Ban Biên Tập: H K Châu, L N Hui, Ng L Hương, C Ng Cường, Ng C Lâm, Ng Đ Thắng, NTHương

Tuesday, June 20, 2017

MÙA HÈ NĂM ẤY




        Mùa hè đã về trên thị trấn Poole thật dễ chịu với thời tiết trở nên ấm áp hơn. Tuy thế, vào buổi sáng người ta vẫn còn thấy màn sương đục bao phủ cả thị trấn biển cho đến khi những tia nắng từ phương đông rọi xuống dần dần làm tan lớp sương mù như không bao giờ muốn rời bỏ những mái ngói, ngọn cây, những tháp chuông nhà thờ và cả những ngọn đồi cỏ xanh thẫm hoặc những công viên đủ màu sắc của các loài hoa lung linh dưới những tàn cây xanh lá.
            Bầu trời màu xanh dần dần hiện ra trên thị trấn. Những làn  gió mát rượi từ bờ biển phía nam thổi vào các dãy phố có những con đường nhỏ lát đá hoa cương chạy quanh co từ khu phố này qua khu phố khác. Người dân thị trấn đã bắt đầu mở những cánh cửa sổ trên gác để nhìn bâng quơ ra đường vào buổi sáng cuối tuần. Nhiều người đã rời nhà để đi lễ nhà thờ trong những bộ y phục thật chỉnh tề, đẹp đẽ. Các cửa tiệm đều đóng cửa. Chỉ có người đi bộ. Thỉnh thoảng mới thấy vài chiếc xe ngựa lọc cọc  chạy trên đường chở những người thuộc những gia đình giàu có nhắm về phía giáo đường. Hồi chuông đầu tiên rộn rã báo hiệu cho mọi người biết là đã sắp đến giờ hành lễ.
            Trong số những người đang trên đường đến giáo đường, có một người đàn ông tách ra khỏi đám đông để đi ngược về hướng bến phà rồi tìm một chỗ ngồi dành cho những người chờ đợi chuyến phà đầu tiên trong ngày. Người đàn ông đặt cái túi vải nhà binh lớn và chiếc ba lô xuống nền gạch lỗ chỗ màu xám tro. Ông ta đội chiếc nón rộng vành màu kaki sậm của các sĩ quan kỵ binh tiệp màu với bộ quần áo tuy cũ nhưng được ủi rất kỹ. Ông còn có chiếc gậy cầm tay màu nâu sậm do ông làm và giữ như là một báu vật từ đất Phi Châu mang về sau trận chiến với người Boeur tại thành Mafeking. Những người tò mò có thể thấy ở phía trên chiếc gậy có khắc mấy chữ “Mafeking 1899”. Người đàn ông lấy trong túi áo ra một cuốn sổ con rồi cặm cụi ghi chép...


Khoảng mười lăm phút sau ngưới ta thấy hai mươi thiếu niên trạc tuổi mười hai cho đến mười bốn mười lăm, vai đeo ba lô, tay cầm gậy, ăn mặc gọn gàng – quần sọt xanh– áo ngắn tay màu kaki và một chiếc khăn màu xanh lá cây quàng quanh cổ, đầu đội nón berêt màu đen đến từ các hướng khác nhau. Các em  reo mừng khi thấy người đàn ông đã có mặt trên bến phà như đã hẹn. Các em vây quanh ông để chào hỏi. Người đàn ông bắt tay từng em một rồi dặn dò vài điều trước khi hướng dẫn cho các em lên phà. Nắng đã lên cao. Phà tách bến đúng chín giờ ngày hai mươi chín tháng bảy năm một nghìn chín trăm lẻ bảy, trực chỉ Brownsea là hòn đảo lớn nhất trong số tám hòn đảo nằm quanh vùng cảng Poole Harbour của quận hạt Dorset. Gió biển từ phương nam lồng lộng thổi vào những khuôn mặt rạng rỡ của đám thiếu niên. Người đàn ông lại lấy cuốn sổ nhỏ ra để đánh dấu tên từng em có mặt. Những khách qua phà hiếu kỳ hôm ấy hỏi thăm các em đi đâu mà vui thế....và các em đều trả lời... “chúng em đi cắm trại”... Và người đàn ông hướng dẫn các em hôm đó không ai khác hơn là ông Robert Baden Powell, cựu trung tướng trong quân đội hoàng gia Anh. Năm đó ông vừa đúng năm mươi tuổi.
         
