Một Ấu sinh hay một Thiếu sinh
khi gia nhập Phong trào có thể nói chưa hiểu mục đích của mình khi gia nhập, nhất
là em Ấu sinh, vì các em thường được cha mẹ hay người giám hộ bắt đi chứ không có
ý thức việc tham gia sinh họat một cách tự nguyện. Các em Thiếu sinh trước 1975
có thể nói đa số là tự ý xin gia nhập Hướng Đạo vì do bạn bè rủ rê mời gọi, vì thấy
bộ đồng phục hấp dẫn hay vì nhận thấy không khí sinh hoạt vui tươi sinh động của
những nhóm thiếu niên đồng trang lứa hay một đơn vị khi tham gia các chương
trình như cứu trợ, trại, công tác xã hội…Đó là thời gian trong nước trước đây.
Còn ở hải ngoại thì, vì những thực tế sinh hoạt gia đình và xã hội do luật pháp
quy định, một em Thiếu sinh hay một em Thanh sinh vẫn phải do cha mẹ hay người
giám hộ đưa đến để xin gia nhập, các em không thể tự ý ghi danh sinh hoạt. Qua
thực tế kinh nghiệm và quan sát, có thể nói rằng: 50% các em thích sinh họat Hướng
Đạo, số còn lại vẫn ở trong tình trạng “bị” cha mẹ bắt đi sinh hoạt. Điều này,
mặt khác cũng nói lên được khía cạnh tích cực của vấn đề: Đa số phụ huynh đã nhận
thức được sự hữu ích của việc “đẩy” con em mình vào Hướng Đạo.
Thế còn một “người lớn” gia nhập
Phong trào thì sao? Họ có mục đích gì hay không? Chúng ta thử bàn xem những mục
đích đưa họ đến với Phong trào ra sao. Người viết chia làm hai phần: Riêng và
Chung. Dĩ nhiên, khi bàn luận vấn đề này, có thể sẽ làm không hài lòng một số
người. Chỉ mong chúng ta hãy nhìn “cái chung” mà ai ai cũng nhận ra trong lúc sinh
hoạt mà “ tự nguyện” bỏ qua rất nhiều “cái riêng” của mình.
Cái riêng của người người lớn khi
gia nhập, đa phần là vì con của mình. Khi đưa con đến sinh hoạt với một đơn vị
Hướng Đạo, thấy vui, thấy hữu ích và có thời gian, rồi cũng được mời để giúp
chuyện này chuyện nọ cho đơn vị, tức là đã trực tiếp giúp cho con em của mình.
Dần dà, dù cho con em mình đã lớn, đã trưởng thành, họ vẫn tiếp tục con đường
phục vụ vì nhận thấy được “cái chung” là giúp cho Phong trào. Tuy nhiên, vẫn
còn một số nhỏ lại không nhìn thấy được “cái chung” nên đã đưa đến những bất đồng
về phương thức làm việc, thậm chí - cuối cùng đã đưa đến sự bất hòa không chỉ
riêng giữa một số cá nhân người lớn mà còn ảnh hưởng cho cả một tập thể vốn có
tổ chức, có phương pháp.
