày càng đông, thanh thế nghĩa quân ngày càng vững mạnh,
Đó chỉ là một mẹo tâm công đơn giản mà công hiệu, nhưng từ những chiếc lá rừng có 8 chữ này cũng đã tạo ra bất hoà từ những cận thần võ biền từng chịu gian khổ xông pha trận mạc trong những năm kháng Minh đầu tiên  đã ganh tị dèm pha mưu sĩ Việt nho Nguyễn Trãi  trí lự dâng sách bình Ngô, toạ chốn quân doanh bàn mưu tính kế, khiển tướng điều binh cùng chủ soái Lê Lợi và có lẽ đó cũng là một trong những nguyên nhân đưa đến cái chết oan khốc của đệ nhất công thần Nguyễn Trãi trong thảm án Lệ Chi Viên. Về sau lúc gần cuối đời dù ông đã hiểu ra lẽ xuất, xử sau bao nhiêu năm lăn lộn chốn quan trường mà vẫn không tránh khỏi cái họa sát thân và còn liên lụy đến ba đời.(3)
Một thân lẩn quất đường khoa mục
Hai chữ mơ màng việc quốc gia
Vì nợ quân thân chưa báo được
Hài hoa còn bận dặm thanh vân 
Nguyễn Trãi (Ngôn chí 11)
Tham chính cả 2 triều đại, Nhà Hồ và Nhà Hậu Lê từ khi Nguyễn Trãi 20 tuổi đỗ Thái Học Sinh (Tiến Sĩ) triều Hồ Quý Ly năm 1400 được trao chức Ngự sử đài Chính chưởng đến khi cáo quan qui ẩn ở Côn Sơn (Hải Dương) trong chức  Vinh Lộc Đại Phu Nhập Nội Hành Khiển Tri Tam Quán Sự vào tuổi 58 tưởng rằng được an bần lạc đạo bên người thiếp yêu là nữ học sĩ Nguyễn thị Lộ nhưng như một định mệnh khiên cưỡng lúc cuối đời năm 63 tuổi Nguyễn Trãi lại bị chính cái Triều đình mà ông đã góp công xây dựng nên khép vào tội chết liên lụy đến ba đời trong vụ án oan khốc gây nhiều tranh cãi cho đời  sau.
 Trong 63 năm sống của mình phải nói rằng kẻ sĩ Nguyễn Trãi đã phải đứng trước những lựa chọn quan trọng như người tráng sinh RS với cây gậy nạng trên tay cũng phải biết lựa chọn khi đứng trước ngã ba đường đời.
Lần đầu, lúc nhà Trần đang bước vào vòng suy vi và Hồ Quý Ly mang tham vọng soán đoạt ngôi báu nhà Trần để lập nên một triều đại có nhiều cải cách mới mẻ và táo bạo cho đất  nước. Chàng thanh niên Nguyễn Trãi lúc đó 21 tuổi (cũng như cha là Nguyễn Phi Khanh) đã chấp nhận tham chính giúp Hồ Quý Ly, dẫu biết rằng chính họ Hồ là kẻ cướp ngôi vua Trần, và trước đó đã từng là kẻ thù của dòng tộc họ nội mình nhưng Nhà Hồ là một vương triều tiến bộ, Hồ Quý Ly và triều thần lúc đó đều là những người yêu nước, có tinh thần dân tộc, trước sau chủ trương kiên quyết đánh giặc ngoại xâm phương bắc. Bảy năm Nguyễn Trãi phục vụ Triều Hồ một triều đại có nhiều cải cách mới mẻ và táo bạo cho đất  nước nhưng không được lòng dân nên đã thất bại trong cuộc kháng Minh. Đại Việt sau 500 tự chủ lại rơi vào vòng cai trị của quân giặc Bắc phương.
Tuy trong Bình Ngô Đại Cáo Nguyễn Trãi đã thác lời Vua Lê Thái Tổ đã cho rằng “..Nhân họ Hồ chính sự phiền hà,
Để trong nước lòng dân oán hận.
Quân cuồng Minh thừa cơ gây hoạ
Bọn gian tà bán nước cầu vinh.,,”
Nhưng trong lòng ông vẫn coi Hồ Quý Ly là bậc anh hùng:
Hoạ phúc hữu môi phi nhất nhật, 
Anh hùng di hận kỷ thiên niên.
(Hoạ phúc gây mầm không một chốc, 
Anh hùng để hận mấy nghìn năm) 