 
Ba chiếc lều lớn được dựng lên bên cạnh hồ nước. Ðó là một trong hai hồ nước ngọt thiên nhiên trên đảo. Các em được chia ra làm ba đội để ở trong những chiếc lều trong suốt kỳ trại. Chiếc lều thứ tư là một chiếc lều cá nhân dành cho Robert Baden Powell. Trước khi dựng lều, Baden Powell đã cặn kẽ chỉ cho các em cách thức chọn một chỗ đất khô tốt, xem hướng gió để đặt cửa lều, cách xử dụng các cây gậy và cọc cùng các loại dây thừng để dựng lều với vài loại nút dây căn bản. Lần đầu tiên được nghe và thực hành cách cắm lều, các em đều tỏ ra rất thích thú. Mỗi lều được dựng lên rồi tháo xuống nhiều lần để mỗi em đều có dịp trực tiếp dựng lều của mình. Chung quanh lều được đào rãnh để khi trời mưa có lối thoát nước. Ngày đầu tiên ở trại, các em còn học được nhiều điều mà ở gia đình và trường học các em chưa bao giờ được nghe nói đến. Ðiều thích thú hơn cả là các em được chỉ cho cách làm những cái bếp ngoài trời và tự tay nấu ăn vào buổi chiều hôm đó. Với món xúp thì quá mặn rồi đến món trứng chiên bị cháy, các em vẫn ăn một cách rất ngon lành và hầu như em nào cũng phát biểu là chưa bao giờ các em có một bữa ăn ngon và thú vị đến như thế.


Khi màn đêm buông xuống, hàng vạn vì sao lấp lánh trên bầu trời trong, Robert Baden Powell cùng với hai mươi  thiếu niên ngồi quây quần bên ánh lửa. Sóng biển tứ bề rì rào hòa cùng với tiếng gió từ rừng thông tạo thành một chuỗi âm thanh kỳ diệu của miền hoang dã. Những cánh chim đi kiếm ăn từ phương xa đã kéo nhau về trú đêm trong rừng thông có triền thoai thoải chạy xuống sát với bờ hồ. Ðám thiếu niên ngồi sát lại gần nhau như để tránh màn đêm tối đen đang vây quanh sau lưng. Robert Baden Powell mở đầu để phá tan bầu không khí lạnh lẽo bằng một bài dân ca ngắn của người Tô Cách Lan vào thế kỷ thứ mười tám và sau đó hướng dẫn cho các em cùng hát “...Những người thợ rừng là những Hướng Ðạo, theo dấu chân muôn thú đi khắp nơi, ngủ dưới bầu trời sao và băng qua bao nhiêu thác ghềnh hiểm nguy, vẫn cười vang từ bình minh cho tới hoàng hôn...” Ngọn lửa càng lúc càng bốc cao, hơi ấm đã chuyền vào tận trong tim các em. Rồi từng em một kể chuyện về mình như để làm quen và hiểu nhau hơn sau một ngày sinh hoạt chung. Mỗi em một hoàn cảnh, có một nhận thức riêng về xã hội mà các em đang sống nhưng đêm nay các em đã có cùng một ý nghĩ là “ như anh em một nhà...”.
Các em ngồi nhích lại gần nhau hơn và nhìn nhau bằng những ánh mắt trìu mến. Ba đội lần lượt ra trước vòng lửa để cùng nhau hát hoặc diễn những màn kịch ngắn do cac em sáng tác. Robert Baden Powell cũng trình diễn một màn ảo thuật và một kịch câm khiến cho các em vô cùng thích thú và bò lăn ra mà cười. Cuối cùng, Baden Powell kể cho các em nghe câu chuyện về một thiếu niên có tài quan sát và trí nhớ tuyệt vời tên Kimball O’ Hara trong truyện “ Sách Rừng” của văn hào Rudyard Kipling. Ðó là một cậu bé gan dạ, thông minh, sống lang thang khắp nơi tại miền bắc Ấn Ðộ. Kimball nói và hiểu ngôn ngữ cũng như cách sống của người bản xứ nên đã làm được nhiều điều phi thường trong vai trò trinh sát của mình. Robert Baden Powell cũng kể cho các em nghe về những thiếu niên vui nhộn, hăng hái, can đảm, nhanh nhẹn, tháo vát của thành Mafeking đã đóng góp công lao vào việc giải vây thành khi khi bị quân Boeur bao vây và tấn công vào năm 1899... Mười giờ đêm, sương mù lãng đãng trên mặt hồ, gió cũng lên tiếng hú và tiếng sóng biển đang ì ầm vỗ vào bờ cát xem chừng như triền miên bất tận...Sau lời cầu nguyện, các em lặng lẽ trở về lều để ngủ đêm đầu tiên trên bãi cỏ và dưới bầu trời có ngàn sao lấp lánh...

