“Dã ngoại đào hoa lấm tấm khai”
Sớm nay ngồi bâng quơ nhìn ra ngoài song cửa, chợt thấy cây đào đã nở hoa trước sân nhà.
Ừ nhỉ! “Đào hoa y cựu tiếu đông phong!“ Trời sắp Tết nhưng lòng mình chưa Tết, thì hoa đào đã nhắc chừng kẻo lại quên.
Mỗi năm cứ đến Xuân đến Tết. Lòng lại bâng khuâng nỗi nhớ nhà. Quê người tháng tận rồi năm hết. Ngồi trong nhà mà dạ nhớ quê xa ...
Cây đào trước ngõ hoa lại nở, Đào xứ Huê Kỳ cũng báo Xuân. Xuân khứ Xuân lai Xuân bất tận. Để lại lòng ta chút bâng khuâng.
Nhìn hoa lại chợt nhớ câu thơ tương truyền của vua Tự Đức, ông hoàng sính thơ của triều Nguyễn:
“Dã ngoại đào hoa lấm tấm khai”
(Ngoài trời hoa đào đã nở lấm tấm)
Dân làm thơ đã hay huống gì là vua!
Ai mà dám cả gan chê hay “bình lựng” thơ của vua nhỉ, nhất là vua Việt Nam - một “cường quốc thơ ca” như lãnh đạo nào đó đã “ngôn” một cách huênh hoang, tự hào và trí tuệ -
Câu thơ dã ngoại ... trên chỉ có cái lạ là có hai chữ Nôm “lấm tấm” quê mùa nằm lẫn trong 5 chữ Hán “cao quý” vào cái thời Hán tự còn độc tôn trong cung đình và khoa cử Việt Nam.
Vua khoe (hơi nổ 1 tí) với đám quan lại trong buổi triều là đêm qua vua được thần nhân báo mộng cho 2 câu thơ nửa nạc nửa mỡ độc đáo vô cùng:
“Viên trung oanh chuyển KHỀ KHÀ ngữ
Dã ngoại đào hoa LẤM TẤM khai”
Hai câu thơ “thần” ấy là thơ thất ngôn với 5 chữ Hán và 2 chữ Nôm trong mỗi câu. Một kiểu thơ “cách tân”(cỡ “1-2-3” hiện nay) trong cung đình thời ấy, nếu dịch ra Việt ngữ thì là
Trong vườn tiếng chim oanh “khề khà”
Ngoài sân hoa đào nở “lấm tấm”
Thơ của vua làm cả triều thần tấm tắc khen lấy khen để. Bỗng có một anh tiểu quan dám cả gan đứng lên thưa rằng hay thật là hay nhưng hai câu thơ ấy thần đã nghe qua cách nay khá lâu trong quyển nào đó mà tức thì thần chưa nhớ ra ...
Ậy ậy! Gã quan nhỏ nào đó uống mật gấu hay sao mà ngôn khinh xuất đến thế dám chê vua “thuổng” thơ thiên hạ vậy cà. Té ra ảnh là Cao Bá Quát “ Thần Siêu Thánh Quát” đây mà.
Đương sướng, vua bỗng tự dưng cụt hứng ngang, tuy giận lắm, nhưng cố nén lòng bảo Cao Bá Quát : nếu ngươi đã nói vậy thì thử đọc hết bài thơ cho ta nghe xem sao. Ý vua là nếu Cao ấm a ấm ớ sẽ bị trị tội khi quân cho hết “thánh” ngôn.
Rồi sao nhỉ !? Cao Chu Thần nhà ta giả ngộ moi trí nhớ vài giây rồi đằng hắng đọc một mạch nguyên bài thơ thất ngôn bát cú bằng Hán văn nhưng câu nào cũng có hai chữ Nôm “na mách qué” (in hoa) trong bài thơ như ri :
Bảo mã tây phong HUYẾCH HOÁC lai
HUYÊNH HOANG nhân sự thác đề hồi
Viên trung oanh chuyển KHỀ KHÀ ngữ
Dã ngoại đào hoa LẤM TẤM khai
Xuân nhật bất văn sương LỘP BỘP
Thu thiên chỉ kiến vũ BÀI NHÀI
KHÙ KHỜ thi tứ đa nhân thức
KHỆNH KHẠNG tương lai vấn tú tài
Dịch nghĩa:
Ngựa báu theo gió tây HUYẾCH HOÁC lại
Người HUYÊNH HOANG tự theo quay về
Trong vườn tiếng oanh hót nghe KHỀ KHÀ
Ngoài đồng hoa đào nở LẤM TẤM
Ngày xuân chẳng nghe sương rơi LỘP BỘP
Trời thu chỉ thấy mưa BÀI NHÀI
Câu thơ KHÙ KHỜ đã nhiều người biêt
Còn KHỆNH KHẠNG đem hỏi tú tài.
Dịch thơ:
Ngựa hay HUẾCH HOÁC theo gió Tây
Có kẻ HUÊNH HOANG tự đến đây
Oanh hót KHỀ KHÀ trong lá biếc
Đào bung LẤM TẤM giữa đồng cây
Sương gieo LỘP BỘP ngày Xuân ấy
Mưa trút BÀI NHÀI sợi thu bay
Thơ quá KHÙ KHỜ ai cũng biết
KHỆNH KHẠNG đem ra hỏi Tú này
Vua và triều thần nghe qua rất phục nhưng Tự Đức cũng thần biết là mắc lỡm Huấn Cao nhưng phục tài nên bỏ qua chuyện thơ xạo này.
Thần Siêu Thánh Quát ngày xưa là vậy đó... nhưng các bậc vương đế hay thơ trong lịch sử như Lê Thánh Tôn, Tự Đức xưa cũng chưa dám huênh hoang tự hào là CƯỜNG QUỐC THƠ như thời nay, tuy nước ta có một nhà thơ Lớn là nhà Thơ BACHO ưu việt, có 102 trong lịch sử thơ ca thời cận hiện đại sống mãi trong sự nghiệp nước nhà.
Lung tung lang tang trong “cường quốc thơ” đôi ngày cận Tết
4/2/21
No comments:
Post a Comment