Lần sau, năm 1407 khi đất nước Đại Việt sau 500 tự chủ lại rơi vào vòng cai trị của nhà Minh. Nguyễn Trãi thêm một phen trốn tránh, ẩn nhẫn chờ thời trong khoảng 10 năm mà ông thường nhắc lại trong thơ mình "thập niên phiêu chuyển thán bồng bình". Chắc chắn Nguyễn Trãi cũng biết trong thời gian đó đã có hai cuộc kháng chiến của nhà Hậu Trần : Giản Định Đế (1407-1409), và Trùng Quang Đế (1409-1413) nhưng Nguyễn Trãi đã không về giúp những bậc tông thất nhà Trần này để cùng mưu cầu đại sự mà chắc chắn ông đã phải cân nhắc, suy nghĩ phương kế chống giặc. Và có lẽ Bình Ngô Sách đã được thai nghén và ra đời trong thời gian này để đến Hội Thề Lũng Nhai năm 1418 Nguyễn Trãi mới tìm đến minh chủ Lê Lợi đệ trình kế sách Bình Ngô  và tham gia vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Đó là sự lựa chọn đúng đắn và kẻ sĩ Nguyễn Trãi đã tận trung phò tá người hào trưởng đất Lam Sơn trong công cuộc kháng Minh đến thành công. 
Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu
Muôn thuở nền thái bình vững chắc 
( Bình Ngô đại cáo)
        Thế nhưng khi đất nước sách bóng giặc thù, Bình Định Vương bước lên ngôi Vua mở ra một triều đại lâu dài nhất trong lịch sử nước nhà thì Nguyễn Trãi, một trong những bậc Khai Quốc công thần chưa thực thi được tài kinh bang kế thế bao năm, đã phải đối mặt với những thế lực trì trệ của triều đình: bọn quyền thần thủ cựu. háo danh, ganh tị. Lũ hoạn thị nhỏ nhen xiểm nịnh. Quân bất minh, trung thần mắc nạn.

Đã biết cửa quyền nhiều hiểm hóc
Cho hay đường lợi cực quanh co. (Ngôn Chí)

Hư danh thực hoạ thù kham tiếu, 
Chúng báng cô trung tuyệt khả liên.
(Oan thán) 
(Danh hư thực họa nên cười quá,
 

Bao kẻ dèm pha xót người trung)

Kẻ sĩ Ức Trai một lần nữa phải quyểt định chọn lựa giữa hai con đường xuất, xử. Khi người anh em của Nguyễn Trãi là Thái uý  Trần Nguyên Hãn rồi kế đó Đại thần Phạm Văn Xảo bị vua Lê Thái Tổ bức tử. Ông không còn được Lê Thái Tổ trọng dụng nữa nhưng vẫn nấn ná ở kinh đô gần 10 năm nữa mới chính thức xin về hưu ẩn ở Côn Sơn:
Côn Sơn có suối nước trong
Tai nghe tiếng suối như cung đàn cầm
 ( Côn Sơn ca , bản dịch)
Bài ca Côn Sơn này cũng như nhiều bài Tự Thán trong thơ Quốc âm Ức Trai chỉ là tiếng than dài của người thất thế mà thôi.
Nhưng chính sự chọn lựa cuối cùng của Nguyễn Trãi khi ông nhận lời "xuất"một lần nữa giúp ông vua trẻ Lê Thái Tông đã đem đến cho ông và toàn gia ba họ đến cái chết oan khốc trong nghi án Lệ Chi Viên.

 Phải đến 22 năm sau vua Lê Thánh Tông- con trai của Lê Thái Tông với bà Quang Thục Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao, người từng chịu ơn cứu mạng của vợ chồng Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ ngày trước-mới giải oan cho Nguyễn Trãi và phục hồi danh dự cho vị lão thần mà nhà vua  chưa bao giờ gặp mặt vì chính năm Nguyễn Trãi- Nguyễn Thị Lộ thọ tử cũng là năm hoàng tử Tư Thành (Lê Thánh Tông) ra đời tại chùa Huy Văn.