 

Sáng hôm sau ba em Philippe, Andrew và Brian (*) là ba đội trưởng dẫn ba đội tập họp trước sân cờ và tự điều khiển buổi chào cờ buổi sáng. Trước khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ và không khí trong lành ban mai, tất cả các em và vị huynh trưởng đáng kính đã cảm nhận được thế nào là sự thiêng liêng khi những con người nhỏ bé đứng dưới đất trời mênh mông, bốn bề trên dưới chỉ có trời đất và biển cả chung quanh. Nỗi xúc động hiện rõ trên từng nét mặt của các em. Robert Baden Powell đọc lời cầu nguyện và nói vài lời về Niềm Tin Thượng Ðế.
            Sau khi ăn sáng, các đội tập họp riêng để đặt tên đội và tiếng kêu của đội. Ðó là các đội Mãnh Sư, Bồ Câu và Ðại Bàng. Các em tìm những vỏ cây rừng và lá kết thành những đầu con vật được đặt làm tên của đội. Ngoài ra, các em còn chọn cho đội của mình một bài hát ngắn để hát mỗi khi tập họp chung. Không khí thi đua giữa các đội được thể hiện qua một số trò chơi và các điều học được về chuyên môn trại. Các em đã biết nhóm bếp và làm các món ăn khá hơn ngày hôm trước. Dưới ánh nắng chan hòa của mùa hè quyện với gió biển, nước da các em đã đổi từ màu trắng sang màu nâu. Các em đã đi nhanh hơn, tập họp đúng giờ hơn và không còn vất rác bừa bãi ở chung quanh lều. Các em biết thế nào là yêu thiên nhiên, không chặt đốn những cành cây, không dùng dao để phóng vào các thân cây như một trò chơi. Các em đi nhặt nhạnh những nhánh cây khô đó đây về làm củi nấu nướng. Nước trong uống được đã có sẵn ở hồ và chỉ cần bỏ vào ít thuốc sát trùng và đun sôi là ổn thỏa. Ðêm lửa trại thứ nhì diễn ra rất vui nhộn vì nhiều màn hoạt náo do các em sáng tác để diễn, mô tả các sinh hoạt trong ngày khiến cho Baden Powell rất ngạc nhiên, đánh giá cao tinh thần và khả năng của các em.
           