Hoàn cảnh xã hội càng ngày càng thay
đổi theo đà tiến của sự văn minh tiến bộ, nhất là về phương diện khoa học kỹ
thuật, đã khiến con người lệ thuộc một cách “máy móc” vào cái gọi là “chủ nghĩa
cá nhân” đã vượt lên chiếm lĩnh vị thế hàng đầu khi con người giao tiếp với các
cộng đồng xã hội bên ngoài. Nói cách khác là sự ích kỷ của con người vẫn chiếm
hàng đầu trong mọi hoạt động với suy nghĩ được cho là hết sức thực tế: “nếu chúng ta không được lợi nhuận hay vì không
có mục đích có lợi cho ta thì không lý do gì chúng ta lại dấn thân giúp đỡ người
khác… dù với lợi nhuận nhỏ nhất là sự
bình yên bằng một giấc ngủ vẫn “lợi lộc” hơn là phải bỏ thì giờ để giúp đỡ hay
thực hiện một điều gì đó có phần lợi cho người khác, cho cộng đồng, cho xã hội…
Thông thường chúng ta nghĩ rằng sau
khi bàn luận, sẽ biểu quyết để đến quyết định chung mà hành động. Liệu quyết định
đó có bao gồm lợi ích chung của tập thể hay không? Khi quyền quyết định do một
nhóm người biểu quyết theo ý riêng họ để bảo vệ uy tín hoặc lợi ích của nhóm thì
những lợi ích chung sẽ như thế nào? Chúng ta thử đưa vài ví dụ để mong rằng mọi
người trong chúng ta suy nghĩ, người viết chỉ mong chúng ta suy nghĩ trước khi
biểu quyết, đừng vì quan điểm riêng hoặc lợi ích của nhóm hay cá nhân mà biểu
quyết mang lại hậu quả là không phù hợp với lợi ích chung, ở đây ba chữ “lợi
ích chung” là tập thể con em Hướng Đạo của chúng ta chứ không phải là những
“người lớn” như phụ huynh và Trưởng chẳng hạn…
Sinh hoạt chung: Các trại
họp bạn các cấp, các ngành hay các cuộc họp mặt sinh hoạt chung… Chúng ta đều biết
rằng Hướng Đạo mỗi quốc gia, mỗi khu vực hay ngay cả mỗi đơn vị đều có những
nét sinh hoạt, tập tục và truyền thống riêng. Nếu chúng ta cùng nhau ngồi lại để
bàn thảo một chương trình chung thì chúng ta sẽ bàn thảo việc gì trước tiên? Câu
trả lời là tổ chức nhằm tạo sự sinh hoạt vui chơi học hỏi có ích cho các em. Đúng
vậy, đó là mục đích của những cuộc họp mặt vì “Hướng Đạo Cho Trẻ Em”. Ai cũng
biết “Hướng Đạo Cho Trẻ Em” nhưng khi đi vào chi tiết để bàn luận, liệu chúng
ta có thực sự bàn thảo chung quanh mục đích đó hay đưa ra những điểm có lợi cho
riêng cá nhân, nhóm hay đơn vị của mình? Xin hãy lưu ý điều này để tránh nhầm lẫn
giữa “cái chung” và “cái riêng”.
Tổ chức các buổi lễ: Dĩ
nhiên ban tổ chức có toàn quyền quyết định chương trình buổi lễ, vậy mục đích của
buổi lễ là gì? Lễ trao đẳng thứ? kỷ niệm ngày thành lập? ra mắt đơn vị?… chắc
chắn mục đích chung vẫn là cho các em Hướng Đạo Sinh. Thế mà trên thực tế, nhiều
buổi lễ với những mục đích rất rõ ràng như đã nêu trên đều diễn ra hầu như là
những buổi lễ do người lớn tổ chức với sự hiện diện của nhiều quan khách với những
bài diễn văn trừu tượng, dài thê lê... trong khi các em thì ngồi im lặng để
nghe. Nghe mà chẳng hiểu gì!!! Tại sao các buổi lễ đó lại không do các em tổ chức
và điều hợp dưới sự hướng dẫn của người lớn (Trưởng và phụ huynh)? Nếu các em
có những sai sót thì đó là cơ hội tốt để cho các em học hỏi và sửa chữa. Đó chẳng
phải là những “Bước Đường Đầu” của bài học “Tổ Chức Và Lãnh Đạo” mà các Trưởng
muốn đem đến cho các em hay sao?
Vai trò Trưởng: Mục đích
của công cuộc đào tạo Trưởng là cung cấp những nhà lãnh đạo cho Phong trào với
đầy đủ yếu tố tổ chức lãnh đạo và kỹ thuật chuyên môn. Phương pháp đào tạo thì giống
nhau trên nguyên tắc, nhưng tùy theo khu vực địa lý, truyền thống, tập tục…việc
đào tạo có thể khác nhau ở một số đề mục chuyên biệt. Nhưng không vì tính cách
đặc biệt ấy mà chúng ta quên đi mục đích chung của việc đào tạo là cung cấp người
TRƯỞNG thực sự CHO CÁC EM, cho PHONG TRÀO.
