Khi còn trong nước dưới chế độ Cộng hòa, chúng ta thường nghe
và xử dụng từ người Việt gốc Hoa, danh xưng này rất nhẹ nhàng và lịch sự, trong
những hoàn cảnh khác, đôi khi chúng ta vẫn nghe những từ như “Ba Tàu”, “Tàu chệt” và kể cả “ Mấy Thằng Ba
Tàu Chợ Lớn” v.v…
Khi Miền Nam không còn thể chế Cộng Hòa nữa, rất đông người
miền Nam rời bỏ quê Cha đất Tổ dưới nhiều hình thức để rồi lưu lạc nơi xứ người
thì người Việt gốc Hoa hay người Việt cũng trở thành người bản xứ gốc Việt cả,
liệu chúng ta cảm nghĩ như thế nào? Chấp nhận hay không thì thực tế đã là như vậy.
Người Việt chúng ta bây giờ có mặt khắp nơi trên địa cầu này,
tập trung vẫn ở những nước có nền kinh tế phồn thịnh, tại nơi đây, cộng đồng
người Việt đã sinh hoạt với nhau trong nhiều hội đoàn, đoàn thể và tổ chức. Thế
nhưng, sau gần 40 năm chúng ta vẫn không thể thống nhất thành một tập thể đồng
nhất vì nhiều lý do mà ai trong chúng ta cũng đều công nhận là “không đoàn kết”
dù chúng ta cùng có chung một mục đích giống nhau.
Dĩ nhiên, chúng ta không thể chỉ nêu lên những điểm tiêu cực
để chê trách lẫn nhau, bên cạnh đó, rất nhiều nhiều những thành tích, thành quả
rất tích cực của người Việt tha hương đã làm hãnh diện với người dân bản xứ.
Chúng ta thường nghe rằng văn hóa Đông Tây khó có thể hòa hợp,
thế thì liệu con cháu các thế hệ của những người Hoa xa xứ trước kia, người Do
Thái, Nhật, Đại Hàn, người Phi hay người Thái Lan dù dưới hình thức nào khi xa
quê hương có mang về nơi đất Tổ những thành quả cho dân tộc mình chăng? Rồi con
cháu gốc Việt chúng ta về sau sẽ như thế nào với đà tiến hóa của thời đại đang
cố quên những tập tục,những sinh họat có tính cách văn hóa cổ truyền của dân tộc?
Đối với phong trào Hướng
Đạo mà Hướng Đạo Việt Nam nói riêng, từ sau 1975, Anh Chị Em Hướng Đạo khi xa
quê hương đã cố gắng tìm nhau, cố gắng tiếp tục cùng nhau sinh hoạt không chỉ
phát triển Phong trào mà mong muốn tìm đến với nhau để cố gắng gìn giữ những tập
tục, truyền thống không chỉ đối với Phong trào Hướng Đạo Việt Nam mà còn đối với
nền văn hóa dân tộc Việt nữa.
Để thuận tiện cho việc sinh hoạt, ngoài việc ghi danh sinh hoạt
với các quốc gia sở tại, các Trưởng gốc Việt đã cố gắng liên lạc với nhau ngoài
mục đích chia xẻ kinh nghiệm, trao đổi những tin tức giữa các nước qua Hội Hướng
Đạo sở tại, cùng họp mặt trong tình đồng hương nơi xứ người… đã thành lập nên một cơ cấu mang tên “ Hội Đồng
Trung Ương / Hướng Đạo Việt Nam”, nhưng thực ra là “ Ủy Ban Quốc Tế Hướng Đạo
Việt Nam”, nếu nói chính xác, cơ cấu này đúng nghĩa mang tên là “ Ủy Ban Quốc Tế
Hướng Đạo Gốc Việt”.
Có lẽ nhiều người sẽ không đồng ý với người viết, nhưng nếu
chúng ta cố gắng tìm hiểu với các Trưởng kỳ cựu khi đứng ra triệu tập Hội Nghị
Huynh Trưởng Hướng Đạo Việt Nam tại Costa Mesa (California, Hoa Kỳ) vào hè năm
1983, những tư liệu để lại kể cả ngồi tìm hiểu qua các Trưởng còn tại thế … Người
viết cho rằng là mối nút thắt đã tạo cho chúng ta có những ngăn cách trong sinh
hoạt không chỉ đối với ACE Hướng Đạo
trong và ngoài nước mà cho chính ACE Hướng Đạo gốc Việt chúng ta đang sinh hoạt
khắp nơi dưới các Hội Hướng Đạo sở tại, và như vậy, mục đích chúng ta đến với
nhau là vì Phong trào, vì các thế hệ đàn em hay chỉ vì danh xưng Hướng Đạo Việt
Nam mà Hướng Đạo Việt Nam là của ai, tổ chức nào? Có phải chúng ta vì tự ái dân
tộc, tự ti mặc cảm hay bảo thủ trong hoài bảo của những người đi trước mong muốn
đàn em chỉ theo con đường của người đi trước để lại bất kể dưới hoàn cảnh nào?
Danh xưng Hướng Đạo Việt Nam đối với chúng ta vẫn chưa xác định
rõ ràng. Khi nào chúng ta xử dụng cho
đúng nghĩa của danh xưng này? Và ai có quyền xử dụng nó? Người viết xin mạn
phép nêu lên suy nghĩ của mình chỉ mong chúng ta có cái nhìn thực tế hơn.
Lý Nhật Hui
No comments:
Post a Comment