Chị Đoàn Thị Mừng là phu nhân của Trưởng Công
Bền Chí /
Nhữ Văn
Trí. Chị là hội viên chính thức của Làng Bách Hợp Hoa
Thịnh Đốn. Chị sinh
hoạt với Làng
từ ngày thành lập Làng
năm 1995 cho đến nay. Xin giới thiệu đến quý vị cảm nghĩ của chị Mừng sau nhiều năm
chị sinh
hoạt với hướng đạo.
Tôi không
phải là dân hướng đạo chính gốc. Tôi là dân hướng đạo phật tử. Sinh hoạt phật
tử với sinh hoạt hướng đạo cũng tương tự như nhau nhưng cái khác nhau căn bản
là con đường đi của hướng đạo có ông tổ là Baden-Powell còn con đường đi của
hướng đạo phật tử có ông tổ là Phật Thích Ca.
Nói như
vậy không có nghĩa là tôi không biết gì về phong trào hướng đạo của Baden–Powell mà chỉ biết về hướng đạo phật tử. Tôi bắt đầu biết về hướng đạo khi tôi
lập gia đình lúc chúng tôi còn trẻ. Anh là dân hướng đạo, gia nhập phong trào
hướng đạo khi anh 15 tuổi. Anh là Trưởng hướng đạo, cầm Đoàn, cầm
Liên Đoàn, Trưởng huấn luyện. Tôi luôn đi theo anh trong những buổi sinh hoạt, Tôi là người phụ-tá-trưởng-hướng-đạo không ghi danh.
Bộ đồng phục hướng đạo anh mặc do tôi chăm sóc, các huy hiệu hướng
đạo gắn trên áo hay trên nón do tôi may hay kết vào những thứ này cho tôi khái
niệm về hình ảnh hướng đạo hay tinh thần hướng đạo ẩn hiện trên đó. Đôi lúc tôi
xem được tài liệu hướng đạo khi tôi sắp xếp tài liệu vào tủ sách, trao đổi cậu
chuyện sinh hoạt với phụ huynh, cùng bạn bè thảo luận về đề tài liên quan đến đời
sống hướng đạo khiến tôi nhớ và thuộc lòng về hướng đạo hồi nào tôi cũng không
hay. Luật và lời hứa hướng đạo tôi đều biết. Có thể nói tôi là dân hướng đạo
nhưng cái khác là dân hướng đạo chưa tuyên lời hứa.
Phương
pháp chính của hướng đạo là sinh hoạt ngoài trời. Tôi theo anh đi cắm trại khắp
nơi. Tôi đi theo sinh hoạt trong cái vô tình. Cái kiểu xuất gía tòng phu. Đi
riết tôi thích đời sống hướng đạo lúc nào tôi cũng không hay. Kể từ khi lập gia
đình đến nay tôi không còn sinh hoạt trong gia đình phật tử nữa. Thỉnh thoảng
tôi đi chùa theo những ngày lễ lớn và khi nào chúng tôi có thì giờ rảnh chúng
tôi mới ghé lại chùa…
Khi chúng
tôi có con, không nói tới ý kiến anh lúc các con tôi còn nhỏ, tôi đã có ý định
cho chúng gia nhập hướng đạo. Hoàn cảnh đất nước sau năm 1975 chúng tôi ngừng
sinh hoạt hướng đạo nhiều năm, các con tôi không có cơ hội gia nhập phong trào
vì hướng đạo trong nước bị giải tán…
Mãi đến
khi được định cư trên đất Mỹ vào năm 1990 anh sinh hoạt hướng đạo trở lại, tôi
đi theo và các con tôi có điều kiện tham gia sinh hoạt hướng đạo. Lúc này chúng
tôi đã bước vào tuổi trung niên. Mái tóc chúng tôi đã điểm bạc. Chúng tôi vẫn
hăng say sinh hoạt như khi chúng tôi còn trẻ. Cái khác đi lúc này tôi phải lo thêm cho các con tôi trong sinh
hoạt hướng đạo. Gia đình chúng tôi ví như là một tổ hướng đạo. Chúng tôi
hay ví von như vậy khi chúng tôi nói chuyện vui đùa với bạn bè sinh hoạt chung
với chúng tôi.
Thời gian
qua đi các con tôi lớn dần. Chúng đã qua tuổi thiếu sinh, kha sinh rồi bước vào
đại học. Chúng tôi không còn sinh hoạt với các đơn vị nữa vì đã qua cái tuổi
sinh hoạt với các em. Chúng tôi theo sinh hoạt với đơn vị hướng đạo trưởng
niên. Đơn vị này dành cho những người lớn tuổi.
Tôi tiếp
tục theo anh sinh hoạt hướng đạo theo hình thức Làng. Cái vui, cái buồn trong
làng trưởng niên đi theo tôi nhiều năm. Cuộc sống hướng đạo trưởng niên cũng
hấp dẫn như sinh hoạt lúc chúng tôi còn trẻ. Những buổi cắm trại ngoài trời như
đi biển, leo núi, nhóm họp, hội hè… thật là vui. Tôi đã có cả một quảng đời vui
tươi, thoải mái.
Nhiều năm
qua đi mái tóc chúng tôi đã bạc nhiều, sức khoẻ không còn như xưa và không còn
tham gia sinh hoạt hướng đạo như lúc trước mặc dù tinh thần chúng tôi vẫn hăng
say. Làng cũng gìa đi. Sinh hoạt làng cũng kém dần.
Viễn tượng tương lai ai cũng như ai phải có một hướng đi để sống.
Tôi lại quay về với đời sống của người hướng đạo phật tử chăng! Chùa chiền, kinh kệ…! Tôi lắc đầu. Tôi chưa nghĩ tới, sức
khoẻ và nghị lực vẫn còn, tôi còn tham gia vào sinh hoạt hướng đạo được. Làng
Bách Hợp trẻ trung hóa tôi, tôi còn sức khoẻ, tôi còn tham gia.
Nhớ tới câu thơ của nhà thơ Bùi Giáng :
“ Xin chào nhau giữa con đường, Mùa xuân phía trước miên trường phía
sau…”
Tôi xin phép nhà thơ Bùi Giáng sửa lại đoạn thơ trên cho phù hợp
với tình hình sinh hoạt hướng đạo của tôi hiện giờ.
“ Xin chào nhau giữa con đường. Mùa
Xuân phía trước vui buồn phía sau…”.
Tôi không phân vân trên con đường đã đi vì nó chỉ có một con đường
với mùa xuân phía trước.
Mùa Xuân đã qua đi nhiều năm trong đời tôi. Như con én bay, như vó
ngựa qua cửa sổ. Tôi vẫn là người hướng đạo chưa tuyên lời hứa dù mái tóc tôi
đã bạc mầu vì thời gian.
Mùa Xuân
Maryland, Hoa Kỳ
ĐOÀN
THỊ MỪNG.(Người hướng đạo chưa tuyên lời hứa)
No comments:
Post a Comment