Tôi biết và đọc truyện Trần Tiêu từ khi học bậc Tiểu Học trong bài tập đọc Chăn Trâu trích nguyên đoạn mở đầu của tiểu thuyết Con Trâu của ông.
Bài tập đọc ấy đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in: “ Nghé ơ ơ ơ ơ nghé.... Thằng Tửu ngồi trên mình trâu gọi nghé....Con trâu mẹ kêu theo vài tiếng “nghé ọ”... và chân vẫn thản nhiên đều đều bước trên con đường đất gồ ghề.” Tôi nhớ thằng Tửu chăn trâu này cũng như nhớ cậu bé quê lần đầu đến trường trong Tôi Đi Học của Thanh Tịnh “ Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc ....” từ những bài tập đọc, học thuộc lòng ...một thuở ấu thời, đã phải đọc đi đọc lại đã in sâu vào tâm trí tôi tự hồi nào không biết. Chính những ký ức không phai này đã giúp tôi vượt qua bài thi Vấn Đáp với thầy Lê Hữu Mục để bước vào ngưỡng cửa Đại Học Sư Phạm Sài Gòn cách đây nửa thế kỷ.
Trần Tiêu (cũng như Thanh Tịnh và nhiều tác giả Tự Lực Văn Đoàn) đã đến với tôi và các cậu các cô bé học trò ngày xưa, bằng những bài Tập Đọc, Tập Làm Văn thời còn mài đũng quần trên ghế nhà trường Miền Nam như thế đó. Sau này tôi mới biết Trần Tiêu chính là em ruột của Khái Hưng Trần Khánh Giư, một nhà văn nổi tiếng nhất là về truyện ngắn. Khái Hưng bị cộng sản thủ tiêu năm 1947 và Trần Tiêu chết năm 1954. Cuộc đời hai anh em ông tuy ngắn nhưng đã để lại cho hậu thế những áng văn trác tuyệt.
Tôi nhớ Con Trâu của Trần Tiêu trong những ngày Tết Tân Sửu tha phương giá lạnh năm nay, khi trận bão tuyết đổ xuống Houston và toàn miền Đông Bắc và Tây Nam Hoa Kỳ. Không có điện và sóng Wifi nên chỉ ngồi nhớ và viết cho qua thì giờ. Cơn lạnh khủng khiếp trên một đất nước tiên tiến như Hoa Kỳ vào lúc bất ngờ như thế này thật là khó tưởng tượng nổi. Lạnh chết người là có đấy, cứ như những trận lạnh mà mẹ tôi kể ngoài quê Nam Định ngoài Bắc những năm 30, 40 xưa. Lạnh làm cá chết nổi trắng ao hồ và trâu bò rụng tai. Đã từng nghe mẹ kể nhưng tận bây giờ mới thấy trâu bò rụng tai vì lạnh là có thật ...
Con trâu đi vào văn học Việt Nam bằng những bước chân cục mịch, chắc nụi lần đầu tiên trong tác phẩm của Trần Tiêu năm 1942 như thế, nhưng tiếc thay ngày nay người ta không dạy cho trẻ theo lối xưa ấy nữa.
Họ lại từng dạy là những loài vật hiền lành như trâu chỉ biết chọi nhau và thậm chí biết đánh nhau với “giặc Mĩ” cho bọn trẻ nít ngây thơ tưởng bở mà chơi mang trâu đi chọi với “súng Mĩ”!
Con trâu từ nghìn năm xưa đã từng theo ông lão Sào Phủ lên ngọn đầu suối uống nước để tránh khỏi uống nhằm nước rửa tai của ông bạn Hứa Do.
Chớ bộ tai ông Hứa Do dơ đến vậy sao?!
Tích xưa kể rằng; ông Hứa Do được vua Nghiêu gọi vào để nhường ngôi, nghe vậy ông Hứa cười hề hề mà tạ về rồi ra suối rửa tai, gặp ngay ông bạn là Sào Phủ đang dắt trâu ra suối uống nước. Ông Sào bèn hỏi bạn: Sao rửa tai làm vậy ? Ông Hứa thiệt tình kể đầu đuôi. Sào Phủ cắc cớ hỏi lại: Ông làm cái giống gì mà để vua biết mặt chúa biết tên đến nỗi phải đi rửa vì không muốn nghe những lời trái tai làm vậy ?
Rồi dẫn trâu lên đầu nguồn cho trâu uống để khỏi phải dùng nước rửa tai dơ của Hứa Do.
Nên nhớ thời vua Nghiêu bên Tàu là thời lâu lắc, lâu xa, lâu lắm từ những năm 2337 - 2258 Trước Công nguyên lận. Đến năm 1910, nhà khoa học K.Kenlo nghiên cứu mới biết trâu là loài vật thuộc giống gia súc có sừng đầu tiên được thuần dưỡng, tức cũng có lịch sử xa xưa cỡ “thời Nghiêu Thuấn” đấy cơ.
Vậy té ra con trâu cũng “già” chỉ thua con “ma mút” sao?!