Câu thơ của vua Lê Thánh Tôn trong bài Quân minh, thần lương (vua sáng, tôi hiền) (3) đã ca tụng tài văn chương của Nguyễn Trãi cũng tỏa sáng như tấm lòng của ông với dân với nước 
 Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo
                                           Lòng Ức Trai sáng rực ánh văn chương (4)


Ghi chú 

(1) UNESCO Paris 5/6/ 1979
ANNIVERSARIES OF GREAT PERSONALITIES AND IMPORTANT HISTORICAL EVENTS
Những lễ kỷ niệm các nhân vật nổi tiếng và sự kiện lịch sử quan trọng.
Nguyen Trai- Poet, creator of Vietnamese classical literature and national hero of Vietnam. Vietnam.
(Nguyễn Trãi, nhà thơ, người sáng lập văn học cổ điển Việt Nam, anh hùng dân tộc Việt Nam. Việt Nam).

(2) Trí qua mười mới khá rằng nên,
Ý lấy Nho hầu đấng hiền.
Đao bút phải dùng tài đã vẹn,
Chỉ thư nấy chép việc càng chuyên.
Vệ Nam mãi mãi ra tay thước,
Điện Bắc đà đà yên phận tiên.
Nghiệp Tiêu Hà làm khá kịp,
Xưa nay cùng một sử xanh truyền.
Nguyễn Trãi

(3) Nguyễn Trãi cũng đề xuất một diệu kế nhằm tuyên truyền thanh thế cho nghĩa quân Lam Sơn. Ông dùng nước cơm trộn mật (hoặc mỡ) viết vào lá cây tám chữ “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” (黎利為君為臣), nghĩa là Lê Lợi làm vua, Nguyễn Trãi làm tôi, với ý đồ khiến kiến ăn mỡ khoét thành chữ trên mặt lá, rồi lá theo dòng nước trôi đi các ngả như tin báo từ trên trời xuống. Tuy vậy, một số tướng lĩnh khác như Lê Sát, Phạm Vấn, Lê Thụ bất bình vì cho rằng Nguyễn Trãi quá cao ngạo và coi thường họ, những người đã chịu nhiều lao khổ từ khi cuộc khởi nghĩa còn trong trứng nước. Đinh Liệt hoà giải mâu thuẫn bằng cách đề nghị Nguyễn Trãi đổi lại thành “Lê Lợi vi quân, bách tính vi thần “(黎利為君百姓為 ), nghĩa là Lê Lợi làm vua, trăm họ làm tôi. Thế là tin Lam Sơn khởi nghĩa truyền đi khắp nơi, khiến cho mọi người hết sức tin tưởng vào tương lai của nghĩa quân.

(4) Nguyên văn câu này là một câu thơ trong bài thơ chữ Hán của Lê Thánh Tông:
Quân minh, thần lương
Cao Đế anh hùng cái thế danh
Văn Hoàng trí dũng phủ doanh thành
Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo
Vũ Mục hung trung liệt giáp binh
Thập Trịnh đệ huynh liên quý hiển
Nhị Thân phụ tử bội ân vinh
Hiếu tôn Hồng Đức thừa phi tự
Bát bách Cơ Chu lạc thái bình

(Đức Cao Đế (Lê Thái Tổ) là bậc anh hùng đệ nhất thiên hạ
Đức Văn Hoàng (Lê Thái Tông) trí dũng kế thừa cơ nghiệp
Ức Trai (Nguyễn Trãi) lòng soi sáng văn chương
Vũ Mục (Lê Khôi) bụng chứa đầy binh giáp
Mười anh em họ Trịnh (con thái uý Trịnh Khả) tất thảy đều vẻ vang phú quý
Hai cha con họ Thân (Thân Nhân Trung và Thân Nhân Tín) đều hưởng ân vinh lớn
Cháu hiếu là Hồng Đức (Lê Thánh Tông) nay kế thừa nghiệp lớn
Vui hưởng thái bình như nhà Chu tám trăm năm)













       
                    

No comments:

Post a Comment