Những ngày trại kế tiếp, Robert Baden Powell lần lượt tổ chức cho các em các cuộc thám hiểm trên đảo, dạy cho các em về đời sống rừng như thủ công trại, nấu ăn, cứu thương, truyền tin, địa hình địa vật, bơi lội và cấp cứu, thuật ẩn nấp dùng trong các trò chơi lớn, mật mã và các tín hiệu, cách xử dụng bản đồ và la bàn... Robert Badem Powell  hướng dẫn cho các em cách tự luyện rèn tính khí thông qua một số thử thách, phương pháp hàng đội tự trị, học về tinh thần công dân, sự giúp ích, nghệ thuật lãnh đạo và niềm tin tôn giáo...Những trò chơi xen kẽ vào những giờ học  khiến cho các em quên cả mệt nhọc và nhất là không cảm thấy chán.
Robert Baden Powell rất ngạc nhiên và thích thú khi đọc được các tờ tường trình có kèm theo hình vẽ về các cuộc thám du của các đội. Ðội Mãnh Sư có bản tường trình về Brownsea Island như sau: Ðảo được biết đến vào thế kỷ thứ mười bảy khi một nhà tu trì ẩn dật dùng đèn để báo hiệu và dẫn đường cho những chiếc thuyền cập vào đảo. Ðảo có bề dài là 1.50 dặm và bề ngang là 0.75 dặm. Ðến năm 1015 vua Canute đã đặt chân lên đảo lần đầu tiên.Thời vua Henry VIII thì đảo được củng cố và các lâu đài được xây dựng lên như những thành trì kiên cố trong suốt thời kỳ nội chiến. Hệ thống điện được đưa đến đảo cuối thế kỷ 19, sau đó các lâu đài bị cháy  rồi được sửa chữa lại từng phần một. Cũng vào thế kỷ 19, William Waugh đến đảo để khai thác đất sét. Các cơ sở được dựng lên ở phía tây của đảo, một bến tàu và một đoạn đường xe điện cũng được thiết lập. Với tổn phí rất lớn vào thời đó, Waugh đã xây dựng một thánh đường lớn theo kiểu Gothic và được đặt tên là thánh đường St. Mary. Ðội Bồ Câu đúc kết bản tường trình về đời sống hoang dã với những ghi nhận đặc biệt là sự hiện diện của loài Sóc Ðỏ trên đảo với những bộ lông màu đỏ mượt mà, những con diệc màu xám, những chú cò trắng và những đàn chim bồ nông mỏ cong rủ nhau về tụ tập kiếm ăn chung quanh hai hồ nước hoặc trên những dòng suối nhỏ róc rách trong rừng. Những người sống trên đảo đã chỉ cho các em thấy những chú nai ưa phá phách tên là “Sika Deer” cùng những bầy nhạn biển màu xám thường sà xuống kiếm ăn trên nhưng bờ cát mỗi khi mặt trời đã lên cao. Ðội Ðại Bàng thì sưu tầm thực vật, đặc biệt là hai loại cây mọc trên đảo hằng nhiều trăm năm trước như các loại tùng bách thông và đỗ quyên. Các em cũng nhặt những mẩu lá,vỏ và trái của các loại cây trên với những lời ghi chú đầy đủ kèm theo một số hình vẽ. Qua những lần mạo hiểm thám du, các em đã học được rất nhiều điều kỳ diệu về thiên nhiên. Những buổi sáng các em được chiêm ngưỡng cảnh mặt trời hùng vĩ mọc ở phương đông khi các em cùng chạy bộ và tập thể dục trên bãi biển với Robert Baden Powell. Buổi chiều các em lại ngắm nhìn cảnh mặt trời đỏ ối lặn ở phương tây. Buổi tối ngồi dưới bầu trời đầy sao với mảnh trăng nghiêng bên sườn đồi vi vút gió. Ðối với các em, đây là lần đầu tiên trong đời được nhìn thấy những cảnh tượng vô cùng hùng vĩ như thế. Ðiều này cũng đã khiến cho các em suy nghĩ và nhận thức được rằng: Ðã có một Ðấng tạo hóa, một Ðấng toàn năng bao trùm lên trên vũ trụ mênh mông mà các em chỉ là một trong những sinh vật nhỏ bé và vô nghĩa.
            Tình bằng hữu thắm thiết đã nẩy nở giữa các em tự lúc nào chẳng biết. Giờ đây các em sống cùng chung dưới một mái lều, cùng ca hát, cùng đùa chơi, cùng thi đua và cùng học hỏi những điều mà các em chưa hề biết dưới sự chỉ dẫn ân cần trìu mến của vị cựu tướng lãnh tài ba và hiểu rõ tâm lý của các em hơn ngay cả  chính cha mẹ của các em. Các em vô cùng cảm phục khi biết vị huynh trưởng mỗi đêm đã đến lều để xem các em có mặc áo và đắp chăn đủ ấm hay không, sáng dậy hỏi han các em có ngủ được hay không, sức khỏe các em thế nào, có em nào bị ho bị cảm hay không...Các em cũng rất cảm động khi được vị huynh trưởng hỏi thăm về gia đình và việc học hành ở trường của từng em một. Các em nhận được và cũng đã chia sẻ rất nhiều với  các bạn đồng đội.