Chữ Tàu cũng “nghèo” hơn chữ ta.
Ta có các tên, các chữ riêng để gọi bọn trâu, bò, nghé, ngọ ....này nọ nhưng “bọn” Tàu (ít chữ) chỉ có mỗi từ “ngưu” để chỉ chung đám trâu, bò ...mà thôi nên Tàu phải chế thêm chữ để nhân dân dùng; gọi Trâu là “thủy ngưu”, thanh ngưu là trâu và “hoàng ngưu” là bò để phân biệt đâu là trâu đâu là bò.
Mới đây Việt Nam ta có chữ “bò vàng” có lẽ xuất xứ từ chữ “hoàng ngưu” của anh bạn vàng khè hàng xóm tốt bụng này chăng ?!
Thanh ngưu là con Trâu Xanh. Người dị đoan bảo con trâu xanh là điềm lành và bò vàng mang điềm dữ ? Điều này có lẽ ứng trên đường phố hay ngõ ngách nước ta hiện nay.
Trâu xanh thì đã theo cụ Lão tử đi về núi Tây và biến mất từ khuya. Cụ Lão này trước khi đi vào hư vô có chép để lại bộ Đạo Đức Kinh hơn nghìn chữ vàng ngọc toàn là đồ cổ, đồ quý cho đời sau. Nhưng tiếc thật bọn đời sau kể cả Tàu lẫn ta hiếm người chịu đọc nên xã hội càng ngày càng vô đạo đức.
Những thông tin “vô đạo đức” này đầy dẫy trên trang “xe cán chó” của các báo có lai sần và chi bộ đảng trong nước đấy. Thật đáng buồn!
Ông nhạc sĩ đa tài lắm tật Phạm Duy từng có nhiều bài nhạc để đời có nhắc đến con trâu mà là trâu xanh đây . Nghe lại từ Em Bé Quê :”Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ ...Ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau, và miệng hát nghêu ngao....Trâu hỡi trâu ơi đi cầy, trâu ơi đi cấy nhé.
Đồng ruộng kia, với đồi cỏ kia, là của những dân quê...”( Em bé quê -PD) đến Nương Chiều: “Chiều ơi ! Lúc chiều về rợp bóng nương khoai. Trâu bò về rục mõ xa xôi, ơi chiều.
Chiều ơi ! Áo chàm về quảy lúa trên vai, In hình vào sườn núi chơi vơi, ới chiều ...”(Nương chiều - PD)
Và con trâu xanh trong “Ngày trở về, có anh nông phu chống nạng cày bừa, Vì thương yêu anh nên ngày trở về, Có con trâu xanh hết lòng giúp đỡ ...( Ngày trở về - PD )
Nhắc đến con trâu xanh lại nhớ đến Hồ Thanh Ngưu ( con trâu xanh họ Hồ) tức Điệp Cốc Y Tiên – Hồ Thanh Ngưu, một nhân vật võ lâm y giới trong tác phẩm Ỷ Thiên Đồ Long Ký của Kim Dung đại hiệp đã làm chúng ta mê say một thời. Ông Y Tiên võ hiệp này thuộc phe Minh Giáo, sống trong Hồ Điệp Cốc, một thung lũng đầy hoa thơm bướm đẹp, suốt đời say mê nghiên cứu về y thuật chuyên hóa giải kịch độc trong thiên hạ Nhờ vậy Trương Vô Kỵ thiếu hiệp khi bị trúng Huyền Minh thần chưởng âm hàn chướng khí trong tạng phủ tim mạch tưởng chết may được kỳ duyên gặp Điệp Cốc Y Tiên Hồ Thanh Ngưu cứu chữa giúp Vô Kỵ kéo dài cuộc sống cho đến khi có cơ may luyện được Cửu dương thần công để tự chữa lành nội thương, cũng như đẩy được Huyền Minh âm hàn thần chưởng ra khỏi kinh mạch. Về sau Trương Vô Kỵ đại hiệp trở thành Giáo chủ Minh Giáo kết tóc se tơ và kẻ lông mày cho Triệu Minh quận chúa nương nương...khi gác kiếm qui ẩn từ giã võ lâm....
Điệp Cốc Y Tiên-Hồ Thanh Ngưu của Kim Dung đại hiệp thiệt đáng kính trọng khác xa Đạo Văn Sư Phó-Hồ Hoàng Ngưu của võ lâm xứ ta.
Nhân được (bị) mấy ngày bị trúng “Âm hàn chưởng” của nàng bão tuyết Uri độc đáo vừa qua, phải bế môn nơi Hàn cốc luyện thương nguyên tuần không biết làm chi nên viết lách lăng nhăng. Nay mới có cơ may nhờ có “sóng” nên tại hạ bèn đưa ra cho “võ lâm giang hồ” phây búc thưởng lãm
Hehehe
mai ngọc cường
Tháng 2/2021
Hữu Tâm thành
Mùa Bão Tuyết
No comments:
Post a Comment