Ban Biên Tập: H K Châu, L N Hui, Ng L Hương, C Ng Cường, Ng C Lâm, Ng Đ Thắng, NTHương

Tuesday, April 3, 2018

Gương Sáng

Trưởng Lê Mộng Ngọ

Trong tháng 3 – 2018 diễn đàn Tráng Đoàn Nguyễn Trãi giới thiệu bài “Đạo Sống và Truyền Thống Của Dân Tộc Việt Nam” của Trưởng Nguyễn Đức Lập. Tháng tư này, xin trích đăng bài “Gương Sáng” của Trưởng Lê Mộng Ngọ đã được in trên Bản Tin Liên Lạc Sóng Bạch Đằng, số tháng 1 – 1975.Trưởng Lê Mộng Ngọ có một quá trình hoạt động Hướng Đạo từ miền Bắc, đến miền Trung rồi vào miền Nam. Năm 1961 là Ủy Viên Ngành Thiếu HĐVN. 1962 Khóa trưởng Huấn Luyện Bằng Rừng Ngành Thiếu. 1966 Đảm nhận DCC Ngành Thiếu HĐVN và cũng là Trại trưởng HĐVN. Năm 2000 được trao Huân Chương Bắc Đẩu HĐVN. Trưởng Lê Mộng Ngọ, tên rừng Ong Lắm Mật  lìa rừng tháng 11 – 2012 tại California, Hoa Kỳ.

Gương sáng đầu cần kể là yếu tố nền tảng cần nêu – trước hết phải là ý chí “cố gắng hết sức” trong Lời Hứa và Luật Hướng Đạo được Baden Powell định đặt hết sức cần yếu, quan trọng, hợp tâm lý, đúng giáo dục, khác hẳn với nhiều phong trào giáo dục, tổ chức thanh thiếu niên, nhất là về phương diện thực hiện.
Hướng Đạo Sinh chúng ta, ai cũng đã tuyên lời: tôi hứa “cố gắng hết sức” và ý hướng gần như những dòng tiếp theo trong một giảng khóa… Đối với con người, công việc tu tiến nhân cách hệ trọng hơn cả mà trong các năng lực thì sự nổ lực “cố gắng” lại quan trọng hơn tất cả. Sự cố gắng và sự thiếu cố gắng  giữ một vai trò chính yếu. Do sự cố gắng ta có thể  tạo sự nghiệp mới, hoàn cảnh nới, môi trường mới và nhiều điều mới là to tát hơn.
Dù có nhiều thuận lợi nhưng nếu ta không nổ lực cố gắng thì không những ta đã bỏ lỡ mọi cơ hội quý báu mà đôi khi còn phung  phí cả một sự nghiệp vật chất hay tinh thần, một cuộc đời cho bản thân hay cho kẻ khác.
Tật bệnh không tìm thầy uống thuốc, việc khó không gắng sức vượt qua, nếu ta không chịu cố chí để tiến bộ thì bệnh nặng có thể vong mạng, việc khó đưa đến nguy nan và không tiến bộ tất phải thoái lui. Trái lại “cố gắng hết sức” vượt mọi khó khăn, luôn luôn cải thiện hoàn cảnh, tận dụng mọi khả năng và mọi cơ hội hiếm có và tận lực vững tiến sẽ tiến bộ thật sự. Kết quả nhỡn tiền có khi chưa thấy nhưng tinh thần nhất định sảng khoái hơn.
Khi có việc bất trắc xảy đến, khi gặp trở ngại khó khăn, thất bại và hoàn cảnh không thuận lợi…thay vì đành phải chịu bó tay đầu hàng hoàn cảnh để nhận lãnh những tai hại phũ phàng, ta tận lực cố gắng tìm  hiểu, diệt trừ từ cội rễ những xấu xa và gieo trồng những tốt đẹp, lợi ích bởi vì tương lai hoàn toàn nằm trong tay chúng ta, bởi vì mọi người đều có khả năng và cơ hội để tự cải thiện bất cứ lúc nào, bởi vì mọi người, dầu phải chịu đau khổ trong hiện tại nhưng vẫn có hy vọng như mọi người rằng trong một ngày tốt đẹp nào, chính mình cũng có thể được an vui hạnh phúc. Ta tạo địa ngục cho ta do hành động của chính ta, cũng do nơi hành động của chính mình, ta tạo thiên đường cho ta.