Trước khi rời trại một ngày, Robert  Baden Powell và hai mươi trại sinh đã cùng nhau đến thánh đường St. Mary trong buổi sáng để tạ ơn và cầu nguyện. Tâm hồn các em thật trong sáng và vui tươi như những tia nắng sớm bình minh trên biển cả trong lành. Các em không che dấu được nỗi buồn khi bước chân ra khỏi thánh đường vì biết mình phải chia tay vào ngày hôm sau. Tối hôm đó, ngày 8 tháng tám, trời đổ sương rất sớm và gió lạnh từ bờ biển phía đông tràn vào, vị huynh trưởng và hai mươi thiếu niên ngồi sát bên nhau quanh vòng lửa. Tiếng reo tí tách của lửa hồng hòa cùng với tiếng gió và tiếng sóng ì ầm tạo thành  một thứ  âm thanh chập chùng hoang dại. Ðêm nay là đêm lửa trại cuối cùng.
Các em đều lắng lòng chờ đợi một điều gì đó có vẻ khác thường. Robert Baden Powell cũng cảm nhận được điều đó. Ông xúc động thật sự. Vài phút yên lặng trôi qua, trong từng trái tim của mỗi em hình như đang nghẹn ngào, chỉ chờ có cơ hội là chúng có thể sẽ òa lên để khóc một cách dễ dàng. Robert Baden  Powell cũng biết điều đó khi ông chưa biết phải nói điều gì để thay cho điều mà ông dự định sẽ nói. Rồi để nhanh chóng phá tan bầu không khí nặng nề, ông đã dõng dạc hát - chậm và trang trọng Bài Ca Chia Tay cổ truyền Anh Cát Lợi. Hai mươi tiếng hát cùng cất theo hòa cùng với tiếng sóng biển tiếng gió ngàn đang vây bủa chung quanh. Dứt bài hát, Robert Baden Powell nói lời cám ơn tất cả các em cùng những lời ngợi khen chân thành vì các em đã cùng ông sống qua những ngày hạnh phúc tuyệt vời nơi khung cảnh thiên nhiên. Các em đã học được nhiều điều bổ ích và ngay cả chính ông, ông cũng đã học được rất nhiều điều nơi thiên nhiên và nơi cả các em. Ông không quên cám ơn Thượng Ðế đã cho tất cả mọi người những ngày vui bình an. Từng em từng em một sau đó bày tỏ cảm tưởng của mình trong suốt mười một ngày ở trại. Nhiều em chỉ nói được vài câu rồi khóc tức tửi vì quá xúc động. Không muốn kéo dài giây phút buồn bã, Robert Baden Powell đứng dậy, các em đứng dậy theo và nắm tay nhau siết chặt như để chuyền cho nhau từng hơi thở của nhịp tim nồng ấm. Họ lặng lẽ trở về lều trong cái lạnh bất thường của đêm hè.
Sáng hôm sau mọi người thu dọn trại để trở về thị trấn Poole bằng chuyến phà đầu tiên trong ngày. Phụ huynh của hai mươi em đã có mặt trên bến phà để đón Robert Baden Powell và các em trong sự hân hoan. Trong suốt thời gian các em dự trại, nhiều phụ huynh cũng không được yên tâm cho lắm. Họ sợ các em bị bệnh, bị lạnh, bị đói, bị tai nạn, bị buồn, bị nhớ nhà...Nhưng Robert Baden Powell đã tường trình vắn tắt đồng thời với những lời kể của các em đã khiến cho phụ huynh mừng vui và ngỏ lời cám ơn Robert Baden Powell. Khi các em cùng với phụ huynh lần lượt rời bến phà, Robert Baden Powell lấy trong túi áo ra cuốn sổ con và vừa cười một mình vừa ghi: “Hôm nay là ngày 9 tháng tám năm 1907 tại bến phà Poole...”
Gần một tuần lễ sau, Robert Baden Powell nhận hai mươi lá thư của các trại sinh đòi ông tổ chức thêm trại, mười bảy lá thư từ các bạn của trại sinh xin ông cho chúng được đi trại trong những lần tới. Ông nhận được nhiều thư của phụ huynh cũng với những yêu cầu như trên. Ông trả lời tất cả những thư đã nhận được. Những thiếu niên kể trên sau đó đều trở thành những Hướng Ðạo Sinh của thiếu đoàn Saint Georges là thiếu đoàn đầu tiên trên đất Anh.
             
Vì nhu cầu đòi hỏi, những tháng cuối cùng của năm 1907, Robert Baden Powell đã dành nhiều thì giờ vào ban đêm để viết cho xong những chương cuối cùng của cuốn Scouting For Boys hầu kịp in và phát hành vào năm sau -1908. Một đêm trong giấc ngủ chập chờn vì làm việc quá mệt, Robert Baden Powell chiêm bao thấy có hàng ngàn hàng vạn Hướng Ðạo Sinh đủ màu da và chủng tộc đang đứng vây quanh ông cười và vẫy tay chào đồng thời hô lớn: “Chúng Tôi Cũng Là Ðoàn Sinh Hướng Ðạo Của Ngài...Chúng Tôi Cũng Là Ðoàn Sinh Hướng Ðạo Của Ngài...”
Hoàng Kim Châu RS
(*)  Trại sinh Brian Evans Lombe sau trở thành sĩ quan trong quân đội với cấp bậc đại tá và là người trại sinh cuối cùng của trại đầu tiên tại Brownsea Island từ trần vào năm 1994 hưởng thọ đúng 100 tuổi.









No comments:

Post a Comment