Một trong những phương pháp có
tác dụng nhất của Phong trào là việc “làm gương” của Trưởng, chúng ta không thể
hướng dẫn (nói) với các em một đường nhưng lại hành động một nẽo. Hầu như các
em đều noi theo các Trưởng từ lời nói, hành động và ngay cả đến những cử chỉnhỏ
nhặt. Nếu các Trưởng nói đúng (dĩ nhiên) và hành động đúng thì các em đều có thể
học những bài học thực sự có giá trị thực tiễn “lời nói đi đôi với việc làm”
giúp cho các em thăng tiến trong sinh hoạt Hướng Đạo và trong cả các sinh hoạt
ngoài Hướng Đạo như gia đình, học đường và cộng đồng. Nhưng nếu các Trưởng “nói
một đàng làm một nẻo” thì sự tai hại sẽ mang đến cho Phong trào như thế nào khi
các em truyền đạt lại cho thế hệ kế tiếp những hành động, cử chỉ “không nhất
quán” với lời nói hoặc về những quyết định mang tính riêng của người Trưởng. Ai
sẽ chịu trách nhiệm về hậu quả như thế?
Hướng Đạo Việt Nam hay Hướng Đạo
gốc Việt: Đối với những người Việt rời xa quê hương đất tổ, dù sinh hoạt
tại nơi nào đó trên thế giới có ghi danh với các hội Hướng Đạo sở tại vẫn luôn
nghĩ mình là Hướng Đạo Việt Nam. Trong gần nửa thế kỷ qua tại hải ngoại các thế
hệ nối tiếp đã được các Trưởng trên tiếp tục hướng dẫn và tự hào mình là Hướng
Đạo Việt Nam. Người viết có vài suy nghĩ như sau:
Trở về quá khứ trước 1975, khi Hội
Hướng Đạo Việt Nam còn là hội viên của Tổ chức Hướng Đạo Thế Giới, Đạo Kỳ Hòa
bao gồm Trưởng và đoàn sinh hầu hết người Hoa (thường được gọi là người Việt gốc
Hoa) thì phải gọi như thế nào vào thời điểm đó? Hướng Đạo Trung Hoa? Hướng Đạo
Việt Nam? Hay Hướng Đạo Người Việt Gốc Hoa? Vào năm 1965, Đại Hội Đồng toàn quốc
đã tu chỉnh Lời Hứa Hướng Đạo như sau “ Trung Thành với Tổ Quốc” đã được thay đổi
thành “Trung Thành với Quốc gia”. Điều đó có nghĩa, theo thiển ý là các Hướng Đạo
Sinh đang ở một quốc gia ngoài lãnh thổ quốc gia của mình vẫn hứa “Trung Thành
với Quốc Gia” hiện tại nơi mình đang sống.
Tập Tục hay Truyền Thống:
Đây chính là vấn đề thường được tranh cãi, theo người viết thì giữa tập tục và
truyền thống vẫn không thể lẩn lộn được mặc dù, từ tập tục được xử dụng lâu đời
và phù hợp với những giá trị hiện tại sẽ trở thành truyền thống. Nhưng đã là
truyền thống thì phải là những cái hay cái đẹp chứ không thể gọi là truyền thống
với những điều đã lỗi thời không còn phù hợp với khung cảnh sinh hoạt xã hội
“hiện đại” nữa. Tập tục lỗi thời cần phải bỏ hoặc thay đổi là chuyện đương
nhiên. Khi nói đến truyền thống, nhiều người lại nghĩ rằng không có quyền thay
đổi mặc dù chúng ta đang ở hoàn cảnh không thể áp dụng được. Suy nghĩ đó “hình
như” mâu thuẫn với thực tại đời sống mà
mỗi cá nhân bắt buộc phải thay đổi để hội nhập vào với dòng sống của xã hội thế
kỷ thứ 21.
Lý Nhật Hui
No comments:
Post a Comment