“Cố gắng hết sức” là điều khuyên răn, thúc giục đối với tuổi trẻ. Đối với người lớn, giới trí thức, “cố gắng hết sức” là một khích lệ.
Hướng Đạo Sinh chúng ta, khi hứa, ai cũng hiểu là Phong Trào, anh em không bó buộc mọi người hứa phải đạt được mục đích đã hứa…nhưng luôn luôn “cố gắng hết sức” là giữ vững được ý chí hướng thượng, luyện rèn nhân cách, tính khí, đủ đáp ứng được sự đòi hỏi của người sáng lập Phong Trào rồi.
Nhưng khốn nỗi, người đời lại đòi hỏi ở Hướng Đạo Sinh nhiều hơn nữa. Có nhiều vị muốn cho chúng ta phải như thần như thánh trong khi ta đang ở cõi đời  cuối 1974.
Gương sáng của Việt Câu Tiễn nằm gai nếm mật, nuôi dưỡng ý chí giống nòi cần phải được truy tìm cho ra nguồn gốc.
Ông Gerald Ford đã “cố gắng hết sức” để đóng trọn vai trò bảo thủ của môn dã cầu lúc tuổi thanh xuân, đã là người đại diện anh dũng cho quận 5 của tiểu bang Michigan nhưng không sao tránh được búa rìu của của sự thật. Khả năng trí thức của ông bị Lyndon B. Johnson dùng những lời nhận xét tàn nhẫn: “Jerry chẳng bao giờ biết vừa đi vừa nhai kẹo cao su” hoặc lời thú nhận công khai của Henry Kissinger về ông là: “người cộng sự thông minh và chịu khó”. Dĩ nhiên dân Mỹ biết ông ta tận tụy với chức vụ mới nhưng đòi hỏi ông phải là đại diện của toàn thể Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, ông phải có tác phong như một lãnh tụ thật sự.
Báo chí Mỹ cho là Tổng Thống  Hoa Kỳ Gerald Ford gặp khó khăn trong vai trò của ông ta, nhất  là ông ta tiếp tục cư xử như điều mà báo chí Mỹ mô tả nghĩa là “Một Hướng Đạo Sinh, bạn của tất cả mọi người” theo tờ Le Point mới xuất bản gần đây.
Vậy thì Guơng Sáng “cố gắng hết sức” phải chiếu tỏa thế nào và Hướng Đạo Sinh còn phải có những gì khi đảm nhiệm những trách vụ lớn lao?  Biết nhận trách vụ và biết từ chối chức tước cũng là những Gương Sáng đáng được soi chung.

Lê Mộng Ngọ - Ong Lắm Mật

     Về Trưởng Lê Mộng Ngọ, cố Trưởng Tôn Thất Hy có kể câu chuyện như sau:             Trong cuộc bầu cử lại chức vụ Trại trưởng vào cuối năm 1973 tại Sài Gòn, lần đầu tiên, số phiếu của hai Trưởng Lê Mộng Ngọ và Mai Ngọc Liệu bằng nhau. Lần thứ hai, kết quả vẫn như trước. Đến lần thứ ba, vì thấy không khí quá căng thẳng và để tránh tình trạng bất hòa, chia rẽ gây hậu quả không tốt cho Phong Trào, Trưởng Ngọ cầm lá phiếu của mình bỏ cho Trưởng Mai Ngọc Liệu. Hành động quân tử đầy “Hướng Đạo tính” này làm cho Trưởng Tôn Thất Đông giận hờn Trưởng Ngọ nửa năm không trò chuyện. Nhưng đối với Trưởng Ngọ thì việc đó chẳng quan trọng gì. Đã có lần Trưởng cho tôi xem cuốn sổ tay có chép câu bằng mực đỏ: “Muốn được hạnh phúc thì phải hòa giải mọi đối tượng chung quanh mình, kể cả cha mẹ, anh em, bạn bè và vợ con mình nữa”. Trưởng cũng thường nói: “Thủy cường xà hiệp. Đáo tắc thoái” (Nước lớn thì rắn tới. Đến thì phải đi). Có đến thì có đi mới đúng lẽ biến dịch.
Trưởng Lê Mộng Ngọ (bên trái) tại trại trường Tùng Nguyên, Đà Lạt 1971

 Ghi thêm của BBT: Gerald Ford (1913-2006) là tổng thống thứ 38 của Hoa Kỳ. Ông là một HĐS đạt danh hiệu Eagle Scout năm 1927 và là vị tổng thống duy nhất của Hoa Kỳ nhận danh hiệu này. Khi ông mất có 400 Eagle Scout tuổi từ 15 đến 85 làm đội chào danh dự trong tang lễ.
 

No comments:

Post a Comment